Nghiên cứu - Trao đổi  

Một số chính sách mới đối với người hoạt động không chuyên trách ở cấp xã, thôn, tổ dân phố trên địa bàn tỉnh

Cập nhật ngày 23/02/2024 07:31:03 AM - Lượt xem: 256

Thời gian qua, cùng với cán bộ cơ sở nói chung, đội ngũ những người hoạt động không chuyên trách ở xã, phường, thị trấn và thôn, bản, tổ dân phố trên địa bàn tỉnh đã luôn phát huy bản lĩnh chính trị vững vàng, tinh thần trách nhiệm, qua đó giúp cho hệ thống chính trị cấp xã hoạt động có hiệu lực, hiệu quả hơn và góp phần vào nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội ở địa phương.


Đồng chí Lò Thị Bích, UVTT, Trưởng ban Pháp chế HĐND tỉnh phát biểu tại buổi khảo sát phục vụ công tác thẩm tra dự thảo Nghị quyết tại xã Thanh Chăn, huyện Điện Biên 

Với khối lượng công việc ở khu dân cư khá nhiều, nhất là việc tuyên truyền, vận động và tổ chức triển khai thực hiện chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, Nghị quyết của cấp ủy cấp trên đòi hỏi cán bộ ở cơ sở phải dành nhiều thời gian, tâm sức và phải thường xuyên có mặt ở nơi cư trú để kịp thời tham gia giải quyết những vấn đề nảy sinh từ cuộc sống hàng ngày. Tuy nhiên, mức phụ cấp đối với đội ngũ này còn thấp, chưa thực sự tương xứng với khối lượng công việc và yêu cầu của đời sống.

Do vậy, để đảm bảo chế độ, chính sách đối với người hoạt động không chuyên trách trên địa bàn tỉnh phù hợp với quy mô, khối lượng công việc, đáp ứng mong muốn của cử tri, trên cơ sở đề xuất của UBND tỉnh, tại kỳ họp thứ 13, HĐND tỉnh đã biểu quyết thông qua dự thảo Nghị quyết “Quy định về chức danh, việc kiêm nhiệm chức danh, mức phụ cấp đối với người hoạt động không chuyên trách ở cấp xã, ở thôn, tổ dân phố; mức khoán kinh phí hoạt động của tổ chức chính trị - xã hội ở cấp xã; mức hỗ trợ hàng tháng đối với người trực tiếp tham gia hoạt động ở thôn, tổ dân phố và mức phụ cấp kiêm nhiệm người trực tiếp tham gia hoạt động ở thôn, tổ dân phố trên địa bàn tỉnh Điện Biên”. Nghị quyết có hiệu lực từ ngày 01/01/2024. Đây là một tin vui đối với những người hoạt động không chuyên trách ở cơ sở, là động lực giúp những người hoạt động không chuyên trách ở cấp xã, ở thôn, tổ dân phố hoàn thành tốt nhiệm vụ.

So với Nghị quyết 14/2019/NQ-HĐND: Nghị quyết mới không quy định số lượng  người hoạt động không chuyên trách vì nội dung này đã được quy định tại 01 Nghị quyết riêng cũng trình tại Kỳ họp này theo thẩm quyền được giao tại Nghị định 33/2023/NĐ-CP; Đối với chức danh người hoạt động không chuyên trách cấp xã: Tách chức danh Người giúp việc Đảng ủy (Nghị quyết số 14/2019/NQ-HĐND) thành 02 chức danh Văn phòng - Tổ chức -  Kiểm tra Đảng ủy; Tuyên giáo - Dân vận và bổ sung thêm chức danh Dân tộc - Tôn giáo. Đối với chức danh người hoạt động không chuyên trách ở cấp xã ngoài mức phụ cấp hưởng theo chức danh thì được hỗ trợ thêm nếu có trình độ chuyên môn, nghiệp vụ từ Trung cấp trở lên: Tốt nghiệp Đại học trở lên được hỗ trợ thêm 0,2 lần mức lương cơ sở/người/tháng; Tốt nghiệp Cao đẳng hỗ trợ thêm 0,15 lần mức lương cơ sở/người/tháng; Tốt nghiệp Trung cấp hỗ trợ thêm 0,1 lần mức lương cơ sở/người/tháng. Quy định này phù hợp với tình hình địa bàn tỉnh ta hiện nay, Nghị định số 33/2023/NĐ-CP quy định trình độ chuyên môn tối thiểu là Trung cấp (được phép hoàn thiện đáp ứng trình độ trong vòng 05 năm từ thời điểm Nghị định có hiệu lực thi hành); tuy nhiên hiện nay số người hoạt động không chuyên trách ở cấp xã trên địa bàn tỉnh chưa đáp ứng trình độ Trung cấp là 245/1211 người, chiếm 20,23%; do đó việc áp dụng mức hỗ trợ đối với người hoạt động không chuyên trách ở cấp xã có trình độ chuyên môn Trung cấp là 0,1 lần mức lương cơ sở/người/tháng nhằm khuyến khích học tập nâng cao trình độ chuyên môn nghiệp vụ. 

