Nghiên cứu - Trao đổi  

Xây dựng nông thôn mới trên địa bàn tỉnh Điện Biên còn nhiều khó khăn, thách thức

Cập nhật ngày 07/10/2024 08:48:11 AM - Lượt xem: 192

Tỉnh Điện Biên xác định xây dựng nông thôn mới là nhiệm vụ trọng tâm, xuyên suốt của cả hệ thống chính trị và toàn xã hội; là quá trình liên tục và lâu dài. Kế thừa thành quả, nền tảng đã đạt được từ các giai đoạn trước, tỉnh đã đặt mục tiêu xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021-2025 với nhiều kỳ vọng.


Đoàn Giám sát của Thường trực HĐND tỉnh thăm mô hình mắc ca tại xã Mường Mùn, huyện Tuần Giáo

Mục tiêu kỳ vọng xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021-2025

Tiếp tục xây dựng nông thôn mới gắn với thực hiện có hiệu quả cơ cấu lại ngành nông nghiệp, phát triển kinh tế nông thôn; quá trình đô thị hóa, đi vào chiều sâu, hiệu quả, bền vững; thực hiện xây dựng nông thôn mới nâng cao, nông thôn mới kiểu mẫu và nông thôn mới cấp thôn, bản; xây dựng nông thôn mới bền vững, từng bước hoàn thiện kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội, cơ cấu kinh tế và các hình thức tổ chức sản xuất hợp lý, phát triển nông nghiệp theo hướng hàng hóa tập trung có liên kết và ứng dụng công nghệ cao, tạo liên kết chuỗi giá trị gắn với phát triển công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp, dịch vụ, giữ gìn và phát triển văn hóa giàu bản sắc dân tộc, môi trường sinh thái được bảo vệ, an ninh trật tự xã hội được giữ vững, đời sống vật chất và tinh thần của người dân ngày càng được nâng cao.

Phấn đấu đến hết năm 2025: Có ít nhất 02/3 đơn vị cấp huyện hoàn thành nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới; 01 xã đạt chuẩn nông thôn mới kiểu mẫu; 09 xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao; 76 xã đạt chuẩn và cơ bản đạt chuẩn nông thôn mới; không còn xã dưới 10 tiêu chí; số tiêu chí bình quân đạt 15,46 tiêu chí/xã; 650 thôn, bản được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới và thôn bản nông thôn mới kiểu mẫu; tỷ lệ hộ nghèo ở khu vực nông thôn giảm xuống còn 22,0%; tỷ lệ lao động qua đào tạo đạt từ 65% trở lên; tỷ lệ hộ ở khu vực nông thôn được sử dụng nước hợp vệ sinh đạt 92,65%...

Đồng chí Giàng Thị Hoa, Ủy viên BTV Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch HĐND tỉnh, Trưởng đoàn giám sát phát biểu tại buổi làm việc với UBND huyện Tủa Chùa

Một số kết quả đạt được sau gần 04 năm thực hiện Chương trình giai đoạn 2021-2025

Xây dựng nông thôn mới trên địa bàn tỉnh có nhiều chuyển biến tích cực, đời sống người dân từng bước được cải thiện, bộ mặt nông thôn có nhiều thay đổi tiến bộ. Cơ sở hạ tầng thiết yếu được đầu tư, an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội ổn định và được giữ vững; tỷ lệ nghèo đa chiều giảm, các điều kiện về y tế, giáo dục, văn hóa và đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân từng bước được cải thiện.

Nhận thức, trách nhiệm của nhân dân có nhiều chuyển biến tích cực, người dân đã dần xác định được mình là chủ thể chính trong xây dựng nông thôn mới. Trình độ, năng lực quản lý cán bộ, trách nhiệm công chức các cấp được nâng lên.

