Nghiên cứu - Trao đổi  

Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Điện Biên: Nửa nhiệm kỳ hoạt động sôi nổi, tích cực, hiệu quả

Cập nhật ngày 19/02/2024 21:59:05 PM - Lượt xem: 256

Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Điện Biên đã đi được một nửa nhiệm kỳ Quốc hội khóa XV, hoạt động sôi nổi, tích cực, hiệu quả. Tham dự 10 kỳ họp của Quốc hội (04 kỳ họp bất thường, 06 kỳ họp thường lệ); 04 hội nghị chất vấn và trả lời chất vấn của Ủy ban Thường vụ Quốc hội.


Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Điện Biên dự kỳ họp thứ Hai, Quốc hội khóa XV tại điểm cầu tỉnh Điện Biên.

Trong quá trình hoạt động, Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh luôn nhận được sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo của Tỉnh ủy; sự phối hợp chặt chẽ, thường xuyên của Thường trực HĐND, UBND, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh, các cấp, các ngành, các địa phương và sự tin tưởng, ủng hộ của cử tri trong tỉnh. Nhờ đó, hoạt động của Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh, các vị đại biểu Quốc hội tỉnh có nhiều thuận lợi và đã đạt được nhiều kết quả tích cực trên các lĩnh vực: Xây dựng pháp luật, hoạt động giám sát, cùng với Quốc hội quyết định các vấn đề quan trọng của đất nước; thực hiện tốt vai trò đại diện của Nhân dân, nâng cao hơn nữa chất lượng, hiệu quả hoạt động; thích ứng với tình hình thực tiễn, với sự đổi mới phương thức hoạt động của Quốc hội.

Thực hiện Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh hàng năm của Quốc hội khóa XV. Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh đã tổ chức 10 Hội nghị để lấy ý kiến tham gia vào các dự thảo luật trình tại các kỳ họp; đồng thời gửi dự thảo Luật, đăng dự thảo luật trên Cổng thông tin điện tử để lấy ý kiến rộng rãi của cán bộ, công chức và Nhân dân. Tại các kỳ họp các vị đại biểu Quốc hội tỉnh đã tích cực nghiên cứu, phát biểu hơn 150 lượt ý kiến tham gia vào các dự thảo luật, nhiều ý kiến, kiến nghị đã được Ban soạn thảo tiếp thu, chỉnh lý. Kết quả, từ đầu nhiệm kỳ đến nay, Quốc hội đã xem xét, thông qua 30 Luật và 75 Nghị quyết quan trọng; cho ý kiến hơn 34 dự án Luật tại các kỳ họp (riêng dự án Luật Đất đai (sửa đổi) Quốc hội đã cho ý kiến lần thứ 03).

