Nghiên cứu - Trao đổi  

Một số khó khăn, vướng mắc trong việc thực hiện giao đất, giao rừng, cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất lâm nghiệp giai đoạn 2019-2023, trên địa bàn tỉnh Điện Biên

Cập nhật ngày 26/09/2024 16:37:39 PM - Lượt xem: 182

Việc thực hiện giao đất, giao rừng, cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất lâm nghiệp giai đoạn 2019-2023, trên địa bàn tỉnh đã được UBND tỉnh kịp thời ban hành nhiều văn bản chỉ đạo, điều hành trong công tác giao đất, giao rừng, cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất lâm nghiệp, các văn bản được ban hành bảo đảm theo quy định của pháp luật, phù hợp với tình hình thực tế của địa phương và đạt được nhiều kết quả tích cực; chỉ đạo các cơ quan, đơn vị, địa phương tiến hành tuyên truyền, phổ biến chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, các quy định của pháp luật đối với công tác giao đất, giao rừng với nhiều hình thức, cách thức đa dạng, như gửi văn bản trên hồ sơ công việc, thành lập các nhóm mạng xã hội để cập nhật, chia sẻ các thông tin liên quan; Đài Phát thanh và Truyền hình tỉnh, Báo Điện Biên Phủ...thông qua công tác tuyên truyền đã nâng cao hiểu biết, nhận thức trách nhiệm của các cơ quan chính quyền địa phương các cấp, các doanh nghiệp, cộng đồng dân cư, hộ gia đình, cá nhân trên địa bàn tỉnh đối với việc thực hiện giao đất, giao rừng cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất lâm nghiệp.


Đoàn giám sát của HĐND tỉnh làm việc với Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn về việc thực hiện giao đất, giao rừng, cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất lâm nghiệp giai đoạn 2019-2023, trên địa bàn tỉnh

Thực hiện kế hoạch số 2783/KH-UBND ngày 20/9/2019, Công văn số 435/UBND-KTN ngày 29/01/2024 của UBND tỉnh tổng diện tích đất lâm nghiệp còn phải thực hiện đo đạc, cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất lâm nghiệp giai đoạn 2019-2023 là 252.728 ha, trong đó: đất lâm nghiệp có rừng: 96.735 ha; đất lâm nghiệp chưa có rừng: 155.993 ha.

Cấp ủy, chính quyền địa phương các cấp và các cơ quan, đơn vị liên quan đã tích cực, tập trung tổ chức triển khai thực hiện việc giao đất, giao rừng, giấy chứng nhận quyền sử dụng đất lâm nghiệp theo kế hoạch 2783/KH-UBND; UBND tỉnh đã lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện quyết liệt, cơ bản đã thực hiện đo đạc, lập bản đồ địa chính đối với diện tích rừng chưa được giao, rà soát, tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc hoàn thiện thủ tục pháp lý giao đất, giao rừng, cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất lâm nghiệp. Kiện toàn Ban chỉ đạo, thành lập các tổ công tác giúp cho Ban Chỉ đạo trong quá trình thực hiện nhiệm vụ; đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến các chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước và các văn bản liên quan hướng dẫn thực hiện bằng nhiều hình thức. Các Sở, ngành chức năng cơ bản đã có trách nhiệm, tích cực, chủ động phối hợp, hỗ trợ, hướng dẫn UBND cấp huyện, cấp xã tháo gỡ, giải quyết các khó khăn, vướng mắc trong quá trình tổ chức triển khai thực hiện, từ đó tạo sự đồng thuận với người dân và từng bước nâng cao hiệu quả quản lý đất đai, quản lý và bảo vệ phát triển rừng trên địa bàn tỉnh. UBND cấp huyện, cấp xã đã tích cực phối hợp với các đơn vị liên quan tổ chức triển khai thực hiện.

Việc giao đất, giao rừng, cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất lâm nghiệp góp phần quan trọng phục hồi và nâng độ che phủ rừng, bảo vệ môi trường sinh thái, tạo tâm lý ổn định, an tâm bảo vệ và phát triển rừng, góp phần xóa đói, giảm nghèo nâng cao thu nhập, cải thiện sinh kế cho người dân. Qua đó đã đạt được một số kết quả cụ thể: Tổng diện tích đã thực hiện đo đạc thực địa, lập bản đồ địa chính 272.621/252.728 ha, đạt 107,8%, trong đó: Đất lâm nghiệp có rừng 84.095 ha, đạt 87% kế hoạch; đất lâm nghiệp chưa có rừng 188.526 ha/155.993 ha, đạt 121% kế hoạch. Tổng diện tích đã thực hiện giao đất, giao rừng, cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất lâm nghiệp: 93.608 ha/252.728 ha, đạt 37%, trong đó: Đất lâm nghiệp có rừng 39.330 ha/96.735 ha, đạt 41% kế hoạch; đất lâm nghiệp chưa có rừng 54.278 ha/155.993 ha, đạt 35% kế hoạch; một số đơn vị thực hiện đạt kết quả cao như thị xã Mường Lay, đạt 99,5%; Nậm Pồ, đạt 76,8%; Mường Nhé, đạt 65,8%. Tổng diện tích đã thực hiện đo đạc thực địa nhưng chưa hoàn thiện các thủ tục liên quan để giao đất, giao rừng, cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất lâm nghiệp: 159.120 ha/252.728 ha, chiếm 63%, trong đó: Đất lâm nghiệp có rừng 57.405 ha; đất lâm nghiệp chưa có rừng 101.715 ha.

Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được trong quá trình triển khai thực hiện Kế hoạch 2783/KH-UBND vẫn còn có những hạn chế, khó khăn, vướng mắc: Đến nay tiến độ thực hiện công tác giao đất, giao rừng, cấp  giấy chứng nhận quyền sử dụng đất lâm nghiệp trên địa bàn các huyện, thị xã, thành phố đang chậm so với yêu cầu về nhiệm vụ, kế hoạch và tiến độ chung của tỉnh, đặc biệt là công tác hoàn thiện thủ tục cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất lâm nghiệp đối với các diện tích rừng, đất lâm nghiệp đã thực hiện đo đạc, quy chủ tại thực địa...Kết quả rà soát việc giao đất, giao rừng, cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất lâm nghiệp vẫn còn một số vướng mắc chưa được xử lý dứt điểm. Công tác giao đất, giao rừng, cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất lâm nghiệp đạt: 37% so với kế hoạch; còn 159.120 ha chưa giao, chưa đạt mục tiêu kế hoạch đề ra cho giai đoạn 2019-2023.

Qua giám sát, Hội đồng nhân tỉnh nhận thấy nguyên nhân chủ yếu của tồn tại, hạn chế là do: Địa bàn diện tích rừng, đất lâm nghiệp rộng lớn, trong khi đa số diện tích dự kiến giao cho các hộ gia đình, cá nhân lại rất manh mún, nhỏ lẻ, không liền vùng, liền khoảnh dẫn đến mất rất nhiều thời gian cho công tác đo đạc tại thực địa, cũng như khối lượng hồ sơ cần hoàn thiện để cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất rất lớn. Bên cạnh đó, hệ thống hồ sơ địa chính phục vụ quản lý công tác đất đai trên địa bàn các xã chưa được hoàn thiện, đồng bộ, nhiều chương trình, dự án về đo đạc đất đai thực hiện trước đây chưa chính xác dẫn đến nhiều diện tích khi đo đạc thực địa xong bị trùng vào các diện tích đã được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất trước đó, gây ra mất rất nhiều thời gian để kiểm tra, rà soát, chỉnh lý. Một số UBND cấp huyện, Ban Chỉ đạo huyện, UBND cấp xã chưa thực sự quyết liệt trong công tác chỉ đạo, phương pháp tổ chức triển khai chưa thực sự phù hợp tình hình thực tế tại địa phương; công tác tuyên truyền, vận động triển khai thực hiện giao đất, giao rừng chưa đồng bộ, chưa sâu, chưa rõ, chưa hiệu quả vì vậy người dân chưa đồng tình, ủng hộ đo đạc, quy chủ đất đai. Ngân sách tỉnh còn khó khăn, UBND tỉnh phải quy định đơn giá thực hiện giao đất, giao rừng, cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất lâm nghiệp tương đối thấp (300 nghìn đồng/ha) dẫn đến không thu hút, khuyến khích được nhiều đơn vị tư vấn tham gia thực hiện. Trong khi đó, nguồn lực của đa số các đơn vị tư vấn tại các huyện, thị xã, thành phố còn hạn chế dẫn đến tiến độ thực hiện hoàn thiện các hồ sơ, thủ tục liên quan để cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất lâm nghiệp còn rất chậm. Mặt khác, để đảm bảo chỉ tiêu đất quy hoạch cho lâm nghiệp của tỉnh giai đoạn 2016-2020 theo Nghị quyết số 78/NQ-CP ngày 18/6/2018 của Chính phủ là 72,8% tổng diện tích tự nhiên, do đó khi thực hiện Quy hoạch 3 loại rừng đã đưa một số diện tích nương luân canh của người dân vào quy hoạch, dẫn đến khi thực hiện giao đất, giao rừng theo quy hoạch người dân chưa đồng thuận; chưa kịp thời điều chỉnh Quy hoạch 3 loại rừng sát với thực tế sử dụng đất của người dân, dẫn đến một số diện tích đất ở, đất chuyên trồng lúa nước, đất giao thông, trụ sở... nằm trong quy hoạch 3 loại rừng (ở các huyện: Điện Biên, Mường Nhé, Nậm Pồ, Tuần Giáo); chưa sát với trạng thái hiện trạng rừng do đó có một số diện tích có rừng tăng thêm nhưng chưa được đưa vào quy hoạch để giao (như huyện: Điện Biên, Điện Biên Đông, Mường Nhé, Mường Chà, Mường Ảng).