Đến nay, toàn tỉnh có 04 xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao, 47/115 xã đạt chuẩn và cơ bản đạt chuẩn nông thôn mới, chiếm 44,34% tổng số xã (trong đó, 19 xã đạt chuẩn nông thôn mới, 28 xã cơ bản đạt chuẩn nông thôn mới), tăng 13 xã so với năm 2020; số tiêu chí bình quân 14,3 tiêu chí/xã, tăng 2,55 tiêu chí so với năm 2020. Nhiều tiêu chí đạt cao: Có 115/115 xã đạt tiêu chí số 3 về Thủy lợi (đạt 100%); 111/115 xã đạt tiêu chí số 7 về cơ sở hạ tầng thương mại nông thôn (đạt 96,5%); 109/115 xã đạt tiêu chí số 8 về thông tin và truyền thông (đạt 94,78%); 104/115 xã đạt tiêu chí số 14 về giáo dục và đào tạo (đạt tỷ lệ 90,43%); toàn tỉnh có 97/115 xã đạt tiêu chí số 16 về văn hoá (đạt 84,35%); 92/115 xã đạt tiêu chí số 6 về cơ sở vật chất văn hóa; 108/115 xã đạt tiêu chí số 19 về quốc phòng và an ninh (đạt 93,91%), 88/115 xã cơ bản đạt tiêu chí y tế (đạt 76,52%)...

Thực trạng còn nhiều khó khăn, thách thức, tồn tại, hạn chế

Tỷ lệ xã đạt chuẩn nông thôn mới thấp (20% số xã); là 01 trong 4 tỉnh có tỷ lệ xã đạt chuẩn nông thôn mới dưới 30% và là 1 trong 5 tỉnh chưa có đơn vị cấp huyện nào được công nhận hoàn thành xây dựng nông thôn mới; có 03 huyện trắng xã đạt chuẩn nông thôn mới; còn 11 xã đạt dưới 10 tiêu chí... Số thôn, bản được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới và nông thôn mới kiểu mẫu thấp (có 179 thôn, bản; đạt 27,5% mục tiêu đến năm 2025).

Mức độ đáp ứng của một số tiêu chí, chỉ tiêu, nội dung rất thấp và cải thiện hằng năm chậm: Chỉ đạt 20% xã đạt tiêu chí số 10 về thu nhập; thu nhập bình quân đầu người khu vực nông thôn đến tháng 6/2024 ước đạt 19,52 triệu đồng/người/năm (tăng 3,096 triệu đồng so với năm 2020); có 20,86% số xã đạt tiêu chí số 11 về hộ nghèo đa chiều; tỷ lệ chất thải rắn sinh hoạt nông thôn được thu gom, xử lý chỉ đạt 23%; số lượng sản phẩm OCOP ít, chỉ có 05 sản phẩm đạt tiêu chuẩn 4 sao, chưa có sản phẩm đạt tiêu chuẩn 5 sao, khả năng cung ứng hàng hoá lớn thấp; chuyển dịch cơ cấu kinh tế và đổi mới mô hình sản xuất trong nông nghiệp còn chậm, hiệu quả sản xuất nông nghiệp chưa cao; thu hút và triển khai dự án đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn còn chậm; năng lực hoạt động của hợp tác xã còn một số hạn chế nhất định, chưa mạnh dạn mở rộng phát triển và thực hiện liên kết chuỗi giá trị; một số nội dung trong quy hoạch chung xã nông thôn mới, quy hoạch xây dựng vùng huyện có nhiều điểm không còn phù hợp nhưng chậm được rà soát, điều chỉnh...

Hạ tầng kinh tế - xã hội khu vực nông thôn đã được quan tâm đầu tư, song chưa đồng bộ. Công tác quản lý, khai thác, duy tu, bảo dưỡng các công trình thủy lợi, nước sinh hoạt nông thôn ở nhiều nơi còn kém hiệu quả.

