Nghiên cứu - Trao đổi  

Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Điện Biên năm đầu tiên nhiệm kỳ Khóa XV Trách nhiệm, chủ động, tích cực

Cập nhật ngày 19/09/2022 14:10:47 PM - Lượt xem: 256


Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Điện Biên dự kỳ họp thứ 3, Quốc hội khóa XV. Ảnh: MH

Theo đồng chí Nguyễn Văn Thắng, Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh, năm đầu tiên của nhiệm kỳ Quốc hội Khóa XV, Đoàn đại biểu Quốc hội, đại biểu Quốc hội tỉnh Điện Biên đã phát huy tinh thần trách nhiệm, chủ động, tích cực, từ các hoạt động tại nghị trường đến giám sát, giữ mối liên hệ chặt chẽ với cử tri và cả các hoạt động xã hội.

Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Điện Biên có 06 đại biểu Quốc hội, gồm 03 đại biểu công tác ở Trung ương và 03 đại biểu công tác ở địa phương. Trưởng Đoàn hoạt động kiêm nhiệm, Phó Trưởng Đoàn hoạt động chuyên trách. 100% đại biểu Quốc hội trong Đoàn có kinh nghiệm thực tiễn, tâm huyết, trách nhiệm cao; có trình độ chuyên môn từ đại học trở lên, trong đó 02 đại biểu có trình độ tiến sĩ, 02 đại biểu có trình độ thạc sĩ.

Ngay từ đầu nhiệm kỳ, Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh đã ban hành quy chế làm việc, quy định trách nhiệm, phương pháp, lề lối làm việc của Đoàn và các đại biểu Quốc hội trong triển khai, thực hiện nhiệm vụ theo quy định của Luật Tổ chức Quốc hội và các văn bản có liên quan.

1. Giám sát, khảo sát: Công khai, khách quan

Năm đầu tiên của nhiệm kỳ Quốc hội khóa XV, mặc dù dịch bệnh COVID-19 diễn biến phức tạp, nhưng Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh đã nỗ lực, cố gắng, khắc phục khó khăn, hoàn thành tốt chương trình giám sát đề ra. Đại biểu Quốc hội tỉnh đã nêu cao tinh thần trách nhiệm, tích cực tham gia hoạt động giám sát chuyên đề theo yêu cầu của Quốc hội và Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã tổ chức và hoàn thành 04 cuộc giám sát chuyên đề về việc sắp xếp các đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã trong giai đoạn 2019 - 2021; việc thực hiện chính sách, pháp luật về công tác quy hoạch kể từ khi Luật Quy hoạch có hiệu lực thi hành; việc thực hiện pháp luật về tiếp công dân và giải quyết khiếu nại, tố cáo trên địa bàn tỉnh Điện Biên từ ngày 01/7/2016 đến ngày 01/7/2021; việc thực hiện chính sách, pháp luật về thực hành tiết kiệm, chống lãng phí giai đoạn 2016-2021. Ngoài ra, căn cứ vào vấn đề mà cử tri và đại biểu quan tâm, Đoàn đã tiến hành khảo sát tình hình thực hiện chính sách, pháp luật về Chương trình mỗi xã một sản phẩm (Chương trình OCOP) trên địa bàn tỉnh.

Đại biểu Lò Thị Luyến, Phó Trưởng Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh cho biết:“Các chuyên đề giám sát theo yêu cầu của Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đều là những chuyên đề rất mới và khó. Đại biểu Quốc hội trong Đoàn đã phải rất tích cực nghiên cứu, tìm hiểu để có thể đánh giá đúng, đầy đủ, toàn diện kết quả đạt được, tồn tại, hạn chế, xác định nguyên nhân và kiến nghị với cơ quan có thẩm quyền để tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong thực hiện chính sách, pháp luật của các cơ quan, đơn vị, địa phương về nội dung giám sát”.

Nhìn chung, hoạt động giám sát, khảo sát của Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh đảm bảo công khai, khách quan, đúng thẩm quyền, trình tự, thủ tục theo quy định của pháp luật. Qua giám sát, khảo sát đã gửi đến các cơ quan có thẩm quyền 45 kiến nghị, trong đó: 37 kiến nghị gửi Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chính phủ, các Bộ, ngành Trung ương; 06 kiến nghị gửi Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân tỉnh; 02 kiến nghị gửi các huyện, thị xã, thành phố.

