Nghiên cứu - Trao đổi  

Giám sát việc giải quyết ý kiến, kiến nghị của cử tri: thẳng thắn – trách nhiệm

Cập nhật ngày 17/06/2017 16:59:23 PM - Lượt xem: 256

CTTĐT - Xem xét Báo cáo kết quả giám sát việc giải quyết ý kiến kiến nghị của cử tri trước và sau kỳ họp thứ 4, HĐND tỉnh Điện Biên khóa XIV tại phiên họp tháng 6/2017 của Thường trực HĐND tỉnh diễn ra vào sáng 16/6 được đánh giá là rất thẳng thắn và trách nhiệm.


Theo báo cáo kết quả giám sát việc giải quyết ý kiến kiến nghị của cử tri trước và sau kỳ họp thứ 4, HĐND tỉnh Điện Biên khóa XIV của Thường trực HĐND tỉnh, tính đến thời điểm hiện tại, UBND tỉnh Điện Biên đã chỉ đạo, nghiên cứu, giải quyết và có văn bản trả lời 59/59 kiến nghị của cử tri, đạt tỷ lệ 100%, trong đó, có 25/59 kiến nghị (chiếm 42,4%) đã được nghiên cứu, tiếp thu, giải quyết xong, qua giám sát các Ban HĐND tỉnh nhất trí với kết quả giải quyết; 16/59 kiến nghị (chiếm 27,1%), đang nghiên cứu và đã xác định rõ lộ trình giải quyết trong thời gian tới; 14/59 kiến nghị (chiếm 23,7%) đã tiếp thu, sẽ giải quyết trong thời gian tới và 04/59 kiến nghị (7%) thuộc thẩm quyền giải quyết của Trung ương. Nhìn chung, các báo cáo kết quả giải quyết, trả lời kiến nghị cử tri đã đi thẳng vào vấn đề, xác định những nguyên nhân chính dẫn đến những bất cập, hạn chế trong công tác chỉ đạo, điều hành, triển khai thực hiện các chính sách, chương trình, dự án, nhất là khó khăn về nguồn vốn đầu tư, trình tự, thủ tục hành chính theo quy định của pháp luật... trên cơ sở đó, xem xét giải quyết hoặc đề xuất các phương án và biện pháp giải quyết, đồng thời kiến nghị với Quốc hội, Chính phủ, các Bộ ngành Trung ương xem xét, sửa đổi các chính sách, các quy định đã ban hành cho phù hợp với tình hình thực tiễn và bao quát hết các đối tượng được thụ hưởng chính sách. Có những ý kiến, kiến nghị thuộc thẩm quyền giải quyết của nhiều cơ quan, đơn vị, UBND tỉnh đã chỉ đạo các Sở, ngành, địa phương đã quan tâm thực hiện tốt; đáp ứng được yêu cầu, nguyện vọng chính đáng của cử tri và nhân dân các dân tộc trên địa bàn tỉnh. Công tác thông tin, tuyên truyền về kết quả giải quyết kiến nghị của cử ngày càng được quan tâm, thực hiện hiệu quả thông qua các phương tiện thông tin đại chúng, giúp cử tri và nhân dân nắm bắt kịp thời... Tuy nhiên, việc giải quyết, trả lời một số ý kiến, kiến nghị chưa rõ, vẫn còn tình trạng trả lời chung chung, không rõ nội dung, chưa làm rõ nguyên nhân, trách nhiệm, không đưa ra lộ trình và biện pháp giải quyết cụ thể; qua giám sát, các Ban HĐND tỉnh phải yêu cầu báo cáo bổ sung, làm rõ một số vấn đề liên quan như: Dự án xây dựng Trung tâm thi đấu đa năng tại phường Him Lam, thành phố Điện Biên Phủ; công tác đào tạo nghề cho lao động nông thôn, việc sát nhập Trung tâm Giáo dục thường xuyên với Trung tâm dậy nghề cấp huyện triển khai chậm; đề nghị nâng mức hỗ trợ cho cán bộ Bảo lâm xã hợp đồng theo mùa vụ lên hệ số 1,0 lần mức lương cơ sở/người/tháng; tuyến đường phía Tây lòng chảo Điện Biên đầu tư dở dang, không phát huy hiệu quả, không đảm bảo an toàn cho người dân khi tham gia giao thông, đề nghị tỉnh xem xét tiếp tục đầu tư hoàn thành dự án; triển khai thực hiện Quy hoạch tổng thể phát triển Khu du lịch Quốc gia Điện Biên Phủ - Pá Khoang đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030 để khai thác tiềm năng du lịch, góp phần phát triển kinh tế - xã hội; thủy lợi Mồ Pô Khò huyện Mường Nhé chất lượng thi công không đảm bảo theo thiết kế, đưa vào sử dụng một thời gian ngắn thì bị hư hỏng, gây lãng phí tiền đầu tư của nhà nước…

