Hoạt động tại các kỳ họp Quốc hội  

Thảo luận ở hội trường về dự án Bộ luật tố tụng dân sự (sửa đổi)

Cập nhật ngày 22/06/2015 14:05:20 PM - Lượt xem: 206

Sáng 15/6, dưới sự điều hành của Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu, Quốc hội tiến hành thảo luận tại hội trường về dự án Bộ luật Tổ tụng dân sự (sửa đổi).


Tại phiên thảo luận, Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Điện Biên có hai đại biểu tham gia phát biểu:

Đại biểu Dương Ngọc Ngưu: Tham gia về một số vấn đề còn có ý kiến khác nhau trong dự thảo.

Thứ nhất, về quyền yêu cầu tòa bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp, Điều 4, dự thảo luật quy định: Tòa án không được từ chối yêu cầu giải quyết vụ việc dân sự vì lý do chưa có điều luật áp dụng. Tôi tán thành với ý kiến của đồng chí Phạm Xuân Thường đã phát biểu, tôi xin nói rõ thêm.

Thứ nhất, quy định này chưa phù hợp với quy định của việc xây dựng nhà nước pháp quyền "sống và làm việc theo pháp luật" và cũng chưa phù hợp với quy định của Hiến pháp quy định Tòa án nhân dân là cơ quan xét xử của nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam, thẩm phán, hội thẩm xét xử độc lập và chỉ tuân theo pháp luật. Cũng chưa thật phù hợp về việc bảo vệ quyền con người, quyền cơ bản của công dân vì bảo vệ công lý là bảo vệ quyền của các đương sự, không chỉ bảo vệ cho những người có yêu cầu mà thực chất phải bảo vệ tất cả đương sự trong vụ kiện dân sự. Đặc biệt khi xét xử hội đồng xét xử phải căn cứ quy định của pháp luật mới đưa ra những phán quyết đúng người, đúng việc, đúng pháp luật và bảo vệ quyền, lợi ích của cơ quan, tổ chức cá nhân. Chỉ đúng căn cứ pháp luật thì mới xác định được đúng sai và trên cơ sở đó mới là căn cứ để kháng nghị theo trình tự phúc thẩm, giám đốc thẩm và tái thẩm.

Đối với việc dân sự kết quả phán quyết của tòa án bao giờ cũng dẫn đến việc bao giờ một bên cũng thua kiện và một bên sẽ thắng kiện, nếu bảo vệ công lý thì chúng ta phải bảo vệ tất cả các quyền lợi của các đương sự. Nếu không có pháp luật quy định phán quyết không đúng thì ảnh hưởng tới quyền, lợi ích hợp pháp của người bị khiếu kiện. Chúng tôi đề nghị cần phải có quy định của pháp luật thì mới xét xử được, khi không có quy định của pháp luật thì khó xác định được loại việc và thẩm quyền giải quyết của tòa án. Trong dự thảo luật đưa ra căn cứ vận dụng để xét xử các loại việc như án lệ, tập quán áp dụng tương đương và lẽ công bằng nhưng cũng không quy định rõ nội dung áp dụng các vấn đề này như thế nào.

Thứ nhất là về án lệ, từ trước đến nay tòa án chỉ căn cứ vào Hiến pháp và pháp luật để xét xử các vụ án cho nên không có loại án lệ về các loại việc chưa có quy định của pháp luật. Hiện nay chúng ta cũng chưa quy định án lệ là nguồn của luật. Mặt khác, tòa án không có chức năng lập pháp và không có chức năng giải thích pháp luật cho nên tòa án cũng không thể đặt ra các nội dung xét xử khi pháp luật chưa quy định để xét xử, việc này sẽ phụ thuộc chủ yếu vào nhận thức và ý chí của thẩm phán cũng như Hội đồng xét xử nên rất khó xác định đúng, sai và rất khó xác định được trách nhiệm khi phán quyết không đúng pháp luật. Do vậy, chúng tôi đề nghị án lệ không thể vận dụng được. Về tập quán, đồng chí Phạm Xuân Thường đã phát biểu, tập quán, tập tục ở các địa phương khác nhau, ở các dân tộc khác nhau, hiện nay đã có các cơ chế giải quyết bằng các trung tâm hòa giải, hòa giải cơ sở, già làng, trưởng bản, các tổ chức xã hội v.v... Chúng tôi thấy như thế là phù hợp.

