Nghiên cứu - Trao đổi  

Thực hành tiết kiệm, chống lãng phí trên địa bàn tỉnh Điện Biên

Cập nhật ngày 19/09/2022 13:51:05 PM - Lượt xem: 256

Thực hiện Chương trình giám sát của Quốc hội năm 2022, Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Điện Biên đã tiến hành giám sát chuyên đề “Việc thực hành tiết kiệm, chống lãng phí giai đoạn 2016-2021” trên địa bàn tỉnh. Đoàn giám sát đã nghiên cứu báo cáo của 33 đơn vị, địa phương, làm việc trực tiếp với Ủy ban nhân dân tỉnh; các sở, ngành: Tài chính, Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, Giáo dục và Đào tạo; huyện Mường Ảng và huyện Tuần Giáo.


Qua giám sát cho thấy, thời gian qua thực hiện quy định của pháp luật về thực hành tiết kiệm, chống lãng phí và văn bản chỉ đạo của Chính phủ, các Bộ, ngành Trung ương, tỉnh Điện Biên luôn quán triệt tinh thần đưa thực hành tiết kiệm, chống lãng phí thành nhiệm vụ trọng tâm, thường xuyên của các cấp, các ngành, của từng cơ quan, đơn vị trên địa bàn. Tăng cường tuyên truyền, nâng cao nhận thức, nhất là ý thức, trách nhiệm của người đứng đầu các cơ quan, đơn vị, địa phương và cán bộ, công chức, viên chức, người dân về thực hành tiết kiệm, chống lãng phí. 

Việc thực hành tiết kiệm, chống lãng phí được triển khai toàn diện trên tất cả các lĩnh vực của đời sống kinh tế - xã hội: Quản lý, sử dụng ngân sách nhà nước; quản lý, sử dụng vốn đầu tư xây dựng cơ bản từ ngân sách nhà nước; quản lý chương trình mục tiêu quốc gia; quản lý, sử dụng tài sản công; quản lý, khai thác, sử dụng tài nguyên; quản lý các quỹ tài chính nhà nước ngoài ngân sách; quản lý, sử dụng vốn và tài sản nhà nước tại doanh nghiệp nhà nước; quản lý, sử dụng lao động và thời gian lao động; trong sản xuất và tiêu dùng của Nhân dân. Qua đó, đã góp phần quản lý, sử dụng hiệu quả các nguồn lực nhà nước, thúc đẩy tăng trưởng, phát triển kinh tế, ổn định đời sống nhân dân, đảm bảo an sinh xã hội trên địa bàn.

Đồng chí Nguyễn Văn Thắng, Ủy viên BCH Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy,
Trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh phát biểu kết luận tại buổi giám sát. Ảnh: MH

Một số kết quả nổi bật 

Thứ nhất, trong quản lý, sử dụng ngân sách nhà nước, việc thực hiện dự toán ngân sách nhà nước hàng năm đều đạt và vượt so với dự toán được giao. Tổng thu ngân sách nhà nước trên địa bàn là 7.523.442,5 triệu đồng, tổng số thu vượt so với dự toán trung ương giao là 1.073.042,5 triệu đồng. Các giải pháp thực hành tiết kiệm, chống lãng phí trong chi ngân sách được tăng cường; công khai, minh bạch trong phân bổ dự toán ngân sách nhà nước; cơ cấu lại nhiệm vụ chi, sắp xếp thứ tự ưu tiên các nhiệm vụ chi theo mức độ cấp thiết, khả năng triển khai, thực hiện nhiệm vụ, chương trình dự án đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt. Ưu tiên dành nguồn lực tăng chi đầu tư, đảm bảo kinh phí tăng lương cơ sở, lương hưu và trợ cấp người có công… Qua đó, đã đảm bảo hoàn thành các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội quốc phòng, an ninh, xóa đói, giảm nghèo giai đoạn 2016-2021, tạo nền tảng cho phát triển kinh tế - xã hội.

