Tin tức & sự kiện  

Phát huy thế “kiềng 3 chân” trong thực hiện chính sách người có công

Cập nhật ngày 27/07/2015 10:45:14 AM - Lượt xem: 256

Trao đổi với PV Báo ĐBND về chính sách người có công nhân kỷ niệm 68 năm ngày thương binh liệt sỹ (27.7.1947 - 27.7. 2015), Bộ trưởng Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội PHẠM THỊ HẢI CHUYỀN cho rằng: nâng cao đời sống người có công, ngoài việc nâng cao trợ cấp, phụ cấp và các ưu đãi kèm theo, quan trọng hơn phải phát huy hơn nữa thế “kiềng 3 chân”, không ngừng đẩy mạnh xã hội hóa, huy động toàn xã hội chung tay, góp sức chăm sóc người có công, đồng thời tăng cường hỗ trợ, thực hiện tốt các chính sách ưu tiên, ưu đãi về thuế, về tổ chức, về hỗ trợ vay vốn... để người có công tự vươn lên làm kinh tế, bảo đảm đời sống, đóng góp cho xã hội.


Thực hiện đạo lý "Uống nước nhớ nguồn", chính sách người có công của Đảng và Nhà nước đã thấm sâu vào cuộc sống. Và ngày 27.7 hàng năm đã trở thành ngày có ý nghĩa lịch sử, xã hội sâu sắc. Nhân dịp này, xin Bộ trưởng cho biết những thành tựu thực hiện chính sách đối với người có công với đất nước thời gian qua?

Bộ trưởng Phạm Thị Hải Chuyền: Đến nay, cả nước có trên 8,8 triệu đối tượng người có công. Trong đó, trên 1,5 triệu đối tượng người có công và thân nhân đang hưởng trợ cấp ưu đãi hàng tháng của Nhà nước. 

Từ khi UBTVQH ban hành Pháp lệnh số 04/2012/UBTVQH 13 sửa đổi, bổ sung một số điều của Pháp lệnh ưu đãi người có công với cách mạng, qua đó, bổ sung thêm một số chế độ ưu đãi. Tính đến hết năm 2014 đã có trên 7.200 bà mẹ được hưởng trợ cấp người phục vụ, trên 6.300 người được hưởng chế độ trợ cấp người phục vụ đối với người hoạt động kháng chiến bị nhiễm chất độc hóa học có tỷ lệ suy giảm khả năng lao động từ 81% trở lên sống tại gia đình đã được thực hiện từ 1.9.2012; gần 65.000 người được hưởng chế độ hàng tháng đối với người hoạt động cách mạng hoặc hoạt động kháng chiến bị địch bắt tù đày đã được thực hiện từ ngày 1.9.2012. Từ ngày 1.1.2013, gần 410.000 người được hưởng chế độ thờ cúng liệt sĩ mỗi năm một lần, trên 1.200.000 người hưởng chế độ điều dưỡng 2 năm một lần. Quy định về việc điều chỉnh trợ cấp đối với thân nhân liệt sĩ theo định suất liệt sĩ, trường hợp mồ côi cha mẹ hoặc cô đơn không nơi nương tựa được hưởng thêm trợ cấp tuất nuôi dưỡng bằng 0,8 lần mức chuẩn đã được thực hiện từ ngày 1.1.2013. Quy định về việc chuyển đổi mức trợ cấp đối với người hoạt động kháng chiến bị nhiễm chất độc hóa học đối với người đã được công nhận và thực hiện chế độ trước ngày 1.9.2012 được triển khai thực hiện từ ngày 1.1.2013. Đến hết năm 2014, đã có trên 153.500 người chuyển hưởng các mức trợ cấp mới, trong đó có 14.600 người được điều chỉnh hưởng trợ cấp theo tỷ lệ suy giảm khả năng lao động từ 21%- 40%, 62.500 người được điều chỉnh hưởng trợ cấp theo tỷ lệ suy giảm khả năng lao động từ 41%- 60%, 58.000 người được điều chỉnh hưởng trợ cấp theo tỷ lệ suy giảm khả năng lao động từ 61%- 80%, 18.400 tiếp tục hưởng trợ cấp theo tỷ lệ suy giảm khả năng lao động từ 81% trở lên.
 
Bên cạnh việc mở rộng diện đối tượng được thụ hưởng, nâng mức trợ cấp, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội và các ngành có liên quan đã triển khai thực hiện đồng bộ, có hiệu quả các chế độ ưu đãi khác như: chế độ hỗ trợ người có công về nhà ở, đào tạo nghề, giải quyết việc làm đối với người có công và con của họ, chế độ chăm sóc sức khỏe, Bảo hiểm y tế, đẩy mạnh công tác vận động xã hội tham gia thực hiện chính sách, pháp luật về người có công với cách mạng, sửa chữa, xây mới nhà tình nghĩa. Tặng sổ tiết kiệm cho đối tượng, gia đình người có công... góp phần nâng cao mức sống của người có công, đối tượng chính sách.


Ảnh: Thanh Hà

Bên cạnh những thành tựu đạt được thì việc triển khai thực hiện chính sách đối với một bộ phận gia đình người có công với cách mạng, nhất là ở vùng sâu, vùng xa, vùng căn cứ cách mạng… vẫn còn những vướng mắc chưa kịp thời được sửa đổi, bổ sung. Ý kiến của Bộ trưởng về vấn đề này như thế nào?

 Người hoạt động cách mạng trước ngày 1.1.1945 gồm: 8.806 người; người hoạt động cách mạng từ ngày 1.1.1945 đến trước tổng khởi nghĩa 19.8.1945 gồm: 16.142 người; liệt sĩ gồm: 1.146.250 người; bà mẹ Việt Nam anh hùng gồm: 49.609 người; Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân, Anh hùng lao động gồm: 1253 người; thương binh và người hưởng chính sách như thương binh gồm: 555.016 người; thương binh B gồm: 40.129 người; Bệnh binh gồm: 184.876 người; người hoạt động kháng chiến và con đẻ của họ bị nhiễm chất độc hóa học gồm: 200.000 người; người hoạt động cách mạng, hoạt động kháng chiến bị địch bắt tù, đày: 109.468 người; người có công giúp đỡ cách mạng gồm: 1.898.000 người; người hoạt động kháng chiến giải phóng dân tộc, bảo vệ Tổ quốc và làm nghĩa vụ Quốc tế gồm: 4.146.796 người.

Bộ trưởng Phạm Thị Hải Chuyền: Về cơ bản, chính sách ưu đãi được áp dụng thống nhất. Tuy nhiên, cũng có những cơ chế được áp dụng riêng cho đồng bào dân tộc ít người, theo một cơ chế hết sức thông thoáng, không cần giấy tờ chứng minh tham gia cách mạng, không cần người làm chứng, chỉ cần đối tượng tự khai, thông qua bình xét công khai, dân chủ ở địa phương… Qua đó, trong hơn 4 năm (từ tháng 12.2008 đến tháng 3.2013) thực hiện đã xác nhận được hơn 7.000 bệnh binh là người dân tộc ít người. 
 
Mặc dù vậy, việc triển khai thực hiện chính sách đối với người có công tại vùng sâu, vùng xa, vùng căn cứ cách mạng vẫn còn nhiều khó khăn, chủ yếu là do:
 
Công tác tuyên truyền hạn chế dẫn đến việc bà con không nắm được chính sách, bản thân cán bộ cơ sở nhiều nơi còn yếu kém, không hiểu rõ văn bản càng làm cho công tác tuyên truyền khó khăn hơn.
 
Cán bộ, chính quyền sơ sở thụ động, đa số là chờ người có công tự lập hồ sơ đưa lên dẫn đến việc hồ sơ sai sót, không đủ điều kiện, phải trả về. Chưa chủ động đi cơ sở, đến với dân để nghe, năm bắt thông tin và hướng dẫn cho người dân. 
 
Việc khắc phục những thiếu sót trong thực hiện chính sách ưu đãi người có công ở vùng sâu, vùng xã không thể khắc phục một sớm, một chiều vì còn liên quan đến nhiều vấn đề như: tổ chức, biên chế, trình độ cán bộ, kinh phí,…
 
Để giải quyết vấn đề này, trong những năm qua, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội đã triển khai nhiều biện pháp. Ví dụ: về công tác cán bộ, hiện nay cấp xã đã bố trí được 01 cán bộ làm công tác lao động - thương binh và xã hội. Đẩy mạnh tuyên truyền, phổ biến chính sách, đặc biệt chú trọng đến đối tượng là cán bộ cơ sở.
 
Chính sách đối với người có công và thực hiện chính sách vẫn có chỗ chưa "ăn khớp" với nhau, thưa Bộ trưởng ?
 
Bộ trưởng Phạm Thị Hải Chuyền: Việc xác nhận người có công hiện nay thủ tục được thực hiện theo quy định tại Thông tư số 05/2013/TT-BLĐTBXH ngày 25.5.2013 của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, Thông tư liên tịch số 28/TTLT/BLĐTBXH-BQP ngày 22.10.2013 của Liên Bộ Quốc phòng, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội.
 
Tuy nhiên, những chính sách ưu đãi người có công hiện nay chưa thể đáp ứng được mong muốn của tất cả mọi người. Người lập hồ sơ thì luôn muốn thủ tục, hồ sơ càng đơn giản càng tốt nhưng các cơ quan quản lý nhà nước phải tính toán, cân nhắc 2 mặt: đơn giản hóa đến mức nào để tạo điều kiện cho người lập hồ sơ nhưng cũng hạn chế được tình trạng dởm giả xảy ra khá phổ biến ở khắp các địa phương trên cả nước. 

Vì vậy, trong quá trình xây dựng Thông tư liên tịch số 28/TTLT/ BLĐTBXH - BQP, hai Bộ đã cân nhắc kỹ, xin ý kiến của các bộ, ngành, địa phương trước khi ban hành, bảo đảm việc xem xét xác nhận đúng đối tượng.
 
