Nghiên cứu - Trao đổi  

Ngày Pháp luật nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam

Cập nhật ngày 13/10/2022 17:11:54 PM - Lượt xem: 256


Điều 8, Luật Phổ biến, giáo dục pháp luật năm 2012 quy định: Ngày 09 tháng 11 hằng năm là Ngày Pháp luật nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam. Ngày Pháp luật được tổ chức nhằm tôn vinh Hiến pháp, pháp luật, giáo dục ý thức thượng tôn pháp luật cho mọi người trong xã hội.

Ngày 09 tháng 11 năm 1946, Quốc hội khóa I, kỳ họp thứ 2 thông qua Hiến pháp đầu tiên của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa (nay là Cộng hòa XHCN Việt Nam)

Hiến pháp là cơ sở pháp lý của toàn bộ xã hội nhằm ghi nhận và thể hiện những lợi ích tương quan của các giai cấp, các tầng lớp xã hội, lợi ích chung của nhân dân, của dân tộc, phản ánh những giá trị xã hội. Hiến pháp là văn kiện chính trị- pháp lý đặc biệt quan trọng, là luật cơ bản, luật gốc của nhà nước. Hiến pháp ra đời trong các chế độ nhà nước dân chủ. Các bản Hiến pháp đầu tiên là thành quả pháp lý tiến bộ của cuộc đấu tranh giành dân chủ liên tục, lâu dài của nhân loại.

Ở Việt Nam, trước Cách mạng tháng Tám (năm 1945), về mặt pháp lý, nước ta không có Hiến pháp, về mặt thực tế, dân ta không có tự do, dân chủ. Tư tưởng lập hiến đã sớm được Chủ tịch Hồ Chí Minh đề cập đến. Trong bài Việt Nam yêu cầu ca (năm 1922), Nguyễn Ái Quốc viết:

“Bảy xin Hiến pháp ban hành

Trăm điều phải có thần linh pháp quyền”[1]

Một trong sáu nhiệm vụ cấp bách được đề ra ngay trong phiên họp đầu tiên của Chính phủ lâm thời ngày 03 tháng 9 năm 1945 là phải xây dựng Hiến pháp. Bác Hồ khẳng định: “Trước chúng ta đã bị chế độ quân chủ chuyên chế cai trị, rồi đến chế độ thực dân không kém phần chuyên chế nên nước ta không có Hiến pháp, nhân dân ta không được hưởng quyền tự do, dân chủ. Chúng ta phải có một Hiến pháp dân chủ.”[2] Để tiến hành soạn thảo Hiến pháp, theo Sắc lệnh ngày 20 tháng 9 năm 1945, Ủy ban dự thảo Hiến pháp do Chủ tịch Hồ Chí Minh đứng đầu được thành lập.

Ngày 09 tháng 11 năm 1946, Quốc hội khóa I, kỳ họp thứ 2 đã thông qua bản Hiến pháp đầu tiên của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa (nay là Cộng hòa XHCN Việt Nam). Hiến pháp năm 1946 là bản Hiến pháp của cuộc cách mạng dân tộc dân chủ nhân dân ở Việt Nam, một bản Hiến pháp dân chủ và tiến bộ đầu tiên ở Đông Nam Á. Hiến pháp năm 1946 thấm đẫm tư tưởng dân chủ pháp quyền của Chủ tịch Hồ Chí Minh, coi trọng giá trị quyền con người, quyền công dân; đặt nền móng cho việc hình thành và phát triển bộ máy nhà nước kiểu mới: dân chủ nhân dân.

Ngày 09 tháng 11 năm 1946, Quốc hội khóa I thông qua Hiến pháp đầu tiên của nước ta là sự kiện chính trị - pháp lý quan trọng, đặt nền móng cho hệ thống pháp luật Việt Nam. Điều 8, Luật Phổ biến, giáo dục pháp luật năm 2012 đã lấy ngày 09 tháng 11 hằng năm là Ngày Pháp luật nước Cộng hòa XHCN Việt Nam.

Ngày Pháp luật được tổ chức nhằm tôn vinh Hiến pháp, pháp luật, giáo dục ý thức thượng tôn pháp luật cho mọi người trong xã hội với nội dung, hình thức phong phú, đa dạng

Ngày Pháp luật được tổ chức hằng năm nhằm tôn vinh Hiến pháp, pháp luật, đề cao giá trị của Hiến pháp, pháp luật trong nhà nước pháp quyền XHCN, giáo dục ý thức thượng tôn pháp luật cho mọi người trong xã hội; đề cao ý thức làm chủ, tôn trọng kỷ luật, tự do trong khuân khổ pháp luật, coi trọng giá trị đạo đức tốt đẹp, ý thức trách nhiệm, nghĩa vụ công dân, lòng yêu nước; xây dựng niềm tin, tình cảm, thái độ ứng xử phù hợp với quy định của Hiến pháp và pháp luật, hướng tới xây dựng nền văn hóa pháp lý. Ngày Pháp luật được tổ chức nhằm động viên toàn dân đoàn kết, nâng cao nhận thức, ý thức pháp luật, tự giác chấp hành Hiến pháp, pháp luật, tích cực tham gia bảo vệ pháp luật, góp phần nâng cao hiệu quả công tác xây dựng, phổ biến, giáo dục pháp luật và thi hành pháp luật, đáp ứng yêu cầu xây dựng Nhà nước pháp quyền XHCN của Nhân dân, của Nhân dân, vì Nhân dân.

