
Đồng chí Giàng Thị Hoa, Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch HĐND tỉnh phát biểu tại buổi làm việc với UBND tỉnh.
Theo báo cáo của Đoàn giám sát, trong giai đoạn 2021-2024, toàn tỉnh đã triển khai xây dựng mới và nâng cấp 64 công trình cấp nước sinh hoạt với tổng kinh phí đầu tư trên 153 tỷ đồng. Hiện nay, trên địa bàn tỉnh có 1.048 công trình cấp nước tập trung tại khu vực nông thôn và 9 nhà máy nước sạch đô thị đang hoạt động. Tính đến cuối năm 2024, tỷ lệ hộ dân nông thôn sử dụng nước hợp vệ sinh là 92,86%, vượt mục tiêu đề ra đến năm 2025 là 7,86 điểm %; trong đó, tỷ lệ hộ dân nông thôn được tiếp cận nước sạch theo quy chuẩn kỹ thuật quốc gia đạt 14,62%, cao hơn 4,62 điểm % so với kế hoạch. Khu vực đô thị, 99,8% dân cư được cung cấp nước sạch.
Bên cạnh những kết quả đạt được, quá trình thực hiện chính sách, pháp luật về đầu tư, quản lý và cung cấp nước sinh hoạt trên địa bàn tỉnh vẫn còn nhiều tồn tại, hạn chế, khó khăn, thách thức: Trong tổng số 1.048 công trình cấp nước tập trung tại nông thôn, có 199 công trình đã ngừng hoạt động (chiếm 19%) do xuống cấp hoặc hết niên hạn sử dụng nhưng chưa được các địa phương hoàn tất thủ tục thanh lý theo quy định; có 237 công trình hoạt động kém hiệu quả (chiếm 22,6%) do thiếu kinh phí bảo trì, sửa chữa; nhiều hệ thống cấp nước ở khu vực nông thôn chưa khai thác hết công suất thiết kế; nguồn thu từ dịch vụ nước sạch còn thấp, việc mở rộng khách hàng và cân đối thu, chi để vận hành, duy tu, bảo dưỡng gặp khó khăn; công tác quản lý, vận hành công trình tại nhiều cơ sở còn bất cập.
Tại buổi làm việc, Đoàn giám sát cùng lãnh đạo UBND tỉnh, các sở, ngành, đơn vị đã thảo luận, làm rõ thêm những nội dung tồn tại, nguyên nhân và trách nhiệm của các cơ quan, đơn vị liên quan; đồng thời đề xuất một số giải pháp, nhiệm vụ cấp thiết nhằm khắc phục khó khăn, tháo gỡ vướng mắc trong thời gian tới.

Đồng chí Lò Văn Cương, Tỉnh ủy viên, Phó Chủ tịch UBND tỉnh phát biểu làm rõ một số nội dung tại buổi làm việc.
Thống nhất tại buổi làm việc, đồng chí Giàng Thị Hoa, Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch HĐND tỉnh ghi nhận, đánh giá cao kết quả đạt được và sự nỗ lực của UBND tỉnh, các sở, ngành, chính quyền địa phương và các đơn vị trong việc cải thiện điều kiện cung cấp nước sinh hoạt cho người dân. Để khắc phục những tồn tại, hạn chế, giải quyết các khó khăn, vướng mắc, thực hiện mục tiêu, lộ trình của Trung ương, của tỉnh về cấp nước sạch và vệ sinh nông thôn đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045, đề nghị UBND tỉnh: Chỉ đạo thực hiện thanh lý các công trình cấp nước đã xuống cấp, không còn sử dụng được, hoàn thành trước thời điểm sắp xếp chính quyền địa phương hai cấp; bàn giao 07 công trình nước sạch trên địa bàn huyện Điện Biên hiện do Công ty Cổ phần Cấp nước Điện Biên đang khai thác về Trung tâm Kỹ thuật nông nghiệp, Tài nguyên và Môi trường để quản lý, vận hành theo đúng quy định; tiếp tục huy động, sử dụng hiệu quả các nguồn vốn từ chương trình mục tiêu quốc gia, vốn ODA và các nguồn hợp pháp khác để đầu tư, nâng cấp hệ thống cấp nước, đặc biệt tại các khu vực khó khăn; đảm bảo nguồn kinh phí cho công tác duy tu, bảo dưỡng các công trình hiện có; nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước trong lĩnh vực cấp nước sạch; tiếp tục tuyên truyền, nâng cao ý thức, trách nhiệm của người dân trong việc bảo vệ công trình, nguồn nước và sử dụng tiết kiệm, hiệu quả; ứng dụng khoa học - công nghệ trong quản lý, khai thác và xử lý nước, mở rộng phạm vi cung cấp nước sạch đạt quy chuẩn kỹ thuật; tăng cường các biện pháp bảo vệ công trình, chống thất thoát nước; nghiên cứu xây dựng các chính sách đầu tư và cơ chế quản lý, vận hành công trình sau đầu tư tại các vùng khan hiếm nước, vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi./.
Tin, ảnh: Đức Phúc