Hoạt động tiếp xúc cử tri  

Để đại biểu dân cử không là “những cánh chim đưa thư”

Cập nhật ngày 26/10/2014 08:59:28 AM - Lượt xem: 228

Trong các cuộc tiếp xúc cử tri, đại biểu Quốc hội, đại biểu HĐND (gọi chung là đại biểu dân cử) thường lắng nghe và ghi nhận rất nhiều ý kiến, kiến nghị của cử tri để tổng hợp, phản ánh, chuyển đến các cơ quan có thẩm quyền trả lời và giải quyết. Có những vấn đề lần nào tiếp xúc, cử tri cũng kiến nghị và đại biểu cũng thu thập, truyền tải song lại chậm hoặc không được giải quyết. Trong khi đó chưa có chế tài xử lý đối với tình trạng này khiến đại biểu dân cử dường như trở thành "những cánh chim đưa thư".


Ông Vừ A Phía, Chủ tịch HĐND tỉnh khóa XII (nhiệm kỳ 2004 - 2009) vẫn luôn trăn trở, băn khoăn khi không ít vấn đề đại biểu dân cử ghi nhận, tổng hợp từ cử tri, phản ánh tới cơ quan có thẩm quyền nhưng chậm được giải quyết. Trong khi đó, thực tế chưa có chế tài xử lý vấn đề này và đại biểu dân cử lại chưa được giao quyền, trách nhiệm xử lý đối với những vấn đề đại biểu nêu mà không giải quyết. Vô hình trung, đại biểu dân cử lại trở thành "những cánh chim đưa thư" khiến cử tri không hài lòng, không yên tâm khi đã trao quyền đại diện của mình cho đại biểu.

Thực tế có những vấn đề cử tri kiến nghị từ kỳ tiếp xúc này tới kỳ tiếp xúc khác nhưng vẫn chỉ được tổng hợp, chuyển đến cơ quan chức năng còn việc giải quyết như thế nào, vào thời gian nào thì cả đại biểu và cử tri lại không thể giám sát, xử lý. Vì vậy, ông Bùi Đình Lại (cử tri TP Điện Biên Phủ) từng cho rằng nhiều luật, văn bản của Quốc hội ban hành song việc thực hiện chưa nghiêm và đề nghị Quốc hội nên dành 2/3 thời gian cho việc lập pháp còn lại chú ý giám sát việc thực hiện các luật, nghị quyết đã ban hành. Để thực hiện được điều này, đại biểu dân cử không chỉ nghe báo cáo tại hội nghị mà phải giám sát trực tiếp, thị sát thực tế để nắm rõ vấn đề khi đưa ra những kiến nghị với cơ quan có thẩm quyền.

Trong các cuộc tiếp xúc cử tri gần đây trên địa bàn tỉnh, vấn đề về đào tạo, tuyển dụng và bố trí cán bộ cơ sở luôn được cử tri nêu và kiến nghị cần giải pháp cụ thể giải quyết khi tỷ lệ con em đồng bào sau đào tạo không có việc làm ngày càng tăng. Cử tri cũng đề nghị việc tuyển dụng cán bộ, công chức, viên chức cần có chỉ tiêu, tiêu chí cụ thể, hợp lý; tăng cường tuyển dụng cán bộ có kinh nghiệm vào các cơ quan hành chính Nhà nước. Một vấn đề nữa thường được cử tri phản ánh, đó là việc tăng biên chế, phụ cấp cho các đơn vị, chức danh ở cơ sở. Trong khi đó, việc tăng biên chế hay phụ cấp không thể chỉ với một địa phương mà sẽ là đồng loạt ở tất cả các địa phương cùng cấp kéo theo vấn đề ngân sách và hiệu quả công việc. Đây rõ ràng là vấn đề bức xúc xã hội chưa thể giải quyết trong ngày một ngày hai. Vì thế, việc lắng nghe, ghi nhận và tổng hợp kiến nghị, đề xuất của cử tri để chuyển tới cơ quan có thẩm quyền là tất yếu. Ngay trong đợt tiếp xúc cử tri của đại biểu Quốc hội trước kỳ họp thứ 8, nhiều vấn đề cử tri ở các địa phương nêu ra khá trùng lặp với các đợt tiếp xúc trước đó, như: tăng biên chế cho cấp xã, ưu tiên tuyển dụng con em đồng bào địa phương, đầu tư hạ tầng cho cơ sở... Những vấn đề này luôn trong tình trạng "thư đi, thư lại" mà chưa thể giải quyết triệt để.

Thực tế của tình trạng trên đã được đưa ra thảo luận ở nhiều phiên họp của cơ quan đại biểu dân cử từ cấp trung ương tới địa phương, nhằm tìm giải pháp phù hợp giải quyết vấn đề. Thảo luận trước khi thông qua Luật Tiếp công dân tại kỳ họp thứ 6 (tháng 11/2013), Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng đã khẳng định không thể tiếp tục mãi tình trạng "chung chung, chẳng ai có quyền, chẳng ai có trách nhiệm, cứ gửi mãi như chim đưa thư và cứ chuyển mãi". Vì vậy, Chủ tịch Quốc hội yêu cầu trong Luật Tiếp công dân cần phân định rõ "loại việc phải giải quyết", "loại việc phải chuyển"; buộc người có trách nhiệm trong thời hạn bao lâu phải trả lời, phải giải quyết. Từ ngày 1/7/2014 khi Luật Tiếp công dân có hiệu lực và đi vào cuộc sống là một trong những giải pháp để các đại biểu dân cử giảm dần tình trạng là "những cánh chim đưa thư".

Đó là một trong những cơ sở pháp lý cho việc giảm "thư đi, thư lại" của cử tri. Song một yếu tố quan trọng là việc giải quyết các kiến nghị sau giám sát của cơ quan có thẩm quyền cần triệt để, thuyết phục hơn. Điều này cũng đòi hỏi trách nhiệm của từng đại biểu dân cử đối với nội dung kiến nghị, đề xuất phải sát thực tế, trúng vấn đề, phù hợp địa bàn, địa phương. Tức là chất lượng hoạt động của cơ quan dân cử, đại biểu dân cử phải được nâng lên. Mỗi đại biểu phải xác định và thực hiện tốt hơn trách nhiệm của mình trước xã hội, trước cử tri. Muốn vậy, ngay từ khi bầu cử, bỏ phiếu, cử tri cũng phải lựa chọn đại biểu đảm bảo tiêu chuẩn, năng lực; đồng thời bản thân đại biểu trong quá trình hoạt động tự rèn luyện, tích cực nắm bắt thông tin, tình hình thực tế cơ sở để tham gia công tác giám sát, thảo luận các chủ trương, chính sách.

                                                                                                                                                                    Báo dienbienphu.info.vn

 


Tin liên quan