Đối với chức danh người hoạt động không chuyên trách ở thôn, tổ dân phố ngoài mức phụ cấp được hưởng theo chức danh được quy định sẽ được hỗ trợ thêm nếu có Bằng tốt nghiệp trình độ Trung cấp chuyên môn trở lên hệ số 0,1 lần mức lương cơ sở/người/tháng; Người trực tiếp tham gia hoạt động ở thôn, tổ dân phố: Mỗi thôn, tổ dân phố bố trí không quá 05 người gồm các chức danh sau: Phó Trưởng thôn hoặc Phó Tổ trưởng tổ dân phố; Bí thư Chi Đoàn thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh; Chi hội trưởng Hội phụ nữ; Chi hội trưởng Hội Nông dân; Chi hội trưởng Hội Cựu chiến binh. Mức hỗ trợ hàng tháng: Phó Trưởng thôn hoặc Phó Tổ trưởng tổ dân phố hưởng 0,3 lần mức lương cơ sở, các chức danh còn lại hưởng 0,2 lần mức lương cơ sở.

Nghị quyết cũng quy định cán bộ, công chức cấp xã, người hoạt động không chuyên trách ở cấp xã, ở thôn, tổ dân phố được kiêm nhiệm thực hiện nhiệm vụ của người hoạt động không chuyên trách khác ở cấp xã, ở thôn, tổ dân phố; Người hoạt động không chuyên trách ở thôn, tổ dân phố kiêm nhiệm người trực tiếp tham gia hoạt động ở thôn, tổ dân phố thì được hưởng phụ cấp kiêm nhiệm bằng 100% mức hỗ trợ của chức danh kiêm nhiệm; quy định mức khoán kinh phí hoạt động của các tổ chức chính trị - xã hội cấp xã đều tăng.

Nghị quyết được kỳ vọng sẽ giúp người hoạt động không chuyên trách ở cấp xã, tổ dân phố yên tâm công tác, góp phần nâng cao chất lượng tham mưu, tổ chức vận động Nhân dân thực hiện có hiệu quả các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước; củng cố, nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của hệ thống chính trị ở cơ sở./.

Lò Thị Bích

Ủy viên Thường trực, Trưởng ban Pháp chế HĐND tỉnh

 

 


Tin liên quan
HĐND huyện Điện Biên Đông ưu tiên bố trí nguồn vốn thực hiện nghị quyết xóa bản “trắng” điện lưới quốc gia
Thường trực HĐND tỉnh chú trọng công tác rà soát Nghị quyết quy phạm pháp luật
Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Điện Biên: Nửa nhiệm kỳ hoạt động sôi nổi, tích cực, hiệu quả
Giám sát 03 Chương trình mục tiêu quốc gia dấu mốc đổi mới quan trọng
Cơ chế, chính sách đặc thù thực hiện các Chương trình mục tiêu quốc gia
Chọn lọc, xử lý, sử dụng và chia sẻ thông tin trên nền tảng mạng xã hội trong thời kỳ cách mạng 4.0
HỌC TẬP VÀ LÀM THEO PHONG CÁCH ỨNG XỬ, LỀ LỐI LÀM VIỆC CỦA CHỦ TỊCH HỒ CHÍ MINH
Một số điểm mới của Luật Thi đua, khen thưởng năm 2022
Một số nội dung mới của Luật Khám bệnh, chữa bệnh năm 2023
5 nhóm chính sách được sửa đổi, bổ sung trong Luật Hợp tác xã năm 2023