Đoàn ĐBQH tỉnh  

Điện Biên là huyện duy nhất trên địa bàn tỉnh có sản phẩm OCOP được xếp hạng 4 sao

Cập nhật ngày 02/10/2021 17:50:53 PM - Lượt xem: 256

HĐND - Ngày 01/10, tiếp tục chương trình khảo sát của Đoàn ĐBQH tỉnh, Đoàn đã làm việc với Ủy ban nhân dân huyện Điện Biên và Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn về tình hình thực hiện chính sách, pháp luật về Chương trình mỗi xã một sản phẩm.


*. Làm việc tại huyện Điện Biên: Qua nghe báo cáo của UBND huyện và khảo sát thực tế tại HTX dịch vụ tổng hợp Thanh Yên, HTX Ong mật Điện Biên, Đoàn khảo sát đánh giá cao kết quả đạt được trong việc triển khai, thực hiện Chương trình mỗi xã một sản phẩm của huyện, cụ thể: Giai đoạn 2018-2020, trên địa bàn huyện đã có 05 sản phẩm đạt tiêu chuẩn OCOP cấp tỉnh, trong đó 02 sản phẩm được công nhận 4 sao, 03 sản phẩm được công nhận 3 sao. Điện Biên là huyện duy nhất trong tỉnh có sản phẩm OCOP được xếp hạng 4 sao là sản phẩm Mật ong Hoa Ban và Mật ong bánh tổ. Đã có 06 tổ chức kinh tế, cơ sở sản xuất tham gia Chương trình OCOP, bao gồm 01 Công ty TNHH, 04 HTX, 01 Tổ hợp tác và 01 hộ sản xuất có đăng ký kinh doanh. Số tổ chức kinh tế được củng cố, gắn với phát triển sản phẩm Chương trình OCOP là 03 đơn vị. Việc xúc tiến thương mại, quảng bá sản phẩm được quan tâm, các sản phẩm OCOP của huyện đã được thị trường trong và ngoài tỉnh đón nhận.

Tuy nhiên, bên cạnh kết quả đạt được, việc triển khai, thực hiện Chương trình trên địa bàn huyện vẫn còn một số tồn tại, hạn chế, đó là: Việc thực hiện Chu trình OCOP thường niên còn nhiều bất cập, sự tham gia của cấp xã còn hạn chế; quy mô sản xuất các sản phẩm OCOP còn nhỏ lẻ, chất lượng một số sản phẩm chưa đáp ứng được yêu cầu của các thị trường khó tính; trình độ quản trị của các hợp tác xã, doanh nghiệp và chủ sản xuất, kinh doanh còn thấp…

Tại buổi làm việc, huyện Điện Biên kiến có một số ý kiến, kiến nghị thông qua Đoàn khảo sát gửi đến các cấp, các ngành nhằm tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong quá trình triển khai, thực hiện Chương trình như: Quan tâm, bố trí kinh phí kịp thời để các địa phương triển khai, thực hiện Chương trình; nghiên cứu, bổ sung một số chính sách hỗ trợ như tư vấn phát triển sản phẩm OCOP, hỗ trợ đầu tư máy móc, thiết bị cho các cơ sở sản xuất, hỗ trợ xúc tiến thương mại và quảng bá sản phẩm…

Thay mặt Đoàn khảo sát, đồng chí Lò Thị Luyến, Tỉnh ủy viên, Phó Trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh đã tiếp thu các ý kiến, kiến nghị của huyện, đồng thời đề nghị, thời gian tới huyện Điện Biên cần tăng cường công tác thông tin, tuyên truyền về Chương trình mỗi xã một sản phẩm, đặc biệt là đối với các phòng, ban, cán bộ trực tiếp phụ trách Chương trình để nâng cao nhận thức, hiểu biết nhằm giúp đỡ, hỗ trợ, hướng dẫn các chủ thể về cách thức tổ chức, thực hiện, tham gia Chương trình. Bên cạnh việc duy trì, nâng cao các sản phẩm OCOP đã được xếp hạng, đề nghị huyện quan tâm tới việc phát triển các sản phẩm mới, đặc biệt là các sản phẩm thuộc nhóm dịch vụ du lịch nông thôn và các nhóm sản phẩm khác. Tăng cường kiểm tra nhằm đảm bảo duy trì chất lượng của các sản phẩm OCOP trên địa bàn.