Tình trạng ô nhiễm môi trường, ô nhiễm nguồn nước, ảnh hưởng đến sức khỏe, môi trường sống của cộng đồng còn xảy ra ở đa số môi trường nông thôn. Đào tạo nghề chưa gắn với giải quyết việc làm và nhu cầu thị trường, chất lượng lao động qua đào tạo chưa đáp ứng yêu cầu. Đời sống văn hóa của nhân dân, nhất là vùng sâu, vùng xa còn hạn chế. Công tác tuyên truyền, vận động trong xây dựng nông thôn mới ở một số nơi đôi lúc chưa thường xuyên, liên tục.

Nguyên nhân của những khó khăn, thách thức, tồn tại, hạn chế

Nguyên nhân khách quan: Hệ thống khung pháp lý và các văn bản chỉ đạo, điều hành, hướng dẫn thực hiện lớn nhưng Trung ương ban hành chậm, thiếu đồng bộ, sửa đổi vướng mắc còn chậm, chưa triệt để, thiếu linh hoạt; bộ tiêu chí giai đoạn này tăng thêm nhiều chỉ tiêu và mức độ đạt chuẩn của các tiêu chí đều tăng cao làm cho nhiều xã đều bị tụt tiêu chí, một số xã không bảo đảm duy trì các chỉ tiêu, tiêu chí; một số tiêu chí mới chưa phù hợp, yêu cầu cao so với thực tiễn của địa phương; các xã phấn đấu đạt chuẩn nông thôn mới giai đoạn này là những xã có điều kiện kinh tế - xã hội khó khăn hơn, cần hỗ trợ đầu tư nhiều hơn nhưng phân bổ nguồn vốn ngân sách Trung ương thực hiện thấp; là tỉnh có điều kiện tự nhiên, kinh tế - xã hội khó khăn; kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội chưa đồng bộ, các dịch vụ, điều kiện sản xuất đáp ứng thấp so với yêu cầu; thiên tai, dịch bệnh diễn biến phức tạp...

Nguyên nhân chủ quan: Một số cấp ủy, chính quyền cơ sở và một bộ phận người dân chưa nhận thức đầy đủ về mục tiêu, ý nghĩa, nội dung Chương trình; chưa chủ động, sâu sát, quyết liệt, sáng tạo; một số sở, ban ngành, địa phương chưa chủ động, kịp thời hướng dẫn, kiểm tra, tổng hợp đánh giá, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, phối hợp chưa thực sự chặt chẽ, thường xuyên; năng lực của một số cán bộ, công chức còn hạn chế, nên có phần lúng túng, mất nhiều thời gian trong việc nghiên cứu, tham mưu, đề xuất cụ thể hóa các cơ chế, chính sách và triển khai thực hiện Chương trình; đội ngũ cán bộ, nhất là cán bộ phụ trách ở xã có nhiều thay đổi, kiêm nhiệm nhiều việc nên công tác tham mưu giúp việc thiếu tính liên tục, kịp thời; có biểu hiện đùn đẩy, né tránh, làm việc cầm chừng, sợ sai không dám làm nhất là trong bối cảnh công tác thanh tra, kiểm tra đi vào nền nếp và cơ sở pháp lý để thực hiện chưa thực sự rõ ràng, đồng bộ; một số địa phương có tư tưởng tự thỏa mãn khi có xã đạt chuẩn nông thôn mới nên phong trào có xu hướng chững lại; các xã thuộc khu vực II, III khi đạt chuẩn nông thôn mới thì người dân sẽ không còn được hưởng các chế độ an sinh xã hội, do đó, một số xã khu vực III, khu vực II có biểu hiện không muốn phấn đấu đạt chuẩn nông thôn mới.

Giải pháp thực hiện cao nhất các mục tiêu đã đề ra

Tăng cường công tác chỉ đạo, hướng dẫn cơ sở thực hiện các nội dung của Chương trình. Kết hợp tuyên truyền với công tác đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao nhận thức, năng lực cho đội ngũ cán bộ cơ sở, người dân, cộng đồng bằng nhiều hình thức, phù hợp với trình độ, khả năng và phát huy tinh thần chủ động, tự nguyện, tự giác, phát huy nội lực, vai trò chủ thể của người dân trong xây dựng nông thôn mới.

