Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021 – 2025 được triển khai trên địa bàn tỉnh Điện Biên đã đạt được một số kết quả đáng ghi nhận với 15 chỉ tiêu chủ yếu, như: Mức giảm tỷ lệ hộ nghèo trong đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS) trung bình mỗi năm 5,12/5% (chỉ tiêu được trung ương giao); Tỷ lệ thôn có đường ô tô đến trung tâm được cứng hóa đạt 78,70/70%; Tỷ lệ đồng bào DTTS được sử dụng nước sinh hoạt hợp vệ sinh đạt 93,20/85%; Tỷ lệ lao động trong độ tuổi được đào tạo nghề đạt 33,2/33,2%; Tỷ lệ học sinh học mẫu giáo 05 tuổi đến trường đạt 99,93/99%; Tỷ lệ học sinh trong độ tuổi học tiểu học đến trường đạt 99,88/99,84%; Tỷ lệ học sinh trong độ tuổi học THCS đến trường đạt 98,12/96,7%; Tỷ lệ học sinh trong độ tuổi học THPT đến trường đạt 72,10/70,2%; Tỷ lệ thôn có nhà sinh hoạt cộng đồng đạt 55,74/55%; Tỷ lệ thôn có đội văn hóa, văn nghệ truyền thống hoạt động thường xuyên, có chất lượng đạt 71,03/50%; Tỷ lệ phụ nữ sinh con tại cơ sở y tế hoặc có sự hỗ trợ của nhân viên y tế đạt 84,60/67%; Tỷ lệ phụ nữ mang thai được thăm khám định kỳ (ít nhất 4 lần trong thai kỳ) đạt 78,70/60%; Tỷ lệ trẻ em dưới 5 tuổi suy dinh dưỡng thể thấp còi đạt 24,56/<24,7%; Tỷ lệ trẻ em dưới 5 tuổi suy dinh dưỡng thể nhẹ cân đạt 14,70/<14,8%; Tỷ lệ trạm y tế xã vùng DTTS và miền núi đủ điều kiện khám chữa bệnh bảo hiểm y tế đạt 100/100%.
![](/admin/anhup/MTS 06022025.2.jpg)
Thường trực HĐND tỉnh giám sát việc triển khai thực hiện các chương trình MTQG trên địa bàn huyện Điện Biên Đông
Tính đến năm 2024, toàn tỉnh đã huy động các nguồn lực được 3.473.882 triệu đồng để thực hiện chương trình MTQG phát triển KTXH vùng đồng bào DTTS và miền núi trên địa bàn (trong đó nguồn NSTW 3.161.879 triệu đồng (vốn ĐTPT: 1.840.285 triệu đồng, vốn SN: 1.321.594 triệu đồng); vốn NSĐP 179.268 triệu đồng (vốn ĐTPT: 109.000 triệu đồng, vốn SN: 70.268 triệu đồng). Kết quả giải ngân: Tổng nguồn vốn giải ngân tính đến 30/6/2024 là 2.011.510 triệu đồng, đạt 60,2% so với tổng vốn được phân bổ (trong đó vốn NSTW là 1.732.995 triệu đồng, vốn NSĐP là 430.346 triệu đồng, vốn kéo dài NSTW là 149.431 triệu đồng)
Các dự án, tiểu dự án thuộc Chương trình được triển khai thực hiện đã góp phần vào việc hoàn thiện cơ sở hạ tầng kinh tế - xã hội nông thôn và miền núi trên địa bàn toàn tỉnh. Một số mô hình ứng dụng khoa học - công nghệ dần được hình thành; công tác phát triển sản xuất nâng cao thu nhập, cải thiện đời sống tiếp tục được quan tâm, đầu tư; tỷ lệ hộ nghèo ở nông thôn giảm còn 32,91%; thu nhập bình quân đầu người khu vực nông thôn toàn tỉnh tăng lên, đến năm 2024 ước đạt 19,52 triệu đồng/người/năm. Văn hóa - xã hội có nhiều tiến bộ, an sinh xã hội cơ bản được đảm bảo; chất lượng giáo dục tiếp tục được nâng lên, cơ sở vật chất trường lớp được quan tâm đầu tư; nhiều thiết chế văn hóa được đầu tư; chăm sóc y tế, đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân tiếp tục được cải thiện. Những kết quả đó đã góp phần quan trọng vào phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo quốc phòng - an ninh và giữ vững trật tự an toàn xã hội trên địa bàn tỉnh.
