Nghiên cứu - Trao đổi  

Vượt mưa lũ đến với cử tri

Cập nhật ngày 23/07/2017 22:04:02 PM - Lượt xem: 256

CTTĐT - Những ngày này, khu vực Tây Bắc đang trong mùa mưa lũ. Mặc dù Trung tâm Khí tượng thủy văn trung ương liên tục cảnh báo nguy cơ sạt lở, lũ quét... nhưng lịch tiếp xúc cử tri của đại biểu đã triển khai, không thể để lỡ hẹn với nhân dân.


Trở lại để cảm ơn

Trong danh sách các điểm tiếp xúc cử tri sau Kỳ họp thứ 3, QH Khóa XIV của Đoàn ĐBQH tỉnh Điện Biên, có Mường Nhé - huyện biên giới xa nhất và khó khăn nhất của tỉnh. Mấy ngày trước khi lên đường, mưa liên tục, nguy cơ sạt lở rất cao. Chánh Văn phòng Đoàn ĐBQH tỉnh gọi điện khắp nơi cập nhật tình hình, may là đường vẫn thông.

Xe xuất phát từ TP Điện Biên Phủ lúc trời hửng nắng, ai cũng nghĩ sẽ có một hành trình thuận lợi. Nhưng mới đi được nửa đường, còn cách Mường Nhé 110 km, trời đổ mưa như trút. ĐBQH Lò Thị Luyến - Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ tỉnh Điện Biên lo lắng, mai mà vẫn mưa thế này, không biết cử tri có đến đông không? Đây là một trong những huyện bà Lò Thị Luyến đi vận động bầu cử năm 2016 và bà áy náy khi hơn một năm qua chưa trở lại để cảm ơn cử tri đã tin tưởng, tín nhiệm bầu mình làm ĐBQH khóa XIV. Bà Luyến đã chuẩn bị cả tình huống phải đi bộ vài kilomet để đến gặp gỡ bà con, vì bà hiểu rằng, mỗi cuộc tiếp xúc cử tri tại địa bàn này không đơn thuần thực hiện chức năng của đại biểu, thông báo kết quả Kỳ họp vừa qua của QH, mà còn là dịp tuyên truyền, phổ biến chính sách pháp luật và động viên, khích lệ đồng bào.

Trong bữa cơm tối với lãnh đạo huyện Mường Nhé, ĐBQH Lò Thị Luyến đã kịp cập nhật tình hình địa phương, đời sống của bà con dân bản. Hai xã mà bà đến tiếp xúc cử tri lần này đều là xã đặc biệt khó khăn, với trên 80% là hộ nghèo. Vì thế, mối quan tâm của cử tri nơi đây chủ yếu là những vấn đề sát sườn như đất sản xuất, điện thắp sáng, nước sinh hoạt, đường giao thông, nhà văn hóa…

Xã Leng Su Sìn cách trung tâm huyện Mường Nhé hơn 30 km. Trụ sở xã là hai dãy nhà lắp ghép bằng gỗ, nối với nhau bằng con đường nhỏ rải đá cuội. Chiếc sân nền đất ở giữa ngập nước do mưa suốt đêm qua. 8h sáng hội trường xã mới chỉ lác đác vài người. Cán bộ xã bảo, đồng bào đang vào vụ cấy. May là 15 phút sau hội trường cũng kín chỗ, thậm chí phải kê thêm ghế. Dân cư ở đây đa số là người dân tộc Mông và người dân tộc Hà Nhì, sống chủ yếu nhờ vào rừng, hầu như không có đất sản xuất. Vì thế, bên cạnh nước sạch cho 2 bản Leng Su Sìn và Suối Voi, kiến nghị của bà con chỉ xoay quanh tiền dịch vụ môi trường rừng, phân định rõ ranh giới giữa các xã để góp phần bảo vệ rừng tốt hơn; đồng thời đẩy nhanh phân loại 3 loại rừng để đồng bào có đất sản xuất, từ đó hạn chế đốt rừng làm nương rẫy…

Nếu xét về khoảng cách tính từ trung tâm huyện, xã Nậm Vì chỉ bằng ½ quãng đường so với Leng Su Sìn, nhưng gần 20 km vào đây phần lớn là đường đất và mùa mưa đi lại cực kỳ khó khăn. Có những đoạn bị sạt lở, sau vài trận mưa nữa không rõ có còn đường đi hay không. Được thành lập từ năm 2009 trên cơ sở tách từ xã Mường Nhé, Nậm Vì có 7 bản thì còn 3 bản hiện chưa có điện lưới quốc gia, địa bàn trải dài, nhiều đoạn không có đường, phải đi men theo suối. Thượng tá Vũ Văn Hiệp, Tổ tăng cường thực hiện Kế hoạch 420 của tỉnh Điện Biên về giải quyết tình trạng phá rừng và di cư tự do tại huyện Mường Nhé, cho biết, những ngày mưa, có cho tiền cũng không dám ra huyện, vì đường trơn trượt, cực kỳ nguy hiểm. Đồng nghiệp ở báo Điện Biên Phủ thì kể, mới hồi tháng 3 vừa qua, anh chứng kiến cảnh một cán bộ xã Nậm Vì mang báo cáo ra huyện nộp, trời mưa, đến nơi, người ướt, báo cáo nhòe nhoẹt, quay về cũng dở, ở lại không xong. Dự án đường giao thông vào trung tâm xã Nậm Vì được triển khai, người dân hy vọng sớm thoát khỏi tình trạng bị chia cắt, nhưng năm 2016 lại chuyển qua 2017, chưa biết bao giờ hoàn thành. Vì thế, cử tri tha thiết đề nghị đẩy nhanh tiến độ dự án, tạo thuận lợi cho nhân dân đi lại, góp phần cải thiện đời sống, nâng cao dân trí.

