Nghiên cứu - Trao đổi  

Nâng cao chất lượng thẩm tra báo cáo, dự thảo nghị quyết của HĐND

Cập nhật ngày 08/03/2024 09:50:30 AM - Lượt xem: 256

Để góp phần nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của HĐND, thành công của các kỳ họp HĐND tỉnh, nhất là việc ban hành các nghị quyết liên quan đến lĩnh vực nội chính (VKSND, TAND, Cục THADS tỉnh), Ban Pháp chế HĐND tỉnh đã tích cực đổi mới, nâng cao chất lượng thẩm tra báo cáo, tờ trình, dự thảo nghị quyết.


Ban Pháp chế (HĐND tỉnh) giám sát đầu tư công tại huyện Điện Biên.

Thực hiện yêu cầu đổi mới của Thường trực HĐND tỉnh nhiệm kỳ 2021 - 2026, trong quy trình xây dựng chính sách, Ban Pháp chế đã chủ động phối hợp chặt chẽ với cơ quan soạn thảo, UBND tỉnh để tham gia ngay từ đầu trong các giai đoạn, quá trình soạn thảo nghị quyết. Theo đó, từ danh mục nghị quyết dự kiến đã được phê duyệt, các cơ quan chuyên môn của UBND tỉnh chủ trì tham mưu có sự phối hợp với các Ban HĐND tỉnh trong các bước xây dựng nghị quyết, họp lấy ý kiến thông qua dự thảo nghị quyết trước khi trình HĐND. Ban Pháp chế chủ động trong việc tiếp nhận hồ sơ, nghiên cứu các nội dung thẩm tra được phân công; kịp thời chuyển các tài liệu để thành viên của Ban, đại biểu chuyên trách có thời gian nghiên cứu. Trên cơ sở kết quả thẩm tra, trong trường hợp có ý kiến khác nhau, cần thiết, Ban đề nghị Thường trực HĐND tỉnh tổ chức họp với UBND tỉnh cùng các cơ quan chuyên môn của UBND để trao đổi, nghe giải trình những nội dung chưa rõ hoặc còn có ý kiến khác nhau trước khi có ý kiến chính thức với UBND tỉnh.

Ban Pháp chế cũng tiến hành khảo sát, nắm bắt tình hình làm việc với các cơ quan, địa phương có liên quan. Thông qua việc tổ chức hội nghị tiếp xúc cử tri chuyên đề để lắng nghe ý kiến kiến nghị của cử tri, ý kiến của các đối tượng chịu tác động trực tiếp theo dự thảo nghị quyết. Từ đó, làm việc trực tiếp với cơ quan, đơn vị chủ trì tham mưu để yêu cầu giải trình, làm rõ nội dung, vấn đề còn nhiều ý kiến khác nhau. Đồng thời tổ chức phiên họp Ban để thẩm tra nội bộ, thống nhất nội dung dự thảo báo cáo thẩm tra.

Ban pháp chế (HĐND tỉnh) giám sát việc bố trí sử dụng biên chế viên chức ngành giáo dục trên địa bàn huyện Điện Biên.

Nhờ thực hiện nhiều giải pháp đổi mới nên công tác thẩm tra được đồng bộ, sát hơn về quan điểm giữa cơ quan trình và cơ quan thẩm tra, góp phần nâng cao chất lượng dự thảo nghị quyết, chất lượng công tác thẩm tra. Kết quả, từ đầu nhiệm kỳ đến nay, trải qua 13 kỳ họp, HĐND tỉnh đã xây dựng và ban hành 239 nghị quyết (gồm 176 nghị quyết cá biệt; 63 nghị quyết quy phạm pháp luật). Trong đó, riêng Ban Pháp chế chủ trì và phối hợp thẩm tra 170 báo cáo, đề án và dự thảo Nghị quyết. Các báo cáo thẩm tra về lĩnh vực nội chính tại kỳ họp đã phản ánh kịp thời, đúng tâm tư, nguyện vọng của cử tri; cung cấp thông tin giúp các đại biểu HĐND tỉnh có thêm cơ sở để nghiên cứu, xem xét, thảo luận và quyết định nội dung có liên quan tại các kỳ họp.

