Tin tức & sự kiện  

Việc sắp xếp, đổi mới nông, lâm trường quốc doanh đang triển khai chậm, hiệu quả chưa cao

Cập nhật ngày 31/08/2015 07:08:37 AM - Lượt xem: 254

Ngày 27/8, tại Nhà Quốc hội, Đoàn giám sát của Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã tổ chức Phiên giải trình Việc thực hiện chính sách, pháp luật về quản lý và sử dụng đất đai tại các nông, lâm trường quốc doanh, giai đoạn 2004-2014. Trong đó, việc thực hiện sắp xếp, đổi mới nông, lâm trường quốc doanh là một trong những vấn đề mà các đại biểu đặc biệt quan tâm.


 

 

 

Chủ tịch Hội đồng Dân tộc Ksor Phước phát biểu tại phiên giải trình                                        Ảnh: Đình Nam

Báo cáo giải trình với Đoàn giám sát về việc quản lý, sử dụng đất đai tại các nông, lâm trường, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Cao Đức Phát cho biết, các nông, lâm trường đã được sắp xếp, chuyển đổi thành các Công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên do Nhà nước làm chủ sở hữu, công ty cổ phần.

Trong giai đoạn 2004-2014, từ 185 nông, lâm trường quốc doanh đã sắp xếp còn 145 công ty, giảm được 40 đầu mối (không tính các công ty nông nghiệp thuộc Bộ Quốc phòng), số lượng lâm trường đã giảm từ 256 còn 148 công ty lâm nghiệp. Sau sắp xếp, đổi mới, hiệu quả sản xuất kinh doanh của một số công ty nông, lâm nghiệp được nâng lên, góp phần thúc đẩy kinh tế địa phương phát triển.

Các nông, lâm trường đã xây dựng phương án quy hoạch sử dụng đất khi xây dựng Đề án sắp xếp, đổi mới phù hợp với quy hoạch phát triển kinh tế-xã hội của địa phương và ngành, xác định được diện tích cần thiết giữ lại và chuyển sang thuê, diện tích bàn giao về địa phương, tổ chức sử dụng đất có hiệu quả hơn, tạo việc làm và nâng cao đời sống cho người lao động, một số công ty đã tổ chức lại sản xuất theo mô hình kinh doanh tổng hợp; hình thành vùng nguyên liệu tập trung gắn với chế biến và thị trường.

Báo cáo của Bộ Tài nguyên và Môi trường cũng cho biết, sau khi được tổ chức, sắp xếp lại, các công ty nông, lâm nghiệp đã bước đầu lập quy hoạch sử dụng đất, một số tỉnh đã thực hiện cắm mốc ranh giới, đo đạc bản đồ, cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất.

Tuy nhiên, qua kết quả giám sát cho thấy, việc thực hiện sắp xếp, đổi mới nông, lâm trường quốc doanh giai đoạn 2004-2014 vẫn còn nhiều tồn tại, hạn chế: Việc rà soát đất đai chưa được thực hiện trên thực địa; chưa hoàn thành việc xác định ranh giới, cắm mốc, chưa hoàn chỉnh được hồ sơ để làm thủ tục giao đất, thuê đất, cấp mới, cấp đổi giấy chứng nhận quyền sử dụng đất theo quy định; việc tổ chức quản lý, sử dụng đất chưa chặt chẽ, lãng phí, hiệu quả thấp; một số đơn vị không quản lý được đất giao khoán nên sau khi cổ phần hoá không có nguyên liệu để sản xuất...

Bên cạnh đó, chính quyền địa phương thiếu quan tâm quản lý đất đai, chưa thể hiện được vai trò quản lý nhà nước về đất đai, nhiều nơi phó mặc cho công ty tự quản lý và sử dụng; một số công ty chưa nhận thức rõ vai trò trách nhiệm của mình trong quản lý, sử dụng đất, việc quản lý lỏng lẻo kéo dài dẫn đến phát sinh nhiều khiếu nại phức tạp và kéo dài...

Tại phiên giải trình, nhiều đại biểu Quốc hội cũng cho rằng việc sắp xếp, đổi mới nông, lâm trường quốc doanh hiện còn đang được triển khai chậm, hiệu quả chưa cao. Đặc biệt, sau khi sắp xếp lại, hoạt động của một số công ty còn nhiều khó khăn, chưa khắc phục được các vướng mắc, tồn tại, kết quả sản xuất kinh doanh chưa tương xứng với tiềm năng và nguồn lực được giao. Có nhiều công ty nông, lâm nghiệp chưa gắn sản xuất với chế biến và thị trường tiêu thụ sản phẩn, sản xuất kinh doanh tiếp tục hoạt động không hiệu quả, thua lỗ. Thu nhập của người lao động ở nhiều công ty, đặc biệt là các công ty lâm nghiệp chưa được cải thiện... 

 

 

 

Bộ trưởng Bộ NN và PTNT Cao Đức Phát giải trình tại phiên họp                                                                   

Ủy viên Hội đồng Dân tộc Cao Thị Xuân đề nghị Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thông cho biết: “Tại sao việc sắp xếp các nông, lâm trường chưa tốt, có phải là tình trạng bình mới rượu cũ, theo Bộ trưởng liệu thực hiện Nghị quyết 30-NQ/TW có tiếp tục xảy ra tình trạng trên như khi thực hiện Nghị quyết 28-NQ/TW không?”.

Cho rằng việc chuyển đổi từ các nông, lâm trường quốc doanh sang các công ty chưa thật sự hiệu quả, Phó trưởng Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Hòa Bình Nguyễn Tiến Sinh nêu rõ: “Tham gia đoàn giám sát thì mới thấm thía thực trạng sử dụng đất nông, lâm trường và việc chuyển nông, lâm trường quốc doanh còn những tồn tại lớn mà chưa khắc phục được”. Từ đó, đại biểu đặt ra câu hỏi: “Chuyển đổi không những không hiệu quả mà tình trạng còn xấu đi. Vậy đâu là nguyên nhân chính, giải pháp trong thời tới như thế nào?”

Đại biểu Nguyễn Tiến Sinh nêu dẫn chứng, Công ty nông nghiệp Mường La hiện nay không sống được, nợ nần chồng chất. Lâm trường Văn Chấn, tỉnh Yên Bái 10 năm nay không có giám đốc vì không được phê duyệt đề án tái cơ cấu. “Cán bộ, công nhân lâm trường đã mấy năm nay sống lay lắt bằng tiền dịch vụ môi trường rừng và 3 tháng nay họ chả có đồng nào”.

Giải trình về vấn đề này, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Cao Đức Phát nhấn mạnh: trước hết, cần phải hiểu cổ phần hóa nông, lâm trường quốc doanh là cổ phần hóa với tài sản trên đất chứ không cổ phần hóa đất đai. Bộ trưởng cũng khẳng định Nghị quyết 28-NQ/TW đã được thực hiện nghiêm túc.

Theo Bộ trưởng Cao Đức Phát, nguyên nhân dẫn đến việc chuyển đổi chưa hiệu quả cũng có phần là do nhận thức của nhiều Bộ, ban, ngành, cấp ủy, chính quyền địa phương về nội dung, yêu cầu Nghị quyết chưa đầy đủ. Việc nhận thức về vị trí, vai trò và cách thức đổi mới nông, lâm trường còn chưa thống nhất cho nên tổ chức chỉ đạo còn lúng túng. Một bộ phận lãnh đạo nông, lâm trường vẫn muốn duy trì cơ chế cũ, trông chờ vào sự hỗ trợ của Nhà nước, không chủ động trong việc tháo gỡ khó khăn, đổi mới tổ chức sản xuất kinh doanh.

 

 

 

 Bộ trưởng Bộ TN và MT Nguyễn Minh Quang giải trình tại phiên họp 

Giải trình thêm về vấn đề này, Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Nguyễn Minh Quang cho rằng, một trong những khó khăn khiến việc đổi mới, sắp xếp chậm là việc đầu tư kinh phí từ ngân sách Trung ương và địa phương trong nhiều năm qua chưa được quan tâm đúng mức. Mặt khác, việc sắp xếp đổi mới nông, lâm trường chưa được sự quan tâm, chỉ đạo quyết liệt của các cấp chính quyền nên việc thực hiện còn mang tính hình thức, kém hiệu quả...

Phát biểu tại phiên giải trình, Chủ tịch Hội đồng Dân tộc Ksor Phước nhấn mạnh, qua giám sát, việc phối hợp giữa chính quyền địa phương, bộ chủ quản, Bộ Tài chính còn chưa chặt chẽ, trong việc giải quyết những tồn đọng vẫn còn loay hoay. Do đó, Chủ tịch Hội đồng Dân tộc đề nghị các cơ quan, các bộ, ngành phải phối hợp chặt chẽ hơn nữa, bám vào nghị quyết 30-NQ/TW để giải quyết vấn đề cho các doanh nghiệp 100% vốn nhà nước, 1 thành viên, 2 thành viên…

Ghi nhận, phiên giải trình hôm nay đã diễn ra hiệu quả, các đại biểu hỏi và các Bộ trưởng đã trả lời rất thẳng thắn, tập trung vào vấn đề, Chủ tịch Hội đồng Dân tộc hy vọng sau phiên giải trình này, chúng ta sẽ nhận được những chuyển biến mạnh mẽ về việc quản lý, sử dụng đất của các công ty, doanh nghiệp được chuyển đổi từ các nông, lâm trường quốc doanh.

Nguyễn Phương-Hồ Hương

(Nguồn: quochoi.vn)

 


Tin liên quan
Cuối năm nay, thủy điện Lai Châu bắt đầu phát điện
Bế mạc Hội nghị Đại biểu Quốc hội chuyên trách
Đại hội đại biểu Đảng bộ huyện Điện Biên Đông khóa V, nhiệm kỳ 2015-2020 thành công tốt đẹp
Đại hội Đảng bộ Dân chính Đảng tỉnh lần thứ VIII
Khai mạc Hội nghị Đại biểu Quốc hội chuyên trách thảo luận một số nội dung trình Quốc hội tại kỳ họp thứ 10
Bộ Chính trị làm việc với Ban Thường vụ Tỉnh ủy Điện Biên về công tác chuẩn bị Đại hội Đảng bộ tỉnh khóa XIII, nhiệm kỳ 2015-2020
Đại hội Đảng bộ thị xã Mường Lay lần thứ XIII, nhiệm kỳ 2015 – 2020
Bộ Quốc phòng hỗ trợ Điện Biên 1 tỷ đồng khắc phục hậu quả mưa lũ
Điện Biên kỷ niệm 70 năm Ngày truyền thống CAND Việt Nam (19/8/1945 – 19/8/2015)
Văn phòng UBND tỉnh Điện Biên kỷ niệm ngày truyền thống