Đ/c Lò Thị Luyến, TUV, Phó Trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh phát biểu tại buổi làm việc với UBND tỉnh Điện Biên
Một dấu mốc quan trọng, một điểm sáng về sự đổi mới trong hoạt động giám sát của Quốc hội trong năm 2023 đó chính là cuộc giám sát chuyên đề “Việc triển khai thực hiện các nghị quyết của Quốc hội về các Chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021-2025, giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021-2025, phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021-2030”.
Giám sát để kiến tạo và phát triển
Xuất phát từ thực tiễn những khó khăn, vướng mắc trong việc triển khai các Chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới, giảm nghèo bền vững và phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi (sau đây gọi chung là 03 Chương trình mục tiêu quốc gia), Đoàn ĐBQH tỉnh Điện Biên đã đề xuất Quốc hội giám sát tối cao với mục đích đánh giá giữa kỳ kết quả triển khai thực hiện các nghị quyết của Quốc hội về kế hoạch 5 năm 2021-2025 đối với các Chương trình mục tiêu quốc gia, trọng tâm là công tác xây dựng, hoàn thiện cơ chế, chính sách để vận hành, tổ chức thực hiện Chương trình; phát hiện, kiến nghị cấp có thẩm quyền khắc phục tồn tại, hạn chế; điều chỉnh, xử lý những vướng mắc trong quá trình thực hiện; đề xuất giải pháp hoàn thiện cơ chế, chính sách nhằm tăng cường hiệu lực, hiệu quả tổ chức thực hiện, nâng cao chất lượng, hiệu quả của các Chương trình mục tiêu quốc gia giai đoạn tiếp theo.
Trước đề xuất của Đoàn ĐBQH tỉnh Điện Biên (chỉ duy nhất có 01 ý kiến của Đoàn ĐBQH tỉnh Điện Biên đề xuất giám sát việc triển khai thực hiện 03 Chương trình mục tiêu quốc gia), Quốc hội đã rất quan tâm và lựa chọn chuyên đề này đưa vào Chương trình giám sát của Quốc hội năm 2023. Phát biểu tại Hội nghị triển khai Chương trình giám sát của Quốc hội năm 2024, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ đã đánh giá, hoạt động giám sát chuyên đề trước đây hầu hết là hậu kiểm (kết thúc giai đoạn mới giám sát), trong nhiệm kỳ này các chuyên đề giám sát đã tập trung vào các nội dung đang trong quá trình thực hiện. Điển hình là chuyên đề giám sát 03 Chương trình mục tiêu quốc gia, khi Quốc hội quyết định giám sát là đã tạo chuyển biến rồi, trong quá trình giám sát tạo ra chuyển biến rất lớn. Quốc hội cùng với Chính phủ đã tháo gỡ nhiều vướng mắc, khó khăn trong quá trình tổ chức thực hiện các Chương trình.
Đổi mới trong cách thức tổ chức giám sát
Ngay sau khi Quốc hội ban hành Nghị quyết thành lập Đoàn giám sát, Đoàn giám sát của Quốc hội do đồng chí Trần Quang Phương, Phó Chủ tịch Quốc hội làm Trưởng Đoàn đã bắt tay vào công tác chuẩn bị, kế hoạch và đề cương giám sát được ban hành chi tiết, tỉ mỉ, toàn diện. Kế hoạch giám sát được Đoàn giám sát triển khai rất chu đáo, công phu, bài bản, cử các Tổ công tác đến trực tiếp giám sát tại các đơn vị, địa phương. Điện Biên là một trong những địa phương được lựa chọn để giám sát.
Trước đây, khi có Đoàn giám sát của Quốc hội giám sát trực tiếp tại địa phương, Đoàn ĐBQH tỉnh sẽ không tổ chức giám sát mà chỉ tham gia cùng Đoàn giám sát của Quốc hội. Tuy nhiên, nhận thấy tầm quan trọng của chuyên đề này, Đoàn ĐBQH tỉnh đã quyết định tổ chức giám sát song song cùng với Đoàn giám sát của Quốc hội để đánh giá chi tiết, toàn diện kết quả đạt được, cũng như khó khăn, vướng mắc gặp phải trong quá trình tổ chức thực hiện các Chương trình, để cùng với tỉnh có những đề xuất, kiến nghị sát hợp với thực tiễn, cung cấp thêm thông tin phục vụ hoạt động giám sát tối cao của Quốc hội.
