Nghiên cứu - Trao đổi  

Chính sách Chi trả tiền dịch vụ môi trường rừng đã góp phần tạo việc làm, thu nhập cho người dân

Cập nhật ngày 26/09/2024 16:37:50 PM - Lượt xem: 256

Công tác quản lý, chi trả tiền dịch vụ môi trường rừng trên địa bàn tỉnh, giai đoạn 2019-2023, tổng diện tích rừng được hưởng tiền dịch vụ môi trường rừng là 316.416,65ha. Trong đó, phân theo loại rừng: Rừng đặc dụng 38.476,05ha; rừng phòng hộ 177.339,54 ha; rừng sản xuất 99.636 ha; rừng ngoài quy hoạch 965,06 ha. Phân theo chủ quản lý: Các Ban quản lý rừng đặc dụng (Ban quản lý khu dự trữ thiên nhiên Mường Nhé; Ban quản lý rừng di tích lịch sử và cảnh quan môi trường Mường Phăng) 38.307,05 ha; Các Ban quản lý rừng phòng hộ quản lý (các huyện: Mường Chà, Tuần Giáo, Điện Biên) 20.366,13 ha; Các hộ gia đình, cá nhân quản lý 9.391,72 ha; Cộng đồng dân cư quản lý 237.154,90 ha; Nhóm hộ quản lý 711,55 ha; UBND cấp xã được giao trách nhiệm quản lý rừng: 10.309,46 ha; tổ chức khác (Bộ đội Biên phòng, Công an tỉnh): 175,84 ha. Diện tích chưa giao (chưa có chủ rừng), Quỹ Bảo vệ và Phát triển rừng chưa thực hiện chi trả tiền dịch vụ môi trường rừng năm 2023 là: 91.899,18 ha. Số lượng chủ rừng được chi trả tiền dịch vụ môi trường rừng của năm 2022 tính đến 31/12/2023 trên địa bàn tỉnh là 4.851 chủ rừng (trong đó: 5 chủ rừng là tổ chức; 1.017 chủ rừng là cộng đồng; 3.780 chủ rừng là hộ gia đình, cá nhân, nhóm hộ; 44 chủ rừng là UBND cấp xã được giao trách nhiệm quản lý rừng; 5 chủ rừng là tổ chức khác); số chủ rừng được chi trả tiền dịch vụ môi trường rừng dự kiến của năm 2023 là 5.052 chủ rừng. Số lượng chủ rừng chưa được chi trả đến 31/12/2023 là 732 chủ rừng (bao gồm các chủ rừng khó khăn do: chưa mở tài khoản; chưa đổi tên theo quyết định của UBND tỉnh; chủ rừng sai thông tin, do chết hoặc đi tù... nên chưa thực hiện chi trả được).


Chi cục Kiểm lâm tỉnh Điện Biên tổ chức tuyên truyền tới các hộ gia đình, cá nhân nhằm nâng cao ý thức của người dân về công tác quản lý bảo vệ rừng

