Nghiên cứu - Trao đổi  

Vai trò lãnh đạo của Đảng đoàn HĐND tỉnh trong đổi mới, nâng cao chất lượng hoạt động của HĐND tỉnh

Cập nhật ngày 27/05/2020 09:30:51 AM - Lượt xem: 256

HĐND - Trong những năm qua, cùng với quá trình xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa, đổi mới phương thức lãnh đạo của Đảng, Đảng đoàn HĐND tập trung lãnh đạo HĐND tỉnh đổi mới, nâng cao chất lượng hoạt động.


Đảng đoàn HĐND là tổ chức Đảng trong HĐND tỉnh do Ban Thường vụ Tỉnh ủy quyết định thành lập; cơ cấu tổ chức gồm có Bí thư, Phó Bí thư và các Uỷ viên, do Ban Thường vụ Tỉnh ủy chỉ định; chịu trách nhiệm trước Tỉnh ủy về các nhiệm vụ được giao theo Quy định số 42-QĐ/TW ngày 03/10/2016 của Ban Bí thư về nhiệm vụ và quan hệ công tác của Thường trực Tỉnh ủy, Thành ủy, Quy chế làm việc của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh và các văn bản quy định về phân cấp quản lý tổ chức và cán bộ của Ban Thường vụ Tỉnh ủy. Có nhiệm vụ lãnh đạo HĐND thực hiện đúng Cương lĩnh chính trị, đường lối, chủ trương, chính sách, nghị quyết, chỉ thị, kết luận của Đảng; liên hệ mật thiết với nhân dân; đề xuất với Tỉnh ủy, Ban Thường vụ Tỉnh ủy về phương hướng, nhiệm vụ, tổ chức, cán bộ và quyết định theo thẩm quyền. Báo cáo xin chủ trương của Tỉnh uỷ về những vấn đề quan trọng ở địa phương có liên quan trước khi đưa ra HĐND bàn bạc, quyết định.

Nhiệm kỳ 2016 – 2021, HĐND các cấp tỉnh Điện Biên được tổ chức và thực hiện nhiều chức năng, nhiệm vụ theo quy định mới của Luật Tổ chức Chính quyền địa phương, Luật hoạt động giám sát của Quốc hội và Hội đồng nhân dân, Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật năm 2015, Luật Đầu tư công và các Văn bản pháp luật liên quan. Đảng đoàn HĐND tỉnh đã bám sát Quy chế làm việc, tập trung lãnh đạo HĐND, Thường trực HĐND tỉnh triển khai quyết liệt, toàn diện khối lượng lớn công việc, nhiều việc khó, nhạy cảm, có những việc lần đầu tiên tổ chức thực hiện (giải trình tại phiên họp Thường trực HĐND, Phát thanh – Truyền hình trực tiếp), có những việc thực hiện theo nhiệm kỳ, do đó hoạt động của HĐND tỉnh đã có sự đổi mới theo hướng phát huy trí tuệ tập thể, dân chủ thảo luận, bàn bạc, tạo sự thống nhất và đã đạt được một số kết quả như:  

Lãnh đạo HĐND tỉnh quyết định và tổ chức triển khai thực hiện tốt chương trình hoạt động cả nhiệm kỳ và hàng năm. Tổ chức thành công 12 kỳ họp HĐND tỉnh đảm bảo đúng quy định của pháp luật và sự lãnh đạo của Tỉnh ủy, đảm bảo trình tự, thủ tục theo quy định của pháp luật; các kỳ họp HĐND tỉnh luôn được cải tiến, đổi mới, phát huy dân chủ, trí tuệ, trách nhiệm của Thường trực HĐND, các Ban HĐND, đại biểu HĐND tỉnh từ chuẩn bị nội dung, tổ chức, điều hành kỳ họp. Tại các kỳ họp, HĐND tỉnh đã thông qua 180 Nghị quyết, các nghị quyết được ban hành đảm bảo đúng quy định của pháp luật, kịp thời thể chế hoá các nghị quyết của cấp ủy Đảng thành các mục tiêu, nhiệm vụ cụ thể trên từng lĩnh vực; cụ thể hóa chế độ, chính sách của Trung ương và đề ra chủ trương, chính sách, quyết định những vấn đề quan trọng của tỉnh trong các lĩnh vực kinh tế - xã hội, đảm bảo quốc phòng - an ninh, thực hiện quyền giám sát, xây dựng chính quyền, quản lý địa giới hành chính, tổ chức cán bộ thông qua hoạt động của HĐND, Thường trực HĐND, các Ban HĐND tỉnh. Xem xét, quyết định biên chế công chức trong cơ quan của HĐND, UBND các cấp; thống nhất chỉ tiêu hợp đồng lao động theo Nghị định 68/2000/NĐ-CP của Chính phủ trong các cơ quan hành chính Nhà nước, đơn vị sự nghiệp công lập; phê duyệt tổng số lượng người làm việc trong các đơn vị sự nghiệp công lập và số lượng người làm việc trong các Hội có tính chất đặc thù thuộc tỉnh Điện Biên hằng năm đảm bảo chỉ tiêu biên chế được Chính phủ và tinh giản biên chế theo tinh thần Nghị quyết số 39-NQ/TW của Bộ Chính trị, Nghị định số 108/2014/NĐ-CP của Chính phủ về tinh giản biên chế, cơ cấu lại đội ngũ cán bộ, công chức.

