Nghiên cứu - Trao đổi  

4 NHÓM CHÍNH SÁCH MỚI TRONG LUẬT TÀI NGUYÊN NƯỚC

Cập nhật ngày 15/07/2024 08:07:26 AM - Lượt xem: 76

Luật Tài nguyên nước số 28/2023/QH15 được Quốc hội khóa XV thông qua tại Kỳ họp thứ 6, ngày 27/11/2023, gồm 10 chương và 86 điều, có hiệu lực thi hành từ ngày 01/7/2024 (trừ điểm b khoản 1 Điều 69 và khoản 4 Điều 52). Luật Tài nguyên nước năm 2023 được xây dựng tập trung vào 04 nhóm chính sách.


Chính sách nhằm đảm bảo an ninh nguồn nước

Các chính sách liên quan đến an ninh nguồn nước được thể hiện xuyên suốt trong các chương, điều của Luật Tài nguyên nước năm 2023. Bảo đảm số lượng, chất lượng nước phục vụ dân sinh trong mọi tình huống, đáp ứng nhu cầu sử dụng nước cho các hoạt động phát triển kinh tế - xã hội, quốc phòng, an ninh, môi trường và giảm thiểu rủi ro, tác hại từ các thảm họa do con người và thiên nhiên gây ra liên quan đến nước. Đồng thời, có chính sách ưu đãi đối với các dự án đầu tư khai thác nước cấp cho sinh hoạt, sản xuất cho người dân các vùng khan hiếm nước ngọt, vùng đồng bào dân tộc thiểu số, miền núi, biên giới, hải đảo, địa bàn có điều kiện kinh tế - xã hội khó khăn, địa bàn có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn; tạo điều kiện tiếp cận nước sinh hoạt cho người nghèo, phụ nữ, trẻ em, người khuyết tật và các đối tượng dễ bị tổn thương khác (khoản 2 Điều 4).

Điều hòa, phân phối tài nguyên nước là một trong những điểm mới, cốt lõi trong việc quản lý, sử dụng, bảo vệ các nguồn nước hiệu quả, bảo đảm an ninh nguồn nước, trong đó quy định cụ thể: việc xây dựng kịch bản nguồn nước; hướng tới việc điều hòa, phân phối tài nguyên nước bằng hệ thống hỗ trợ ra quyết định theo thời gian thực; việc xây dựng, tổ chức thực hiện phương án điều hòa, phân phối tài nguyên nước và các biện pháp ứng phó, khắc phục khi tình trạng hạn hán, thiếu nước xảy ra (Điều 35, 36).

Quy định cụ thể các trường hợp phải xác định dòng chảy tối thiểu; nguyên tắc, căn cứ và trách nhiệm xác định, công bố dòng chảy tối thiểu, ngưỡng khai thác nước dưới đất (Điều 24). Quy định rõ nội dung về quy hoạch tổng hợp lưu vực sông liên tỉnh để giải quyết hiệu quả các vấn đề cụ thể của từng lưu vực sông xảy ra ở tiểu lưu vực đang gặp phải như vấn đề hạn hán, ô nhiễm, suy thoái, lũ lụt,… tăng cường bảo đảm an ninh nguồn nước trên lưu vực. Trong đó, nhấn mạnh việc phân bổ tài nguyên nước tuân thủ theo quy hoạch, kịch bản nguồn nước (Điều 13- Điều 19).

Quy trình vận hành hồ chứa, liên hồ chứa phải căn cứ yêu cầu bảo đảm an toàn công trình, phòng, chống lũ, lụt, cấp nước cho hạ du và bảo đảm các nguyên tắc trong điều hòa, phân phối tài nguyên nước (Điều 38).

Chính sách về bảo vệ tài nguyên nước                                                   

Luật Tài nguyên nước quy định bảo vệ nguồn nước mặt bao gồm các hoạt động chủ yếu sau: quản lý hành lang bảo vệ nguồn nước; duy trì dòng chảy tối thiểu trên sông, suối; bảo đảm lưu thông dòng chảy; phòng, chống và phục hồi nguồn nước bị suy thoái, cạn kiệt, ô nhiễm; cải thiện khả năng chịu tải của nguồn nước mặt; bảo vệ các nguồn nước mặt có chức năng điều hòa, cấp nước, phòng, chống ngập úng; các nguồn nước có chức năng bảo vệ, bảo tồn hoạt động tôn giáo, tín ngưỡng, giá trị văn hóa, đa dạng sinh học và phát triển du lịch; bảo vệ và phát triển nguồn sinh thủy; bảo vệ môi trường nước mặt theo quy định của pháp luật về bảo vệ môi trường (Điều 21). Chức năng nguồn nước là một trong các căn cứ để lựa chọn các giải pháp bảo vệ nguồn nước, phục hồi các nguồn nước bị suy thoái, cạn kiệt, ô nhiễm; để xem xét, quyết định việc chấp thuận, phê duyệt, cấp phép cho các dự án có hoạt động xả nước thải vào nguồn nước theo quy định của pháp luật (Điều 22).

