Nghiên cứu - Trao đổi  

Giám sát việc thực hiện nghị quyết, kết luận, kiến nghị giám sát của HĐND, Thường trực HĐND, Ban của HĐND, Tổ đại biểu HĐND và đại biểu HĐND

Cập nhật ngày 08/08/2024 09:14:41 AM - Lượt xem: 256

Giám sát việc thực hiện nghị quyết, kết luận, kiến nghị giám sát của HĐND, Thường trực HĐND, Ban của HĐND, Tổ đại biểu HĐND và đại biểu HĐND là một hình thức giám sát quan trọng đảm bảo hiệu lực, hiệu quả hoạt động giám sát của cơ quan dân cử, đại biểu dân cử. Hoạt động giám sát này được quy định cụ thể trong Nghị quyết số 594/NQ-UBTVQH15 ngày 12/9/2022 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội.


Nghị quyết, kết luận, kiến nghị giám sát cơ bản được thực hiện nghiêm túc

Thường trực HĐND, Ban của HĐND luôn chủ động nắm tình hình, theo dõi việc thực hiện nghị quyết, kết luận, kiến nghị giám sát thông qua các hình thức giám sát như: xem xét báo cáo của các đơn vị chịu sự giám sát, nghiên cứu hồ sơ, tài liệu, các văn bản liên quan và khảo sát thực tế tại một số địa phương và một số chương trình, dự án. Qua giám sát cho thấy, nghị quyết, kết luận, kiến nghị giám sát cơ bản được UBND các cấp, ngành và các cơ quan, đơn vị có liên quan nghiêm túc triển khai thực hiện. Nhiều nội dung kiến nghị sau giám sát được khắc phục kịp thời, công tác quản lý nhà nước được tăng cường, tạo chuyển biến tích cực rõ rệt, góp phần phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm tính thực thi chính sách, pháp luật của Nhà nước, nghị quyết của HĐND trong hoạt động của các cơ quan, tổ chức, đơn vị; khẳng định rõ hiệu lực, hiệu quả của hoạt động giám sát của cơ quan dân cử, đại biểu dân cử.

Theo ông Nguyễn Trường Giang, Phó Bí thư huyện ủy, Chủ tịch HĐND huyện Mường Chà: Thường trực HĐND huyện Mường Chà rất chú trọng sau giám sát, theo đến cùng các kiến nghị sau giám sát. Sau mỗi chương trình giám sát, Thường trực HĐND huyện đều ban hành và triển khai  kế hoạch giám sát việc thực hiện kiến nghị sau giám sát của HĐND, Thường trực HĐND, các Ban HĐND huyện. Các kiến nghị đều được phân công theo từng lĩnh vực tới các Ban HĐND huyện chịu trách nhiệm theo dõi, đôn đốc tổng hợp kết quả thực hiện. Thường trực HĐND yêu cầu UBND huyện phải có văn bản chỉ đạo các cơ quan, đơn vị, tổ chức, cá nhân có liên quan thực hiện; chỉ đạo các Ban, đại biểu HĐND thường xuyên kiểm tra, rà soát việc tổ chức thực hiện kết luận, kiến nghị sau giám sát để đánh giá tình hình việc thực hiện, nắm bắt những khó khăn, vướng mắc, hạn chế và đề xuất những giải pháp để nâng cao hiệu lực, hiệu quả tổ chức thực hiện kiến nghị sau giám sát.Thông qua các hoạt động giám sát thực hiện các kiến nghị này, đã nắm bắt sâu hơn thực trạng việc tổ chức thực hiện các kiến nghị sau giám sát.

Đoàn giám sát Ban Dân tộc, HĐND tỉnh giám sát thực tế tại xã Na Sang, huyện Mường Chà, tỉnh Điện Biên.

Hạn chế, bất cập

Một số cơ quan, đơn vị chịu sự giám sát chưa chủ động thực hiện chế độ báo cáo, cung cấp thông tin chưa đầy đủ, chính xác; việc báo cáo chủ yếu là về các văn bản triển khai thực hiện chưa có những kết quả cụ thể; trách nhiệm của một số cơ quan, đơn vị, người đứng đầu trong chỉ đạo giải quyết một số nội dung kiến nghị sau giám sát chưa thực sự kịp thời, quyết liệt.

Công tác giám sát chủ yếu do Thường trực HĐND và các Ban của HĐND tiến hành; một số ít Tổ đại biểu HĐND thực hiện giám sát theo phân công của Thường trực HĐND; đại biểu HĐND chưa tổ chức hoạt động giám sát độc lập theo quy định; việc đeo bám, theo dõi một số nội dung nghị quyết, kết luận, kiến nghị giám sát có lúc, có việc chưa quyết liệt, triệt để.

Hiệu quả giám sát việc thực hiện nghị quyết, kết luận, kiến nghị giám sát phụ thuộc vào chất lượng của kết luận giám sát; tính khoa học của việc cập nhật, tổng hợp báo cáo kết quả theo dõi thực hiện các kết luận kiến nghị giám sát.

Theo quy định hiện hành, hoạt động giám sát của HĐND chủ yếu mới chỉ dừng lại ở việc kiến nghị, yêu cầu các cấp có thẩm quyền xem xét, xử lý khi phát hiện có hành vi vi phạm mà chưa có quy định cụ thể về chế tài xử lý đối với các đối tượng chịu sự giám sát không chấp hành nghiêm nghị quyết, kết luận, kiến nghị giám sát. Việc xử lý, kiểm điểm trách nhiệm của các tập thể và cá nhân trong việc thực hiện các kiến nghị ở một số cơ quan, đơn vị chủ yếu là rút kinh nghiệm.

