Đoàn giám sát của Đoàn ĐBQH tỉnh khảo sát tại Dự án đầu tư trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh
Hiệu quả từ chính sách đầu tư
Tác động rõ nét, cụ thể nhất của việc triển khai Nghị quyết 43 đến phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội tỉnh Điện Biên đó là chính sách đầu tư, với 04 dự án có tổng mức đầu tư là 246.000 triệu đồng, trong đó: 03 dự án thuộc lĩnh vực Y tế là Dự án đầu tư trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh (95.000 triệu đồng), Dự án Đầu tư, nâng cấp, cải tạo và mua sắm trang thiết bị 01 phòng khám đa khoa khu vực và 9 Trung tâm y tế tuyến huyện (47.000 triệu đồng) và Dự án Đầu tư xây dựng, cải tạo, nâng cấp 25 Trạm Y tế tuyến xã (44.000 triệu đồng); 01 dự án về an sinh xã hội là Dự án nâng cấp, mở rộng Trung tâm Bảo trợ xã hội tỉnh Điện Biên (60.000 triệu đồng).
Việc triển khai các dự án thuộc danh mục đầu tư theo Nghị quyết 43 sẽ giúp hệ thống y tế cơ sở được đầu tư, sửa chữa, nâng cấp khang trang hơn nhằm đáp ứng tiêu chí Quốc gia về y tế xã. Việc nâng cấp, mở rộng cơ sở bảo trợ xã hội nhằm đáp ứng yêu cầu tối thiểu về cơ sở vật chất theo tiêu chuẩn để tiếp nhận các đối tượng cần được chăm sóc, bảo trợ, đồng thời tạo thuận lợi trong việc thực hiện các chính sách chăm lo cho trẻ em có hoàn cảnh khó khăn, trẻ em mồ côi cha mẹ, người già không nơi nương tựa và các đối tượng khác về vật chất và tinh thần, giúp các đối tượng nêu trên hòa nhập với cộng đồng xã hội.
Hiệu quả từ chính sách tín dụng
Năm 2022 và 2023, Ngân hàng chính sách xã hội chi nhánh tỉnh Điện Biên cho vay chương trình phục hồi, phát triển kinh tế theo Nghị quyết 43 của Quốc hội là 593.986 triệu đồng, với 8.001 khách hàng được vay vốn, trong đó: Cho vay hỗ trợ tạo việc làm là 355.000 triệu đồng, với 4.688 khách hàng; Cho vay nhà ở xã hội là 122.300 triệu đồng, với 295 khách hàng; Cho vay vùng dân tộc thiểu số và miền núi là 114.926 triệu đồng, với 2.861 khách hàng; Cho vay học sinh, sinh viên mua máy tính là 1.580 triệu đồng, với 155 khách hàng; Cho vay cơ sở giáo dục mầm non là 180 triệu đồng, với 02 khách hàng.
Ngoài ra thực hiện chỉ đạo điều hành lãi suất của Ngân hàng Nhà nước, trong 02 năm qua, các tổ chức tín dụng trên địa bàn tỉnh đã 6 lần thay đổi các mức lãi suất điều hành, lãi suất huy động tiền gửi dưới 6 tháng và cho vay ngắn hạn đối với các lĩnh vực ưu tiên. Tính đến đầu năm 2024, lãi suất huy động đã giảm khoảng 1%-3% và lãi suất cho vay đã giảm khoảng 1,5% so với thời điểm 31/12/2022. Ngân hàng chính sách xã hội chi nhánh tỉnh Điện Biên thực hiện giảm lãi suất 2%/năm cho các khoản vay từ ngày 01/01/2022 đến ngày 31/10/2023 có lãi suất trên 6%/năm theo quy định tại Nghị định số 36/2022/NĐ-CP của Chính phủ. Tổng số khách hàng được hỗ trợ là 41.300 khách hàng, số tiền hỗ trợ là 42.505 triệu đồng.
Chính sách cho vay ưu đãi và chính sách hỗ trợ lãi suất đã phần nào tháo gỡ khó khăn, giúp doanh nghiệp, người dân có thêm nguồn lực để đầu tư, phát triển sản xuất, kinh doanh; Góp phần giải quyết những vấn đề căn bản, thiết yếu trong cuộc sống của đồng bào dân tộc thiểu số về đất ở, nhà ở, đất sản xuất, góp phần xóa đói, giảm nghèo, nâng cao đời sống cho bà con vùng đồng bào dân tộc thiểu số...
Đoàn giám sát của Đoàn ĐBQH tỉnh làm việc với UBND huyện Điện Biên
Kết quả thực hiện các chỉ tiêu tăng trưởng
Năm 2022, tổng sản phẩm trên địa bàn tỉnh GRDP đạt 13.963,91 tỷ đồng, tăng 10,19% so với năm 2021, đứng thứ 02/14 khu vực Trung du và miền núi phía Bắc. Tổng thu ngân sách địa phương đạt 14.849,077 tỷ đồng, đạt 155% dự toán trung ương giao, trong đó thu ngân sách địa phương được hưởng theo phân cấp đạt 1.439,453 tỷ đồng, đạt 160% dự toán trung ương giao. Tổng kim ngạch xuất nhập khẩu hàng hóa và dịch vụ ước đạt 113,24 triệu USD, tăng 37,25% so với cùng kỳ năm trước, vượt 15,55% kế hoạch. Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng sơ bộ đạt 17.005,01 tỷ đồng, tăng 28,10% so với năm trước. Tỷ lệ thất nghiệp năm 2022 chiếm 0.39% (giảm 0,12% so với năm 2021), trong đó tỷ lệ thất nghiệp ở khu vực thành thị chiếm 2,53% (giảm 0,51% so với năm 2021).
Năm 2023, tổng sản phẩm trên địa bàn tỉnh GRDP đạt 14.912,29 tỷ đồng, tăng 7,1% so với năm 2022, đứng thứ 4/14 khu vực Trung du và miền núi phía Bắc. Dự ước tổng thu ngân sách địa phương năm 2023 đạt 13.805,469 tỷ đồng, trong đó thu ngân sách địa phương được hưởng theo phân cấp đạt 1.640,421 tỷ đồng, đạt 102,83% dự toán trung ương giao. Dự ước tổng kim ngạch xuất nhập khẩu hàng hóa, dịch vụ ước đạt 129,33 triệu USD tăng 14,21% so với cùng kỳ năm trước, vượt 7,78% kế hoạch. Dự ước tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng năm 2023 đạt 21.925,28 tỷ đồng, tăng 28,93% so với cùng kỳ và vượt 4,41% kế hoạch năm. Tỷ lệ thất nghiệp năm 2023 chiếm 0.36% (giảm 0,03% so với năm 2022) trong đó tỷ lệ thất nghiệp ở khu vực thành thị chiếm 1,13% (giảm 1,4% so với năm 2022).
Theo bà Lò Thị Luyến, Phó Trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh, việc ban hành Nghị quyết số 43/2022/QH15 về chính sách tài khóa, tiền tệ hỗ trợ Chương trình phục hồi, phát triển kinh tế - xã hội là quyết sách đúng đắn, kịp thời của Quốc hội trong hoàn cảnh tình hình phát triển kinh tế - xã hội của đất nước đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức do ảnh hưởng nặng nề của dịch Covid-19, giúp phục hồi, phát triển nhanh hoạt động sản xuất, kinh doanh, thúc đẩy các động lực tăng trưởng, đồng thời bảo đảm an sinh xã hội và đời sống của người dân./.
Bài, ảnh: Mai Hồng