Bảo vệ chất lượng nguồn nước sinh hoạt: Để tăng cường mức bảo đảm an ninh nguồn nước cấp cho sinh hoạt. Luật đã bổ sung quy định giao cho Bộ Xây dựng chủ trì, phối hợp với Bộ Công an, các bộ, cơ quan ngang bộ, địa phương xây dựng danh mục công trình cấp nước sinh hoạt đặc biệt quan trọng; Bộ Công an có trách nhiệm xây dựng, tổ chức thực hiện phương án bảo vệ công trình cấp nước sinh hoạt đặc biệt quan trọng (Điều 26).

Bổ sung các quy định cụ thể, chính sách để tăng cường việc phục hồi các nguồn nước bị suy thoái, cạn kiệt, ô nhiễm, đặc biệt là các dòng sông “chết” như việc xây dựng kế hoạch, chương trình, đề án phục hồi nguồn nước bị suy thoái, cạn kiệt, ô nhiễm, trong đó, ưu tiên phục hồi các dòng sông, đoạn sông cạn kiệt, không có dòng chảy, ô nhiễm nghiêm trọng; quy định rõ cơ chế, chương trình, đề tài, dự án, cơ chế chính sách về tài chính cho hoạt động phục hồi nguồn nước để có cơ sở huy động, phân bổ nguồn lực phục hồi nguồn nước bị suy thoái, cạn kiệt, ô nhiễm (Điều 34). Quy định cụ thể về việc lập, công bố danh mục hồ, ao, đầm phá không được san lấp để giảm thiểu tình trạng ngập úng, tăng khả năng tích trữ nước (khoản 6 Điều 63).

Hồ Pa Khoang thuộc danh mục hồ, ao không được san lấp trên địa bàn tỉnh Điện Biên

Chính sách về quản lý, khai thác, sử dụng nước

Luật Tài nguyên nước sửa đổi, bổ sung các quy định nhằm tách bạch quản lý tổng hợp thống nhất về tài nguyên nước với quản lý, vận hành công trình khai thác, sử dụng nước. Quy định rõ trách nhiệm quản lý nhà nước của các bộ, ngành về tài nguyên nước nhằm phân công, phân cấp rõ trách nhiệm quản lý nhà nước về tài nguyên nước, nguồn nước với trách nhiệm quản lý nhà nước về quy hoạch, xây dựng, vận hành công trình thủy lợi, thủy điện, cấp nước đô thị, cấp nước nông thôn (Điều 79).

Việc khai thác, sử dụng tài nguyên nước cho sinh hoạt, sản xuất nông nghiệp, nuôi trồng thủy sản, sản xuất công nghiệp, giao thông thủy, thủy điện, thủy lợi, thể thao, du lịch, kinh doanh, dịch vụ, tạo nguồn, ngăn mặn, tạo cảnh quan và các mục đích khác phải tuân thủ các nguyên tắc và các quy định sau: đầu tư, xây dựng công trình khai thác, đập, hồ chứa, công trình điều tiết, tích trữ nước, phát triển nguồn nước phải phù hợp với quy hoạch về tài nguyên nước, quy hoạch tỉnh, quy hoạch có tính chất kỹ thuật, chuyên ngành có nội dung khai thác, sử dụng tài nguyên nước; khả năng đáp ứng của nguồn nước; khai thác, sử dụng tài nguyên nước phải chịu sự quản lý, giám sát, điều hòa, phân phối của cơ quan quản lý nhà nước về tài nguyên nước; khai thác, sử dụng tài nguyên nước phải phù hợp với khả năng đáp ứng của nguồn nước, phương án điều hòa, phân phối tài nguyên nước; khai thác tài nguyên nước phải bảo đảm yêu cầu về dòng chảy tối thiểu trên sông, suối; ngưỡng khai thác nước dưới đất và hạn ngạch khai thác tài nguyên nước; thực hiện kê khai, đăng ký, cấp phép khai thác, sử dụng tài nguyên nước theo quy định của Luật (Điều 41).

