Hoạt động tại các kỳ họp Quốc hội  

Đại biểu Quốc hội tỉnh: Kiểm soát nợ xấu ở mức quy định sẽ như thế nào trong hành lang pháp lý hiện hành

Cập nhật ngày 09/06/2022 18:15:36 PM - Lượt xem: 256

Từ chiều ngày 7.6 đến hết ngày 9.6, kỳ họp thứ 3, Quốc hội khóa XV tiến hành chất vấn và trả lời chất vấn với 4 nhóm vấn đề chất vấn thuộc lĩnh vực quản lý nhà nước của các Bộ Tài chính, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Giao thông vận tải và Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam.


Ảnh: Đại biểu Quốc hội Quàng Thị Nguyệt đặt câu hỏi chất vấn sáng ngày 9.6, kỳ họp thứ 3, Quốc hội khoá XV

Sáng 9.6, Quốc hội tiến hành chất vấn và trả lời chất vấn với nhóm vấn đề thuộc lĩnh vực ngân hàng với các nội dung cụ thể như: Tình hình triển khai và giải pháp đẩy nhanh việc thực hiện Nghị quyết số 43/2022/QH15 về chính sách tài khóa, tiền tệ hỗ trợ chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội thuộc trách nhiệm quản lý nhà nước của Ngân hàng Nhà nước; Việc phối hợp chính sách tài khóa về kiểm soát lạm phát, củng cố nền tảng kinh tế vĩ mô; Việc thực hiện các Nghị quyết về cơ cấu lại các tổ chức tín dụng, xử lý các ngân hàng thương mại yếu kém gắn với xử lý nợ xấu; Cơ chế cấp hạn mức tín dụng hàng năm cho các ngân hàng thương mại; Việc quản lý, kiểm soát tín dụng trong lĩnh vực tiềm ẩn rủi ro, nhất là cho vay chứng khoán, bất động sản và phát hành trái phiếu doanh nghiệp; Thực trạng và giải pháp phòng, chống tín dụng đen, tội phạm công nghệ cao trong lĩnh vực tiền tệ, tín dụng.

Tham gia chất vấn, đại biểu Quốc hội Quàng Thị Nguyệt có hai câu hỏi gửi tới Thống đốc Ngân hàng Nhà nước. Một là: “Theo báo cáo của Ngân hàng Nhà nước, chậm nhất vào kỳ họp đầu năm 2023 sẽ trình Quốc hội sửa đổi, bổ sung Luật Các tổ chức tín dụng và các luật có liên quan đến xử lý nợ xấu và tài sản đảm bảo để luật hóa quy định về xử lý nợ xấu. Xin Thống đốc cho biết cụ thể hơn về dự kiến lộ trình, tiến độ việc thực hiện rà soát, nghiên cứu, đề xuất sửa đổi, bổ sung đối với các dự án luật như tôi vừa nêu như thế nào?” Hai là: “Theo báo cáo của Ngân hàng Nhà nước cho thấy, bối cảnh nợ xấu của các tổ chức tín dụng trong thời gian tới sẽ còn rất nhiều khó khăn, do tình hình kinh tế thế giới có những diễn biến khó lường, lạm phát gia tăng. Bên cạnh đó, ảnh hưởng của đại dịch Covid – 19 vẫn còn tiếp tục nên nhiều doanh nghiệp trong nước gặp khó khăn, không trả được nợ cho ngân hàng dẫn đến nợ xấu có xu hướng gia tăng trong thời gian tới. Tôi biết rằng, có hoạt động tín dụng thì sẽ khó tránh khỏi nợ xấu, vấn đề là ở chỗ kiểm soát nợ xấu ở mức quy định sẽ như thế nào trong hành lang pháp lý hiện hành. Ngoài việc đề nghị Quốc hội cho kéo dài thời hạn áp dụng toàn bộ quy định của Nghị quyết số 42 Ngân hàng Nhà nước có đề xuất, kiến nghị cụ thể gì thêm với Quốc hội về vấn đề này không?”