Giai đoạn 2019-2023, công tác quản lý và bảo vệ rừng có nhiều chuyển biến tích cực; các chủ rừng, hộ nhận khoán bảo vệ rừng đã phối hợp chặt chẽ với chính quyền cơ sở, hạt kiểm lâm trong công tác bảo vệ và phát triển rừng cũng như trong việc phòng, chống các hành vi xâm hại tài nguyên rừng, hạn chế tình trạng phá rừng, lấn chiếm đất rừng, khai thác lâm sản trái phép…đồng thời còn huy động được một nguồn nhân lực lớn cho công tác tuần tra bảo vệ rừng. Chính sách chi trả dịch vụ môi trường đã mang lại những hiệu quả thiết thực, góp phần thực hiện mục tiêu xã hội hóa nghề rừng, đã tạo một nguồn thu nhập ổn định đối với người làm nghề rừng, đời sống từng bước được cải thiện, giảm tỷ lệ hộ nghèo, đảm bảo an ninh chính trị, trật tự, an toàn xã hội, ổn định dân cư trên địa bàn tỉnh, góp phần quan trọng trong công tác bảo vệ rừng và phát triển rừng. Trong giai đoạn công tác chi trả tiền dịch vụ môi trường rừng đã đạt được những kết quả cụ thể như sau: UBND tỉnh đã chủ động điều tiết số tiền chưa xác định được đối tượng chi, để bù đơn giá cho lưu vực thấp (như lưu vực Sông Mã, một số lưu vực nội tỉnh,...) để tạo sự công bằng và khuyến khích công tác quản lý, bảo vệ rừng giữa các chủ rừng và nhận được sự đồng thuận từ người dân, các tổ chức, cá nhân có liên quan. Tổng số tiền dịch vụ môi trường rừng thu trong giai đoạn từ năm 2019-2023 là 1.153,215 tỷ đồng; số lượng đơn vị sản xuất thuộc đối tượng phải trả tiền dịch vụ MTR lũy kế đến năm 2023 là 19 cơ sở, trong đó: Các cơ sở sản xuất thủy điện: 17 nhà máy; cơ sở sản xuất và cung ứng nước sạch 01 Công ty (bao gồm 6 nhà máy); 01 cơ sở sản xuất công nghiệp. 100% các đơn vị đã ký kết hợp đồng ủy thác qua quỹ bảo vệ và phát triển rừng. Tổng số tiền dịch vụ môi trường rừng phải chi trả cho các chủ rừng là 994,469 tỷ đồng; trong đó: số tiền đã thực hiện chi trả là 985,13 tỷ đồng, số tiền còn lại sẽ tiếp tục chi trả đến 31/12/2023 là 9,339 tỷ đồng (đến ngày 10/4/2024 số tiền chưa chi trả là 3,479 tỷ đồng, Quỹ Bảo vệ và Phát triển rừng sẽ tiếp tục chi trả trong thời gian tới sau khi các chủ rừng bảo đảm các điều kiện chi trả theo quy định). Tổng số tiền dịch vụ môi trường rừng đã phân bổ để chi cho các hoạt động của bộ máy Quỹ Bảo vệ và phát triển rừng tỉnh từ năm 2019-2023 là 71,84 tỷ đồng. Từ năm 2019-2022, tổng số tiền chưa xác định đối tượng chi là 164.114,4 triệu đồng; trên cơ sở các quy định của pháp luật Hội đồng quản lý quỹ đã quy định các khoản chi như sau: số tiền bù đơn giá cho lưu vực thấp (lưu vực sông Mã và một số lưu vực nội tỉnh...) chi trả cho các chủ rừng là 149.114,4 triệu đồng; hỗ trợ triển khai trồng cây phân tán là 15.000 triệu đồng.

Chính sách chi trả tiền dịch vụ môi trường rừng đã từng bước đi vào cuộc sống, tạo lập nguồn tài chính ngoài ngân sách, mang tính ổn định, bền vững, phục vụ công tác quản lý bảo vệ rừng. Các chủ rừng và các hộ nhận khoán rừng có thêm thu nhập cải thiện đời sống cho người dân: Điển hình một số chủ rừng nhận được tiền chi trả dịch vụ môi trường rừng tương đối cao, như: Cộng đồng bản Tả Ló San, xã Sen Thượng, huyện Mường Nhé (bình quân mỗi hộ nhận được gần 87 triệu đồng/năm); cộng đồng bản Thẩm Táng, xã Pú Xi, huyện Tuần Giáo (bình quân mỗi hộ nhận được gần 28 triệu đồng/năm); về cơ bản thu nhập bình quân của mỗi hộ gia đình tham gia bảo vệ rừng được chi trả dịch vụ môi trường rừng gần 2 triệu đồng/hộ/năm. Một số cộng đồng dân cư đã trích một phần từ nguồn tiền dịch vụ môi trường rừng được nhận để hỗ trợ đầu tư hạ tầng cơ sở nhà văn hóa, làm đường nội bản, hỗ trợ các hoạt động văn hóa, văn nghệ của Bản (theo quy chế chi tiêu)....như huyện: Điện Biên Đông, Mường Nhé, Tuần Giáo,...