Bên cạnh đó, lãnh đạo Đoàn ĐBQH tỉnh đã tích cực tham gia các hoạt động giám sát của Tổ công tác và Đoàn giám sát của Quốc hội trên địa bàn tỉnh. Đại biểu Tạ Thị Yên, Phó Trưởng Ban Công tác đại biểu, ĐBQH tỉnh, với vai trò là Ủy viên Đoàn giám sát của Quốc hội đã tích cực tham gia các hoạt động giám sát của Đoàn, đồng thời thực hiện tốt vai trò Tổ trưởng Tổ công tác giám sát tại Sóc Trăng, tham gia Tổ công tác giám sát tại Trà Vinh, Ninh Thuận…
Tiếp thu tối đa kiến nghị của các địa phương
Qua báo cáo kết quả giám sát 03 Chương trình mục tiêu quốc gia cho thấy Đoàn giám sát của Quốc hội đã tiếp thu, tổng hợp nhiều nội dung về kết quả tổ chức thực hiện cũng như những tồn tại hạn chế, vướng mắc khó khăn, những kiến nghị, đề xuất trong báo cáo giám sát của các Đoàn ĐBQH, trong đó có Đoàn ĐBQH tỉnh Điện Biên.
Tại các kỳ họp Quốc hội, ĐBQH tỉnh Điện Biên đã phát biểu, làm rõ những khó khăn, vướng mắc trong việc triển khai thực hiện các Chương trình mục tiêu quốc gia, trong đó, đề nghị Quốc hội ban hành Nghị quyết theo quy trình rút gọn về cơ chế, chính sách đặc thù để tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, đẩy nhanh tiến độ thực hiện các Chương trình mục tiêu quốc gia giai đoạn 2021-2025; đề nghị cho phép kéo dài thời hạn giải ngân vốn sự nghiệp của các chương trình.
Ngoài ra, đại biểu Quốc hội tỉnh cũng đề xuất Quốc hội quan tâm tới một số khó khăn mới phát sinh chưa được đề cập trong báo cáo, ví dụ nội dung liên quan đến cung ứng giống vật nuôi trong Nghị định 38/2023/NĐ-CP. Đề nghị Quốc hội có cơ chế đặc thù, cho phép đơn vị chủ trì dự án thực hiện thu mua giống vật nuôi từ người dân trực tiếp sản xuất tại địa bàn triển khai dự án bảo đảm quy định về nguồn gốc, sức khỏe, dịch bệnh và các tiêu chí theo định mức kinh tế kỹ thuật của tỉnh ban hành. Chính quyền địa phương nơi triển khai dự án sẽ thành lập Tổ thẩm định đánh giá về chất lượng giống vật nuôi của đơn vị chủ trì dự án trước khi cấp đến các hộ dân được thụ hưởng.
Trong quá trình giám sát và thảo luận tại kỳ họp, Quốc hội và Chính phủ đã rất cầu thị, lắng nghe, quan tâm, tiếp thu các ý kiến phát biểu của ĐBQH. Trên cơ sở ý kiến của ĐBQH, của Đoàn giám sát và các địa phương, Chính phủ, các bộ, ngành đã sửa đổi, bổ sung 11 văn bản quan trọng gồm Nghị định 27/2022/NĐ-CP về cơ chế quản lý, tổ chức thực hiện các Chương trình mục tiêu quốc gia và nhiều thông tư hướng dẫn khác, tạo thuận lợi cho các địa phương trong quá trình tổ chức thực hiện.