Đông chí Lê Thành Đô, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh phát biểu làm rõ một số ý kiến, kiến nghị của cử tri

tại phiên họp Thường trực HĐND tỉnh.  Ảnh: HL

Tiếp tục nhấn mạnh đến những hạn chế trong việc giải quyết ý kiến kiến nghị của cử tri trong thời gian qua, Thường trực HĐND tỉnh thẳng thắn chỉ ra một số ý kiến, kiến nghị của cử tri chưa được UBND tỉnh chỉ đạo quyết liệt, làm rõ trách nhiệm của người đứng đầu đối với những nội dung có liên quan đến lĩnh vực của ngành, đơn vị, địa phương phải giải quyết hoặc tham mưu cho UBND tỉnh giải quyết như: Việc giải quyết tranh chấp đất đai liên quan địa giới hành chính thuộc xã Ngối Cáy huyện Mường Ảng và xã Mường Khoong huyện Tuần Giáo (kiến nghị nhiều lần); thực hiện việc thanh toán tiền khen thưởng hoàn thành kế hoạch trồng cao su hàng năm cho 03 bản xã Nà Sáy huyện Tuần Giáo (theo hướng dẫn số 918/HDLN-SNN-STN-STC ngày 13/9/2011 của liên ngành Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Sở Tài nguyên và Môi trường, Sở Tài chính)... mà nguyên nhân chủ yếu ở đây là việc thực hiện ý kiến chỉ đạo của UBND tỉnh của một số Sở, ngành, địa phương trong việc tiếp thu, giải quyết, trả lời ý kiến, kiến nghị của cử tri chưa được quan tâm đúng mức, việc kiểm điểm, làm rõ trách nhiệm của người đứng đầu đối với các nội dung thuộc lĩnh vực của đơn vị, địa phương chậm được giải quyết hoặc có sai phạm trong triển khai thực hiện chưa được xử lý nghiêm nên ảnh hưởng ít nhiều đến việc giải quyết các kiến nghị của cử tri liên quan đến trách nhiệm giải quyết của cơ quan, đơn vị mình. Chính vì vậy, Thường trực HĐND tỉnh đã đề nghị UBND tỉnh chỉ đạo các Sở, ngành, cơ quan, đơn vị, địa phương tập trung giải quyết dứt điểm các ý kiến, kiến nghị của cử tri đã xác định được thời gian, lộ trình cụ thể, đặc biệt là các ý kiến, kiến nghị của cử tri liên quan đến nhiều ngành, nhiều lĩnh vực, cần có sự phối hợp giữa các Sở, ngành, địa phương trong việc giải quyết và báo cáo HĐND tỉnh kết quả giải quyết tại kỳ họp cuối năm 2017, đồng thời đề nghị UBND tỉnh chỉ đạo kiểm điểm, làm rõ trách nhiệm của người đứng đầu đối với các nội dung thuộc lĩnh vực của đơn vị, địa phương chậm được giải quyết hoặc có sai phạm trong triển khai thực hiện.

Thông tin thêm về trách nhiệm của Thường trực HĐND tỉnh, các Ban HĐND tỉnh trong thực hiện giám sát việc giải quyết ý kiến kiến nghị của cử tri, Đồng chí Phó Chủ tịch HĐND tỉnh Điện Biên Giàng Thị Hoa cho biết: Thực hiện các quy định trước đây của Luật Tổ chức HĐND và UBND năm 2003 và Quy chế hoạt động của HĐND năm 2005, Thường trực HĐND tỉnh, các Ban HĐND tỉnh cũng đã tổ chức giám sát việc giải quyết các ý kiến, kiến nghị của cử tri nhưng gặp nhiều khó khăn vì thiếu cơ sở pháp lý, tuy nhiên kể từ khi Luật Tổ chức chính quyền địa phương và Luật hoạt động giám sát của Quốc hội và HĐND có hiệu lực thi hành từ năm 2015 đã khẳng định vai trò, trách nhiệm của Thường trực HĐND tỉnh đối với cử tri nhất là việc thông qua giám sát kết quả giải quyết ý kiến, kiến nghị cử tri của UBND tỉnh và chính quyền các cấp. Do đó, thời gian qua, Thường trực HĐND tỉnh đã giao cho các Ban HĐND tỉnh thực hiện chức năng giám sát qua đó phát hiện một số nội dung cử tri đã kiến nghị nhiều lần nhưng chậm được giải quyết, kéo dài, gây phức tạp điển hình như: Việc giải quyết tranh chấp đất đai liên quan địa giới hành chính thuộc xã Ngối Cáy huyện Mường Ảng và xã Mường Khoong huyện Tuần Giáo sau gần 8 năm mới giải quyết xong (bắt đầu từ năm 2008); thực hiện việc thanh toán tiền khen thưởng hoàn thành kế hoạch trồng cao su hàng năm cho 03 bản xã Nà Sáy huyện Tuần Giáo (theo hướng dẫn số 918/HDLN-SNN-STN-STC ngày 13/9/2011 của liên ngành Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Sở Tài nguyên và Môi trường, Sở Tài chính); việc xác định mức hỗ trợ thiệt hại 3 ha lúa năm 2013 bị bồi lấp do thi công trình AD05 và do mưa lũ... vì vậy, việc chậm trễ trong chỉ đạo giải quyết các kiến nghị nêu trên trách nhiệm trước hết thuộc về UBND tỉnh và sau đó là các sở, ngành của tỉnh và chính quyền địa phương có liên quan.

