Điểm mới trong hệ thống văn bản quy phạm pháp luật
Bổ sung 01 hình thức văn bản quy phạm pháp luật (QPPL) là Nghị quyết của Chính phủ (Điều 4). Chính phủ ban hành nghị quyết để quy định: giải quyết các vấn đề cấp bách, quan trọng phát sinh từ thực tiễn và để áp dụng trong một thời gian nhất định, phạm vi cụ thể thuộc thẩm quyền của Chính phủ; phân cấp nhiệm vụ, quyền hạn; tạm ngưng, điều chỉnh hiệu lực hoặc kéo dài thời hạn áp dụng toàn bộ hoặc một phần nghị định của Chính phủ đáp ứng yêu cầu cấp bách về phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quyền con người, quyền công dân; thực hiện thí điểm một số chính sách chưa có pháp luật điều chỉnh thuộc thẩm quyền của Chính phủ hoặc khác với nghị định, nghị quyết của Chính phủ (khoản 2 Điều 14).
Giảm 02 hình thức văn bản quy phạm pháp luật là Nghị quyết của HĐND cấp xã, Quyết định của UBND cấp xã. Như vậy, chính quyền cấp xã không có thẩm quyền ban hành văn bản QPPL.
Thay đổi hình thức văn bản QPPL của Tổng Kiểm toán nhà nước từ Quyết định sang Thông tư (khoản 8 Điều 4).
Bổ sung nhiều nguyên tắc quan trọng trong xây dựng, ban hành văn bản quy phạm pháp luật
Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật số 64/2025/QH15 đã bổ sung nhiều nguyên tắc quan trọng trong xây dựng, ban hành văn bản quy phạm pháp luật nhằm tăng cường vai trò lãnh đạo của Đảng, đáp ứng yêu cầu phát triển của đất nước trong tình hình mới. Các nguyên tắc mới được bổ sung gồm: bảo đảm sự lãnh đạo toàn diện, trực tiếp của Đảng Cộng sản Việt Nam; kiểm soát quyền lực, phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, lãng phí; phòng, chống lợi ích nhóm, cục bộ; bảo đảm việc thực hiện chủ trương phân quyền, phân cấp; giải quyết vấn đề bất cập, phát sinh từ thực tiễn; vấn đề mới, xu hướng mới; yêu cầu quản lý nhà nước và khuyến khích sáng tạo, khơi thông mọi nguồn lực, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội; văn bản quy phạm pháp luật quy định thực hiện thí điểm phải xác định thời gian thực hiện thí điểm và phải được sơ kết, tổng kết để xem xét, quyết định việc tiếp tục áp dụng hoặc ban hành văn bản quy phạm pháp luật để áp dụng chính thức (Điều 5).
Phân định rõ quy trình chính sách và quy trình soạn thảo; hoạt động lập pháp và lập quy
Xây dựng, ban hành văn bản quy phạm pháp luật của Quốc hội, Ủy ban thường vụ Quốc hội đã tách rõ quy trình chính sách và quy trình soạn thảo văn bản QPPL. Mục 2, chương III (Điều 27 – Điều 32) quy định về xây dựng chính sách; mục 4, chương III (Điều 33 – Điều 36) quy định về soạn thảo luật, nghị quyết của Quốc hội, pháp lệnh, nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội. Rút ngắn thời gian thông qua luật, nghị quyết của Quốc hội. Quốc hội xem xét, thông qua dự thảo luật, nghị quyết tại một kỳ họp (Điều 39). Bổ sung xây dựng, ban hành văn bản QPPL trong trường hợp đặc biệt thuộc thẩm quyền của Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chủ tịch nước, Chính phủ (Điều 52).
Luật đã phân định rõ hoạt động lập pháp và lập quy. Chính phủ quy định trình tự, thủ tục xây dựng, ban hành văn bản quy phạm pháp luật của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang Bộ, chính quyền địa phương (Điều 45).
Bổ sung thêm một trường hợp HĐND tỉnh ban hành nghị quyết QPPL để thực hiện thí điểm các chính sách theo quy định của Luật Tổ chức chính quyền địa phương (Điều 21). Bổ sung thẩm quyền quy định hiệu lực trở về trước của văn bản QPPL, trong trường hợp thật cần thiết theo quy định, Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh được quy định hiệu lực trở về trước (Điều 55). Văn bản QPPL của HĐND, UBND cấp huyện không được quy định hiệu lực trở về trước.