Tại kỳ họp thứ 6, Quốc hội khoá XV ban hành Nghị quyết về giám sát chuyên đề “Việc triển khai thực hiện các nghị quyết của Quốc hội về các Chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021-2025, giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021-2025, phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021-2030” trong đó, giao Chính phủ, các bộ, ngành Trung ương và địa phương tập trung thực hiện 6 nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm để tập trung tháo gỡ, đẩy nhanh tiến độ thực hiện các Chương trình mục tiêu quốc gia. Đồng thời, cho phép số vốn ngân sách nhà nước năm 2022 (bao gồm cả vốn năm 2021 được chuyển nguồn sang năm 2022) chưa thực hiện giải ngân hết trong năm 2023 được kéo dài thực hiện sang năm 2024; giao Chính phủ khẩn trương xây dựng dự thảo nghị quyết về một số cơ chế, chính sách đặc thù để tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, đẩy nhanh tiến độ thực hiện các Chương trình mục tiêu quốc gia để trình Quốc hội xem xét, quyết định tại kỳ họp gần nhất theo trình tự, thủ tục rút gọn, trong đó, có cơ chế thí điểm phân cấp cho cấp huyện quyết định danh mục, cơ cấu, phân bổ sử dụng vốn ngân sách nhà nước...
Ngày 08/12/2023, Chính phủ đã có Tờ trình số 686/TTr-CP Dự thảo Nghị quyết của Quốc hội về một số cơ chế, chính sách đặc thù để tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, đẩy nhanh tiến độ thực hiện các Chương trình mục tiêu quốc gia, trong đó đề xuất 08 cơ chế, chính sách đặc thù về: (1) Phân bổ, giao dự toán chi thường xuyên ngân sách Trung ương hằng năm; (2) Điều chỉnh dự toán ngân sách Nhà nước, kế hoạch đầu tư vốn hằng năm; (3) Ban hành quy định trình tự, thủ tục, tiêu chí, mẫu hồ sơ lựa chọn dự án phát triển sản xuất; (4) Sử dụng ngân sách nhà nước trong trường hợp giao chủ dự án phát triển sản xuất tự thực hiện việc mua sắm hàng hóa phục vụ hoạt động phát triển sản xuất; (5) Quản lý, sử dụng tài sản hình thành từ dự án hỗ trợ phát triển sản xuất; (6) Ủy thác vốn tự cân đối của ngân sách địa phương qua hệ thống ngân hàng chính sách xã hội; (7) Cơ chế thí điểm phân cấp cho cấp huyện trong quản lý, tổ chức thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia; (8) Giao kế hoạch đầu tư công trung hạn, đầu tư vốn hằng năm đối với dự án đầu tư xây dựng có quy mô nhỏ, kỹ thuật không phức tạp, Nhà nước chỉ hỗ trợ đầu tư một phần kinh phí, phần còn lại do Nhân dân đóng góp, có sự tham gia giám sát của Nhân dân.
Tới đây, Quốc hội sẽ xem xét thông qua Dự thảo Nghị quyết tại kỳ họp bất thường lần thứ 5, Quốc hội khoá XV, theo đó sẽ tháo gỡ toàn bộ những khó khăn vướng mắc hiện nay, tạo điều kiện thuận lợi cho các địa phương đẩy nhanh tiến độ thực hiện Chương trình, góp phần tạo đà và cơ hội để thúc đẩy kinh tế - xã hội, cải thiện đời sống của người dân vùng khó khăn.
Có thể khẳng định, giám sát 03 Chương trình mục tiêu quốc gia là dấu mốc quan trọng trong việc đổi mới hoạt động giám sát của Quốc hội. Đây là hoạt động giám sát rất thiết thực, hiệu lực và hiệu quả, khẳng định vị thế, vai trò hoạt động giám sát tối cao của Quốc hội là giám sát của cơ quan quyền lực Nhà nước cao nhất. Nhiều cử tri bày tỏ sự tin tưởng và vui mừng vì qua giám sát, những vấn đề khó khăn của địa phương được Quốc hội lắng nghe, quan tâm, thấu hiểu và có cơ chế giải quyết kịp thời./.
Lò Thị Luyến
Tỉnh ủy viên, Phó Trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh