
Tổ đại biểu HĐND tỉnh ứng cử tại huyện Điện Biên khảo sát nắm tình hình tại Dự án đường giao thông kết nối các khu vực kinh tế trọng điểm thuộc vùng kinh tế động lực dọc trục Quốc lộ 279 và Quốc lộ 12 tỉnh Điện Biên.
1. Thẩm quyền quyết định chủ trương đầu tư chương trình dự án
Khoản 5, Điều 18 quy định, Hội đồng nhân dân cấp tỉnh quyết định chủ trương đầu tư chương trình đầu tư công sử dụng vốn ngân sách địa phương, bao gồm cả vốn bổ sung có mục tiêu từ ngân sách Trung ương, nguồn vốn hợp pháp của địa phương thuộc cấp mình quản lý; Dự án nhóm A sử dụng vốn ngân sách địa phương các cấp, bao gồm cả vốn bổ sung có mục tiêu từ ngân sách trung ương, nguồn vốn hợp pháp của địa phương trên địa bàn tỉnh, dự án nhóm A thực hiện trên địa bàn từ 02 đơn vị hành chính cấp tỉnh trở lên do UBND cấp tỉnh là cơ quan chủ quản theo quyết định của Thủ tướng Chính phủ, trừ dự án thuộc thẩm quyền quyết định chủ trương đầu tư của Thủ tướng Chính phủ. Đồng thời Luật cũng sửa đổi tiêu chí phân loại dự án, dự án nhóm A có tổng mức đầu tư từ 1.600 tỷ đồng trở lên thuộc lĩnh vực: Y tế, văn hóa, xã hội, thông tin, giáo dục; Nghiên cứu khoa học, môi trường, công nghệ thông tin, phát thanh, truyền hình, tài chính, ngân hàng,…
Trước đây theo quy định của Luật Đầu tư công năm 2019, thẩm quyền quyết định chủ trương đầu tư dự án nhóm A do địa phương quản lý thuộc thẩm quyền của Hội đồng nhân dân tỉnh; Hội đồng nhân dân các cấp quyết định chủ trương đầu tư chương trình, dự án nhóm B, nhóm C sử dụng vốn ngân sách địa phương, bao gồm cả vốn bổ sung có mục tiêu từ ngân sách cấp trên, các nguồn vốn hợp pháp của địa phương thuộc cấp mình quản lý. Tuy nhiên theo quy định của Luật đầu tư công năm 2024, Hội đồng nhân tỉnh chỉ quyết định chủ trương đầu tư đối với chương trình đầu tư công và dự án nhóm A; phân cấp thẩm quyền cho Ủy ban nhân dân các cấp quyết định chủ trương đầu tư dự án nhóm B, nhóm C do cấp mình quản lý (tại khoản 7, 8, 9 Điều 18).
Đối với HĐND cấp huyện quyết định chủ trương đầu tư chương trình đầu tư công sử dụng vốn ngân sách địa phương, bao gồm cả vốn bổ sung có mục tiêu từ ngân sách cấp trên, nguồn vốn hợp pháp của địa phương thuộc cấp mình quản lý (tại khoản 6, Điều 8).
2. Thẩm quyền giao kế hoạch đầu tư công trung hạn, kế hoạch đầu tư công hằng năm của địa phương
Hội đồng nhân dân các cấp xem xét, cho ý kiến về dự kiến kế hoạch đầu tư công trung hạn và hằng năm của địa phương, bao gồm danh mục và mức vốn bố trí cho từng dự án sử dụng vốn ngân sách trung ương bổ sung có mục tiêu. Quyết định kế hoạch đầu tư công trung hạn và hằng năm của địa phương, bao gồm danh mục và mức vốn bố trí cho từng dự án sử dụng vốn ngân sách địa phương (tại khoản 2, 3 Điều 88).
Hội đồng nhân dân các cấp quyết định phân bổ dự phòng chung kế hoạch đầu tư công trung hạn nguồn ngân sách cấp mình quản lý khi bảo đảm nguồn vốn (khoản 7, Điều 54).
3. Về điều chỉnh kế hoạch đầu tư công trung hạn và hằng năm
Hội đồng nhân dân các cấp điều chỉnh kế hoạch đầu tư công trung hạn và hằng năm vốn ngân sách địa phương trong các trường hợp: (1) Do điều chỉnh mục tiêu của kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội của địa phương; (2) Do thay đổi đột biến về cân đối thu ngân sách địa phương hoặc khả năng huy động các nguồn vốn của địa phương; (3) Do thay đổi nhu cầu sử dụng hoặc khả năng triển khai thực hiện vốn kế hoạch hằng năm giữa các cơ quan, đơn vị của địa phương (tại khoản 7, Điều 71).
Luật quy định Ủy ban nhân dân cấp tỉnh có thẩm quyền và trách nhiệm điều chỉnh kế hoạch đầu tư công hằng năm đối với vốn ngân sách trung ương bổ sung có mục tiêu thuộc quản lý của cấp mình nhưng không vượt quá tổng mức vốn đã được cấp có thẩm quyền giao kế hoạch đầu tư công trung hạn, báo cáo Hội đồng nhân dân cấp tỉnh tại kỳ họp gần nhất (tại khoản 6, Điều 71). Ủy ban nhân dân các cấp có thẩm quyền và trách nhiệm: (1) Điều chỉnh kế hoạch đầu tư công trung hạn đối với vốn ngân sách địa phương giữa các cơ quan, đơn vị được giao kế hoạch vốn do cấp mình quản lý trong trường hợp không vượt tổng mức vốn trung hạn đã được Hội đồng nhân dân cùng cấp quyết định, báo cáo Hội đồng nhân dân cùng cấp tại kỳ họp gần nhất; (2) Điều chỉnh kế hoạch đầu tư công trung hạn và hằng năm đối với vốn ngân sách địa phương giữa các nhiệm vụ, dự án trong nội bộ cơ quan, đơn vị được giao kế hoạch vốn do cấp mình quản lý trong tổng mức vốn đã được Hội đồng nhân dân cùng cấp quyết định (tại khoản 8, Điều 71).
4. Thẩm quyền về giám sát
Giám sát các dự án sử dụng vốn đầu tư công được giao cho địa phương quản lý, bao gồm vốn ngân sách trung ương, vốn ngân sách địa phương, vốn từ nguồn thu hợp pháp của các cơ quan nhà nước, đơn vị sự nghiệp công lập dành để đầu tư do địa phương quản lý (tại khoản 4, Điều 88).
Như vậy, theo quy định của Luật Đầu tư công năm 2024, Hội đồng nhân dân các cấp sẽ giảm bớt thẩm quyền quyết định trong lĩnh vực đầu tư công. Để khẳng định vai trò, trách nhiệm của cơ quan dân cử tại địa phương, HĐND các cấp nâng cao hiệu lực, hiệu quả công tác giám sát lĩnh vực đầu tư công, trong đó cần giám sát việc chấp hành quy định của pháp luật trong đầu tư công, việc thực hiện nghị quyết của HĐND về đầu tư công; tiến độ giải ngân các dự án đầu tư công đối với các nguồn vốn được phân bổ trong năm và kéo dài từ năm trước sang; việc thanh toán, quyết toán các dự án hoàn thành; chất lượng và hiệu quả công trình,… Việc tăng cường trách nhiệm giám sát của HĐND các cấp sẽ đánh giá được những bất cập, hạn chế khó khăn trong quá trình thực hiện, kịp thời có những kiến nghị với UBND, góp phần phát triển kinh tế - xã hội của địa phương./.
Bài ảnh: Nguyễn Thắng