Ngày Pháp luật được tổ chức với các nội dung sau: khẳng định vị trí, vai trò của Hiến pháp, pháp luật trong quản lý nhà nước và đời sống xã hội; giáo dục cán bộ, công chức, viên chức và người dân ý thức tôn trọng và chấp hành pháp luật; ý thức bảo vệ pháp luật; lợi ích của việc chấp hành pháp luật; tuyên truyền, phổ biến các quy định của Hiến pháp, pháp luật thiết thực với đời sống của nhân dân, gắn với chức năng, nhiệm vụ của cơ quan, đơn vị; vận động Nhân dân nghiêm chỉnh chấp hành pháp luật; biểu dương, khen thưởng các tập thể, cá nhân tiêu biểu trong xây dựng pháp luật, thực thi pháp luật, phổ biến, giáo dục pháp luật, gương người tốt, việc tốt trong thực hiện pháp luật; nội dung khác theo hướng dẫn của Bộ Tư pháp.

Ngày Pháp luật có thể được tổ chức dưới các hình thức như: mít tinh; hội thảo; tọa đàm; thi tìm hiểu pháp luật; tuyên truyền, phổ biến pháp luật lưu động; triển lãm; các hình thức khác theo hướng dẫn của Bộ Tư pháp.

Thiết thực tổ chức các hoạt động hưởng ứng Ngày Pháp luật Việt Nam năm 2022

Ngày Pháp luật Việt Nam năm 2022 được tổ chức sâu rộng với các nội dung chủ yếu sau: quán triệt, phổ biến nội dung cơ bản của các luật, pháp lệnh, văn bản mới ban hành, các chính sách, quy định của pháp luật có nội dung liên quan trực tiếp đến hoạt động sản xuất, kinh doanh, quyền và lợi ích hợp pháp của người dân, doanh nghiệp, các điều ước quốc tế mà Việt Nam ký kết tham gia,..; kịp thời phản ánh, lan tỏa các nhân tố tích cực, gương người tốt việc tốt trong chấp hành pháp luật, góp phần củng cố niềm tin, tạo đồng thuận trong toàn xã hội; tổ chức truyền thông chính sách có tác động lớn đến xã hội trong quá trình xây dựng văn bản quy phạm pháp luật; đẩy mạnh giáo dục ý thức tuân thủ và chấp hành pháp luật, các mô hình hay, cách làm hiệu quả trong công tác phổ biến, giáo dục pháp luật, nâng cao ý thức trách nhiệm của cán bộ, công chức, viên chức, người lao động và Nhân dân trong chủ động tìm hiểu pháp luật, tự giác chấp hành Hiến pháp, pháp luật, tích cực tham gia bảo vệ pháp luật.

Ngày Pháp luật năm 2022 được tổ chức với những hình thức phù hợp, thiết thực, hiệu quả, trong đó tập trung một số hình thức sau: phổ biến pháp luật trên các phương tiện thông tin đại chúng; lồng ghép với các hội nghị, hội thảo, tọa đàm, cuộc thi tìm hiểu pháp luật, đối thoại chính sách, tư vấn pháp luật trực tuyến; tổng kết, đánh giá, tôn vinh những tập thể, cá nhân có thành tích xuất sắc trong công tác xây dựng và thi hành pháp luật gắn với tổng kết Luật Phổ biến, giáo dục pháp luật; tổ chức các hoạt động tuyên truyền cổ động trực quan về Ngày pháp luật qua hệ thống panô, áp phích, băng rôn,..

Trong Nhà nước pháp quyền XHCN của Nhân dân, do Nhân dân, vì Nhân dân việc tuân thủ và chấp hành pháp luật là đòi hỏi tất yếu, khách quan đối với các chủ thể trong xã hội. Các hoạt động hướng ứng Ngày Pháp luật Việt Nam là việc làm thường xuyên của mỗi cơ quan, tổ chức, đơn vị, địa phương, cán bộ, công chức, viên chức và Nhân dân./.

Cát Tường


[1] Hồ Chí Minh toàn tập, Tập 1, NXB Chính trị quốc gia, H.1995-1996, tr 438.

[2] Hồ Chí Minh toàn tập, Tập 4, NXB Chính trị quốc gia, H.1995-1996, tr 8.

 

 


Tin liên quan
Nâng cao hiệu quả công tác hòa giải ở cơ sở
Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Điện Biên: Tích cực, trách nhiệm, có nhiều đóng góp vào thành công của kỳ họp thứ 3, Quốc hội khóa XV
Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Điện Biên năm đầu tiên nhiệm kỳ Khóa XV Trách nhiệm, chủ động, tích cực
TỔ CHỨC THÀNH CÔNG 03 KỲ HỌP TRONG 6 THÁNG ĐẦU NĂM 2022
Ban Kinh tế - Ngân sách thẩm tra 11 dự thảo Nghị quyết trình tại kỳ họp thứ Tám HĐND tỉnh khóa XV
Một số kết quả từ hoạt động giám sát chuyên đề: “Việc quản lý và sử dụng đất của tổ chức (doanh nghiệp, hợp tác xã) trên địa bàn tỉnh từ khi Luật Đất đai năm 2013 có hiệu lực thi hành đến 31/12/2021”
Một số kết quả nổi bật trong giám sát “Việc xây dựng, triển khai kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021-2025 vốn ngân sách địa phương cấp huyện quản lý”
Thực hành tiết kiệm, chống lãng phí trên địa bàn tỉnh Điện Biên
TỔ ĐẠI BIỂU HĐND TỈNH GIÁM SÁT TRÊN ĐỊA BÀN HUYỆN MƯỜNG CHÀ
Tăng cường giám sát việc giải quyết ý kiến, kiến nghị của cử tri