Trong quá trình triển khai thực hiện giao đất, giao rừng, cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất lâm nghiệp giai đoạn 2019-2023 đã gặp một số khó khăn, vướng mắc: Đa số người dân có đất lâm nghiệp, rừng đều là người đồng bào dân tộc thiểu số ở vùng sâu, vùng xa, chưa hiểu rõ và đầy đủ các quyền và nghĩa vụ theo quy định của pháp luật về đất đai, lâm nghiệp; tâm lý lo sợ khi giao đất để sử dụng vào mục đích lâm nghiệp, để phát triển rừng thì không được tiếp tục canh tác, sản xuất nương rẫy tiếp; do vậy, chưa thực sự ủng hộ, đồng tình việc đo đạc, quy chủ đất lâm nghiệp (hiện tại người dân đang canh tác nương rẫy). Quy định về đối tượng được giao rừng phải cư trú hợp pháp trên địa bàn cấp xã nơi có rừng quy định tại điểm c, điểm d, khoản 2 và điểm a, khoản 3, Điều 16 Luật Lâm nghiệp chưa phù hợp với điều kiện thực tế của các tỉnh miền núi nói chung và tỉnh Điện Biên nói riêng, do tập quán canh tác xâm canh từ xã này sang xã khác của đồng bào dân tộc thiểu số rất phổ biến; đồng thời quá trình chia tách địa giới hành chính cũng dẫn đến một số người dân sinh sống ở xã này nhưng đất canh tác lại ở xã khác. Do vậy, nếu quy định chỉ được giao rừng cho đối tượng cư trú hợp pháp trên địa bàn cấp xã nơi có rừng sẽ rất khó khăn trong công tác tuyên truyền, vận động người dân nhận đất, nhận rừng.

Để tiếp tục thực hiện tốt công tác giao đất, giao rừng, cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất lâm nghiệp trên địa bàn tỉnh Điện Biên, UBND tỉnh cần đẩy nhanh việc Tổng kết kế hoạch số 2783/KH-UBND ngày 20/9/2019 của UBND tỉnh, để đánh giá kết quả đạt được, chỉ ra những khó khăn, vướng mắc, tồn tại, hạn chế nguyên nhân đề ra giải pháp quản lý và thực hiện trong thời gian tới. Tăng cường công tác kiểm tra, thanh tra, hướng dẫn việc giao đất, giao rừng, cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất lâm nghiệp; chi trả dịch vụ môi trường rừng, bảo đảm theo quy định. Tiếp tục lãnh đạo các sở, ngành, UBND các huyện, thị xã, thành phố: Tăng cường công tác tuyên truyền, vận động các tổ chức, cộng đồng, hộ gia đình, cá nhân trên địa bàn tích cực tham gia trồng, chăm sóc, bảo vệ rừng; phối hợp giải quyết những vướng mắc đối với diện tích đất đã đo đạc, rà soát chưa giao hiện đang quản lý, giao hoặc đề nghị cấp có thẩm quyền giao đất, giao rừng cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất lâm nghiệp cho các tổ chức, cá nhân, cộng đồng dân cư theo đúng quy định của pháp luật./.

Bài, ảnh: Thúy Chinh

 

 


Tin liên quan
Đảng đoàn HĐND tỉnh lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện tốt chức năng, nhiệm vụ của HĐND tỉnh
Quan tâm giải quyết kiến nghị của cử tri
Giám sát việc thực hiện nghị quyết, kết luận, kiến nghị giám sát của HĐND, Thường trực HĐND, Ban của HĐND, Tổ đại biểu HĐND và đại biểu HĐND
Đổi mới và nâng cao hiệu quả tiếp xúc cử tri của đại biểu HĐND
Đảng đoàn HĐND tỉnh lãnh đạo thực hiện Chỉ thị số 35-CT/TW, ngày 26/5/2014 của Bộ Chính trị
Nội dung cơ bản của Luật Kinh doanh bất động sản số 29/2023/QH15
Điểm mới của Luật Nhà ở số 27/2023/QH15
Luật đất đai số 31/2024/QH15 có hiệu lực thi hành từ ngày 01/8/2024
Huyện Tuần Giáo được lựa chọn thí điểm cơ chế phân cấp trong quản lý, tổ chức thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia
4 Nhóm chính sách mới trong Luật Tài nguyên nước