Về áp dụng tương đương và lẽ công bằng cũng rất khó xác định thế nào là lẽ công bằng, thế nào là tương đương. Nếu tương đương đã quy định thành nội dung thì đấy là có quy định của pháp luật. Để giải quyết vấn đề này, chúng tôi đề nghị các cơ quan tòa án, các cơ quan có trách nhiệm hữu quan cần rà soát xem có những vấn đề gì phát sinh trên thực tiễn để kiến nghị, bổ sung vào luật hoặc kiến nghị để cơ quan có thẩm quyền quy định các thẩm quyền cụ thể cho các cơ quan giải quyết. Khác hẳn với các giải quyết về án hành chính trước đây là chỉ quy định một số nhóm các hành vi hành chính, quyết định hành chính do tòa án giải quyết.  Đất đai chưa có sổ hồng, sổ đỏ thì do Ủy ban nhân dân giải quyết, đấy là đã có quy định của pháp luật. Trong quá trình thực tiễn áp dụng pháp luật chúng ta không áp dụng đầy đủ nên dẫn đến đùn đẩy trách nhiệm cho nhau, không phải pháp luật không quy định, khác hẳn với những vấn đề chưa được pháp luật quy định.

Thứ hai, tôi không tán thành với việc bổ sung phiên họp để kiểm tra, giao nộp, tiếp cận và công khai chứng cứ tại phiên tòa sơ thẩm với các thành phần tham dự như là một phiên tòa trù bị sẽ khó tổ chức đầy đủ các thành phần và làm kéo dài thời gian tố tụng và không có hiệu quả, không đáp ứng được nguyên tắc xét xử là các chứng cứ được xem xét, đánh giá công khai, đầy đủ, khách quan toàn diện và tranh tụng tại phiên tòa, tòa chỉ căn cứ trên các diễn biến tại phiên tòa để ra những phán quyết. Các nội dung này được thể hiện theo quy định của nguyên tắc tranh tụng trong xét xử được bảo đảm.

Về đảm bảo nguyên tắc tranh tụng trong tố tụng dân sự, theo quy định của Hiến pháp năm 2013 và Luật tổ chức Tòa án nhân dân năm 2014 đã có hiệu lực pháp luật quy định: "Nguyên tắc tranh tụng trong xét xử được bảo đảm". Chúng tôi cho rằng nguyên tắc tranh tụng này không chỉ ở tại phiên tòa mà bao gồm tất cả các giai đoạn xử lý một vụ án dân sự từ giai đoạn lập hồ sơ, cung cấp chứng cứ, thu thập chứng cứ. Cho nên vấn đề này cũng cần phải làm rõ các giai đoạn trong tranh tụng, chủ thể tranh tụng, biện pháp tranh tụng và quá trình tranh luận, đối đáp, thứ tự xét hỏi tại phiên tòa, v.v... cần phải làm rõ trong dự án luật này. 

Đại biểu Vi Thị Hương: Tham gia về áp dụng án lệ trong hoạt động xét xử quy định tại Điều 21; về sự tham gia của Viện kiểm sát nhân dân đối với phiên tòa, phiên họp giải quyết vụ việc dân sự; về thẩm quyền của Hội đồng xét xử giám đốc thẩm; về áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời không gắn với việc khởi kiện quy định tại Điều 108; về việc bổ sung phiên họp kiểm tra việc giao nộp tiếp cận và công khai chứng cứ tại phiên tòa sơ thẩm như sau:

Thứ nhất, về áp dụng án lệ trong hoạt động xét xử, tại Điều 21 dự thảo quy định. Khi xét xử thẩm phán, Hội thẩm nhân dân nghiên cứu áp dụng án lệ dân sự để giải quyết các vụ việc có nội dung tương tự. Trường hợp không áp dụng án lệ phải nêu rõ lý do. Theo tôi quy định như vậy là phù hợp với quy định của Luật tổ chức Tòa án nhân dân, Quốc hội vừa thông qua, theo đó Hội đồng thẩm phán Tòa án nhân dân có thẩm quyền lựa chọn quyết định giám đốc thẩm của Tòa án nhân dân tối cao, bản án quyết định đã có hiệu lực pháp luật, có tính chuẩn mực của các Tòa án tổng kết phát triển thành án lệ và công bố án lệ để các Tòa án nghiên cứu áp dụng trong xét xử.