*. Làm việc với Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn: Giai đoạn 2018-2020, với sự nỗ lực, cố gắng của cấp ủy, chính quyền các cấp, các lực lượng xã hội, sự chung sức đồng lòng của người dân và các tổ chức kinh tế, Chương trình mỗi xã một sản phẩm tỉnh Điện Biên đã đạt được nhiều kết quả tích cực, nhiều chỉ tiêu quan trọng của Đề án đạt và vượt so với chỉ tiêu đặt ra, như: Đã có 35 sản phẩm đạt tiêu chuẩn OCOP cấp tỉnh, trong đó, có 33 sản phẩm đạt tiêu chuẩn 3 sao, 02 sản phẩm đạt tiêu chuẩn 4 sao (vượt 14 sản phẩm so với mục tiêu của Đề án); có 29 tổ chức kinh tế, cơ sở sản xuất tham gia Chương trình OCOP, trong đó số lượng hợp tác xã, cơ sở sản xuất được củng cố, kiện toàn là 14 đơn vị, số lượng hợp tác xã, cơ sở sản xuất phát triển mới là 15 đơn vị (Mục tiêu của Đề án là củng cố và phát triển ít nhất 08 tổ chức kinh tế gắn với phát triển sản phẩm Chương trình OCOP). Công tác thông tin, tuyên truyền được triển khai có hiệu quả góp phần nâng cao nhận thức của cán bộ và người dân về Chương trình OCOP; Công tác đào tạo, bồi dưỡng, tập huấn cho cán bộ quản lý, chủ thể tham gia Chương trình được chú trọng; Hoạt động tư vấn, hỗ trợ, hướng dẫn các chủ thể tham gia Chương trình được thực hiện thường xuyên, kịp thời; Cơ chế, chính sách hỗ trợ phát triển sản phẩm OCOP được triển khai, áp dụng theo đúng quy định; Hoạt động xúc tiến thương mại được quan tâm.... Chương trình mỗi xã một sản phẩm đã góp phần thúc đẩy tái cơ cấu ngành nông nghiệp, phát triển sản xuất theo hướng hàng hóa tập trung, xây dựng thương hiệu, gia tăng giá trị sản phẩm, nâng cao trình độ sản xuất kinh doanh của các chủ thể. Đồng thời cũng phát huy được các tiềm năng lợi thế sẵn có từ các sản phẩm truyền thống của địa phương, tạo ra sản phẩm có chất lượng, mang lại thu nhập cao hơn cho cộng đồng dân cư.

Phát biểu tại buổi làm việc, các thành viên Đoàn khảo sát đánh giá, giai đoạn 2018-2020, việc phát triển sản phẩm OCOP trên địa bàn chủ yếu là xây dựng hồ sơ, đánh giá và phân hạng các sản phẩm đã hình thành, chưa tạo ra được các chuỗi sản phẩm có giá trị cao và bền vững. Các sản phẩm OCOP được xếp hạng từ 3 sao trở lên chủ yếu thuộc nhóm sản phẩm thực phẩm và đồ uống, một số ít sản phẩm thuộc nhóm thảo dược, chưa có sản phẩm thuộc nhóm du lịch cộng đồng và điểm du lịch, nhóm vải và may mặc.

Để đạt được mục tiêu Đề án mỗi xã một sản phẩm giai đoạn 2021-2025, định hướng đến năm 2030 theo Quyết định 211/QĐ-UBND ngày 24/2/2021 của Ủy ban nhân dân tỉnh, Đoàn khảo sát đề nghị Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn cần nỗ lực, cố gắng, đồng hành với các chủ thể tham gia chương trình. Tích cực tham mưu cho UBND tỉnh tổ chức triển khai Đề án đạt hiệu quả. Duy trì, phát triển, nâng cao chất lượng, sản lượng 35 sản phẩm OCOP hiện có, đồng thời phát triển thêm sản phẩm thuộc các nhóm gắn với lợi thế của tỉnh như du lịch, dịch vụ. Tham mưu ban hành chính sách hỗ trợ dành riêng cho Chương trình OCOP từ nguồn ngân sách của địa phương./.

Tin, ảnh: Mai Hồng

 


Tin liên quan
Đoàn ĐBQH tỉnh Điện Biên kỷ niệm 75 năm ngày Tổng tuyển cử đầu tiên và tổng kết nhiệm kỳ 2016 - 2021
Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Điện Biên giám sát về đổi mới chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông tại Sở Giáo dục và Đào tạo
Khai mạc kỳ họp thứ 9, Quốc hội khoá XIV
Phó Trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh tiếp xúc cử tri tại huyện Điện Biên
Đoàn ĐBQH tỉnh giám sát về giảm nghèo bền vững tại Ban Dân tộc tỉnh
Văn phòng Quốc hội tổ chức hội nghị tổng kết năm 2017, triển khai nhiệm vụ năm 2018
Đoàn ĐBQH tỉnh giám sát việc thực hiện chính sách, pháp luật về an toàn thực phẩm giai đoạn 2011-2016
Đại biểu Quốc hội tiếp xúc cử tri tại huyện Tuần Giáo, Tủa Chùa
Ủy ban về các vấn đề xã hội của Quốc hội khảo sát tại tỉnh Điện Biên
ĐBQH Trần Thị Dung - Điện Biên: Tiến độ thi hành án chậm làm giảm hiệu quả răn đe, phòng ngừa tội phạm, gây sức ép cho công tác quản lý giam giữ