Bên cạnh những kết quả đạt được còn có những tồn tại, hạn chế trong công tác chi trả dịch vụ môi trường rừng giai đoạn 2019-2023: Việc thực hiện chi trả dịch vụ môi trường rừng còn chậm, một số hộ còn kéo dài việc chi trả qua nhiều năm; sự phối hợp giữa một số UBND cấp xã với Quỹ Bảo vệ và Phát triển rừng còn chưa chặt chẽ, chưa chủ động hướng dẫn cho người dân trong quá trình lập hồ sơ tài khoản, thực hiện chi trả dịch vụ môi trường rừng cho các chủ rừng qua hệ thống tài khoản của Ngân hàng Chính sách xã hội các huyện. Quyết định và bản đồ giao đất, giao rừng của một số chủ rừng trên địa bàn tỉnh còn nhiều sai khác (sai khác về lô, khoảnh, tiểu khu, diện tích...); một số diện tích rừng được giao cho chủ rừng nhưng chưa có bản đồ giao; thông tin chủ rừng không trùng khớp dẫn đến khó khăn trong việc xác định diện tích rừng, chủ rừng giữa hồ sơ và ngoài thực địa để chi trả tiền dịch vụ môi trường rừng cho các chủ rừng.

Nguyên nhân chủ yếu Quỹ Bảo vệ và Phát triển rừng chưa chi trả tiền dịch vụ môi trường rừng là do: Quyết định giao đất, giao rừng, GCNQSDĐ lâm nghiệp với bản đồ giao đất, giao rừng còn một số điểm sai khác giữa Quyết định với bản đồ giao; thông tin không khớp giữa quyết định với CMND, CCCD; chưa bàn giao quyết định, bản đồ giao đất, giao rừng về Quỹ; chủ rừng tranh chấp, chồng lấn diện tích; chủ rừng chưa mở tài khoản nhận tiền, chủ rừng đi tù, chết... Một số bản ở vùng sâu, vùng xa chưa có điện, đi lại khó khăn, khoảng cách từ bản tới trung tâm xã xa, khó khăn trong việc tiếp cận thông tin, tuyên truyền; dịch vụ ngân hàng. Còn tình trạng người dân có tâm lý so sánh giữa trồng cây mắc ca với trồng rừng dẫn tới không muốn phát triển đất Lâm nghiệp; so sánh có sự chênh lệch lớn giữa đất nông nghiệp với đất lâm nghiệp trong việc bồi thường, hỗ trợ giải phóng mặt bằng như huyện: Điện Biên Đông, Mường Nhé.... Một số lưu vực có đơn giá chi trả còn thấp, diện tích rừng giao của các chủ rừng nhỏ, lẻ, số tiền nhận được ít; chủ rừng chết; chủ rừng già yếu, xa trung tâm xã (có bản còn chưa có điện, sóng điện thoại) lên các chủ rừng chưa quan tâm và đến nhận số tiền chi trả dịch vụ môi trường rừng, cũng như mở tài khoản nhận tiền (số tiền nếu đến nhận không đủ chi phí đi lại). Số lượng cán bộ kỹ thuật phụ trách địa bàn cấp huyện của Ban điều hành Quỹ còn ít (từ 1-2 đồng chí phụ trách một huyện). Do đó, việc tuyên truyền, phổ biến chính sách, cũng như nắm bắt những bất cập, vướng mắc tại cơ sở và phối hợp, đề xuất tháo gỡ đôi khi chưa thực sự kịp thời.

Để tiếp tục thực hiện tốt công tác chi trả dịch vụ môi trường rừng trên địa bàn tỉnh Điện Biên, đề nghị các cấp, các ngành trên địa bàn tỉnh quan tâm tới một số giải pháp chủ yếu:

Hội đồng nhân dân, Thường trực HĐND, Các Ban HĐND tỉnh tiếp tục tăng cường công tác giám sát việc thực hiện chi trả dịch vụ môi trường rừng qua đó chỉ ra những khó khăn, vướng mắc và kịp thời đề nghị UBND tỉnh chỉ đạo các sở, ngành liên quan phối hợp giải quyết, nhằm bảo đảm quyền lợi cho các tổ chức, cá nhân được hưởng tiền dịch vụ môi trường rừng.