Trong thời gian tới, sau khi có kết quả tổng rà soát, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội sẽ tiếp tục xem xét, phối hợp với Bộ Quốc phòng để nếu cần thiết thì sẽ sửa đổi, bổ sung Thông tư liên tịch số 28/2013/TTLT- BLĐTBXH-BQP cho phù hợp hơn, thuận tiện hơn cho người có công trong việc lập hồ sơ hưởng trợ cấp.
 
Cùng với chính sách hỗ trợ từ Nhà nước, thưa Bộ trưởng, việc xã hội hóa, tự phấn đấu vươn lên có vai trò quan trọng trong việc nâng cao mức sống của người có công ?
 
Bộ trưởng Phạm Thị Hải Chuyền: Cùng với chính sách ưu đãi của Nhà nước, việc xã hội hóa phong trào Đền ơn đáp nghĩa cũng được phát triển rộng khắp. Nhiều phong trào được phát triển từ các thôn bản, xã phường, được tổng kết và nhân rộng trong phạm vi cả nước như phong trào: tặng sổ tiết kiệm tình nghĩa; xây dựng, sửa chữa nhà tình nghĩa; xây dựng Quỹ Đền ơn đáp nghĩa; tặng vườn cây tình nghĩa, áo ấm tặng mẹ, áo lụa tặng bà; phụng dưỡng Bà mẹ Việt Nam Anh hùng, chăm sóc thân nhân liệt sĩ, đỡ đầu con thương binh, con liệt sĩ; nhiều địa phương kết nghĩa, giúp đỡ xây dựng hàng ngàn nhà tình nghĩa và công trình phục vụ đời sống xã hội…
 
Chỉ tính riêng 5 năm qua, phong trào toàn dân chăm sóc, giúp đỡ thương binh, bệnh binh, gia đình liệt sĩ và người có công với cách mạng không ngừng được phát triển cả bề rộng lẫn chiều sâu. Cả nước đã đóng góp xây dựng Quỹ Đền ơn, đáp nghĩa gần 1.500 tỷ đồng, xây mới trên 55.600 ngôi nhà tình nghĩa, sửa chữa hơn 39.000 ngôi nhà với tổng kinh phí hàng trăm tỷ đồng. Đến nay, hơn 6.000 Bà mẹ Việt Nam anh hùng còn sống, đều được các cơ quan, đơn vị nhận chăm sóc, phụng dưỡng tới cuối đời. Việc xây dựng xã/phường làm tốt công tác thương binh, liệt sĩ và người có công đã trở thành phong trào rộng khắp và được các cấp ủy Đảng, chính quyền đưa vào kế hoạch phấn đấu của địa phương, cơ sở. Hiện cả nước đã có 98% xã/phường được công nhận là xã/phường làm tốt công tác này.
 
Ngân sách dành cho đầu tư phát triển ngày càng lớn và cũng rất quan trọng. Vậy, thưa Bộ trưởng đâu là hướng thúc đẩy việc thực hiện các chính sách ưu đãi của đất nước trong thời gian tới?
 
Bộ trưởng Phạm Thị Hải Chuyền: Chúng tôi mong rằng, Đảng, Nhà nước, QH tiếp tục rà soát, sửa đổi, bổ sung chính sách ưu đãi người có công cho phù hợp với tình hình thực tế, với khả năng kinh tế, ngân sách của đất nước; nghiên cứu, hoàn thiện pháp luật ưu đãi người có công trong giai đoạn 2016 - 2020.
 
Cùng với đó, nâng cao đời sống người có công, ngoài việc nâng cao trợ cấp, phụ cấp và các ưu đãi kèm theo, quan trọng hơn phải phát huy hơn nữa thế “kiềng 3 chân”, không ngừng đẩy mạnh xã hội hóa, huy động toàn xã hội tham gia chung tay, góp sức chăm sóc người có công, đồng thời tăng cường hỗ trợ, thực hiện tốt các chính sách ưu tiên, ưu đãi về thuế, về tổ chức, về hỗ trợ vay vốn... để người có công tự vươn lên làm kinh tế, bảo đảm đời sống, đóng góp cho xã hội.
 
Xin trân trọng cảm ơn Bộ trưởng!

Văn Thăng thực hiện
(Theo daibieunhandan.vn)
 


Tin liên quan
Đ/c Lò Mai Trinh - Ủy viên TW Đảng, Bí thư Tỉnh ủy thăm, tặng quà các gia đình chính sách
Đồng chí Trần Văn Sơn - Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy thăm và tặng quà các gia đình chính sách
Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng tiếp Thủ tướng Lào Thongsing Thammavong
Công bố 13 Luật, Pháp lệnh và Nghị quyết
Đại hội Đảng bộ Công an tỉnh lần thứ 16 nhiệm kỳ 2015-2020
Sửa đổi, bổ sung bộ tiêu chí nông thôn mới
Phát huy quyền làm chủ, huy động trí tuệ của nhân dân góp ý vào dự thảo Bộ luật Hình sự (sửa đổi)
Thủ Tướng Lào Thongsing Thammavong thăm và làm việc tại tỉnh Điện Biên
Khai mạc Phiên họp thứ 39 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội khóa XIII
Đồng chí Phạm Văn Nam được bổ nhiệm chức vụ Chánh án TAND tỉnh