Tin tức & sự kiện  

Đại biểu Quốc hội tỉnh tham gia ý kiến vào Dự án Luật Cảnh sát cơ động và Dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Sở hữu trí tuệ

Cập nhật ngày 21/10/2021 23:38:14 PM - Lượt xem: 186

HĐND - Chiều 21/10, Quốc hội thảo luận ở tổ về Dự án Luật Cảnh sát cơ động và Dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Sở hữu trí tuệ. ​Qua nghiên cứu hai Dự án Luật, các vị ĐBQH tỉnh Điện Biên nhất trí cao với sự cần thiết phải ban hành luật theo tờ trình của Chính phủ và các báo cáo thẩm tra.


Đối với Dự án Luật Cảnh sát cơ động, đã có 4/4 đại biểu phát biểu tham gia ý kiến vào một số nội dung cụ thể như: Vị trí, chức năng, quyền hạn, hệ thống tổ chức của Cảnh sát cơ động; Nghĩa vụ và trách nhiệm của cán bộ, chiến sĩ Cảnh sát cơ động; Việc huy động người, phương tiện, thiết bị của Cảnh sát cơ động trong thi hành nhiệm vụ; Việc tuyển chọn công dân vào Cảnh sát cơ động…

Đối với Dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Sở hữu trí tuệ, đại biểu Nguyễn Văn Thắng và đại biểu Lò Thị Luyến cho rằng, Luật Sở hữu trí tuệ được ban hành từ năm 2005, đã qua hai lần sửa đổi, bổ sung vào năm 2009 và 2019, tuy nhiên, trong bối cảnh thực tiễn hiện nay đã có nhiều thay đổi. Sở hữu trí tuệ là yếu tố quan trọng để thúc đẩy kinh tế - xã hội phát triển vì tài sản trí tuệ có giá trị lớn trong nền kinh tế tri thức, là nguồn lực cho phát triển sản xuất kinh doanh và là công cụ cạnh tranh hiệu quả của doanh nghiệp và nền kinh tế. Bên cạnh đó, quá trình hội nhập kinh tế sâu rộng hiện nay với việc Việt Nam tham gia nhiều cam kết quốc tế hướng đến việc nâng cao đáng kể mức độ bảo hộ và thực thi quyền sở hữu trí tuệ, điển hình là Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) và Hiệp định thương mại tự do giữa Việt Nam và Liên minh châu Âu (EVFTA). Những cam kết quốc tế này đòi hỏi việc nội luật hóa thông qua sửa đổi, bổ sung Luật Sở hữu trí tuệ.

Về các nội dung của Dự thảo luật, đại biểu Lò Thị Luyến đề nghị Ban soạn thảo nghiên cứu, xem xét các quy định về việc thực hiện các quyền nhân thân và tài sản của đồng tác giả; Việc kiểm soát an ninh đối với sáng chế trước khi đăng ký ra nước ngoài; Ý kiến của người thứ ba về việc cấp văn bằng bảo hộ và phản đối đơn đăng ký sở hữu công nghiệp và việc đền bù cho chủ sở hữu sáng chế vì sự chậm trễ trong việc cấp phép lưu hành dược phẩm. 

Đối với nội dung về quyền đăng ký sáng chế, kiểu dáng công nghiệp, thiết kế bố trí là kết quả của nhiệm vụ khoa học và công nghệ sử dụng ngân sách nhà nước, Chính phủ trình Quốc hội hai phương án, đại biểu Nguyễn Văn Thắng đề nghị lựa chọn phương án 1 quy định tổ chức chủ trì nghiên cứu có quyền đăng ký sáng chế, kiểu dáng công nghiệp, thiết kế bố trí (là kết quả của nhiệm vụ KH&CN sử dụng ngân sách nhà nước) và có quyền sở hữu sáng chế, kiểu dáng công nghiệp, thiết kế bố trí khi được cấp văn bằng bảo hộ, trừ các đối tượng thuộc lĩnh vực quốc phòng, an ninh vẫn do các cơ quan nhà nước thực hiện đăng ký. Việc giao cho tổ chức chủ trì có quyền đăng ký sáng chế thì mới có thể đưa sáng chế vào cuộc sống và khuyến khích, thúc đẩy việc nghiên cứu, phát minh ra sáng chế khoa học và công nghệ. Nội dung về xử phạt vi phạm hành chính đối với các hành vi xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ, đại biểu đề nghị lựa chọn Phương án 2 đó là giữ nguyên quy định của pháp luật hiện hành (điểm a khoản 1 Điều 211 quy định xử phạt vi phạm hành chính đối với hành vi xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ gây thiệt hại cho tác giả, chủ sở hữu, người tiêu dùng hoặc cho xã hội). Theo đó, áp dụng biện pháp xử phạt hành chính đối với tất cả các hành vi xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ, vì các hiệp định thương mại quốc tế quy định rất rõ trong việc kiểm soát liên quan đến hành vi vi phạm sở hữu trí tuệ. Nếu theo Phương án 1 quy định biện pháp xử phạt hành chính chỉ áp dụng đối với các hành vi xâm phạm quyền tác giả, quyền liên quan, nhãn hiệu, chỉ dẫn địa lý, giống cây trồng; các hành vi xâm phạm quyền đối với sáng chế, kiểu dáng công nghiệp, thiết kế bố trí, tên thương mại, bí mật kinh doanh và hành vi cạnh tranh không lành mạnh sẽ không bị xử phạt hành chính mà chỉ bị xử lý bằng biện pháp dân sự thì người có quyền sở hữu trí tuệ về sáng chế sẽ rất khó khăn để bảo về quyền lợi của mình. Đồng thời, theo phương án này cũng không phù hợp với các quy định tại các hiệp định thương mại quốc tế mà Việt Nam đã, đang và sẽ tham gia ký kết./.

Tin, ảnh: Mai Hồng

 

 

 

 


Tin liên quan
Các vị Đại biểu Quốc hội tỉnh Điện Biên đồng tình cao với Báo cáo đánh giá kết quả phát triển kinh tế - xã hội năm 2021 và công tác phòng, chống dịch bệnh Covid – 19 của Chính phủ
Tổ công tác số 1, Đoàn giám sát HĐND tỉnh giám sát tại huyện Mường Chà
Bộ Nội vụ tổ chức bồi dưỡng kỹ năng hoạt động cho đại biểu HĐND cấp tỉnh nhiệm kỳ 2021-2026
Tổ công tác số 1, Đoàn giám sát HĐND tỉnh giám sát đầu tư công tại huyện Nậm Pồ
Thường trực HĐND tỉnh dự nghe giới thiệu phần mềm “Kỳ họp không giấy”
Tỉnh Điện Biên tổ chức Lễ Phát động ủng hộ công tác phòng, chống dịch Covid-19
Thường trực HĐND tỉnh thống nhất nội dung, chương trình, thời gian tổ chức kỳ họp thứ 3 HĐND tỉnh khoá XV
Phát biểu của Tổng Bí thư tại Hội nghị MTTQ Việt Nam
Đồng chí Chủ tịch HĐND tỉnh dự Lễ Khai giảng năm học 2021-2022 tại Trường THPT Thanh Nưa
Đồng chí Giàng Thị Hoa - Ủy viên BTV Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch HĐND tỉnh dự Lễ khai giảng năm học mới 2021 - 2022 tại Trường THPT Lương Thế Vinh