Giải pháp nâng cao hiệu lực, hiệu quả giám sát việc thực hiện nghị quyết, kết luận, kiến nghị giám sát              

Các nghị quyết, kết luận, kiến nghị giám sát cần có chiều sâu, có trọng tâm, trọng điểm, đánh giá đúng những kết quả đối tượng chịu sự giám sát làm tốt, đồng thời chỉ rõ những tồn tại, hạn chế và nguyên nhân từ đó đưa ra những nghị quyết, kết luận, kiến nghị rõ ràng, đúng phạm vi thẩm quyền, trách nhiệm, nêu rõ thời gian khắc phục hạn chế bất cập, thời gian báo cáo và phù hợp điều kiện thực tiễn ở địa phương để các đối tượng chịu sự giám sát có thể tháo gỡ, giải quyết dứt điểm, tránh kiến nghị chung chung. Đối với một số kết luận, kiến nghị có tính chất cấp thiết, cần phải có biện pháp khắc phục ngay thì Thường trực HĐND chỉ đạo, đôn đốc, yêu cầu các đơn vị khẩn trương thực hiện, trong trường hợp cần thiết báo cáo cấp ủy xem xét sau khi tiến hành giám sát.

Tăng cường, đôn đốc, giám sát việc thực hiện các nghị quyết, kết luận, kiến nghị sau giám sát. Thường trực HĐND, các Ban của HĐND theo dõi việc thực hiện các kiến nghị giám sát đã triển khai trong quá trình giám sát, khảo sát các nội dung mới nếu cùng địa bàn, cơ quan, đơn vị. Việc lồng ghép theo dõi, khảo sát các nội dung sẽ không mất thời gian cho đại biểu HĐND, không gây phiền hà cho cơ sở mà giúp nâng cao hiệu lực, hiệu quả chất lượng các nội dung giám sát, cơ quan chịu sự giám sát sẽ có trách nhiệm đẩy nhanh tiến độ giải quyết theo quy định. Trong trường hợp xét thấy việc thực hiện kết luận, kiến nghị, yêu cầu của đoàn giám sát không đúng hoặc không hiệu quả thì Thường trực HĐND, các Ban HĐND tiến hành tổ chức tái giám sát việc thực hiện các kết luận, kiến nghị giám sát; có thể lựa chọn vấn đề, nội dung kiến nghị trong cuộc giám sát để chất vấn thủ trưởng các cơ quan, đơn vị liên quan tại kỳ họp HĐND; gửi văn bản đề nghị cơ quan, tổ chức, cá nhân chịu sự giám sát giải trình về việc chậm thực hiện hoặc không thực hiện và làm rõ trách nhiệm, đề xuất biện pháp xử lý; HĐND ban hành nghị quyết hoặc kết luận về việc thực hiện nghị quyết, kết luận, kiến nghị giám sát theo quy định.

Thực hiện tốt Quy chế phối hợp của Thường trực HĐND, Ban thường trực Ủy ban MTTQ Việt Nam và UBND nhằm tăng cường các giải pháp nâng cao trách nhiệm của cơ quan tham mưu thực hiện nghị quyết, kết luận, kiến nghị giám sát. Xem việc giải quyết, thực hiện các nghị quyết, kết luận, kiến nghị là trách nhiệm, cần đưa vào nội dung đánh giá kết quả hoàn thành nhiệm vụ hàng năm của người đúng đầu cơ quan, đơn vị có liên quan.

Đa dạng hóa các hình thức thông tin, tuyên truyền về việc thực hiện kết luận, kiến nghị giám sát trên các phương tiện thông tin đại chúng, nhất là những vấn đề bức xúc, chưa hoặc chậm giải quyết, qua đó tăng cường sự giám sát của Nhân dân đồng thời nâng cao trách nhiệm của các cơ quan chức năng, các địa phương trong giải quyết các kiến nghị. Qua đó tạo điều kiện cho đại biểu HĐND và cử tri, Nhân dân cùng theo dõi, giám sát./.

Bài, ảnh: Hoa Ban


 

 

 


Tin liên quan
Đổi mới và nâng cao hiệu quả tiếp xúc cử tri của đại biểu HĐND
Đảng đoàn HĐND tỉnh lãnh đạo thực hiện Chỉ thị số 35-CT/TW, ngày 26/5/2014 của Bộ Chính trị
Nội dung cơ bản của Luật Kinh doanh bất động sản số 29/2023/QH15
Điểm mới của Luật Nhà ở số 27/2023/QH15
Luật đất đai số 31/2024/QH15 có hiệu lực thi hành từ ngày 01/8/2024
Huyện Tuần Giáo được lựa chọn thí điểm cơ chế phân cấp trong quản lý, tổ chức thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia
4 Nhóm chính sách mới trong Luật Tài nguyên nước
Tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác bảo vệ người phát hiện, tố giác, người đấu tranh chống tham nhũng, lãng phí tiêu cực
Nghị quyết 55/2017/NQ-HĐND ngày 13/7/2017 của HĐND tỉnh Điện Biên đã được triển khai thực hiện đạt nhiều kết quả tích cực
Quyết định khó khăn nhất của Đại tướng