Tin tức & sự kiện  

Cần có cơ chế, chính sách để chuyển hóa tiềm năng thành hành động

Cập nhật ngày 29/05/2024 16:00:27 PM - Lượt xem: 106

Hôm nay (29/5), kỳ họp thứ 7, Quốc hội khoá XV thảo luận ở hội trường về tình hình phát triển kinh tế - xã hội, ngân sách nhà nước.


Đại biểu Tạ Thị Yên, Phó Trưởng Ban Công tác đại biểu, ĐBQH tỉnh

Để ngành kinh tế mới trở thành động lực tăng trưởng

Tham gia phát biểu ý kiến, đại biểu Tạ Thị Yên, Phó Trưởng Ban Công tác đại biểu, ĐBQH tỉnh Điện Biên cho biết, trước sự bất ổn của nền kinh tế thế giới có những ảnh hưởng tiêu cực nhất định đến nền kinh tế nước ta, Chính phủ đã có những chỉ đạo, điều hành quyết liệt, nhất là tận dụng những cơ hội thuận lợi để thúc đẩy phát triển những ngành công nghiệp mới như hydrogen, vi mạch bán dẫn và tiếp tục quá trình chuyển đổi số quốc gia, đem lại những động lực mới cho nền kinh tế. Đại biểu cho rằng, để các ngành kinh tế mới trở thành động lực tăng trưởng trong giai đoạn tới dựa trên lợi thế so sánh quốc gia, bên cạnh việc cần khẩn trương sửa đổi các quy định pháp luật có liên quan thì cần có các cơ chế, chính sách hết sức cụ thể để có thể chuyển hóa tiềm năng thành hành động thực tế. “Kinh nghiệm của Hàn Quốc khi vừa công bố gói hỗ trợ 19 tỷ USD cho ngành công nghiệp bán dẫn, bao gồm tài chính, cơ sở hạ tầng, nghiên cứu và phát triển rất đáng được quan tâm”, đại biểu Tạ Thị Yên dẫn chứng.

Bên cạnh đó, theo đại biểu cần tiếp tục quan tâm phát triển các ngành công nghiệp nền tảng như cơ khí chế biến, chế tạo, luyện kim, dệt may, da giày… và phát triển khu vực kinh tế tư nhân, nhất là khi xu thế đầu tư tư nhân có dấu hiệu giảm đáng kể so với giai đoạn trước, số doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường gia tăng, tăng trưởng tín dụng thấp.

Tăng cường thương hiệu, uy tín quốc gia

Phó trưởng Ban Công tác đại biểu cho rằng, khi xây dựng chính sách cũng như chỉ đạo, điều hành cần tính đến yếu tố thương hiệu, uy tín quốc gia, quyền lực mềm của đất nước. Nước ta với số dân đông đứng thứ 15, quy mô kinh tế đứng thứ 35, thu hút đầu tư nước ngoài đứng và kim ngạch xuất nhập khẩu đứng thứ 20 trên thế giới. Hơn thế nữa, Việt Nam đang trở thành điểm đến yêu thích của du khách quốc tế. Do đó, khi xây dựng chính sách cũng như chỉ đạo, điều hành cần tính đến các yếu tố này. Đồng thời, cần tăng cường thông tin tuyên truyền để người dân hiểu về chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước; phát huy lòng yêu nước, tự hào dân tộc để tạo sự đồng thuận, chung sức, chung lòng vượt qua khó khăn, thách thức, nhìn nhận đầy đủ, toàn diện hơn những kết quả và xu thế tích cực trong phát triển đất nước. 

Ngoài ra, đại biểu mong muốn công cuộc cải cách thủ tục hành chính ở Trung ương cũng như địa phương được thực hiện một cách thực chất hơn nhằm giảm thiểu khó khăn cho doanh nghiệp, người dân. Tăng cường số hóa để bảo đảm quy trình, thủ tục theo luật định, có cơ chế pháp lý rõ ràng, đảm bảo tránh những rủi ro, tăng cường trách nhiệm cho cả người dân, cán bộ công chức trong việc tiếp nhận, giải quyết các vụ việc. Vừa qua, việc đùn đẩy trách nhiệm, giấy tờ qua lại giữa các cơ quan công quyền, chậm giải quyết các yêu cầu chính đáng, đã bỏ lỡ nhiều cơ hội đầu tư, kinh doanh của người dân và doanh nghiệp.

