Nghiên cứu - Trao đổi  

TIẾP NỐI TRUYỀN THỐNG VẺ VANG XÂY DỰNG ĐẢNG BỘ TỈNH VỮNG MẠNH TOÀN DIỆN

Cập nhật ngày 24/07/2019 16:48:49 PM - Lượt xem: 256

HĐND - Là tỉnh miền núi, biên giới phía Tây Bắc của Tổ quốc, tỉnh Điện Biên có vị trí trọng yếu về quốc phòng - an ninh. Trải qua các giai đoạn lịch sử, Điện Biên luôn là địa bàn các thế lực thù địch “nhòm ngó” làm căn cứ chiến đấu cũng như thực hiện các chiêu bài chống phá thành quả cách mạng trong thời kỳ hiện nay. Với tinh thần đoàn kết, cần cù trong lao động sản xuất, dũng cảm trong chiến đấu, dưới sự lãnh đạo của Đảng bộ tỉnh, nhân dân các dân tộc Điện Biên đã vượt lên khó khăn, đạt được những thành tựu quan trọng trong phát triển kinh tế - xã hội, giữ vững an ninh - quốc phòng, bảo vệ vững chắc khối đại đoàn kết dân tộc, xây dựng Điện Biên ngày càng phát triển.


 

Đ/c Trần Văn Sơn, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh

phát biểu tại kỳ họp thứ 7, HĐND tỉnh khóa XIV. Ảnh HL

 

Ngược dòng lịch sử, cách đây tròn 7 thập kỷ, Ban Cán sự Đảng Lai Châu (tổ chức tiền thân của Đảng bộ 2 tỉnh Điện Biên và Lai Châu ngày nay) được thành lập tại bản Lướt, xã Mường Kim, huyện Than Uyên. Ngay sau khi được thành lập (10/10/1949), tổ chức đảng đầu tiên của tỉnh đã nêu cao trách nhiệm, khắc phục khó khăn, tăng cường lãnh đạo củng cố tổ chức; bám đất, bám dân gây dựng cơ sở cách mạng, xây dựng lực lượng lãnh đạo phong trào đấu tranh cách mạng của nhân dân. Sau thời gian ngắn, một số cơ sở cách mạng được thành lập, phát triển ở khu vực Tây Bắc như các huyện: Tuần Giáo, Điện Biên, Quỳnh Nhai; xây dựng được khu căn cứ cách mạng, đội du kích ở Pú Nhung, Tỏa Tình, Phình Sáng (Tuần Giáo), Xa Dung, Phì Nhừ, Pú Nhi (Điện Biên Đông). Cùng với xây dựng cơ sở, Ban Cán sự Đảng tỉnh đã đề ra các chủ trương, biện pháp đẩy mạnh sản xuất, chống sự phá hoại của địch, đào tạo cán bộ địa phương, xây dựng cơ sở chính trị, chuẩn bị cho cuộc kháng chiến giải phóng Điện Biên.

Với tinh thần “tất cả cho tiền tuyến, tất cả để chiến thắng”, Ban Cán sự Đảng tỉnh đã lãnh đạo lực lượng vũ trang và đồng bào các dân tộc tham gia chiến đấu, phục vụ chiến dịch Điện Biên Phủ. Bằng sự quyết tâm và đóng góp sức người, sức của, đồng bào các dân tộc Điện Biên đã cùng nhân dân cả nước làm nên chiến thắng Điện Biên Phủ “lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu”, kết thúc thắng lợi cuộc kháng chiến chống Pháp của dân tộc. Sau giải phóng Điện Biên năm 1954, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân các dân tộc trong tỉnh đối mặt với rất nhiều khó khăn, thách thức: vừa khắc phục hậu quả chiến tranh vừa phải kháng chiến chống đế quốc Mỹ xâm lược, chống hoạt động biệt kích, phá hoại của phỉ,... Trong tình hình đó, Đảng bộ tỉnh đã lãnh đạo lực lượng vũ trang và nhân dân các dân tộc trong tỉnh phát huy truyền thống Điện Biên Phủ anh hùng, cùng nhân dân cả nước nêu cao tinh thần cảnh giác cách mạng, sẵn sàng chiến đấu, giành chiến thắng trước mọi kẻ thù xâm lược. 