Hiện nay Quốc hội đang xem xét, cho ý kiến đối với dự thảo Bộ luật tố tụng dân sự (sửa đổi), Bộ luật tố tụng hình sự (sửa đổi) và Luật tố tụng hành chính (sửa đổi). Do vậy, việc quy định nguyên tắc chung áp dụng án lệ, tại mỗi dự án luật là hoàn toàn hợp lý. Tuy nhiên, cần có sự phối hợp giữa các cơ quan chủ trì, cơ quan thẩm tra của mỗi dự án luật để có sự thống nhất trong nội dung, cần quy định rõ trong các dự án, dự thảo Luật tố tụng về việc giao cho Hội đồng thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao quy định cụ thể về tiêu chí, điều kiện trở thành án lệ, trình tự thủ tục công nhận án lệ, cách thức để các Tòa án nhân dân áp dụng án lệ, đảm bảo án lệ chỉ hình thành khi có một quan điểm pháp lý mới, đối với vấn đề mà nguồn văn bản vi phạm, chưa quy định hoặc quy định chưa rõ ràng, không nên quy định những vấn đề mang tính nội dung cụ thể trở thành án lệ, các trường hợp như thế nào thì không được áp dụng án lệ và khi có sự thay đổi án lệ thì có áp dụng hồi tố hay không cũng cần phải quy định rõ.

Thứ hai, về sự tham gia của Viện kiểm sát nhân dân đối với phiên tòa, phiên họp giải quyết vụ việc dân sự, tôi tán thành với phương án I và cũng là  ý kiến đa số của Ủy ban tư pháp là: Viện kiểm sát nhân dân tham gia các phiên tòa sơ thẩm, đối với những vụ án đối tượng tranh chấp là tài sản công, lợi ích công cộng hoặc có đương sự là người chưa thành niên, người có nhược điểm về thể chất tâm thần, Viện kiểm sát nhân dân tham gia phiên tòa phúc thẩm đối với các vụ án mà Viện kiểm sát tham gia phiên tòa sơ thẩm và những vụ án mà Viện kiểm sát kháng nghị phiên họp giám đốc thẩm, tái thẩm. Vì Viện kiểm sát nhân dân là cơ quan kiểm sát việc tuân theo pháp luật trong hoạt động tư pháp, trong đó có nội dung kiểm soát hoạt động xét xử của tòa án. Tuy nhiên, trong tố tụng dân sự cũng vẫn phải giữ vững nguyên tắc là các đương sự có quyền thỏa thuận và định đoạt và đương sự có quyền thỏa thuận, kể cả khi mở phiên tòa xét xử vẫn có quyền tự thỏa thuận. Ở các phiên tòa sơ thẩm, chưa xét xử kiểm sát viên đã có ý kiến đề xuất xét xử là không đúng, chỉ nên có ý kiến đề xuất sau khi tòa án đã xét xử sơ thẩm.

Thứ ba, về thẩm quyền của Hội đồng xét xử giám đốc thẩm. Trong giai đoạn hiện nay nên cho Hội đồng giám đốc thẩm có thẩm quyền xử án. Vì trong thời gian qua, Hội đồng giám đốc thẩm chỉ có thẩm quyền hủy án dẫn đến có những bản án chỉ sai về thủ tục tố tụng nhưng không ảnh hưởng nghiêm trọng đến quyền là lợi ích hợp pháp của các đương sự. Nhưng vì Hội đồng giám đốc thẩm không có thẩm quyền xử án cho nên phải hủy án. Điều này không những không giải quyết được quyền lợi cho người dân mà còn ảnh hưởng đến việc tái bổ nhiệm của thẩm phán. Trong một nhiệm kỳ, một thẩm phán bị xem xét tạm dừng tái bổ nhiệm nếu có tỷ lệ án bị hủy, bị sửa cao hơn 1,16% trên tổng số vụ án đã xét xử.

Hơn nữa, Hội đồng giám đốc thẩm có quyền sửa một phần hoặc toàn bộ bản án quyết định của tòa án đã có hiệu lực pháp luật khi xét thấy cần thiết nhằm giúp cho việc giải quyết vụ án không quay vòng nhiều và không gây tốn kém nhiều về chi phí và thời gian của đương sự cũng như của nhà nước. Việc quy định bổ sung thẩm quyền này của Hội đồng giám đốc thẩm sẽ bảo đảm cho việc giải quyết vụ án có điểm dừng và tạo cơ sở cho việc ban hành án lệ. Bảo đảm áp dụng thống nhất pháp luật trong xét xử. Hội đồng thẩm phán tòa án nhân dân tối cao có thẩm quyền lựa chọn quyết định giám đốc thẩm của Hội đồng thẩm phán tòa án nhân dân có tính chuẩn mực của các tòa án. Tổng kết phát triển thành án lệ và công bố án lệ để các tòa án nghiên cứu áp dụng trong xét xử, quyết định giám đốc thẩm của Hội đồng thẩm phán tòa án nhân dân nếu sửa thì quyết định đó không chứa đựng nội dung hủy án mới chứa đựng nội dung.