2. Đổi mới, linh hoạt trong tiếp xúc cử tri

Đại biểu Quốc hội đại diện cho ý chí, nguyện vọng của cử tri; hoạt động tiếp xúc cử tri giúp tăng cường sự gắn bó mật thiết giữa đại biểu Quốc hội với cử tri - người đã bầu, ủy quyền cho đại biểu thực hiện quyền của mình tại cơ quan đại biểu cao nhất của Nhân dân, cơ quan quyền lực cao nhất của Nhà nước. Nhận thức được vai trò quan trọng đó, Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh luôn quan tâm và có nhiều đổi mới trong hoạt động tiếp xúc cử tri để có thể nắm bắt được tâm tư, nguyện vọng của cử tri; thu thập và phản ánh trung thực ý kiến, kiến nghị của cử tri với Quốc hội, các cơ quan, tổ chức hữu quan. 

Năm 2021, thích ứng linh hoạt với tình hình dịch bệnh COVID-19, Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh đã tổ chức tiếp xúc cử tri theo hình thức trực tuyến kết nối điểm cầu Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh với 10 điểm cầu tại 10/10 huyện, thị xã, thành phố và 01 điểm cầu tại Hà Nội, nơi đại biểu Quốc hội tỉnh công tác. Ngoài ra, Đoàn đã tăng cường hoạt động tiếp xúc cử tri theo chuyên đề lấy ý kiến tham gia vào các dự án luật, dự thảo nghị quyết trình tại kỳ họp Quốc hội để nắm bắt tâm tư, nguyện vọng của đối tượng chịu sự tác động và thông tin từ thực tiễn liên quan đến các dự án luật, nghị quyết này.

Tính từ đầu nhiệm kỳ, Đoàn đã tổ chức cho các đại biểu Quốc hội tỉnh tiếp xúc cử tri tại 18 điểm, thuộc 10/10 huyện, thị xã, thành phố. Qua hoạt động tiếp xúc cử tri đã gửi 25 ý kiến, kiến nghị yêu cầu các cơ quan có thẩm quyền giải quyết, trả lời, trong đó gửi tới Chính phủ, các bộ, ngành Trung ương 20 ý kiến, kiến nghị; gửi tới Ủy ban nhân dân tỉnh, các sở, ngành 5 ý kiến, kiến nghị. 100% ý kiến, kiến nghị cử tri do Đoàn đại biểu Quốc hội chuyển đến được cơ quan có thẩm quyền giải quyết, trả lời theo đúng quy định.

3. Tích cực tham gia hoạt động tại nghị trường

Tại các kỳ họp Quốc hội, đại biểu Quốc hội trong Đoàn đã tích cực nghiên cứu, tham gia phát biểu ý kiến có chất lượng vào các tờ trình, dự án luật, dự thảo nghị quyết và các báo cáo trình kỳ họp; tham gia chất vấn Thủ tướng Chính phủ, các thành viên Chính phủ. 

Từ đầu nhiệm kỳ đến nay, Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh đã nghiêm túc tham gia 04 kỳ họp Quốc hội, trong đó có 03 kỳ họp thường lệ và 01 kỳ họp bất thường. Các đại biểu Quốc hội tỉnh đã có gần 100 lượt phát biểu, tham gia ý kiến thảo luận tại tổ và tại hội trường, góp phần vào thành công của các kỳ họp. Rất nhiều ý kiến, kiến nghị của cử tri tỉnh Điện Biên đã được đại biểu Quốc hội tỉnh chuyển tải, phản ánh tới Quốc hội, Chính phủ và các cơ quan có thẩm quyền như: Đầu tư cơ sở hạ tầng giao thông trên địa bàn tỉnh; vấn đề liên quan đến đầu tư công; chương tình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững, xây dựng nông thôn mới và chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số; tinh giản biên chế giáo viên; giải pháp để thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của các vùng đặc biệt khó khăn; đẩy mạnh phân cấp, phân quyền, giải quyết, tháo gỡ khó khăn về quy trình, thủ tục cho các địa phương trong quá trình triển khai thực hiện nhiệm vụ…

4. “Không để ai bị bỏ lại phía sau”

Bên cạnh công việc chuyên môn, các vị đại biểu Quốc hội tỉnh luôn quan tâm, tổ chức thực hiện các hoạt động an sinh xã hội, góp phần cùng với các cấp chính quyền và đoàn thể nhân dân chăm lo đời sống cho đối tượng chính sách, người có công, gia đình có hoàn cảnh khó khăn trên địa bàn tỉnh. Dịp Tết Nguyên đán Nhâm Dần 2022, gần 5.000 suất quà mang theo nghĩa tình của các tổ chức, cá nhân, thông qua các đại biểu Quốc hội tỉnh đã đến với đồng bào khó khăn tỉnh Điện Biên.