Tiếp tục huy động sức mạnh của cả hệ thống chính trị tham gia thực hiện Chương trình; tăng cường công tác lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy đảng, chính quyền các cấp, đặc biệt là vai trò của người đứng đầu cấp ủy, chính quyền. Tăng cường công tác phối hợp giữa các sở, ban, ngành địa phương; phát huy tốt hơn nữa vai trò của Ủy ban Mặt trận tổ quốc và các tổ chức đoàn thể các cấp để thực hiện Chương trình.

Các cấp chính quyền tập trung giải quyết các nội dung còn khó khăn, vướng mắc thuộc thẩm quyền; mạnh dạn, chủ động thực hiện chính sách đặc thù phù hợp với điều kiện thực tế. Các sở ngành phải chủ động hướng dẫn, xử lý vướng mắc kịp thời, toàn diện cho cơ sở trong thực hiện các nội dung của Chương trình. Triển khai thực hiện có hiệu quả 11 nội dung thành phần, 06 chương trình chuyên đề trọng tâm, trong đó cần tập trung: Nâng cao thu nhập, cải thiện đời sống người dân; xóa huyện trắng nông thôn mới và xã đạt dưới 10 tiêu chí; hoàn thành mục tiêu số bản đạt chuẩn nông thôn mới và nông thôn mới kiểu mẫu theo kế hoạch; xây dựng, phát triển số lượng các sản phẩm OCOP gắn thị trường tiêu thụ, tăng khả năng cạnh tranh, cung ứng hàng hóa lớn; chỉ đạo các địa phương hoàn thành việc rà soát, điều chỉnh, lập mới quy hoạch chung cấp xã; rà soát, điều chỉnh, lập quy hoạch vùng huyện...

Quyết liệt thúc đẩy giải ngân nguồn vốn của Chương trình. Lồng ghép hiệu quả nguồn vốn của 03 Chương trình mục tiêu quốc gia và các chương trình, dự án khác trên địa bàn nông thôn. Thu hút thêm nhiều dự án và đẩy nhanh tiến độ thực hiện dự án đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn. Thực hiện hiệu quả chính sách tín dụng đầu tư cho nông nghiệp, nông thôn.

Tăng cường kiểm tra, giám sát ở các cấp, các ngành và kiểm tra, giám sát việc thực hiện các nội dung thành phần nhằm bảo đảm chương trình được triển khai có trọng tâm, trọng điểm, đúng mục tiêu, đối tượng, phát huy hiệu quả đầu tư.

Bài, ảnh: Đức Phúc

 


Tin liên quan
Chính sách Chi trả tiền dịch vụ môi trường rừng đã góp phần tạo việc làm, thu nhập cho người dân
Một số khó khăn, vướng mắc trong việc thực hiện giao đất, giao rừng, cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất lâm nghiệp giai đoạn 2019-2023, trên địa bàn tỉnh Điện Biên
Đảng đoàn HĐND tỉnh lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện tốt chức năng, nhiệm vụ của HĐND tỉnh
Quan tâm giải quyết kiến nghị của cử tri
Giám sát việc thực hiện nghị quyết, kết luận, kiến nghị giám sát của HĐND, Thường trực HĐND, Ban của HĐND, Tổ đại biểu HĐND và đại biểu HĐND
Đổi mới và nâng cao hiệu quả tiếp xúc cử tri của đại biểu HĐND
Đảng đoàn HĐND tỉnh lãnh đạo thực hiện Chỉ thị số 35-CT/TW, ngày 26/5/2014 của Bộ Chính trị
Nội dung cơ bản của Luật Kinh doanh bất động sản số 29/2023/QH15
Điểm mới của Luật Nhà ở số 27/2023/QH15
Luật đất đai số 31/2024/QH15 có hiệu lực thi hành từ ngày 01/8/2024