Thứ tư, về áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời không gắn với việc khởi kiện quy định tại Điều 108. Tôi cho rằng hiện nay trình độ dân trí nước ta đặc biệt ý thức chấp hành pháp luật chưa tốt, do hệ thống đăng ký tài sản chưa thống nhất tập trung một đầu mối cho nên thông tin giao dịch về tài sản thiếu độ tin cậy. Có thể đương sự có ý thức về quy định, chế tài khi người đó yêu cầu áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời sai thì khả năng đương sự yêu cầu hủy áp dụng biện pháp mà mình đã yêu cầu trước đó cũng không phải là nhỏ. Nhiều nơi, nhất là những tỉnh vùng sâu, vùng xa, đất đai cũng chưa được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, hay giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cũng chưa đúng với số đất thực tế đã nêu với diện tích ở trong giấy chứng nhận quyền sử dụng đó. Vì vậy, theo tôi trước mắt cũng chỉ nên áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời không gắn với việc khởi kiện giới hạn ở một số lĩnh vực nhất định mà đã được áp dụng ở trên thực tế.

Thứ năm, về việc bổ sung phiên họp kiểm tra việc giao nộp tiếp cận và công khai chứng cứ tại phiên tòa sơ thẩm. Tôi tán thành về sự cần thiết bổ sung quy định về việc mở phiên họp, kiểm tra việc giao nộp tiếp cận và công khai chứng cứ trong dự thảo Bộ luật tố tụng dân sự. Đây là phương thức để các đương sự được tiếp cận tất cả các tài liệu chứng cứ của vụ án, trao đổi chứng cứ, bổ sung tài liệu chứng cứ nếu có và xác nhận những chứng cứ đã giao nộp để chuẩn bị cho việc tranh tụng tại phiên tòa. Đề nghị triệu tập người làm chứng hoặc người tham gia tố tụng khác nếu có, xác nhận những yêu cầu tòa án giải quyết cũng như những nội dung mà các đương sự đã thống nhất được với nhau. Về vấn đề này cũng có ý kiến cho rằng quy định về việc mở phiên họp kiểm tra việc giao nộp tiếp cận và công khai chứng cứ là không cần thiết và sẽ làm kéo dài thời hạn giải quyết vụ án. Tuy nhiên, chứng cứ là căn cứ quan trọng nhất để tòa án xem xét quyết định việc giải quyết vụ án, chứng cứ có thể nói nút thắt để tháo cho một vụ án. Việc các bên đương sự này biết rõ được chứng cứ do bên đương sự kia cung cấp là điều kiện để họ thực hiện tranh tụng tại phiên tòa và cũng góp phần để khi xét xử tòa án giải quyết vụ án một cách minh bạch, khách quan, công bằng và không bị kéo dài do phát sinh những chứng cứ mới, những tình tiết mới.

Ở những nước áp dụng mô hình tố tụng, tranh tụng trong quá trình tòa án giải quyết vụ án, pháp luật của các nước này đều có quy định về các phiên tranh luận về chứng cứ trong một thời gian rất dài trước khi mở phiên xét xử để đưa ra phán quyết cuối cùng. Ở nước ta là quốc gia theo truyền thống tố tụng thẩm vấn, nhưng cũng cần xác định tiếp thu những ưu điểm của mô hình tố tụng, tranh tụng nhằm nâng cao tính công khai, minh bạch, dân chủ trong xét xử. Bởi vậy, tôi cho rằng quy định về phiên họp này là một trong những nội dung cụ thể hóa quy định Hiến pháp năm 2013 về nguyên tắc tranh tụng trong xét xử được đảm bảo.

BBT

 


Tin liên quan
Quốc hội kết thúc phiên chất vấn và trả lời chất vấn
Quốc hội tiến hành phiên chất vấn và trả lời chất vấn
Khai mạc Kỳ họp thứ 9 Quốc hội Khóa XIII
Quốc hội thông qua Luật Mặt trận Tổ quốc Việt Nam (sửa đổi)
Quốc hội thông qua Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2016, điều chỉnh Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh khóa XIII và năm 2015
Luật hoạt động giám sát của Quốc hội và Hội đồng nhân dân tiếp tục nâng cao hiệu quả hoạt động giám sát của các cơ quan dân cử
KỲ HỌP THỨ 8, QUỐC HỘI KHÓA XIII SẼ QUYẾT ĐỊNH NHIỀU VẤN ĐỀ QUAN TRỌNG
LỘ TRÌNH TĂNG THUẾ TIÊU THỤ ĐẶC BIỆT ĐỐI VỚI THUỐC LÁ PHẢI NHANH HƠN
Hôm nay (20-5), khai mạc kỳ họp thứ bảy, Quốc hội khóa XIII
Bế mạc Hội nghị 9 Ban chấp hành Trung ương Đảng khóa XI