Trước yêu cầu đổi mới của Quốc hội trong hoạt động giám sát, Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh đã triển khai các hoạt động giám sát chuyên đề bài bản, khoa học và chặt chẽ, được cử tri và Nhân dân đánh giá cao.Từ đầu nhiệm kỳ đến nay, Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh đã chủ động phối hợp với Thường trực HĐND tỉnh và Ban Thường trực Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh tổ chức và hoàn thành 08 cuộc giám sát chuyên đề theo chương trình giám sát của Quốc hội và Ủy ban Thường vụ Quốc hội: (1) Việc thực hiện các nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về việc sắp xếp các đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã trong giai đoạn 2019 – 2021, (2) Việc thực hiện chính sách, pháp luật về công tác quy hoạch kể từ khi Luật Quy hoạch có hiệu lực thi hành, (3) Việc thực hiện chính sách, pháp luật về thực hành tiết kiệm, chống lãng phí giai đoạn 2016-2021, (4) Việc thực hiện pháp luật về tiếp công dân và giải quyết khiếu nại, tố cáo trên địa bàn tỉnh Điện Biên từ ngày 01/7/2016 đến ngày 01/7/2021, (5) Việc huy động, quản lý, sử dụng các nguồn lực phục vụ công tác phòng, chống dịch COVID-19; việc thực hiện chính sách, pháp luật về y tế cơ sở, y tế dự phòng, (6) Việc thực hiện Nghị quyết số 88/2014/QH13 và Nghị quyết số 51/2017/QH14 của Quốc hội về đổi mới chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông, (7) Việc thực hiện chính sách, pháp luật về phát triển năng lượng giai đoạn 2016 - 2021, (8) Việc triển khai thực hiện các nghị quyết của Quốc hội về các Chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021 - 2025, giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021 - 2025, phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021-2030. Ngoài ra, căn cứ vào những vấn đề mà đại biểu Quốc hội và cử tri quan tâm, Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh đã thực hiện 02 cuộc khảo sát: (1) Tình hình thực hiện chính sách, pháp luật về Chương trình mỗi xã một sản phẩm (Chương trình OCOP) trên địa bàn tỉnh Điện Biên; (2) Tình hình thực hiện phát triển cây Mắc ca trên địa bàn tỉnh Điện Biên. Thực hiện giám sát thường xuyên việc giải quyết, trả lời kiến nghị cử tri, kiến nghị sau giám sát, khảo sát do Đoàn đại biểu Quốc hội chuyển đến của cơ quan, đơn vị có thẩm quyền. Qua hoạt động giám sát, khảo sát, Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh đã gửi 105 kiến nghị đến các cơ quan Quốc hội, Chính phủ hoàn thiện chính sách, pháp luật; các cơ quan chức năng khắc phục tồn tại, hạn chế nhằm thực hiện tốt công tác quản lý nhà nước, đảm bảo quyền và lợi ích hợp pháp của công dân.

Công tác phối hợp với Đoàn khảo sát của Hội đồng dân tộc, các Ủy ban của Quốc hội và các Bộ, ngành Trung ương được Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh, đại biểu Quốc hội tích cực tham gia như phối hợp với Đoàn khảo sát của Ủy ban Xã hội của Quốc hội, khảo sát về tình hình thực hiện chính sách, pháp luật về phòng chống tệ nạn xã hội do ảnh hưởng của đại dịch Covid-19; tham vấn về dự thảo Luật Phòng, chống bạo lực gia đình; tình hình thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021 - 2025 trên địa bàn tỉnh; Đoàn giám sát của Bộ Y tế đánh giá mô hình điều trị suy dinh dưỡng cấp tính nặng cho trẻ em tại tỉnh Điện Biên; Đoàn giám sát số III của Quốc hội về giám sát 03 chương trình mục tiêu quốc gia.

Cùng với hoạt động giám sát chuyên đề, thực hiện nhiệm vụ và quyền hạn giám sát tại các kỳ họp, cùng với Quốc hội thảo luận xem xét, đánh giá báo cáo về kết quả thực hiện nhiệm vụ kinh tế - xã hội và ngân sách hàng năm; xem xét các báo cáo công tác của Chánh án Toà án nhân dân tối cao, Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao; các báo cáo của Chính phủ về công tác phòng, chống tội phạm và vi phạm pháp luật, công tác thi hành án và công tác phòng, chống tham nhũng; về công tác giải quyết khiếu nại, tố cáo và kết quả giám sát việc giải quyết khiếu nại, tố cáo của công dân hàng năm; kết quả giám sát việc giải quyết kiến nghị của cử tri gửi đến các kỳ họp, Quốc hội khóa XV; quyết toán ngân sách nhà nước; xem xét tình hình thực hiện các Nghị quyết và các báo cáo giám sát chuyên đề của Quốc hội. Tại các phiên thảo luận về các nội dung trên, các vị đại biểu Quốc hội tỉnh đã có trên 50 lượt phát biểu tham gia ý kiến, góp phần vào thành công trong hoạt động giám sát của Quốc hội.