Ủy ban nhân dân tỉnh tiếp tục chỉ đạo UBND cấp huyện đẩy nhanh công tác giao đất, giao rừng và bàn giao Quyết định, bản đồ về Quỹ tỉnh; chỉ đạo giải quyết dứt điểm những tranh chấp, chồng lấn diện tích rừng giữa các chủ rừng; chỉnh sửa một số sai khác giữa quyết định, bản đồ giao đất, giao rừng và sai khác về thông tin của chủ rừng…để hoàn thiện, đảm bảo hồ sơ chi trả cho các chủ rừng theo đúng quy định.

Ủy ban nhân dân các huyện, thị xã, thành phố: Quan tâm phối hợp chặt chẽ với Quỹ Bảo vệ và Phát triển rừng trong việc thực hiện chính sách chi trả dịch vụ môi trường rừng cho các chủ rừng; chỉ đạo UBND các xã, phường, thị trấn tiếp tục vận động, hướng dẫn chủ rừng, đặc biệt là các chủ rừng mới được giao rừng khẩn trương mở tài khoản ngân hàng để nhận tiền chi trả dịch vụ môi trường rừng; chỉnh sửa một số sai khác giữa Quyết định, bản đồ giao đất, giao rừng; giải quyết những tranh chấp, chồng lấn diện tích giữa các chủ rừng; hướng dẫn chủ rừng hoàn thiện thủ tục chuyển nhượng đối với chủ rừng chết; điều chỉnh các chủ rừng sáp nhập, đổi tên theo các Quyết định của UBND tỉnh; bàn giao quyết định, bản đồ giao đất, giao rừng đã chỉnh sửa hoặc còn thiếu về Quỹ; tăng cường công tác kiểm tra, giám sát và tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc trong việc quản lý, sử dụng tiền dịch vụ môi trường rừng của các chủ rừng.

Chi cục Kiểm lâm, các Hạt Kiểm lâm tiếp tục thực hiện tốt quy chế phối hợp; cung cấp số liệu theo dõi diễn biến tài nguyên rừng theo định kỳ; phối hợp xác định diện tích rừng có cung ứng dịch vụ môi trường rừng hàng năm. Các đơn vị sử dụng dịch vụ môi trường rừng bảo đảm tuân thủ các nội dung theo hợp đồng đã ký kết, thực hiện đầy đủ các nghĩa vụ tài chính theo quy định. Các chủ rừng là tổ chức thực hiện tốt công tác phối hợp với Quỹ Bảo vệ và Phát triển rừng tuyên truyền các văn bản có liên quan đến chính sách chi trả dịch vụ môi trường rừng, tổ chức triển khai thực hiện công tác quản lý, bảo vệ rừng và chi trả dịch vụ môi trường rừng theo đúng quy định của pháp luật./. 

Bài, ảnh: Thúy Chinh

 


Tin liên quan
Một số khó khăn, vướng mắc trong việc thực hiện giao đất, giao rừng, cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất lâm nghiệp giai đoạn 2019-2023, trên địa bàn tỉnh Điện Biên
Đảng đoàn HĐND tỉnh lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện tốt chức năng, nhiệm vụ của HĐND tỉnh
Quan tâm giải quyết kiến nghị của cử tri
Giám sát việc thực hiện nghị quyết, kết luận, kiến nghị giám sát của HĐND, Thường trực HĐND, Ban của HĐND, Tổ đại biểu HĐND và đại biểu HĐND
Đổi mới và nâng cao hiệu quả tiếp xúc cử tri của đại biểu HĐND
Đảng đoàn HĐND tỉnh lãnh đạo thực hiện Chỉ thị số 35-CT/TW, ngày 26/5/2014 của Bộ Chính trị
Nội dung cơ bản của Luật Kinh doanh bất động sản số 29/2023/QH15
Điểm mới của Luật Nhà ở số 27/2023/QH15
Luật đất đai số 31/2024/QH15 có hiệu lực thi hành từ ngày 01/8/2024
Huyện Tuần Giáo được lựa chọn thí điểm cơ chế phân cấp trong quản lý, tổ chức thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia