Nghiên cứu - Trao đổi  

NGHIÊN CỨU, THỰC HIỆN GIẢM HỢP LÝ SỐ LƯỢNG ĐẠI BIỂU HĐND HAY GIẢM ĐẠI BIỂU HOẠT ĐỘNG CHUYÊN TRÁCH

Cập nhật ngày 24/07/2019 16:00:11 PM - Lượt xem: 256

HĐND - Nghị quyết số 18-NQ/TW ngày 25/10/2017 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII về “Tiếp tục đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả” quy định “… Nghiên cứu, thực hiện giảm hợp lý số lượng đại biểu HĐND các cấp và giảm đại biểu HĐND công tác ở các cơ quan quản lý nhà nước…”. Như vậy, Đảng đã thể hiện rõ các quan điểm, tư tưởng chỉ đạo về việc kiện toàn tổ chức, giảm biên chế đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức trong cả hệ thống chính trị nói chung và thực hiện giảm “hợp lý” số lượng đại biểu HĐND các cấp, giảm đại biểu HĐND công tác ở các cơ quan quản lý nhà nước nói riêng. Đây là chủ trương, định hướng lớn của Đảng, nhưng vấn đề đặt ra là cần nghiên cứu, thực hiện giảm hợp lý số lượng đại biểu HĐND các cấp hay giảm số lượng đại biểu HĐND hoạt động chuyên trách.


Nhiệm kỳ 2016 - 2021, thực hiện Luật Tổ chức chính quyền địa phương năm 2015, số đại biểu HĐND hoạt động chuyên trách đối với cấp tỉnh đang thực hiện là từ 10 đến 15 đại biểu. Việc bố trí tăng đại biểu HĐND hoạt động chuyên trách là một trong những yếu tố đóng vai trò quyết định để nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của HĐND, Thường trực HĐND, các Ban HĐND. Thực tiễn hơn ½ nhiệm kỳ hoạt động cho thấy, hiệu lực, hiệu quả hoạt động của Hội đồng nhân dân không ngừng được nâng lên, việc thực hiện chức năng quyết định, chức năng giám sát của Hội đồng nhân dân các cấp đã đóng góp tích cực trong quá trình phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo quốc phòng - an ninh của từng địa phương; chức năng đại diện cho ý chí, nguyện vọng và quyền làm chủ của Nhân dân luôn được thực hiện đảm bảo, góp phần củng cố và tăng cường niềm tin của Nhân dân vào Đảng, Nhà nước và chính quyền địa phương. Tiếp tục khẳng định vai trò, vị thế của Hội đồng nhân dân - cơ quan quyền lực Nhà nước ở địa phương trong hệ thống chính trị. Trong đó có vai trò quan trọng của các đại biểu HĐND hoạt động chuyên trách.

