Nghiên cứu - Trao đổi  

Phát huy tinh thần trách nhiệm, theo đuổi đến cùng nội dung kiến nghị

Cập nhật ngày 25/02/2024 10:52:10 AM - Lượt xem: 256

Đại biểu Quốc hội là người đại diện cho ý chí, nguyện vọng của Nhân dân ở đơn vị bầu cử ra mình và của Nhân dân cả nước; là người thay mặt Nhân dân thực hiện quyền lực nhà nước trong Quốc hội. Trước trách nhiệm mà cử tri tin tưởng gửi gắm, Đoàn ĐBQH, các vị ĐBQH tỉnh Điện Biên đã luôn phát huy tinh thần trách nhiệm trong quá trình hoạt động, theo đuổi đến cùng nội dung kiến nghị với Quốc hội, nhất là những ý kiến xuất phát từ thực tiễn, góp phần tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho địa phương và giải quyết nguyện vọng chính đáng của cử tri.


ĐBQH Lò Thị Luyến phát biểu tại kỳ họp thứ Năm, Quốc hội khoá XV, đề nghị tháo gỡ khó khăn về mua sắm vắc xin.

Gỡ vướng trong mua sắm, cung ứng vắc xin

Năm 2023, qua nắm bắt tình hình tại địa phương về tình trạng thiếu vắc xin trong Chương trình tiêm chủng mở rộng. Nguyên nhân là do vướng mắc về mua sắm vắc xin. Năm 2020 trở về trước, nhiệm vụ tiêm chủng mở rộng thuộc Chương trình mục tiêu Y tế - Dân số và do ngân sách Trung ương đảm bảo kinh phí mua sắm vắc xin, Bộ Y tế cung ứng cho các địa phương theo kế hoạch tiêm chủng hàng năm. Năm 2021 và 2022 kinh phí mua vắc xin cho Chương trình tiêm chủng mở rộng được Quốc hội giao Chính phủ cân đối từ ngân sách Trung ương. Năm 2023, nội dung này chuyển thành nhiệm vụ chi thường xuyên của các bộ, ngành và địa phương.

Trước thực trạng trên, trong báo cáo kết quả giám sát “Việc huy động, quản lý, sử dụng các nguồn lực phục vụ công tác phòng, chống dịch COVID-19; việc thực hiện chính sách, pháp luật về y tế cơ sở, y tế dự phòng”, Đoàn ĐBQH đã kiến nghị Bộ Y tế tiếp tục thực hiện đấu thầu tập trung Quốc gia đối với vắc xin để phân bổ cho địa phương vì nếu phân cấp cho địa phương thực hiện đấu thầu sẽ rất khó khăn.

Trong các phiên thảo luận tổ và thảo luận tại hội trường tại kỳ họp thứ 5, Quốc hội khoá XV, ĐBQH Lò Thị Luyến, Phó Trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh đã phát biểu ý kiến, làm rõ một số khó khăn về pháp lý khi giao cho địa phương nhiệm vụ này. Đồng thời, phân tích những khó khăn sẽ phát sinh trong thực tiễn như: sẽ có nhiều loại vắc xin khác nhau giữa các địa phương, người dân khó tiếp cận kịp thời cùng một loại vắc xin đối với những loại vắc xin phải tiêm mũi nhắc lại khi họ có thay đổi về địa điểm cư trú; tình trạng thừa thiếu vắc xin cục bộ, Bộ Y tế khó đảm bảo việc cân đối và điều phối nguồn cung ứng vắc xin khi dịch xảy ra cục bộ hoặc xảy ra diện rộng (các địa phương sẽ phải tự lo, đi vay vắc xin của nhau?); các địa phương không có kho lạnh đúng quy chuẩn để bảo quản vắc xin (vì chưa được đầu tư), trong khi hệ thống kho lạnh ở các đơn vị thuộc tuyến Trung ương sẽ không được sử dụng, gây lãng phí…Đại biểu đề nghị Quốc hội tiếp tục giao Chính phủ cân đối ngân sách Trung ương và giao Bộ Y tế mua, cung ứng vắc xin cho các địa phương như trước đây và bổ sung nội dung này vào dự thảo Nghị quyết giám sát, tạo cơ sở pháp lý cụ thể, rõ ràng trong tổ chức thực hiện.

Nội dung này đã được Quốc hội ghi nhận, tiếp thu, đưa vào Nghị quyết số 99/2023/QH15 với nội dung quy định “bố trí ngân sách Trung ương để tiếp tục thực hiện Chương trình tiêm chủng mở rộng quốc gia bảo đảm thống nhất, hiệu quả trong cả nước”. Qua đó, giúp tháo gỡ khó khăn cho địa phương và đảm bảo việc cung ứng vắc xin cho tiêm chủng mở rộng trên địa bàn.