Trả lời câu hỏi của đại biểu Quàng Thị Nguyệt, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Thị Hồng cho biết, về giải pháp kiểm soát nợ xấu, công tác phòng ngừa rất là quan trọng, yêu cầu các tổ chức tín dụng phải kiểm soát những rủi ro để tránh gia tăng nợ xấu và khi có nợ xấu xảy ra thì cũng phải có những biện pháp xử lý. Đối với các văn bản thì đúng theo yêu cầu, đầu năm 2023, kỳ họp thường kỳ đầu tiên của Quốc hội (kỳ họp thứ 5) phải trình dự thảo luật này. Đây là một công việc mà Ngân hàng Nhà nước cũng phải hết sức khẩn trương. Chúng tôi đã tổng hợp, đánh giá kinh nghiệm các nước cũng như là đánh giá về thực tại, trên cơ sở những vướng mắc, những cái được của Nghị quyết 42, sau này sẽ tham mưu để luật hóa và kiến nghị, đề xuất với Quốc hội. Việc ban hành các văn bản quy phạm pháp luật là một vấn đề rất khó, đòi hỏi sự đồng thuận rất cao của xã hội, chính sách phải thiết thực đối với doanh nghiệp và người dân. Trong thời gian tới, tháng 10 này thì chúng tôi có một luật về phòng, chống rửa tiền, kỳ đầu tiên của năm sau là luật hóa những khoản nợ xấu này. Kính mong các đại biểu và Quốc hội quan tâm. Ngân hàng Nhà nước sẽ có những tổng kết, đánh giá, tổ chức những hội thảo hoặc tọa đàm và xin ý kiến, kính mong các đại biểu quan tâm, hỗ trợ cho ngành ngân hàng để khuôn khổ pháp lý được ban hành và đi vào cuộc sống.

Trước đó, ngày 8/6, đại biểu Quốc hội Tạ Thị Yên đã gửi chất vấn tới Bộ Trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc về kịch bản và phương án ứng phó đối với nguy cơ lạm phát và kiểm soát giá cả một số mặt hàng thiết yếu như xăng, dầu, vật tư chiến lược để hỗ trợ sản xuất trong nước, cân đối cung cầu và bình ổn giá trước tình hình diễn biến xung đột địa chính trị đang tác động mạnh tới kinh tế và lạm phát thế giới, giá cả các mặt hàng nhiên liệu và vật tư chiến lược đều tăng đang ảnh hưởng tới mục tiêu kiểm soát lạm phát, ổn định vĩ mô của nước ta. Một nội dung khác, đại biểu đề cập đến việc Bộ Tài chính báo cáo trước Quốc hội là trước mắt chưa xem xét, điều chỉnh giá các hàng hóa, dịch vụ do Nhà nước định giá, tiếp tục giữ ổn định giá để đảm bảo công tác kiểm soát lạm phát chung cũng như góp phần hỗ trợ cho doanh nghiệp, người dân. Đây là bài toán về chi phí – hiệu quả chi tiêu ngân sách nhà nước mà cử tri rất qua tâm. Do đó, đề nghị Bộ trưởng cho biết, doanh nghiệp sản xuất kinh doanh các mặt hàng này sẽ được nhà nước bù giá bằng cách nào? Dự kiến sẽ phải chi bao nhiêu ngân sách nhà nước để bù giá và khoản chi phí phát sinh này có ảnh hưởng đến kế hoạch chi cho các nhiệm vụ khác của ngân sách nhà nước không?

Mai Hồng

 


Tin liên quan
Đại biểu Quốc hội tỉnh tham gia ý kiến vào dự thảo Nghị quyết thí điểm mô hình tổ chức hoạt động lao động, hướng nghiệp, dạy nghề cho phạm nhân ngoài trại giam
Đại biểu Quốc hội Tạ Thị Yên: Đề nghị Chính phủ cho phép dự án xây dựng cao tốc Sơn La - Điện Biên - Cửa khẩu Tây Trang triển khai thực hiện trước năm 2030
Đại biểu Quốc hội tỉnh tham gia ý kiến vào các Dự thảo Luật: Phòng, chống bạo lực gia đình (sửa đổi) và Thực hiện dân chủ ở cơ sở
Đại biểu Quốc hội Tạ Thị Yên: Đề nghị quy định cụ thể tỷ lệ phần trăm số tiền các cơ quan thanh tra được trích từ các khoản thu hồi phát hiện qua thanh tra
Đại biểu Quốc hội tỉnh tham gia ý kiến vào Dự án Luật khám bệnh, chữa bệnh (sửa đổi)
Đại biểu Quốc hội Tạ Thị Yên: Việc mua sắm công còn nhiều biểu hiện tham nhũng, lãng phí
Đại biểu Quốc hội Nguyễn Văn Thắng: Cần đẩy mạnh việc phân cấp, phân quyền và quyết liệt hơn nữa trong giải quyết, tháo gỡ nhanh những khó khăn về quy trình, thủ tục cho các địa phương
Đại biểu Quốc hội Lò Thị Luyến: Đề nghị Chính phủ sớm giao kế hoạch vốn đầu tư phát triển của 03 chương trình mục tiêu quốc gia giai đoạn 2021 – 2025
Đại biểu Quốc hội tỉnh tham gia ý kiến về việc triển khai dự án đường Hồ Chí Minh
Khai mạc kỳ họp thứ 3, Quốc hội khoá XV