Trải qua hai cuộc chiến tranh giải phóng dân tộc, xây dựng, bảo vệ Tổ quốc và tiến hành công cuộc đổi mới, Đảng bộ tỉnh luôn giữ vững vai trò lãnh đạo của Đảng, thực hiện đoàn kết các dân tộc, từng bước vượt qua khó khăn, khắc phục hậu quả chiến tranh, thực hiện nhiệm vụ xây dựng và bảo vệ Tổ quốc; đồng thời chăm lo xây dựng, củng cố tổ chức, hoạt động của hệ thống chính trị.

Năm 2004, thực hiện Nghị quyết của Quốc hội về việc chia tách, điều chỉnh địa giới hành chính, tỉnh Lai Châu được chia tách thành 2 tỉnh: Điện Biên và Lai Châu. Ngay sau chia tách tỉnh, Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh thực hiện kiện toàn tổ chức bộ máy, đổi mới công tác lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện nhiệm vụ kinh tế - xã hội, quốc phòng - an ninh, xây dựng đảng và củng cố hệ thống chính trị trong tình hình mới. Phát huy truyền thống anh hùng trong chiến đấu và lao động sản xuất, Đảng bộ và nhân dân các dân tộc Điện Biên đã nỗ lực phấn đấu, tranh thủ thời cơ, khai thác tiềm năng, lợi thế, đạt được những thành tựu quan trọng trên các lĩnh vực, từng bước đưa Điện Biên vượt qua đói nghèo. Nhiều năm liền Điện Biên duy trì tốc độ tăng trưởng kinh tế khá, cơ cấu kinh tế chuyển dịch theo hướng tích cực, dần hình thành các vùng sản xuất tập trung, chuyên canh như: lúa gạo Điện Biên, chè Tủa Chùa, cà phê Mường Ảng, cao su Mường Chà, Mường Nhé..., kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội tiếp tục được đầu tư; văn hóa - xã hội có nhiều chuyển biến, an sinh xã hội được đảm bảo. Các chương trình mục tiêu quốc gia được triển khai thực hiện có hiệu quả, nhất là chương trình xây dựng nông thôn mới đã làm thay đổi diện mạo khu vực nông thôn miền núi. Đến hết năm 2018, toàn tỉnh đã có 22 xã đạt chuẩn và cơ bản đạt chuẩn nông thôn mới; tỷ lệ hộ nghèo mỗi năm giảm trung bình trên 3%, số hộ nghèo đã giảm từ hơn 48% (năm 2015) xuống còn hơn 37% (năm 2018); chính trị ổn định, quốc phòng - an ninh được giữ vững; mở rộng quan hệ đối ngoại, tăng cường khối đoàn kết các dân tộc. Công tác xây dựng Đảng, xây dựng hệ thống chính trị tiếp tục đạt những kết quả quan trọng, vai trò của MTTQ và các tổ chức chính trị - xã hội được phát huy, ngày càng làm tốt hơn vai trò tập hợp, xây dựng khối đoàn kết các dân tộc, vận động nhân dân đóng góp xây dựng Đảng, chính quyền, tham gia giám sát và phản biện xã hội.

Thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 khóa XI, XII về xây dựng, chỉnh đốn Đảng gắn với thực hiện Chỉ thị 05-CT/TW của Bộ Chính trị về tiếp tục đẩy mạnh việc học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh đã tạo được chuyển biến bước đầu quan trọng trong toàn Đảng bộ tỉnh, năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của tổ chức đảng, chất lượng đội ngũ đảng viên từng bước được nâng lên; hiệu lực, hiệu quả quản lý Nhà nước có nhiều chuyển biến. Đảng bộ, chính quyền các cấp trong tỉnh đã bám sát thực tiễn, phát huy sức mạnh tổng hợp của hệ thống chính trị, tạo sự đồng thuận của nhân dân, thực hiện thắng lợi các mục tiêu, nhiệm vụ trong mỗi giai đoạn. 

Những thành quả đạt được trong các lĩnh vực công tác nêu trên bắt nguồn từ việc xây dựng Đảng bộ vững mạnh toàn diện 70 năm xây dựng và trưởng thành, trải qua 13 kỳ đại hội, Đảng bộ tỉnh đã ngày càng vững mạnh về chính trị, tư tưởng và tổ chức. Từ một Ban Cán sự Đảng khi mới thành lập có 20 đảng viên (tháng 10/1949), đến nay, Đảng bộ tỉnh có 14 đảng bộ trực thuộc với 645 tổ chức cơ sở đảng, hơn 39.000 đảng viên. Đặc biệt, Đảng bộ tỉnh chú trọng phát triển tổ chức đảng, đảng viên ở các địa bàn khó khăn, biên giới, ở các thôn, bản chưa có đảng viên, chưa có chi bộ. Tổ chức cơ sở đảng, đội ngũ đảng viên phát triển cả về số lượng và chất lượng. Các cấp ủy, tổ chức đảng phát huy vai trò hạt nhân chính trị, tập trung lãnh đạo, chỉ đạo xây dựng, củng cố, kiện toàn và nâng cao năng lực lãnh đạo; chất lượng hoạt động của cấp ủy, chi bộ được nâng lên, phù hợp với đặc điểm cụ thể của địa phương, cơ quan, đơn vị. Nhiều cấp ủy, chi bộ từng bước đổi mới nội dung, nâng cao chất lượng sinh hoạt, đi sâu kiểm điểm đánh giá những nhiệm vụ trọng tâm, những vấn đề nổi cộm, bức xúc, những vấn đề liên quan đến cán bộ, đảng viên, gắn với kiểm điểm tự phê bình và phê bình trong thực hiện chức trách, nhiệm vụ của cán bộ, đảng viên.

Phát huy truyền thống vẻ vang và những thành tựu đạt được trong 70 năm qua, thời gian tới, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân các dân tộc trong tỉnh tiếp tục phát huy nội lực, mang tinh thần chiến thắng Điện Biên Phủ vào công cuộc xây dựng tỉnh Điện Biên ngày càng giàu mạnh; xây dựng Đảng bộ tỉnh thật sự trong sạch, vững mạnh. Phấn đấu thực hiện cho được lời căn dặn của Đại tướng Võ Nguyên Giáp: phải làm sao để mỗi thôn, bản, công trường, nhà máy, đơn vị đều có tinh thần của chiến thắng Điện Biên Phủ. Đó là tinh thần đoàn kết một lòng, vượt lên khó khăn, thách thức; khai thác tiềm năng, thế mạnh và sử dụng hiệu quả sự hỗ trợ của Trung ương, các địa phương trong cả nước để có sự phát triển nhanh hơn, bền vững hơn.

Xây dựng Điện Biên phát triển là trách nhiệm của Đảng bộ, chính quyền, lực lượng vũ trang và nhân dân các dân tộc; trong đó, Đảng bộ tỉnh là hạt nhân lãnh đạo, là trung tâm xây dựng, củng cố khối đoàn kết các dân tộc; huy động sức mạnh nhân dân trong tham gia phát triển kinh tế, xây dựng đảng, chính quyền.

Từng cấp ủy, đảng viên trong toàn Đảng bộ phải thể hiện vai trò tiên phong, gương mẫu trong phổ biến, quán triệt, tuyên truyền và tổ chức có hiệu quả các Nghị quyết, chỉ thị của Đảng, đặc biệt là Nghị quyết Đại hội XII của Đảng, Nghị quyết Đại hội XIII Đảng bộ tỉnh, Nghị quyết Trung  ương 4, 5, 6, 7 khóa XII gắn với thực hiện Chỉ thị 05-CT/TW, ngày 15/5/2016 của Bộ Chính trị về đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh và Quy định 101-QĐ/TW của Ban Bí thư về trách nhiệm nêu gương của cán bộ, đảng viên, nhất là cán bộ lãnh đạo chủ chốt các cấp bằng những nội dung, việc làm cụ thể, thiết thực. Chính quyền các cấp nâng cao hiệu lực hiệu quả chỉ đạo điều hành; đổi mới phương thức hoạt động của hệ thống chính trị; đẩy mạnh cải cách hành chính; tập trung huy động mọi nguồn lực nâng cao chất lượng tăng trưởng và năng lực cạnh tranh; giữ vững ổn định chính trị - xã hội. Tiếp tục thực hiện đồng bộ các cơ chế, chính sách về phát triển văn hóa - xã hội; xây dựng nền quốc phòng toàn dân và thế trận an ninh nhân dân vững mạnh.

Kế thừa và phát huy truyền thống cách mạng, truyền thống Điện Biên Phủ anh hùng, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân các dân tộc tỉnh Điện Biên quyết tâm thực hiện thắng lợi các mục tiêu, nhiệm vụ Nghị quyết Đảng bộ tỉnh lần thứ XIII và Nghị quyết Đại hội Đảng các cấp đã đề ra; xây dựng Đảng bộ tỉnh thật sự trong sạch, vững mạnh, phấn đấu đến năm 2020 xây dựng tỉnh Điện Biên “thành tỉnh phát triển trung bình trong vùng trung du và miền núi phía Bắc”, xứng đáng là địa danh gắn với chiến thắng Điện Biên Phủ “lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu”./.

 

TRẦN VĂN SƠN

 Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy

Trưởng Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh

 


Tin liên quan
Kinh nghiệm chỉ đạo nâng cao chất lượng thẩm tra các báo cáo, đề án, dự thảo nghị quyết của Thường trực HĐND tỉnh Điện Biên
CHẤT LƯỢNG CÔNG TÁC THAM MƯU, GIÚP VIỆC, PHỤC VỤ CỦA VĂN PHÒNG HĐND TỈNH ĐIỆN BIÊN SAU 3 NĂM NHÌN LẠI
GIẢM SỐ LƯỢNG ĐẠI BIỂU HĐND CÁC CẤP VÀ TĂNG ĐẠI BIỂU HOẠT ĐỘNG CHUYÊN TRÁCH
HOẠT ĐỘNG CỦA ĐOÀN ĐẠI BIỂU QUỐC HỘI TỈNH VÀ KẾT QUẢ KỲ HỌP THỨ 7, QUỐC HỘI KHÓA XIV
SỚM THAM MƯU TỔNG KẾT ĐỀ ÁN XUẤT KHẨU LAO ĐỘNG TỈNH ĐIỆN BIÊN ĐẾN NĂM 2015, ĐỊNH HƯỚNG ĐẾN NĂM 2020
NGHIÊN CỨU, THỰC HIỆN GIẢM HỢP LÝ SỐ LƯỢNG ĐẠI BIỂU HĐND HAY GIẢM ĐẠI BIỂU HOẠT ĐỘNG CHUYÊN TRÁCH
ĐIỆN BIÊN: TRIỂN KHAI THỰC HIỆN CÁC CHƯƠNG TRÌNH TÍN DỤNG CHÍNH SÁCH XÃ HỘI THEO CHỈ THỊ 40-CT/TW
MỘT SỐ KINH NGHIỆM GIÁM SÁT VIỆC GIẢI QUYẾT ĐƠN CỦA CÔNG DÂN
CẦN XEM XÉT SỬA ĐỔI, BỔ SUNG MỘT SỐ ĐIỀU CỦA LUẬT THANH NIÊN
NGÀNH GIÁO DỤC VÀ ĐÀO TẠO CẦN TỔNG KẾT TRIỂN KHAI MÔ HÌNH TRƯỜNG HỌC MỚI (VNEN)