Song song với việc xem xét các báo cáo trình tại các kỳ họp, hoạt động chất vấn và trả lời chất vấn tại các phiên chất vấn của Quốc hội và Ủy ban Thường vụ Quốc hội, với hình thức chất vấn trực tiếp hoặc gián tiếp bằng văn bản, đại biểu Quốc hội tỉnh đã gửi tới Chính phủ, các bộ, ngành Trung ương 10 ý kiến chất vấn liên quan đến các vấn đề thuộc các lĩnh vực như: Giao thông vận tải; Lao động, Thương binh và Xã hội; Xây dựng; Công tác dân tộc, miền núi; Ngân hàng, tiền tệ. Ngoài ra, đại biểu Quốc hội tỉnh đã gửi 04 phiếu chất vấn thuộc các lĩnh vực: Tài chính như về kịch bản và phương án ứng phó đối với nguy cơ lạm phát và kiểm soát giá cả một số mặt hàng thiết yếu và giá sách giáo khoa mới; lĩnh vực Bộ Nội vụ về tuổi nghỉ hưu đối với một số cán bộ, công chức giữ chức vụ lãnh đạo, quản lý; việc bố trí chức danh Bí thư cấp ủy đồng thời là Chủ tịch Ủy ban nhân dân. Các ý kiến chất vấn của đại biểu Quốc hội tỉnh đã được Thủ tướng Chính phủ, Phó Thủ tướng Chính phủ, các vị Bộ trưởng, Trưởng ngành tiếp thu, nghiên cứu, trả lời theo quy định.

Tham gia tích cực vào quá trình rà soát văn bản quy phạm pháp luật - một hoạt động được xem là bước tiến mới trong hoạt động giám sát của Quốc hội trong nhiệm kỳ này, Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh tổng hợp 47 kiến nghị về các nội dung có sự chồng chéo, mâu thuẫn, vướng mắc hoặc chưa được quy định trong hệ thống pháp luật, đề xuất Quốc hội, Chính phủ và các Bộ, ngành Trung ương nghiên cứu, xem xét sửa đổi, bổ sung.

Hoạt động tiếp xúc cử tri của Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh tiếp tục được đổi mới, linh hoạt hiệu quả, phù hợp với thực tiễn trước diễn biến phức tạp của dịch bệnh Covid - 19 trên địa bàn tỉnh. Từ việc bố trí tiếp xúc cử tri trực tuyến, thu thập ý kiến, nguyện vọng của cử tri thông qua việc gửi văn bản, công văn… Trong thời kỳ dịch bệnh đã được kiểm soát, Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh tổ chức đa dạng các hình thức tiếp xúc cử tri như chuyên đề, đối tượng để nắm bắt những tác động của chính sách khi được ban hành, nắm bắt những khó khăn của cử tri, từ đó thu thập những kiến nghị chất lượng, tập trung hơn. Trong đó đáng chú ý là Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh đã tổ chức Hội nghị để đại biểu Quốc hội thành phố Hà Nội tiếp xúc cử tri chuyên đề lấy ý kiến tham gia vào Dự án Luật Phòng thủ dân sự tại địa bàn huyện biên giới. Qua hoạt động tiếp xúc cử tri đã tổng hợp được 37 ý kiến, kiến nghị gửi đến Chính phủ, các Bộ, ngành Trung ương và địa phương. Tổng hợp ý kiến tham gia vào các dự thảo Luật, dự thảo Nghị quyết gửi Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Hội đồng dân tộc và Ủy ban của Quốc hội chủ trì thẩm tra. Đến nay các ý kiến, kiến nghị cử tri do Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh gửi đến đã được các cấp các ngành quan tâm, giải quyết đúng quy định. Bên cạnh đó, nhiều ý kiến đã được các đại biểu Quốc hội chuyển đến Quốc hội thông qua việc phát biểu thảo luận tại nghị trường Quốc hội. Có thể nói rằng công tác tiếp xúc cử tri trong nửa nhiệm kỳ Quốc hội tiếp tục được hoàn thiện cả về quy trình tổ chức và xử lý thông tin; chất lượng ngày được nâng cao, cử tri thực sự cởi mở, tin cậy ở các đại biểu Quốc hội.

Cùng với hoạt động tiếp xúc cử tri, công tác tiếp dân, tiếp nhận, xử lý đơn khiếu nại, tố cáo của công dân trong nửa nhiệm kỳ Quốc hội đã được Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh tiến hành thường xuyên, định kỳ vào ngày 25 hàng tháng tiếp công dân tại Trụ sở tiếp công dân của tỉnh. Bên cạnh đó, thường xuyên tiếp công dân tại trụ sở làm việc của Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh. Từ đầu nhiệm kỳ đến nay, tiếp nhận được hơn 140 đơn khiếu nại, tố cáo kiến nghị, phản ánh. Với nhiệm vụ, quyền hạn của mình, Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh đã nghiêm túc nghiên cứu kịp thời xử lý 100% đơn công dân gửi đến; đồng thời thường xuyên giám sát, đôn đốc các cơ quan, ban, ngành, địa phương giải quyết các kiến nghị chính đáng của công dân.

Ngoài các hoạt động theo nhiệm vụ, quyền hạn theo luật định, Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh tích cực các hoạt động an sinh xã hội, vận động kêu gọi, kết nối Quỹ Thiện Tâm của Tập đoàn Vingroup, Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Việt Nam; Hội đồng trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam; Tập đoàn Sun Group; Ngân hàng SHB; Ngân hàng Agribank; Hiệp hội doanh nghiệp nhỏ và vừa thành phố Hà Nội; Công ty Xổ số Trà Vinh và các nhà hảo tâm khác hỗ trợ tổng kinh phí khoảng hơn 80 tỷ để hỗ trợ làm nhà cho hộ nghèo, xây dựng trường lớp, nhà bán trú học sinh, đường bê tông, nước sạch, xây dựng nhà văn hóa; tặng xe cứu thương cho Trung tâm Y tế thành phố Điện Biên Phủ; tặng quà cho gia đình chính sách nhân dịp lễ, tết, ngày thương binh liệt sĩ hàng năm… Thăm và chúc tết các đơn vị lực lượng vũ trang, Làng trẻ SOS, Trung tâm Bảo trợ xã hội và gia đình người có công với cách mạng. Đặc biệt, bước vào thời điểm đầu nhiệm kỳ của khóa XV, trước tình hình dịch bệnh Covid - 19 đang diễn biến phức tạp, các vị đại biểu Quốc hội tỉnh đã có nhiều hoạt động hỗ trợ công tác phòng, chống dịch trên địa bàn tỉnh như: Đóng góp vào quỹ phòng, chống dịch Covid - 19 của tỉnh 400 triệu đồng; Trao cho Sở Y tế 1000 túi thuốc điều trị bệnh nhân Covid - 19; 3.750 chiếc khẩu trang y tế N95 và nhiều hoạt động khác. Hoạt động an sinh xã hội, từ thiện của Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh đã đóng góp một phần giảm bớt khó khăn cho các gia đình chính sách, đối tượng yếu thế trong xã hội, làm tăng thêm mối quan hệ mật thiết, gắn bó giữa đại biểu Quốc hội với Nhân dân và cử tri./.

Hồ Văn Nam 

Phó Chánh Văn phòng Đoàn ĐBQH và HĐND tỉnh

 

 


Tin liên quan
Giám sát 03 Chương trình mục tiêu quốc gia dấu mốc đổi mới quan trọng
Cơ chế, chính sách đặc thù thực hiện các Chương trình mục tiêu quốc gia
Chọn lọc, xử lý, sử dụng và chia sẻ thông tin trên nền tảng mạng xã hội trong thời kỳ cách mạng 4.0
HỌC TẬP VÀ LÀM THEO PHONG CÁCH ỨNG XỬ, LỀ LỐI LÀM VIỆC CỦA CHỦ TỊCH HỒ CHÍ MINH
Một số điểm mới của Luật Thi đua, khen thưởng năm 2022
Một số nội dung mới của Luật Khám bệnh, chữa bệnh năm 2023
5 nhóm chính sách được sửa đổi, bổ sung trong Luật Hợp tác xã năm 2023
Căn bệnh thành tích vẫn còn rất nặng nề
Đảng đoàn HĐND tỉnh lãnh đạo phối hợp thực hiện Quyết định số 238-QĐ/TW, ngày 30/9/2020 của Ban Bí thư Trung ương
Đảm bảo việc phân cấp chuyển đổi mục đích sử dụng rừng thông suốt, đồng bộ giữa các luật