Theo đại biểu Tạ Thị Yên, “Các suất quà giá trị không lớn, song thể hiện tình cảm, sự quan tâm của các tổ chức, cá nhân thông qua đại biểu Quốc hội đối với đồng bào khó khăn tại Điện Biên, góp phần đem lại cái Tết đầm ấm, vui vẻ. Đây cũng là hoạt động thiết thực hưởng ứng phong trào thi đua Cả nước chung tay vì người nghèo - Không để ai bị bỏ lại phía sau”.

Hưởng ứng chương trình xóa nhà tạm, từ đầu nhiệm kỳ đến nay, đại biểu Quốc hội tỉnh đã kêu gọi các tổ chức, doanh nghiệp và cá nhân hỗ trợ làm nhà cho hộ nghèo trên địa bàn tỉnh với số tiền trên 20 tỷ đồng. Đại biểu, Thượng tọa Thích Đức Thiện cho biết:“Xóa nhà tạm là một trong những nhiệm vụ quan trọng góp phần xóa đói, giảm nghèo. Các cụ ngày xưa vẫn có câu An cư lạc nghiệp. Chính vì vậy, khi người nghèo có nhà ở ổn định sẽ có sức khỏe tốt, thời gian còn lại sẽ dành cho phát triển kinh tế, tăng thu nhập cho gia đình, góp phần giảm nghèo nhanh và bền vững. Điện Biên đặt mục tiêu phấn đấu đến 2024 hoàn thành xóa nhà tạm cho 100% hộ nghèo. Để góp phần thực hiện mục tiêu này, phải có sự chung tay, giúp sức của các tổ chức, cá nhân trong và ngoài tỉnh”.

Trong công tác phòng, chống dịch COVID-19, Đại biểu Quốc hội tỉnh cũng rất tích cực ủng hộ bằng nhiều hoạt động thiết thực như: đóng góp vào Quỹ phòng, chống dịch COVID-19 tỉnh Điện Biên, trao tặng 1000 túi thuốc điều trị F0, khẩu trang y tế, nước sát khuẩn cho các đơn vị, địa phương trên địa bàn. Ngoài ra, đại biểu còn kêu gọi hỗ trợ xây dựng điểm trường, hỗ trợ tiền ăn, trao tặng áo ấm, trang thiết bị dạy và học cho giáo viên và học sinh trên địa bàn tỉnh; ủng hộ Chương trình nước ấm cho em của huyện Điện Biên Đông; trao tặng sổ tiết kiệm cho học sinh nghèo vượt khó... Hoạt động xã hội, từ thiện của Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh đã góp phần củng cố mối quan hệ mật thiết, gắn bó giữa đại biểu Quốc hội với cử tri, Nhân dân trên địa bàn./.

Mai Hồng

 


Tin liên quan
TỔ CHỨC THÀNH CÔNG 03 KỲ HỌP TRONG 6 THÁNG ĐẦU NĂM 2022
Ban Kinh tế - Ngân sách thẩm tra 11 dự thảo Nghị quyết trình tại kỳ họp thứ Tám HĐND tỉnh khóa XV
Một số kết quả từ hoạt động giám sát chuyên đề: “Việc quản lý và sử dụng đất của tổ chức (doanh nghiệp, hợp tác xã) trên địa bàn tỉnh từ khi Luật Đất đai năm 2013 có hiệu lực thi hành đến 31/12/2021”
Một số kết quả nổi bật trong giám sát “Việc xây dựng, triển khai kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021-2025 vốn ngân sách địa phương cấp huyện quản lý”
Thực hành tiết kiệm, chống lãng phí trên địa bàn tỉnh Điện Biên
TỔ ĐẠI BIỂU HĐND TỈNH GIÁM SÁT TRÊN ĐỊA BÀN HUYỆN MƯỜNG CHÀ
Tăng cường giám sát việc giải quyết ý kiến, kiến nghị của cử tri
Sôi nổi, thẳng thắn, trách nhiệm tại phiên chất vấn, Kỳ họp thứ Tám HĐND tỉnh khóa XV
Cán bộ, công chức, người lao động Văn phòng Đoàn ĐBQH và HĐND tỉnh thi đua thực hiện Văn hóa công sở
LUẬT THI ĐUA, KHEN THƯỞNG NĂM 2022: ĐỔI MỚI TRONG TỔ CHỨC THỰC HIỆN PHONG TRÀO THI ĐUA YÊU NƯỚC VÀ CÔNG TÁC KHEN THƯỞNG