Tổng chi ngân sách nhà nước trên địa bàn giai đoạn 2016-2021 ước đạt 66. 718.726 triệu đồng, bình quân 11.119.787,7 triệu đồng/năm. Tiết kiệm chi ngân sách nhà nước giai đoạn 2016-2021 đạt 540.818 triệu đồng, trong đó: Tiết kiệm để thực hiện cải cách tiền lương là 495.991 triệu đồng; tiết để thực hiện công tác phòng, chống dịch Covid-19 là 44.827 triệu đồng.

Thứ hai, trong triển khai các chương trình dự án đầu tư công, việc lập, thẩm định, triển khai thực hiện các dự án sử dụng vốn đầu tư công đảm bảo trình tự, thủ tục, thẩm quyền theo quy định của pháp luật. Việc thực hiện các dự án đầu tư trong giai đoạn 2016-2021 đa số đảm bảo thời gian theo quy định, các dự án hoàn thành, bàn giao đưa vào sử dụng đã phát huy hiệu quả đặt ra, từng bước khắc phục tình trạng đầu tư dàn trải, phân tán, lãng phí. Công tác thẩm định dự án đầu tư trên địa bàn toàn tỉnh cơ bản đảm bảo chặt chẽ, đúng quy trình. Qua công tác thẩm định, đã tiết kiệm chi ngân sách nhà nước tổng cộng 119.797 triệu đồng.

Giai đoạn 2016-2020, đã tổ chức lựa chọn nhà thầu cho 9.597 gói thầu với tổng giá trị 8.967.371 triệu đồng, tổng giá trị trúng thầu là 8.894.799 triệu đồng, sổ tiết kiệm qua đấu thầu là 117.572 triệu đồng, đạt tỷ lệ bình quân 1,3%.

Thứ ba, trong quản lý, sử dụng lao động, thời gian lao động trong khu vực nhà nước, thực hiện nghị quyết của Ban Chấp hành Trung ương Đảng về sắp xếp, tinh gọn bộ máy và tinh giản biên chế, tỉnh Điện biên đã ban hành nhiều văn bản chỉ đạo, triển khai trên địa bàn. Giai đoạn 2016-2021 đã tinh giản được 1.306 người (trong đó cán bộ, công chức là 303 người, viên chức sự nghiệp là 1003 người), so với biên chế được giao năm 2015, tỉnh Điện Biên đã thực hiện cắt giảm 9,87% biên chế công chức trong các cơ quan tổ chức, hành chính và 9,65% số người làm việc trong các đơn vị sự nghiệp công lập (chưa đạt tỷ lệ 10% nhưng đạt chỉ tiêu Chính phủ giao cho tỉnh giai đoạn 2016-2021); giảm 01 đơn vị hành chính cấp xã, 03 phòng chuyên môn, 05 chi cục và 12 phòng thuộc chi cục, 87 đơn vị sự nghiệp công lập, đồng thời thí điểm hợp nhất một số cơ quan đảng với nhà nước, cụ thể là: Hợp nhất Ủy ban Kiểm tra với Thanh tra, Ban Tổ chức với Phòng Nội vụ (tại thị xã Mường Lay và huyện Điện Biên); hợp nhất Văn phòng Thị ủy với Văn phòng HĐND-UBND thị xã Mường Lay.

Công tác cải cách thủ tục hành chính được đẩy mạnh, năm 2021 đã công bố mới, chuẩn hóa 648 thủ tục hành chính; sửa đổi, bổ sung 185 thủ tục hành chính; thay thế 80 thủ tục; bãi bỏ 106 thủ tục. Hiện nay, tổng số thủ tục hành chính đang có hiệu lực trên địa bàn tỉnh là 1.767 thủ tục, trong đó cấp tỉnh là 1.421 thủ tục, cấp huyện là 301 thủ tục, cấp xã 158 thủ tục. 100% các thủ tục hành chính thuộc thẩm quyền được tiếp nhận, giải quyết theo cơ chế một cửa, một cửa liên thông, đảm bảo tính công khai, minh bạch, tạo điều kiện thuận lợi cho người dân và doanh nghiệp khi thực hiện thủ tục hành chính. Tăng cường họp, làm việc trực tuyến, xử lý hồ sơ công việc trên môi trường điện tử, giúp tiết kiệm thời gian, chi phí và hạn chế tiếp xúc đông người trong tình hình dịch bệnh Covid-19 diễn biến phức tạp.