Tổ chức, cá nhân khai thác, sử dụng tài nguyên nước thực hiện các giải pháp sau để sử dụng nước tuần hoàn, tiết kiệm, hiệu quả: khai thác, sử dụng tài nguyên nước đúng mục đích, hợp lý; xây dựng kế hoạch thay thế phương tiện, thiết bị, công nghệ lạc hậu, tiêu thụ nhiều nước; cải tiến quy trình sử dụng nước; áp dụng công nghệ tiên tiến trong khai thác, sử dụng tài nguyên nước; tăng khả năng sử dụng nước tuần hoàn, tái sử dụng nước; tích trữ nước mưa; bố trí cơ cấu mùa vụ, cây trồng, vật nuôi phù hợp với khả năng đáp ứng của nguồn nước; cải tiến, tối ưu hóa và áp dụng các biện pháp, công nghệ, kỹ thuật canh tác, xây dựng, duy tu, vận hành các công trình dẫn nước, giữ nước để tiết kiệm nước, sử dụng nước hiệu quả trong sản xuất nông nghiệp; tổ chức, cá nhân quản lý, vận hành hệ thống cấp nước phải tuân thủ tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật bảo đảm cấp nước ổn định, an toàn, liên tục và giảm thiểu thất thoát, lãng phí nước; tổ chức, cá nhân quản lý, vận hành công trình, hệ thống công trình thủy lợi phải áp dụng các biện pháp sử dụng nước tiết kiệm, hiệu quả và bảo đảm vận hành hệ thống công trình cung cấp nước hợp lý, giảm thiểu thất thoát, lãng phí nước Điều 58).

Chính sách về xã hội hóa, kinh tế tài nguyên nước

Luật Tài nguyên nước bổ sung quy định về nguồn lực cho bảo vệ, phát triển tài nguyên nước, trong đó có nguồn vốn xã hội hóa (khoản 2 Điều 72). Quy định chính sách ưu tiên, khuyến khích thực hiện các hoạt động đầu tư phát triển, tích trữ nước và phục hồi nguồn nước bị suy thoái, cạn kiệt, ô nhiễm theo hình thức xã hội hóa (Điều 74).

Bổ sung các quy định nhằm chuyển dần từ quản lý bằng công cụ hành chính sang quản lý bằng công cụ kinh tế. Quy định rõ các chính sách về thuế, phí tài nguyên nước, hạch toán tài nguyên nước để phản ánh đúng, đủ giá trị của tài nguyên nước làm nguyên tắc định hướng khi sửa đổi, bổ sung các quy định pháp luật về thuế, phí (Điều 68, 71). Tài nguyên nước phải được hạch toán, xác định giá trị trong các hoạt động kinh tế - xã hội, bảo đảm an ninh nguồn nước.

Bổ sung quy định về thu tiền cấp quyền khai thác tài nguyên nước nhằm nâng cao ý thức bảo vệ tài nguyên nước, sử dụng nước tiết kiệm, hiệu quả của người sử dụng nước (Điều 69). Tiền cấp quyền khai thác tài nguyên nước được xác định căn cứ vào lượng nước, chất lượng của nguồn nước, loại nguồn nước, điều kiện khai thác, quy mô, thời gian khai thác, mục đích sử dụng nước./.

 Tin, ảnh: Cát Tường

 


Tin liên quan
Tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác bảo vệ người phát hiện, tố giác, người đấu tranh chống tham nhũng, lãng phí tiêu cực
Nghị quyết 55/2017/NQ-HĐND ngày 13/7/2017 của HĐND tỉnh Điện Biên đã được triển khai thực hiện đạt nhiều kết quả tích cực
Quyết định khó khăn nhất của Đại tướng
Giao chỉ tiêu thực hiện Nghị quyết 19-NQ/TW cần tính đến yếu tố đặc thù
Tỷ lệ tảo hôn trong vùng dân tộc thiểu số trên địa bàn tỉnh Điện Biên vẫn còn khá cao
Điện Biên: Phát huy tiềm năng, lợi thế phát triển du lịch bền vững
Nội dung cốt lõi 08 bài viết về việc “Rèn luyện suốt đời, thường xuyên tự soi, tự sửa” của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng
Chi bộ Công tác Quốc hội và Thông tin dân nguyện, Đảng uỷ Văn phòng Đoàn ĐBQH và HĐND tỉnh - Chi bộ bốn tốt
Nghị quyết số 43/2022/QH15 góp phần phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội tỉnh Điện Biên
Nâng cao chất lượng thẩm tra báo cáo, dự thảo nghị quyết của HĐND