Đại biểu Lò Thị Luyến, Phó Trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh

Chưa tận dụng nguồn nhân lực để phát triển kinh tế xã hội

Tham gia vào báo cáo đánh giá bổ sung kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2023, tình hình triển khai kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2024, đại biểu Lò Thị Luyến, Phó Trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh cho biết, hiện nay Việt Nam ta đã bước qua đỉnh của cơ cấu dân số vàng nhưng chất lượng chưa phải là vàng, chúng ta chưa tận dụng được nguồn nhân lực này để phát triển kinh tế xã hội thì đã tiệm cận nhanh đến cơ cấu dân số già. Theo dự báo đến năm 2036 Việt Nam chính thức bước vào thời kỳ dân số già.

Chủ trương phân luồng học sinh được đề ra tại Nghị quyết 29 năm 2013 của Đảng và được cụ thể hoá trong nhiều văn bản Chính phủ, tuy nhiên việc phân luồng học sinh hiện nay còn gặp nhiều khó khăn bởi công tác tuyên truyền chưa được quan tâm đúng mức; công tác nghiên cứu khảo sát đánh giá nhu cầu thị trường việc làm để định hướng cho lực lượng nhân lực này cũng còn lúng túng, tâm lý học sinh vẫn thích học đại học hơn là học nghề.

“Đa số học sinh và phụ huynh thiếu thông tin và rất lúng túng trong việc lựa chọn ngành nghề, không biết nên chọn ngành nghề gì để học và học rồi thì không biết có cơ hội kiếm được việc làm trong tương lai hay không”, đại biểu Lò Thị Luyến chia sẻ.

Nhiều nơi coi việc phân luồng học sinh là nhiệm vụ của ngành giáo dục nên chưa có sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị. Gần đây, báo chí phản ánh một số trường THCS không phát phiếu cho học sinh để đăng ký thi vào lớp 10 vì cho rằng các em này không có khả năng thi đỗ hoặc vì phải đảm bảo chỉ tiêu phân luồng học sinh… Cách làm đó làm cho một bộ phận phụ huynh và học sinh không đồng thuận và có những phản ứng trái chiều, thậm chí có một số em học sinh bị bế tắc, nghĩ quẩn….

“Các cơ sở giáo dục thường xuyên và dạy nghề không đủ sức hấp dẫn để thu hút học sinh tham gia học. Cơ sở vật chất của Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp - Giáo dục thường xuyên cấp huyện không được đầu tư đồng bộ; đội ngũ giáo viên dạy văn hóa và dạy nghề không đảm bảo số giáo viên cơ hữu, biên chế giáo viên thì đang phải giảm theo lộ trình; trình độ sơ cấp và trung cấp nghề không có nhiều cơ hội kiếm được việc làm tốt..., nhất là ở vùng sâu, vùng xa, vùng đặc biệt khó khăn”, đại biểu Lò Thị Luyến khẳng định.

Ngoài ra, đại biểu cho rằng mã ngành nghề đào tạo nhân lực không phù hợp với nhu cầu việc làm mà thị trường cần. Cơ cấu ngành nghề đào tạo chưa bám sát vào nhu cầu của thị trường lao động, nhất là lao động trong các ngành kinh tế mới, thiếu nhân lực trong các ngành kinh tế mũi nhọn, kinh tế số.

Từ thực trạng đó, đại biểu đề nghị Chính phủ quan tâm đánh giá công tác phân luồng học sinh, công tác hướng nghiệp, dạy nghề theo từng năm và từng giai đoạn, từ đó đề ra các giải pháp tổ chức thực hiện thiết thực, hiệu quả hơn trong tương lai./.

Tin, ảnh: Mai Hồng

 

 


Tin liên quan
Hội nghị giao ban báo chí tháng 5/2024
Thường trực HĐND tỉnh tổ chức phiên họp tháng 5/2024
Bổ sung đối tượng thụ hưởng Chương trình MTQG phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi
Bổ sung dao có tính sát thương cao vào nhóm vũ khí thô sơ
ĐBQH tỉnh Điện Biên tham gia thảo luận về kinh tế - xã hội
Tỉnh Điện Biên tổ chức Lễ phát động Tháng hành động vì trẻ em năm 2024
Hội thảo: Tăng cường nhận thức về du lịch và du lịch cộng đồng tại Điện Biên
Tạo điều kiện cho dịch vụ chia sẻ chuyến xe dưới 10 chỗ được hoạt động
Đoàn ĐBQH tỉnh Điện Biên: tiếp xúc cử tri và lấy ý kiến tham gia xây dựng Luật trước kỳ họp thứ Bảy, Quốc hội khóa XV tại huyện Mường Chà
Đoàn giám sát chuyên đề của Ban Pháp chế HĐND tỉnh làm việc với Chi cục Hải quan Cửa khẩu quốc tế Tây Trang