Văn phòng Chủ tịch nước họp báo công bố Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật
Quy định chương mới về tổ chức thi hành văn bản quy phạm pháp luật
Nhằm gắn xây dựng, ban hành văn bản QPPL với tổ chức thi hành văn bản QPPL, Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật quy định Chương VII. Tổ chức thi hành văn bản quy phạm pháp luật. Nội dung tổ chức thi hành văn bản quy phạm pháp luật gồm: ban hành văn bản quy định chi tiết, hướng dẫn thi hành và biện pháp cụ thể để tổ chức thi hành văn bản quy phạm pháp luật; giải thích Hiến pháp, luật, nghị quyết của Quốc hội, pháp lệnh, nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội; phổ biến, giáo dục văn bản quy phạm pháp luật; hướng dẫn áp dụng văn bản quy phạm pháp luật; tiếp nhận và xử lý đề nghị, kiến nghị về văn bản quy phạm pháp luật; tập huấn, bồi dưỡng, hướng dẫn chuyên môn, nghiệp vụ; giám sát, kiểm tra, rà soát, hợp nhất, hệ thống hóa văn bản quy phạm pháp luật; pháp điển hệ thống quy phạm pháp luật (khoản 1 Điều 59).
Bổ sung quy định về hướng dẫn áp dụng văn bản quy phạm pháp luật (Điều 61). Hướng dẫn áp dụng văn bản quy phạm pháp luật được thực hiện đối với văn bản quy phạm pháp luật trừ Hiến pháp, luật, nghị quyết của Quốc hội, pháp lệnh, nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội. Cơ quan, người có thẩm quyền ban hành văn bản quy phạm pháp luật xem xét, hướng dẫn áp dụng đối với văn bản quy phạm pháp luật do mình ban hành bằng văn bản hành chính, trên cơ sở đề nghị của cơ quan, kiến nghị của tổ chức, cá nhân. Trường hợp cần thiết, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ ủy quyền cho Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang Bộ quản lý ngành, lĩnh vực; Hội đồng nhân dân giao Thường trực Hội đồng nhân dân cùng cấp ban hành văn bản hành chính để hướng dẫn áp dụng văn bản quy phạm pháp luật do mình ban hành.

Chủ nhiệm Uỷ ban Pháp luật của Quốc hội Hoàng Thanh Tùng trình bày Báo cáo thẩm tra dự án Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật (sửa đổi)
Bổ sung nhiều quy định nhằm tăng cường nguồn lực cho công tác xây dựng pháp luật
Về nguồn nhân lực, Nhà nước có cơ chế, chính sách đặc biệt để thu hút, trọng dụng cán bộ, công chức và nguồn nhân lực chất lượng cao làm công tác xây dựng pháp luật; Nhà nước bảo đảm ngân sách cho hoạt động đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao năng lực cho người làm công tác xây dựng pháp luật, tổ chức thi hành pháp luật; thuê chuyên gia tư vấn, nghiên cứu, đánh giá tác động của chính sách (Điều 69).
Về cơ sở vật chất, kinh phí, Nhà nước bảo đảm và ưu tiên nguồn lực đầu tư cơ sở vật chất, hiện đại hóa hạ tầng kỹ thuật, trang thiết bị làm việc, ứng dụng công nghệ số, chuyển đổi số, trí tuệ nhân tạo phục vụ công tác nghiên cứu chính sách, xây dựng, ban hành, văn bản quy phạm pháp luật. Nhà nước có cơ chế đặc thù về phân bổ, quản lý, sử dụng kinh phí dành cho công tác xây dựng, ban hành văn bản quy phạm pháp luật, từng bước thực hiện soạn thảo văn bản quy phạm pháp luật tập trung, chuyên nghiệp, đáp ứng đầy đủ, kịp thời, hiệu quả toàn bộ hoạt động xây dựng, ban hành văn bản quy phạm pháp luật. Kinh phí cho công tác xây dựng, ban hành văn bản quy phạm pháp luật thực hiện theo cơ chế đặc thù do Quốc hội quy định. Cơ quan, tổ chức, người có thẩm quyền phải bảo đảm cơ sở vật chất, bố trí kinh phí để tổ chức thi hành và theo dõi việc thi hành văn bản quy phạm pháp luật (Điều 70)./.
Bài, ảnh: Phạm Minh Thủy
Phó Chánh Văn phòng Đoàn ĐBQH và HĐND tỉnh