Tuy nhiên, theo dự thảo sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tổ chức chính phủ và Luật Tổ chức chính quyền địa phương đang quy định giảm số lượng đại biểu HĐND các cấp ở từng loại hình đơn vị hành chính (khoảng từ 10%-15%), nhưng lại tập trung vào việc giảm số lượng đại biểu HĐND hoạt động chuyên trách như: giảm số lượng Phó Chủ tịch HĐND cấp tỉnh, cấp huyện từ 02 Phó Chủ tịch xuống còn 01 Phó Chủ tịch; giảm 01 Phó Trưởng ban của HĐND cấp tỉnh  hoạt động chuyên trách (Luật hiện hành quy định 02 Phó Trưởng ban hoạt động chuyên trách). Lý giải về quy định này, theo cơ quan soạn thảo thì việc tăng số lượng Phó Chủ tịch HĐND cấp tỉnh, cấp huyện chưa phù hợp với tình hình tổ chức, hoạt động của chính quyền địa phương; việc quy định số lượng Phó Trưởng ban của HĐND cấp tỉnh, cấp huyện hoạt động chuyên trách đã làm tăng biên chế của chính quyền địa phương trong bối cảnh cả nước thực hiện Nghị quyết của Trung ương về tinh giản biên chế. Điều này chưa thuyết phục, bởi lẽ: Thứ nhất, hiện nay, cụ thể hóa quy định của Hiến pháp năm 2013 và chủ trương chung của Đảng là nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động của HĐND - cơ quan quyền lực Nhà nước ở địa phương; thẩm quyền của HĐND được tăng thêm, quy định ở nhiều luật (Luật Tổ chức chính quyền địa phương, Luật Hoạt động giám sát của Quốc hội và HĐND, Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật, Luật Ngân sách Nhà nước, Luật Đất đai, Luật Đầu tư công…). Như vậy, nếu sửa đổi Luật Tổ chức chính quyền địa phương theo hướng như dự thảo thì lại đang tập trung vào việc giảm số lượng đại biểu HĐND hoạt động chuyên trách, điều này sẽ làm bộ máy hoạt động chuyên trách, chuyên sâu, chuyên nghiệp của HĐND bị giảm về “sức mạnh”, hiệu lực, hiệu quả hoạt động của HĐND, Thường trực HĐND, các Ban HĐND sẽ bị ảnh hưởng. Theo quy định của Luật Tổ chức chính quyền địa phương hiện hành, Thường trực HĐND họp thường kỳ mỗi tháng một lần để thảo luận và quyết định những vấn đề thuộc nhiệm vụ, quyền hạn của mình theo quy định của pháp luật; mỗi Ban của HĐND cấp tỉnh, cấp huyện ngoài đại biểu chuyên trách, có từ 3 - 5 thành viên kiêm nhiệm; thực tế, thành viên các Ban hoạt động kiêm nhiệm thường là lãnh đạo cấp ngành hoặc cấp huyện, cấp xã nên ít bố trí được thời gian tham gia các hoạt động chung của Ban, hoặc nếu có tham gia thì cũng không đầy đủ, tham gia thẩm tra, giám sát, nghiên cứu các văn bản để tham mưu cho HĐND, Thường trực HĐND cũng còn có những hạn chế nhất định. Vì vậy, chủ yếu vẫn là đại biểu chuyên trách thực hiện nhiệm vụ của Thường trực HĐND và các Ban của HĐND; do đó, nếu sửa đổi Luật Tổ chức chính quyền địa phương năm 2015 theo hướng giảm đại biểu chuyên trách, sẽ rất khó cho Thường trực HĐND, các Ban HĐND triển khai thực hiện các nhiệm vụ theo thẩm quyền theo quy định của phát luật. Thứ hai, việc bố trí số lượng Ban của HĐND cấp tỉnh, cấp huyện hoạt động chuyên trách đã làm tăng biên chế của chính quyền địa phương trong bối cảnh cả nước thực hiện Nghị quyết của Trung ương về tinh giản biên chế là chưa thực sự chính xác; đơn cử như đối với HĐND tỉnh Điện Biên, nhiệm kỳ khóa XIV (2016-2021) bố trí 10 đại biểu là Trưởng ban, Phó Trưởng ban hoạt động chuyên trách (nhiệm kỳ 2011-2016 chỉ có 04 đại biểu là Trưởng ban, Phó Trưởng ban hoạt động chuyên trách), nhưng tổng biên chế giao cho Văn phòng HĐND tỉnh năm 2019 là 36 biên chế, trong khi năm 2015 (trước khi Luật Tổ chức chính quyền địa phương có hiệu lực thi hành), Văn phòng HĐND tỉnh được giao 37 biên chế (chưa có biên chế đại biểu hoạt động chuyên trách ở các Ban). Mặt khác, tổng biên chế hành chính của tỉnh Điện Biên năm 2015 được cấp có thẩm quyền giao 2.327 biên chế, đến năm 2019 được giao là 2.223 biên chế (giảm 104 biên chế). Như vậy, việc bố trí số lượng Ban của HĐND cấp tỉnh, cấp huyện hoạt động chuyên trách như hiện nay không làm tăng biên chế, thậm chí còn giảm và vẫn đảm bảo thực hiện theo lộ trình tinh giản biên chế của tỉnh Điện Biên nói chung, Văn phòng HĐND tỉnh Điện Biên nói riêng theo quy định.

Sửa đổi Luật Tổ chức chính quyền địa phương năm 2015 để đảm bảo theo các quan điểm, chủ trương Đảng, Nhà nước là hoàn toàn phù hợp nhằm tiếp tục đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả. Tuy nhiên, sửa đổi thế nào để vừa đảm bảo tinh gọn, nhưng phải nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động của cả hệ thống chính trị nói chung, HĐND các cấp nói riêng, để HĐND thực sự là cơ quan quyền lực Nhà nước ở địa phương theo quy định của Hiến pháp năm 2013, chứ không chỉ tập trung vào việc giảm số lượng đại biểu HĐND hoạt động chuyên trách./.

Nguyến Tiến Thành

Phó Chánh Văn phòng HĐND tỉnh

 


Tin liên quan
ĐIỆN BIÊN: TRIỂN KHAI THỰC HIỆN CÁC CHƯƠNG TRÌNH TÍN DỤNG CHÍNH SÁCH XÃ HỘI THEO CHỈ THỊ 40-CT/TW
MỘT SỐ KINH NGHIỆM GIÁM SÁT VIỆC GIẢI QUYẾT ĐƠN CỦA CÔNG DÂN
CẦN XEM XÉT SỬA ĐỔI, BỔ SUNG MỘT SỐ ĐIỀU CỦA LUẬT THANH NIÊN
NGÀNH GIÁO DỤC VÀ ĐÀO TẠO CẦN TỔNG KẾT TRIỂN KHAI MÔ HÌNH TRƯỜNG HỌC MỚI (VNEN)
HIỆU QUẢ TỪ CÁC HỘI NGHỊ GIAO BAN HAI CẤP TỈNH - HUYỆN CỦA THƯỜNG TRỰC HỘI ĐỒNG NHÂN DÂN TỈNH ĐIỆN BIÊN
Khi thầy cô đã thay đổi
Ký ức của chiến sĩ Điện Biên: ông Nguyễn Hữu Chấp
Tỉnh Điện Biên: 05 nhóm nhiệm vụ và giải pháp trọng tâm phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng - an ninh 6 tháng cuối năm 2019
Triển khai đồng bộ công tác giáo dục quốc phòng - an ninh trên địa bàn tỉnh
Du ngoạn Pá Khoang ngắm hoa Anh đào