Phát biểu tại phiên họp, Chủ tịch HĐND tỉnh Điện Biên Lò Văn Muôn đã yêu cầu UBND tỉnh và các sở, ngành liên quan giải trình, làm rõ các nội dung đại biểu quan tâm, đồng thời đồng chí cũng yêu cầu các Sở, ngành tỉnh, UBND các huyện, thị xã, thành phố trong thời gian tới cần nâng cao hơn nữa trách nhiệm trong việc tiếp thu, nghiên cứu, giải quyết các ý kiến, kiến nghị của cử tri. Tập trung giải quyết dứt điểm các ý kiến, kiến nghị thuộc thẩm quyền; đối với các ý kiến, kiến nghị thuộc thẩm quyền giải quyết của tỉnh, của trung ương cần nghiên cứu tham mưu, đề xuất các giải pháp cụ thể để tỉnh xem xét giải quyết trong thời gian tới, đảm bảo đúng quy định của pháp luật, đáp ứng được yêu cầu, nguyện vọng của cử tri. Đối với các kiến nghị không có cơ sở, không phù hợp với điều kiện thực tiễn… UBND tỉnh cũng phải làm rõ và trả lời cho cử tri biết. Yêu cầu các Ban HĐND tỉnh, các Tổ đại biểu HĐND và đại biểu HĐND tỉnh cần tăng cường công tác kiểm tra, theo dõi, giám sát việc giải quyết các ý kiến, kiến nghị của cử tri đã được các Sở, ngành tỉnh, các huyện, thị xã, thành phố tiếp thu và tiếp tục giải quyết trong thời gian tới, đảm bảo quyền lợi của người dân, đúng quy định của pháp luật.

Như vậy, theo dự kiến trung tuần tháng 7/2017, HĐND tỉnh Điện Biên sẽ tổ chức kỳ họp thứ 5, HĐND tỉnh khóa XIV, trong đó nội dung báo cáo kết quả giám sát việc giải quyết ý kiến kiến nghị của cử tri trước và sau kỳ họp thứ 4, HĐND tỉnh sẽ được trình tại kỳ họp và HĐND tỉnh sẽ xem xét để ban hành nghị quyết về kết quả giám sát và đề nghị UBND tỉnh có trách nhiệm tổ chức triển khai thực hiện và báo cáo kết quả giải quyết vào kỳ họp cuối năm 2017 trước HĐND và cử tri, nhân dân trong tỉnh. Tin rằng với sự thắng thắn của cơ quan dân cử và trách nhiệm của UBND tỉnh, những ý kiến, kiến nghị của cử tri sẽ được xem xét, giải quyết thỏa đáng trong thời gian tới./.

Quang Lâm

 

 

 

 


Tin liên quan
HĐHD tỉnh Điện Biên: phản ứng kịp thời, tích cực
Từ ý kiến cử tri: Cần sớm khôi phục, tôn tạo di tích Huổi He
Đoàn ĐBQH tỉnh tổ chức Hội nghị lấy ý kiến tham gia vào dự thảo luật
Kỹ năng chất vấn tại kỳ họp
KẾT NỐI SỨC MẠNH MÙA XUÂN
Kỳ họp thứ 4, HĐND tỉnh Điện Biên khóa XIV: Thảo luận các vấn đề trọng tâm, thẳng thắn trong hoạt động chất vấn
Ban Văn hóa - Xã hội HĐND tỉnh họp thẩm tra Báo cáo, Đề án, Dự thảo Nghị quyết trình tại kỳ họp thứ 04 HĐND tỉnh khóa XIV
Kinh nghiệm từ thực tiễn hoạt động nhiệm kỳ 2011 - 2016, để triển khai thực hiện Luật Tổ chức chính quyền địa phương trong nhiệm kỳ 2016-2021 của HĐND các cấp tỉnh Điện Biên
Một nhiệm kỳ hoạt động sôi nổi và hiệu quả
Nâng cao chất lượng công tác thẩm tra các báo cáo, tờ trình, dự thảo nghị quyết trình tại các kỳ họp của HĐND tỉnh