Hoạt động tại các kỳ họp Quốc hội  

Đại biểu Quốc hội tỉnh tham gia ý kiến vào kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội

Cập nhật ngày 10/11/2016 17:03:48 PM - Lượt xem: 210

CTTĐT - Tại kỳ họp thứ 2, Quốc hội dành hai ngày (02/11 và 03/11) để thảo luận ở hội trường về Kế hoạch tái cơ cấu nền kinh tế giai đoạn 2016-2020; Kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2016, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2017.


Phát biểu ý kiến tham gia vào kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, đại biểu Mùa A Vảng - Tỉnh ủy viên, Phó Trưởng Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh đồng tình với báo cáo đánh giá tình hình phát triển kinh tế - xã hội năm 2016 và kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2017 của Chính phủ. Mặc dù tăng trưởng GDP chưa đạt được mục tiêu như Nghị quyết của Quốc hội đề ra là 6,7%, song xét trong bối cảnh tình hình thế giới và trong nước có nhiều khó khăn, thách thức thì mức tăng trưởng 5,93% trong 9 tháng qua cho thấy tình hình kinh tế - xã hội đất nước tiếp tục có những chuyển biến tích cực.

Cử tri và nhân dân cả nước rất phấn khởi trước sự điều hành quyết liệt, năng động của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, đã tạo niềm tin mới cho người dân và cộng đồng doanh nghiệp; kinh tế vĩ mô ổn định, lạm phát được kiểm soát, đời sống vật chất và tinh thần của người dân được cải thiện; nhiều chế độ, chính sách về an sinh xã hội, giáo dục đào tạo đã đem lại hiệu quả to lớn, làm thay đổi diện mạo khu vực nông thôn, miền núi.

Đại biểu Mùa A Vảng - Tỉnh ủy viên, Phó Trưởng Đoàn đại biểu Quốc hội phát biểu tại hội trường

Tuy nhiên, kết quả công tác giảm nghèo chưa bền vững, chênh lệch giàu – nghèo giữa các vùng, nhóm dân cư, dân tộc chưa được thu hẹp, đặc biệt là khu vực miền núi, đồng bào dân tộc thiểu số do một số chính sách còn dàn trải, manh mún hoặc duy trì lâu không còn phù hợp.   

Từ thực tế trên, đại biểu đề xuất với Quốc hội, Chính phủ hai nội dung:

Thứ nhất: Xóa đói, giảm nghèo là chủ trương lớn của Đảng và Nhà nước ta nhằm cải thiện đời sống vật chất, tinh thần cho người nghèo, thu hẹp khoảng cách về trình độ phát triển giữa các vùng miền, dân tộc, nhóm dân cư. Những năm qua, Chính phủ đã ban hành nhiều chế độ, chính sách như: Nghị quyết 30a, Nghị định 134 quy định chế độ cử tuyển… đã góp phần tăng trưởng kinh tế và thực hiện công bằng xã hội.

Tuy nhiên, dù thực hiện nhiều chính sách giảm nghèo, trong thời gian dài, nhưng tỷ lệ hộ nghèo trong đồng bào dân tộc thiểu số, miền núi vẫn còn cao, tỷ lệ hộ nghèo có giảm nhưng chưa bền vững. Theo báo cáo của Chính phủ và số liệu điều tra của Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội năm 2015, cả nước có khoảng 9,88% hộ nghèo (theo chuẩn nghèo mới) thì có tới 50% hộ nghèo là đồng bào dân tộc thiểu số (trong khi đồng bào dân tộc thiểu số chỉ chiếm 14% dân số cả nước). Tỷ lệ mù chữ của người dân tộc từ 15 tuổi trở lên là 20%, thu nhập bình quân đầu người trong đồng bào dân tộc thiểu số chỉ bằng 1/6 thu nhập bình quân đầu người của cả nước, khoảng cách giàu nghèo giữa miền núi và đồng bằng chưa được rút ngắn.

Đại biểu đề nghị Quốc hội, Chính phủ xem xét, đánh giá lại các chính sách về giảm nghèo trong thời gian qua, cần tập trung hỗ trợ cho phát triển kinh tế hộ gia đình dựa trên điều kiện thực tế và khả năng làm giàu của hộ. Đại biểu cho rằng, để giảm nghèo bền vững cần phải thay đổi tư duy, nhận thức của người dân. Thực tế cho thấy, ở đâu trình độ dân trí thấp thì thường ở đó có tỷ lệ hộ nghèo cao hơn. Chúng ta cần nghiên cứu, phát hành sách giáo khoa về kiến thức và tư duy làm kinh tế cho học sinh phổ thông vùng đồng bào dân tộc thiểu số, miền núi, các trường nội trú để các em có kiến thức vững vàng khi trưởng thành, không bị ảnh hưởng bởi các hủ tục lạc hậu, phải đào tạo thế hệ trẻ khát khao làm giàu chính đáng, như vậy mới có thể giảm nghèo bền vững.

Thứ hai: Chế độ cử tuyển thể hiện sự quan tâm lớn của Đảng, Nhà nước dành cho học sinh các dân tộc thiểu số, miền núi, hải đảo. Nhờ chế độ cử tuyển mà  nhiều con em dân tộc đã được đi học, bố trí việc làm. Tuy nhiên, chính sách cử tuyển đã duy trì lâu, nay không còn phù hợp bởi hai lý do:

Một là: Chế độ cử tuyển chưa thực sự công bằng cho mọi học sinh dân tộc, khi cùng điều kiện, hoàn cảnh, người giỏi thi đỗ thì được hỗ trợ ít, trong khi người đi học cử tuyển thì được hỗ trợ gần như 100%. Mặt khác, hiện nay các em học sinh dân tộc thiểu số hoàn toàn có đủ khả năng thi đỗ vào các trường đại học, mặc dù tỷ lệ này chưa cao.

Hai là: Bố trí việc làm cho sinh viên tốt nghiệp hệ cử tuyển gặp nhiều khó khăn, do biên chế ngày càng thu hẹp lại, tỷ lệ sinh viên tốt nghiệp hệ cử tuyển chưa có việc làm ngày càng tăng. Điều này đã gây ra sự hiểu lầm và giảm niềm tin của một bộ phận nhân dân với các cấp chính quyền địa phương vì cho rằng con em dân tộc thiểu số bị phân biệt đối xử, chưa được quan tâm khi xin việc làm.

Do vậy, đại biểu đề nghị Chính phủ nên xem xét lại chính sách này, thay vào đó là tăng cường hỗ trợ cho các em học sinh dân tộc thiểu số, học sinh miền núi, hải đảo thi đỗ đại học, để tạo cơ hội bình đẳng, khuyến khích người tài học tập, tiến thân trong xã hội.

Mai Hồng

 


Tin liên quan
Bộ trưởng, Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc Đỗ Văn Chiến giải trình về chính sách giảm nghèo và chế độ cử tuyển.
Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh tham gia thảo luận tổ
Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh đề nghị bổ sung Dự án thành phần 2 đoạn Điện Biên - Tây Trang thuộc Dự án cải tạo nâng cấp quốc lộ 279 đoạn Tuần Giáo - Điện Biên -Tây Trang vào danh mục đầu tư trung hạn giai đoạn 2016-2020
Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh tham gia ý kiến vào các Dự án luật
Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh tham gia vào Dự án Luật trợ giúp pháp lý (sửa đổi)
Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh tham gia thảo luận tổ về tình hình kinh tế xã hội năm 2016
Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh tham gia thảo luận tổ
Kỳ họp hợp lòng dân, sôi động, dân chủ, đoàn kết, trí tuệ và đổi mới
Bế mạc Kỳ họp thứ 9, Quốc hội khóa XIII
Quốc hội thông qua Nghị quyết về chất vấn và trả lời chất vấn tại Kỳ họp thứ 9