Thứ tư, trong công tác thanh tra xử lý vi phạm trong thực hành tiết kiệm, chống lãng phí, giai đoạn 2016-2021, các cơ quan có chức năng thanh tra trên địa bàn đã tiến hành 513 cuộc thanh tra có các nội dung liên quan đến việc thực hành tiết kiệm, chống lãng phí. Qua công tác thanh tra đã phát hiện vi phạm và thu hồi nộp ngân sách nhà nước 39.912 triệu đồng, còn lại 536,433 triệu đồng đang tiếp tục đôn đốc thu hồi, thực hiện giảm chi 29.260 triệu đồng; thu hồi 3.355 m2 đất do giao cấp đất sai thẩm quyền, khắc phục tồn tại trong quản lý, sử dụng, thiết lập hồ sơ địa chính đối với 53.579m2 đất nông nghiệp. Đã xử lý trách nhiệm hành chính với 337 tổ chức và 1066 cá nhân; xử lý trách nhiệm người đứng đầu 170 cơ quan, tổ chức vi phạm; chuyển cơ quan điều tra 04 vụ với 04 đối tượng.

Còn hiện tượng buông lỏng quản lý trong quản lý, sử dụng nguồn lực

Qua giám sát, đồng chí Nguyễn Văn Thắng, Ủy viên BCH Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh đã thẳng thắn nhận định, việc thực hành tiết kiệm, chống lãng phí trên địa bàn còn một số tồn tại, hạn chế như: Vẫn còn có hiện tượng buông lỏng quản lý trong quản lý, sử dụng nguồn lực, một số nội dung còn tồn đọng trong thời gian dài, tạo dư luận không tốt trong nhân dân thuộc lĩnh vực đất đai, quản lý tài nguyên khoáng sản, bảo vệ rừng… Một số dự án đầu tư công, dự án sử dụng ngân sách nhà nước chậm tiến độ. Công tác đền bù, giải phóng mặt bằng chậm, có nơi có sai phạm, tiêu cực đến mức phải xử lý hình sự. Công tác thanh, quyết toán một số công trình, dự án chưa đảm bảo thời gian theo quy định, kéo dài gây thất thoát, lãng phí. Công tác phòng ngừa, tự phòng ngừa, thanh tra, kiểm tra của một số đơn vị, địa phương còn hạn chế, sức chiến đấu chưa cao, còn nể nang.

Đoàn đại biểu Quốc hội đề nghị Ủy ban nhân dân tỉnh chỉ đạo các cấp, các ngành khắc phục những tồn tại, hạn chế được nêu trong báo cáo và một số tồn tại, hạn chế mà Đoàn giám sát đã chỉ ra, đồng thời có các giải pháp quyết liệt hơn nữa để thực hiện tốt chính sách, pháp luật về thực hành tiết kiệm chống lãng phí trong thời gian tới.

Hoàn thiện chính sách, nâng cao hiệu quả

Đoàn ĐBQH tỉnh cũng đã tiếp thu các kiến nghị, đề xuất của Ủy ban nhân dân tỉnh, các sở, ngành, địa phương để tổng hợp vào báo cáo kết quả giám sát gửi tới Quốc hội, Chính phủ, các Bộ, ngành Trung ương nhằm hoàn thiện chính sách, pháp luật và nâng cao hiệu quả công tác thực hành tiết kiệm, chống lãng phí, đảm bảo sử dụng các nguồn lực tiết kiệm, hiệu quả, đặc biệt là nguồn ngân sách nhà nước và các nguồn lực nhà nước khác để thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của cả nước nói chung, tỉnh Điện Biên nói riêng, cụ thể:

Đối với Quốc hội, đề nghị sửa đổi Luật Đất đai đảm bảo phù hợp hơn với thực trạng quản lý kinh tế hiện nay, tạo thuận lợi cho việc triển khai, thực hiện các chương trình, dự án đầu tư xây dựng, nhất là các dự án phải chuyển đổi diện tích đất lúa, đất rừng tự nhiên sang đất khác.

Đối với Chính phủ, tiếp tục rà soát hoàn thiện cơ chế quản lý, hệ thống văn bản, quy định về tổ chức, biên chế; về quản lý vốn ngân sách, tài nguyên, khoáng sản, môi trường và tài sản nhà nước để làm cơ sở triển khai thực hiện chính sách, pháp luật hiệu quả. Đẩy mạnh phân cấp, phân quyền trong các ngành, lĩnh vực: Kế hoạch và đầu tư, Tài chính, Tài nguyên và Môi trường, tổ chức bộ máy… Xem xét, kiến nghị Ban Bí thư Trung ương Đảng sửa đổi nội dung tại mục 5, Chỉ thị 13-CT/TW ngày 12/01/2017 về thẩm quyền quyết định chủ trương chuyển đổi mục đích sử dụng đất rừng tự nhiên sang mục đích khác phù hợp với Luật Lâm nghiệp, Luật Đất đai, tạo thuận lợi trong việc tổ chức, điều hành tại địa phương.

Đối với các bộ, ngành Trung ương, cụ thể hóa các chỉ tiêu tiết kiệm, các hành vi lãng phí trong từng lĩnh vực, làm cơ sở để các cơ quan, đơn vị, địa phương xây dựng chương trình, kế hoạch thực hành tiết kiệm, chống lãng phí phù hợp với chức năng, nhiệm vụ được giao. Nghiên cứu bổ sung các quy định về phát hiện lãng phí và xử lý thông tin phát hiện lãng phí. Quy định việc khen thưởng kịp thời cho tổ chức, cá nhân phát hiện thông tin lãng phí có giá trị và biện pháp bảo vệ người cung cấp thông tin./.

Mai Hồng

 
 


Tin liên quan
TỔ ĐẠI BIỂU HĐND TỈNH GIÁM SÁT TRÊN ĐỊA BÀN HUYỆN MƯỜNG CHÀ
Tăng cường giám sát việc giải quyết ý kiến, kiến nghị của cử tri
Sôi nổi, thẳng thắn, trách nhiệm tại phiên chất vấn, Kỳ họp thứ Tám HĐND tỉnh khóa XV
Cán bộ, công chức, người lao động Văn phòng Đoàn ĐBQH và HĐND tỉnh thi đua thực hiện Văn hóa công sở
LUẬT THI ĐUA, KHEN THƯỞNG NĂM 2022: ĐỔI MỚI TRONG TỔ CHỨC THỰC HIỆN PHONG TRÀO THI ĐUA YÊU NƯỚC VÀ CÔNG TÁC KHEN THƯỞNG
Cần có chính sách hỗ trợ phát triển du lịch cộng đồng trên địa bàn tỉnh
Đại biểu Quốc hội tỉnh tham gia ý kiến vào Luật khám bệnh, chữa bệnh (sửa đổi)
NHỮNG NỘI DUNG CƠ BẢN CẦN TẬP HUẤN CHO ĐẠI BIỂU HỘI ĐỒNG NHÂN DÂN CÁC CẤP NHIỆM KỲ 2021-2026
Điện Biên thực hiện hiệu quả chính sách cho người có uy tín trong đồng bào dân tộc thiểu số
Thực hiện Chương trình OCOP tại Điện Biên: Phát huy tiềm năng, lợi thế, thúc đẩy tái cơ cấu nông nghiệp