Trong quá trình triển khai thực hiện Chương trình còn gặp nhiều khó khăn, vướng mắc
Một số dự án, tiểu dự án rất khó triển khai thực hiện như Dự án 1: do nhiều hộ gia đình không có Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, hoặc cho, tặng không có văn bản làm căn cứ pháp lý; mức hỗ trợ nhà ở thuộc Chương trình MTQG phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số thấp hơn so với mức hỗ trợ làm nhà thuộc Chương trình MTQG giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021-2025 nên cũng gây khó khăn trong quá trình triển khai thực hiện. Dự án 2: một số dự án vướng rừng tự nhiên phải thực hiện chuyển đổi mục đích sử dụng rừng nên thường mất nhiều thời gian để thực hiện, ảnh hướng đến tiến độ thực hiện và giải ngân vốn. Tiểu dự án 2 Dự án 3: Việc cung ứng, sử dụng nguồn giống tại địa phương phải đảm bảo tuân thủ các quy định hiện hành về quản lý giống vật nuôi và sản phẩm giống vật nuôi theo Luật Chăn nuôi. Trên địa bàn tỉnh Điện Biên không có cơ sở, đơn vị cung ứng giống gia súc ăn cỏ (trâu, bò, dê) đủ tiêu chuẩn theo quy định gây rất nhiều khó khăn, vướng mắc trong quá trình tổ chức thực hiện. Dự án 4: Định mức quy định "Ngân sách trung ương hỗ trợ bình quân 1.600 triệu đồng/km để đầu tư cứng hóa đường đến trung tâm xã chưa được cứng hóa theo Quyết định số 04/2023/QĐ-TTg ngày 23/2/2023 của Thủ tướng Chính phủ thấp và không phù hợp với điều kiện, tình hình triển khai đầu tư thực tế tại địa phương. Tiểu dự án 3 Dự án 5: hình thức, điều kiện hỗ trợ lao động ở các công ty còn phức tạp, nhiều giấy tờ thủ tục...; mặt khác, nhu cầu xuất khẩu lao động trên địa bàn tỉnh không cao. Vì vậy nguồn vốn của nội dung này khó thực hiện được. Dự án 8: Trung ương Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam chưa ban hành Hướng dẫn thay thế Hướng dẫn số 04/HD-ĐCT ngày 28/7/2022; một số chỉ tiêu phân bổ từ Trung ương Hội lớn hơn so với số lượng thực tế của địa phương. Tiểu dự án 1 Dự án 9: đối tượng thụ hưởng rất ít so với tổng kinh phí được giao nên không thực hiện hết được nguồn vốn giao; Ủy ban Dân tộc chưa ban hành hướng dẫn xây dựng đề án thành phần, nội dung thực hiện mô hình nâng cao chất lượng dân số đối với thôn có đông đồng bào dân tộc thiểu số rất ít người...
Nguyên nhân của những tồn tại, hạn chế, khó khăn, vướng mắc
Về nguyên nhân khách quan: hệ thống văn bản của các bộ, ngành Trung ương hướng dẫn thực hiện Chương trình MTQG phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi còn chậm; một số văn bản hướng dẫn thực hiện Chương trình được ban hành chưa cụ thể, còn có sự mâu thuẫn và không phù hợp với thực tế gây khó khăn, vướng mắc trong quá trình tổ chức thực hiện; việc phân bổ vốn, nhất là vốn sự nghiệp của Chương trình chưa phù hợp với đối tượng thụ hưởng và nhiệm vụ chi của địa phương. Trung ương phân bổ chi tiết nguồn kinh phí đối với từng nội dung, nhiệm vụ chi đã hạn chế tính chủ động, gây khó khăn trong quá trình triển khai thực hiện. Các cơ sở cung cấp con giống, vật nuôi trên địa bàn chưa đáp ứng được các quy định của Luật Chăn nuôi do đó gặp khó khăn trong việc cung ứng giống.
Về nguyên nhân chủ quan: Công tác rà soát nhu cầu lập kế hoạch thực hiện Chương trình chưa sát với thực tế, dẫn đến phân bổ thừa vốn cho một số dự án có ít đối tượng thụ hưởng; cán bộ, công chức trực tiếp triển khai thực hiện chưa đáp ứng về số lượng và năng lực, kinh nghiệm, nhất là ở cấp cơ sở; chất lượng, tiến độ tham mưu còn chậm, chưa chủ động quyết liệt, mạnh dạn, sáng tạo, linh hoạt, dám làm, dám chịu trách nhiệm; chưa kịp thời báo cáo, đề xuất, tham mưu cho cấp có thẩm quyền xử lý, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong quá trình tổ chức thực hiện. Sự phối hợp giữa các Sở, ban, ngành với UBND cấp huyện ở một số hoạt động chưa thực sự chặt chẽ, thường xuyên...
![](/admin/anhup/MTS 06022025.1.jpg)
Thường trực HĐND tỉnh giám sát việc triển khai thực hiện các chương trình MTQG trên địa bàn huyện Mường Chà
Giải pháp trọng tâm thực hiện hoàn thành kế hoạch giải ngân nguồn vốn của Chương trình
Tiếp tục tập trung chỉ đạo, hướng dẫn triển khai thực hiện quyết liệt, đồng bộ, bao quát, thống nhất, toàn diện các nội dung, nhiệm vụ của Chương trình để hoàn thành mục tiêu đề ra; nâng cao vai trò, trách nhiệm trong công tác chỉ đạo, điều hành thực hiện Chương trình; tổ chức rà soát, đánh giá mức độ đạt các mục tiêu, chỉ tiêu theo quy định và kịp thời có kế hoạch, giải pháp đảm bảo theo mục tiêu đã đề ra. Rà soát các danh mục đầu tư để đưa ra các công trình chậm tiến độ, bổ sung những công trình có khả năng giải ngân cao nhằm hướng tới việc hoàn thành những mục tiêu, chỉ tiêu của Chương trình. Tăng cường công tác kiểm tra, giám sát, đánh giá thực hiện dự án nhằm đảm bảo thực hiện đúng mục tiêu; kịp thời giải quyết, xử lý, khắc phục những hạn chế, vướng mắc trong quá trình thực hiện... Và để thực hiện tốt Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi cho giai đoạn tiếp theo, cần đề xuất Trung ương phân cấp mạnh cho địa phương; giao quyền chủ động cho địa phương tự quyết định triển khai thực hiện và tự chịu trách nhiệm với việc triển khai thực hiện của mình, Trung ương chỉ giao vốn, mục tiêu, nhiệm vụ cho các địa phương, còn các địa phương phải tự chịu trách nhiệm về việc triển khai thực hiện các nội dung của các dự án, tiểu dự án thuộc Chương trình./.
Mùa Thanh Sơn
UVTT - Trưởng ban Dân tộc HĐND tỉnh