
Đại biểu Quốc hội Lò Thị Luyến, TUV, Phó Trưởng Đoàn chuyên trách, phụ trách Đoàn ĐBQH tỉnh phát biểu tại hội nghị TXCT
Về nội dung tiếp xúc cử tri, các ĐBQH tỉnh đã thông báo dự kiến nội dung chương trình Kỳ họp thứ 9, Quốc hội khoá XV; theo đó tại Kỳ họp thứ 9, Quốc hội sẽ xem xét, quyết định sửa đổi, bổ sung một số điều của Hiến pháp năm 2013; thông qua 30 luật và nghị quyết; xem xét, cho ý kiến vào 06 dự án luật và quyết định các vấn đề kinh tế - xã hội, ngân sách nhà nước, giám sát và các vấn đề quan trọng khác. ĐBQH tỉnh đã gợi mở một số vấn đề xin ý kiến cử tri tham gia vào các dự thảo: Luật Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tổ chức chính quyền địa phương (sửa đổi); Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Bầu cử đại biểu Quốc hội và đại biểu Hội đồng nhân dân (sửa đổi); Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Cán bộ, công chức (sửa đổi). Hội nghị diễn ra sôi nổi, trách nhiệm, có 4 lượt cử tri phát biểu với 06 ý kiến, kiến nghị, tập trung về chế độ chính sách đối với cán bộ, công chức, viên chức khi nghỉ việc theo Nghị định 178/2024/NĐ-CP ngày 31/12/2024 của Chính phủ về chính sách, chế độ đối với cán bộ, công chức, viên chức, người lao động và lực lượng vũ trang trong thực hiện sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị và Nghị định 67/2025/NĐ-CP ngày 15/3/2025 của Chính phủ, cụ thể như: Về thời hạn áp dụng chính sách; định hướng sắp xếp các đơn vị sự nghiệp công lập; chính sách đối với Chỉ huy trưởng quân sự xã sau sát nhập; đầu tư cơ sở vật chất cho các xã mới sau sát nhập; chính sách ưu tiên trong tuyển dụng, bố trí cán bộ, công chức là người dân tộc thiểu số…

Cử tri huyện Nậm Pồ phát biểu ý kiến, kiến nghị
Về nội dung khảo sát tình hình triển khai thực hiện các Chương trình mục tiêu quốc gia (MTQG) về xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021-2025, giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021-2025, phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021-2030; nhằm nắm thông tin để xây dựng chính sách trong giai đoạn tới, Đoàn ĐBQH đã tập trung nắm bắt những khó khăn, vướng mắc trong quá trình triển khai thực hiện các Chương trình MTQG như việc áp dụng chính sách ở các địa phương có sự khác nhau; mức hỗ trợ đối với các tổ, nhóm cộng đồng còn thấp; công tác giải phóng mặt bằng chậm do không có hỗ trợ đền bù; cơ chế sử dụng các nguồn vốn chưa linh hoạt; một số nội dung hỗ trợ chưa thật sự phù hợp… Đồng thời, huyện Nậm Pồ có một số đề xuất, kiến nghị để thực hiện các Chương trình MTQG giai đoạn tới như: Xem xét giao quyền cho địa phương cấp cơ sở trong việc phân bổ vốn sự nghiệp hàng năm cho các dự án, tiểu dự án thành phần, làm tăng hiệu quả sử dụng vốn theo điều kiện cụ thể của địa phương; có chính sách đền bù giải phóng mặt bằng khi thực hiện các dự án đầu tư; các cấp, các ngành cần ban hành kịp thời các văn bản hướng dẫn triển khai kịp thời, sát với thực tế; tăng mức hỗ trợ đối với các tổ, nhóm cộng đồng…

Đại diện cơ quan chuyên môn huyện Nậm Pồ phát biểu khó khăn, vướng mắc trong triển khai thực hiện các Chương trình MTQG
Thay mặt Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh, đại biểu Lò Thị Luyến, Phó trưởng đoàn Phụ trách Đoàn ĐBQH tỉnh đã ghi nhận ý kiến cử tri và trao đổi, làm rõ ngay tại Hội nghị; đồng thời đề nghị huyện Nậm Pồ tiếp tục nghiên cứu, đề xuất các chính sách, giải pháp thực hiện các Chương trình MTQG trong thời gian tới đến Đoàn ĐBQH và các cấp, ngành./.
Tin, ảnh: Tòng Thiện