Định hướng nội dung, kế hoạch giám sát trước khi HĐND, Thường trực HĐND, các Ban của HĐND thông qua chương trình giám sát hàng năm. Trong đó chú trọng tổ chức giám sát tình hình thực hiện các Chương trình mục tiêu, dự án lớn trên địa bàn các huyện; tăng cường hoạt động giám sát thường xuyên, khảo sát của Thường trực HĐND, các Ban HĐND tỉnh. Từ đầu nhiệm kỳ đến nay, HĐND, Thường trực HĐND, các Ban HĐND tỉnh đã tổ chức 29 cuộc giám sát chuyên đề và 30 cuộc giám sát thường xuyên, giám sát việc giải quyết ý kiến, kiến nghị của cử tri, giám sát việc giải quyết các kiến nghị sau giám sát; báo cáo HĐND tỉnh tại kỳ họp kết quả giám sát chuyên đề của HĐND tỉnh, giám sát việc giải quyết kiến nghị của cử tri và trình HĐND thông qua 04 Nghị quyết về kết quả giám sát chuyên đề, 03 Nghị quyết về giám sát việc giải quyết kiến nghị của cử tri; tổ chức 13 cuộc khảo sát về tình hình thực hiện mục tiêu chủ yếu về phát triển kinh tế - xã hội theo Nghị quyết của HĐND tỉnh, việc triển khai thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững trên địa bàn tỉnh, việc thực hiện chính sách, pháp luật của Nhà nước tại các ngành, các cấp, kịp thời kiến nghị với UBND tỉnh bổ sung, điều chỉnh chính sách đảm bảo tính khả thi.

Lãnh đạo Thường trực HĐND tỉnh thống nhất với UBND tỉnh xử lý 162 vấn đề phát sinh, trong lĩnh vực quy hoạch, kế hoạch, kinh tế - ngân sách, thực hiện Chương trình mục tiêu... đảm bảo tiến độ, thời gian, đúng chính sách, pháp luật hiện hành, góp phần thực hiện tốt nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo quốc phòng - an ninh của tỉnh. Tổ chức 04 cuộc giải trình tại phiên họp Thường trực HĐND tỉnh bằng hình thức Hội nghị trực tuyến với HĐND, UBND các huyện, thị xã, thành phố trên địa bàn tỉnh. Hoạt động chất vấn, trả lời chất vấn ngày càng sôi động, thẳng thắn, có chất lượng, các đại biểu đã chất vấn Chủ tịch, các Phó Chủ tịch UBND tỉnh, Chánh án Tòa án nhân dân tỉnh và các thành viên UBND là Giám đốc các sở, ngành. Trong hoạt động chất vấn, Đảng đoàn HĐND đã lãnh đạo Thường trực HĐND lựa chọn, trình HĐND tỉnh xem xét, quyết định nhóm vấn đề đưa ra chất vấn trực tiếp tại kỳ họp, tổ chức truyền hình trực tiếp phiên khai mạc, bế mạc và chất vấn, trả lời chất vấn. Các nhóm vấn đề được HĐND tỉnh lựa chọn chất vấn là những vấn đề quan trọng, còn bất cập, được đông đảo đại biểu HĐND tỉnh, cử tri cũng như dư luận xã hội quan tâm. Việc đổi mới hoạt động chất vấn và trả lời chất vấn thông qua lựa chọn nhóm vấn đề chất vấn và người trả lời chất vấn trực tiếp tại kỳ họp, góp phần tạo sự chuyển biến mạnh mẽ của đại biểu HĐND tỉnh trong việc chủ động nghiên cứu tài liệu, phát hiện nhiều vấn đề, tham gia tích cực, có trách nhiệm; việc tổ chức truyền hình trực tiếp là một trong những phương thức quan trọng để cử tri và nhân dân theo dõi và giám sát các hoạt động của HĐND, của đại biểu HĐND. Qua hoạt động chất vấn và trả lời chất vấn không những chỉ ra những hạn chế, bất cập mà còn thể hiện trách nhiệm của HĐND tỉnh với UBND tỉnh trong việc triển khai các chủ trương, chính sách, thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo quốc phòng, an ninh của tỉnh.

Lê Hoài Nam

Ủy viên Thường trực, Chánh Văn phòng HĐND tỉnh

 

 


Tin liên quan
Một số giải pháp trong việc nâng cao chất lượng ban hành Nghị quyết của Hội đồng nhân dân về kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo quốc phòng - an ninh hàng năm
Một số kết quả đạt đượctrong sắp xếp, tổ chức lại các đơn vị sự nghiệp công lập trên địa bàn tỉnh Điện Biên
Chuẩn bị kịp thời, nghiêm túc để tổ chức thành công Đại hội Đảng bộ Văn phòng HĐND tỉnh lần thứ IV Nhiệm kỳ 2020 - 2025
Đồng hành cùng Nhân dân biên giới
" Bà Loan rừng"
Hiệu quả mô hình trường phổ thông DTBT ở Ðiện Biên
Chính quyền địa phương được đổi mới theo hướng tinh gọn, linh hoạt và hiệu quả
Đề xuất ban hành chế độ phụ cấp cho nhân viên y tế và cô đỡ thôn, bản trên địa bàn tỉnh
Đảng bộ Văn phòng HĐND tỉnh tổ chức sinh hoạt chuyên đề
Kinh nghiệm và giải pháp nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động giám sát của đại biểu Hội đồng Nhân dân tỉnh Điện Biên