Những kiến nghị của cử tri, dù đã được đoán trước và chủ yếu thuộc thẩm quyền của cấp xã, nhưng cũng có vấn đề không thể trả lời ngay. Như đề nghị duy trì Kế hoạch 420 của tỉnh Điện Biên về giải quyết tình trạng phá rừng và di cư tự do tại huyện Mường Nhé. Nhờ Kế hoạch này, 7 tổ công tác đã được cử về các xã, giúp ngăn chặn tình trạng phá rừng và di cư tự do. Tuy nhiên, lãnh đạo các xã lo ngại, nếu Kế hoạch kết thúc vào tháng 12 tới như dự kiến, đúng vào mùa khô, nạn phá rừng sẽ lại tiếp diễn. Để có thể kéo dài Kế hoạch này, theo ĐBQH Lò Thị Luyến, tỉnh Điện Biên sẽ phải có tổng kết đánh giá cụ thể, đồng thời cần cân đối ngân sách địa phương. Hay việc bố trí đất sản xuất, trước mắt, các xã phải căn cứ vào tình hình thực tế, bàn bạc với người dân, có văn bản đề nghị cấp trên xem xét, tuyệt đối không được phá rừng làm nương rẫy…

“Kiến nghị có thể không lớn, nhưng nếu không gặp ĐBQH, chưa chắc cử tri đã dám nêu. Và nếu những khúc mắc này không sớm được giải tỏa, niềm tin của cử tri có thể ngày càng giảm sút” - ĐBQH Lò Thị Luyến nói.

Món nợ với đồng bào

Thực hiện chương trình tiếp xúc cử tri để báo cáo kết quả Kỳ họp thứ 3, QH Khóa XIV, ngoài Mường Nhé, các ĐBQH tỉnh Điện Biên còn đến Mường Chà (Phó Trưởng đoàn ĐBQH tỉnh Mùa A Vảng), Mường Ảng, TP Điện Biên Phủ (Phó Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của QH Trần Thị Dung)… Dù điều kiện kinh tế - xã hội khác nhau, nhưng ở đâu cử tri cũng có những kiến nghị thẳng thắn, trách nhiệm, với mong muốn đời sống của đồng bào ngày càng tốt hơn, bản làng ngày càng phát triển.

 

 

ĐBQH Trần Thị Dung (thứ nhất bên phải), Phó Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật tiếp xúc cử tri xã Ẳng Nưa,

huyện Mường Ảng, tỉnh Điện Biên

Đã lâu không trở lại Mường Ảng, dù biết trụ sở các cơ quan hành chính của huyện mới được xây dựng lại, khang trang hơn, nhưng ĐBQH Trần Thị Dung - Phó Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của QH cũng không thu xếp được thời gian vào thăm. Bởi các cuộc tiếp xúc cử tri tại 2 xã Ẳng Nưa và Xuân Lao đều kéo dài, với nhiều ý kiến tâm huyết cùng những kiến nghị bức xúc như đầu ra cho cây cà phê Mường Ảng; công trình thủy điện hạ áp, làm ngập đồng ruộng của nhân dân; chế độ, chính sách đối với người có công, tạo thêm công ăn việc làm cho con em địa phương, làm đường bê tông, kéo điện đến thôn, bản… Kiến nghị nào cũng chính đáng nhưng không thể giải quyết một sớm một chiều.

Mỗi lần đi tiếp xúc cử tri, lắng nghe kiến nghị của bà con, ĐBQH Trần Thị Dung cảm thấy những gì mình đã làm vẫn chưa đủ. Mặc dù đã về công tác nhiệm kỳ thứ 2 tại Quốc hội nhưng lúc nào bà cũng tự hào trưởng thành từ Điện Biên và còn cảm thấy như mắc nợ cử tri nơi đây. Vì thế, trong quá trình góp ý xây dựng luật, bà luôn quan tâm đến những quy định, chính sách đối với đồng bào các dân tộc, với mong muốn điều kiện kinh tế - xã hội khu vực miền núi ngày càng được cải thiện, đời sống của bà con ngày càng được nâng cao. Với những kiến nghị thuộc thẩm quyền của huyện, của tỉnh, bà đề nghị cơ quan chức năng sớm xem xét, giải quyết, để mỗi lần trở lại bà thấy nhẹ lòng hơn./.

Bài và ảnh: Nguyên Anh

 

 

 

 


Tin liên quan
Góp phần vào thành công của kỳ họp
Giám sát việc giải quyết ý kiến, kiến nghị của cử tri: thẳng thắn – trách nhiệm
HĐHD tỉnh Điện Biên: phản ứng kịp thời, tích cực
Từ ý kiến cử tri: Cần sớm khôi phục, tôn tạo di tích Huổi He
Đoàn ĐBQH tỉnh tổ chức Hội nghị lấy ý kiến tham gia vào dự thảo luật
Kỹ năng chất vấn tại kỳ họp
KẾT NỐI SỨC MẠNH MÙA XUÂN
Kỳ họp thứ 4, HĐND tỉnh Điện Biên khóa XIV: Thảo luận các vấn đề trọng tâm, thẳng thắn trong hoạt động chất vấn
Ban Văn hóa - Xã hội HĐND tỉnh họp thẩm tra Báo cáo, Đề án, Dự thảo Nghị quyết trình tại kỳ họp thứ 04 HĐND tỉnh khóa XIV
Kinh nghiệm từ thực tiễn hoạt động nhiệm kỳ 2011 - 2016, để triển khai thực hiện Luật Tổ chức chính quyền địa phương trong nhiệm kỳ 2016-2021 của HĐND các cấp tỉnh Điện Biên