Hoạt động tại các kỳ họp Quốc hội  

Quốc hội thông qua Luật bầu cử đại biểu Quốc hội và đại biểu Hội đồng nhân dân

Cập nhật ngày 25/06/2015 16:22:09 PM - Lượt xem: 252

Sáng 25/6, Quốc hội biểu quyết thông qua Luật bầu cử đại biểu Quốc hội và đại biểu Hội đồng nhân dân với 449 đại biểu tán thành trên tổng số 452 đại biểu tham gia biểu quyết chiếm 90,89%.


 

 

 

Ảnh: Nam Nguyễn

Trước khi tiến hành biểu quyết, Quốc hội đã nghe Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Phan Trung Lý trình bày Báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật bầu cử đại biểu Quốc hội và đại biểu Hội đồng nhân dân.

Theo đó, tiếp thu ý kiến đại biểu Quốc hội, dự thảo Luật đã bổ sung quy định về trách nhiệm của tổ chức kinh tế, đơn vị sự nghiệp trong việc tạo điều kiện để các tổ chức phụ trách bầu cử thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn; làm rõ hơn nguyên tắc làm việc của Hội đồng bầu cử quốc gia và các tổ chức phụ trách bầu cử ở địa phương; bổ sung quy định về việc lập danh sách cử tri đối với người đang chấp hành biện pháp đưa vào cơ sở giáo dục bắt buộc, cơ sở cai nghiện bắt buộc và bổ sung những trường hợp xóa tên hoặc bổ sung tên vào danh sách cử tri; bổ sung nguyên tắc công khai trong vận đồng bầu cử…

Về dự kiến cơ cấu, thành phần người được giới thiệu ứng cử đại biểu Quốc hội, dự thảo Luật xác định có ít nhất 18% tổng số người trong danh sách chính thức những người ứng cử đại biểu Quốc hội là người dân tộc thiểu số và ít nhất 35% tổng số người trong danh sách chính thức những người ứng cử đại biểu Quốc hội là phụ nữ.

Đối với số lượng người được giới thiệu ứng cử đại biểu Hội đồng nhân dân phải bảo đảm có ít nhất 35% tổng số người trong danh sách chính thức những người ứng cử đại biểu Hội đồng nhân dân là phụ nữ và số lượng người ứng cử là người dân tộc thiểu số được xác định phù hợp với tình hình cụ thể của từng địa phương.

 

 

 

Sau khi được tiếp thu, chỉnh lý, dự thảo Luật gồm 10 chương và 98 điều. Luật quy định về nguyên tắc bầu cử, tuổi bầu cử, tuổi ứng cử, trách nhiệm của cơ quan, tổ chức trong công tác bầu cử, dự kiến cơ cấu, thành phần và phân bố đại biểu Quốc hội, đại biểu Hội đồng nhân dân; đơn vị bầu cử và khu vực bỏ phiếu; Hội đồng bầu cử quốc gia và các tổ chức phụ trách bầu cử địa phương; danh sách cử tri; ứng cử và hiệp thương, giới thiệu người ứng cử đại biểu Quốc hội, đại biểu Hội đồng nhân dân; tuyên truyền, vận động bầu cử; nguyên tắc và trình tự bỏ phiếu; việc kiểm phiếu, kết quả bầu cử ở đơn vị bầu cử, bầu cử thêm, bầu cử lại, bầu cử bổ sung; cũng như các quy định về xử lý vi phạm pháp luật về bầu cử và điều khoản thi hành.

Luật bầu cử đại biểu Quốc hội và đại biểu Hội đồng nhân dân có hiệu lực thi hành từ ngày 1 tháng 9 năm 2015 và thay thế Luật bầu cử đại biểu Quốc hội năm 1997 đã được sửa đổi, bổ sung một số điều theo Luật số 31/2001/QH10 và Luật số 63/2010/QH12, Luật bầu cử đại biểu Hội đồng nhân dân số 12/2003/QH11 đã được sửa đổi, bổ sung một số điều theo Luật số 63/2010/QH12.

Bảo Yến

(Nguồn: quochoi.vn)

 


Tin liên quan
Quốc hội thông qua Luật kiểm toán nhà nước (sửa đổi)
Quốc hội thông qua Luật tổ chức chính quyền địa phương
Quốc hội thông qua Luật tổ chức Chính phủ (sửa đổi)
Quốc hội thông qua chương trình hoạt động giám sát năm 2016
Thảo luận ở hội trường về dự án Bộ luật tố tụng dân sự (sửa đổi)
Quốc hội kết thúc phiên chất vấn và trả lời chất vấn
Quốc hội tiến hành phiên chất vấn và trả lời chất vấn
Khai mạc Kỳ họp thứ 9 Quốc hội Khóa XIII
Quốc hội thông qua Luật Mặt trận Tổ quốc Việt Nam (sửa đổi)
Quốc hội thông qua Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2016, điều chỉnh Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh khóa XIII và năm 2015