Bà Lò Thị Bích, Ủy viên Thường trực, Trưởng Ban pháp chế (HĐND tỉnh) cho biết: Trên cơ sở kế thừa và phát huy kinh nghiệm trong hoạt động thẩm tra, giám sát qua các nhiệm kỳ của HĐND, căn cứ các quy định của Luật Hoạt động giám sát của Quốc hội và HĐND năm 2015, Ban Pháp chế đã thực hiện nhiều giải pháp đổi mới nhằm nâng cao chất lượng hiệu quả thẩm tra báo cáo, dự thảo nghị quyết. Cụ thể như: Tổ chức khảo sát, nắm tình hình thực tế; lựa chọn những vấn đề chưa rõ, cần có cơ sở để đánh giá xác thực, sâu, kỹ. Để có căn cứ, dẫn chứng cụ thể giúp chỉ ra những hạn chế yếu kém để kiến nghị khắc phục, nhất là với các cơ quan tố tụng (Công an, Tòa án, Cục Thi hành án dân sự), Ban Pháp chế phối hợp chặt chẽ với cơ quan Viện Kiểm sát (có Quy chế phối hợp với Viện Kiểm sát Nhân dân tỉnh) nhằm khai thác vấn đề một cách trung thực, khách quan, có đối chiếu và kiểm chứng, có nhiều thông tin hữu ích phục vụ cho công tác thẩm tra, đánh giá. Qua đó, Báo cáo thẩm tra khi hoàn thiện mang tính xây dựng, gợi mở và tính phản biện, thể hiện được chính kiến của Ban và có những kiến nghị xác đáng, khả thi là cơ sở quan trọng, gợi mở cho các đại biểu HĐND thảo luận làm sáng tỏ các vấn đề trước khi quyết nghị. Đơn cử tại kỳ họp thứ 13 HĐND tỉnh vừa qua, Ban đã thẩm tra dự thảo nghị quyết “Quy định về chức danh, việc kiêm nhiệm chức danh, mức phụ cấp đối với người hoạt động không chuyên trách ở cấp xã, thôn bản, tổ dân phố; mức khoán kinh phí hoạt động của tổ chức chính trị xã hội ở cấp xã; mức hỗ trợ hàng tháng đối với người trực tiếp tham gia hoạt động ở thôn, tổ dân phố và mức phụ cấp kiêm nhiệm người trực tiếp tham gia hoạt động ở thôn, tổ dân phố trên địa bàn tỉnh”. Dự thảo đã được 100% đại biểu HĐND thông qua, cử tri và những người hưởng lợi trực tiếp đồng tình ủng hộ cao.

Bài, ảnh: Anh Nguyễn

 

 


Tin liên quan
Hiệu quả tham mưu, giúp việc công tác tiếp công dân, tiếp nhận xử lý đơn của công dân
Phát huy tinh thần trách nhiệm, theo đuổi đến cùng nội dung kiến nghị
Một số chính sách mới đối với người hoạt động không chuyên trách ở cấp xã, thôn, tổ dân phố trên địa bàn tỉnh
HĐND huyện Điện Biên Đông ưu tiên bố trí nguồn vốn thực hiện nghị quyết xóa bản “trắng” điện lưới quốc gia
Thường trực HĐND tỉnh chú trọng công tác rà soát Nghị quyết quy phạm pháp luật
Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Điện Biên: Nửa nhiệm kỳ hoạt động sôi nổi, tích cực, hiệu quả
Giám sát 03 Chương trình mục tiêu quốc gia dấu mốc đổi mới quan trọng
Cơ chế, chính sách đặc thù thực hiện các Chương trình mục tiêu quốc gia
Chọn lọc, xử lý, sử dụng và chia sẻ thông tin trên nền tảng mạng xã hội trong thời kỳ cách mạng 4.0
HỌC TẬP VÀ LÀM THEO PHONG CÁCH ỨNG XỬ, LỀ LỐI LÀM VIỆC CỦA CHỦ TỊCH HỒ CHÍ MINH