Nghiên cứu - Trao đổi  

Nâng cao chất lượng nguồn nhân lực đáp ứng yêu cầu đổi mới của thời kỳ hội nhập

Cập nhật ngày 29/03/2021 22:31:51 PM - Lượt xem: 256

HĐND - Nguồn nhân lực (NNL) vấn đề có ý nghĩa quan trọng trong phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội một địa phương. Tại Kỳ họp thứ 3, HĐND tỉnh Điện Biên khóa XIV, năm 2016 đã thông qua Nghị quyết về “Đề án phát triển nguồn nhân lực tỉnh Điện Biên đến năm 2020” là bước đột phá góp phần tích cực vào công cuộc xây dựng địa phương vững mạnh.


Trên cơ sở Nghị quyết của HĐND tỉnh, ngày 07/11/2016, UBND tỉnh ban hành Quyết định số 1416/QĐ-UBND về việc phê duyệt Đề án phát triển NNL tỉnh Điện Biên đến năm 2020. Đề án đã đề ra mục tiêu phát triển với nhiều ý nghĩa quan trọng, trong đó có chỉ tiêu kế hoạch đào tạo nghề cho 8.000 lao động, tạo việc làm cho 8.600 lao động, nâng tỷ lệ lao động đã qua đào tạo lên 52,1%. Theo đánh giá của nội dung đề án, việc nâng cao chất lượng dân số và phát triển nguồn nhân lực (NNL) là một trong những nhiệm vụ trọng điểm của chiến lược phát triển, là chính sách xã hội cơ bản, hướng ưu tiên hàng đầu trong toàn bộ chính sách phát triển kinh tế - xã hội của Đảng và Nhà nước ta khi chuyển sang giai đoạn phát triển công nghiệp hóa - hiện đại hóa với bối cảnh hội nhập, toàn cầu hóa về kinh tế. Đồng thời, Đề án nhấn mạnh việc chú trọng nâng cao chất lượng trình độ học vấn, kỹ năng, chuyên môn của người lao động và nâng cao chất lượng, mở rộng quy mô đào tạo và đầu tư cơ sở vật chất đối với các cơ sở giáo dục và các cơ sở đào tạo nghề trên địa bàn tỉnh.

Trong giai đoạn 2016 – 2020, Đảng bộ tỉnh Điện Biên đã tập trung lãnh đạo, chỉ đạo xây dựng và triển khai các đề án, kế hoạch phát triển NNL. Quan tâm, phát hiện, đào tạo, bồi dưỡng trí thức trẻ, tạo điều kiện để cán bộ, học sinh, sinh viên đi đào tạo, bồi dưỡng nâng cao năng lực, trình độ chuyên môn, đáp ứng yêu cầu của sự nghiệp đổi mới. Theo đó, NNL của tỉnh tăng nhanh về số lượng, đa dạng cơ cấu, cơ bản đáp ứng yêu cầu phát triển. Tỷ lệ lao động qua đào tạo năm 2020 ước đạt 57%, tăng 13,23% so với năm 2015. Tỷ lệ cán bộ, công chức, viên chức có trình độ chuyên môn từ đại học trở lên tăng từ 43,8% (năm 2015) lên 60,6% (tính đến ngày 31/12/2019); trên 95% công chức cấp xã đạt trình độ chuyên môn từ trung cấp trở lên. Qua 4 năm triển khai thực hiện Nghị quyết, toàn tỉnh đã cử trên 85 nghìn lượt cán bộ, công chức, viên chức đi đào tạo, bồi dưỡng. Đến thời điểm hiện tại, cán bộ lãnh đạo, quản lý từ trưởng, phó phòng trở lên có trình độ đại học trở lên đạt trên 90%; cán bộ cấp xã có trình độ văn hóa từ trung học trở lên đạt trên 90%.

Bên cạnh đó, hàng năm Sở Lao động, Thương Binh và Xã hội tỉnh chủ động tham mưu cho UBND tỉnh ban hành các văn bản chỉ đạo, triển khai thực hiện công tác giáo dục nghề nghiệp và giải quyết việc làm trên địa bàn tỉnh, hướng dẫn đôn đốc các huyện, thị xã, thành phố và các cơ sở giáo dục nghề nghiệp tập trung đẩy mạnh nâng cao chất lượng đào tạo nghề gắn với giải quyết việc làm; tập trung chỉ đạo đào tạo nghề cho nông thôn, đào tạo nghề cho các đối tượng đặc thù phù hợp với quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh. Năm 2020, toàn tỉnh giải quyết việc làm mới cho 9.436 lao động, đạt 108,46% kế hoạch.

Tuy nhiên, Điện Biên còn gặp phải một số khó khăn với đặc thù tỉnh miền núi, cơ sở hạ tầng còn hạn chế, đa số là đồng bào dân tộc thiểu số (trên 80%), trình độ học vấn chưa cao. Nguồn lực tài chính phụ thuộc nhiều vào hỗ trợ từ ngân sách Trung ương nên hoàn thiện cơ sở vật chất cho giáo dục đào tạo và y tế còn hạn chế. Bên cạnh đó, do ảnh hưởng bởi phong tục tập quán đã ảnh hưởng đến việc chuyển đổi cơ cấu kinh tế theo hướng hiện đại.

Để nâng cao chất lượng nguồn nhân lực đáp ứng yêu cầu đổi mới của thời kỳ hội nhập, tỉnh cần tiếp kéo dài việc thực hiện “Đề án phát triển nguồn nhân lực tỉnh Điện Biên”, trong đó tập trung thực hiện một trong số các nhiệm vụ trọng tâm đó là: Tăng cường sự lãnh đạo của cấp ủy Đảng, quản lý của chính quyền các cấp, vai trò của MTTQ và các đoàn thể nhân dân đối với phát triển và nâng cao chất lượng NNL. Nâng cao chất lượng, phát triển quy mô giáo dục, đào tạo một cách hợp lý, cân đối giữa các cấp học, giữa giáo dục phổ thông, giáo dục nghề nghiệp và định hướng nghề. Đầu tư nâng cấp, mở rộng quy mô đào tạo đối với các trường chuyên nghiệp và đào tạo nghề trên địa bàn tỉnh. Xây dựng, hoàn thiện hệ thống chính sách phát triển và nâng cao chất lượng NNL; mở rộng, tăng cường phối hợp và hợp tác để phát triển nhân lực, nâng cao trách nhiệm của doanh nghiệp và người lao động trong việc tự đào tạo, bồi dưỡng NNL…

Với sự nỗ lực của các cấp chính quyền trên địa bàn tỉnh, tin tưởng rằng trong những năm tới, NNL tỉnh Điện Biên sẽ tiếp tục có những bước phát triển vượt bậc, góp phần quan trọng trong việc nâng cao đời sống nhân dân và phát triển kinh tế - xã hội của địa phương./.

Trần Hà

 

 


Tin liên quan
Tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh về tăng cường khối đại đoàn kết toàn dân tộc và xây dựng hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh
Đưa chè Shan tuyết Tủa Chùa vươn xa
Răn dạy, trả ơn trâu trong văn hóa Thái
Mường Phăng - khát vọng vươn tới tương lai
Hội đồng nhân dân tỉnh Điện Biên khóa XIV Trách nhiệm, linh hoạt trong thực hiện nhiệm vụ
Ban Dân tộc HĐND nhất trí trình HĐND tỉnh Về chủ trương đầu tư dự án Bảo vệ và phát triển rừng bền vững tỉnh Điện Biên giai đoạn 2021-2025
Đồng chí Lò Văn Phương, Phó chủ tịch HĐND tỉnh chúc tết các đơn vị và gia đình chính sách trên địa bàn huyện Mường Chà
Kỷ niệm 80 năm Ngày Bác Hồ về nước, trực tiếp lãnh đạo cách mạng Việt Nam
Một số quy định mới về việc tổ chức các cơ quan chuyên môn thuộc UBND tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương
Một số giải pháp thực hiện có hiệu quả chính sách hỗ trợ cho học sinh và trường phổ thông ở xã, thôn đặc biệt khó khăn trên địa bàn tỉnh Điện Biên