Tiếp tục hỗ trợ an sinh xã hội cho người dân

Nhà nước có chính sách hỗ trợ 100% tiền đóng bảo hiểm y tế cho người đồng bào dân tộc thiểu số và người có hộ khẩu cư trú trên địa bàn các xã khó khăn và đặc biệt khó khăn. Khi xã đạt tiêu chí xây dựng nông thôn mới, người dân không còn được hưởng chính sách hỗ trợ này, dẫn đến tỷ lệ tham gia bảo hiểm y tế thấp đi. Trong khi, thực tế đời sống của người dân ở đây vẫn rất khó khăn, không có khả năng để tham gia.

Đoàn ĐBQH tỉnh thông qua các báo cáo giám sát, báo cáo tổng hợp ý kiến, kiến nghị cử tri và các vị ĐBQH tỉnh nhiều lần phát biểu ý kiến tại các kỳ họp, đề nghị Quốc hội, Chính phủ đề nghị nghiên cứu, xem xét tiếp tục hỗ trợ đóng bảo hiểm y tế trong những năm đầu cho người dân thoát khỏi danh sách các xã khu vực III, khu vực II, khu vực I thuộc vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021 - 2025 và huyện nghèo, xã đặc biệt khó khăn vùng bãi ngang, ven biển, hải đảo (do đạt chuẩn nông thôn mới) theo Quyết định số 861/QĐ-TTg ngày 04/6/2021 của Thủ tướng Chính phủ.

Tại kỳ họp thứ 5, Quốc hội khoá XV, Quốc hội đã quyết định trong năm 2023, ban hành và triển khai thực hiện các quy định về cơ chế, chính sách đặc thù giải quyết ngay những khó khăn, vướng mắc từ việc phân định lại các thôn đặc biệt khó khăn, xã thuộc khu vực I, II, III và các xã khó khăn, đặc biệt khó khăn được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới từ năm 2021 đến nay bị dừng thụ hưởng các chính sách hỗ trợ an sinh xã hội…

Bổ sung tăng thêm 2% dự toán chi thường xuyên năm 2024

Tại kỳ họp thứ 6, Quốc hội khoá XV, Chính phủ đề xuất Quốc hội bổ sung thêm dự toán chi thường xuyên cho các địa phương ngoài định mức đã phân bổ trong thời kỳ ổn định ngân sách. Cụ thể là bổ sung cân đối dự toán chi thường xuyên cho ngân sách địa phương năm 2024 tăng thêm 2% so với dự toán năm 2023. Nội dung này Uỷ ban Tài Chính ngân sách của Quốc hội - Cơ quan chủ trì thẩm tra không nhất trí. Trong các phiên thảo luận, các vị ĐBQH cũng có nhiều ý kiến khác nhau.

Sau khi được UBND tỉnh, Sở Tài chính cung cấp thông tin, nếu như Điện Biên không được giao bổ sung 2% này thì sẽ không cân đối được kinh phí để bố trí vốn đối ứng triển khai các Chương trình mục tiêu quốc gia; không bố trí kinh phí để thực hiện một số chính sách an sinh xã hội, đảm bảo quốc phòng, an ninh trên địa bàn như: Chính sách hỗ trợ tiền học phí, chi phí sinh hoạt đối với sinh viên sư phạm; chính sách trợ giúp cho người nghèo, đồng bào dân tộc thiểu số; chính sách bồi dưỡng cộng tác viên dân số; chính sách hỗ trợ cho cô đỡ thôn, bản…và một số chính sách thực hiện nhiệm vụ chính trị khác.

Đại biểu Lò Thị Luyến đã cùng với ĐBQH các tỉnh có liên quan có ý kiến với Uỷ ban Tài chính Ngân sách của Quốc hội, ý kiến với 63 lãnh đạo Đoàn ĐBQH các tỉnh, thành phố trên cả nước để nhận được sự đồng thuận của cơ quan chủ trì thẩm tra, cũng như tạo sự lan toả và sự đồng thuận của các ĐBQH. Sau khi nghiên cứu, xem xét ý kiến của ĐBQH và các địa phương, Quốc hội đã nhất trí thông qua Nghị quyết về phương án phân bổ ngân sách Trung ương năm 2024, trong đó quyết định tăng 2% chi bổ sung cân đối từ ngân sách Trung ương cho ngân sách địa phương năm 2024, theo đó tỉnh Điện Biên được phân bổ tăng thêm 152 tỷ đồng.

Ngoài ra, qua theo dõi, giám sát việc thi hành pháp luật tại địa phương Phó Trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh nhận thấy có rất nhiều những khó khăn, vướng mắc, bất cập từ hệ thống văn bản quy phạm pháp luật, là rào cản cho sự phát triển kinh tế - xã hội. Tại kỳ họp thứ 5, Quốc hội khoá XV, đồng chí đã đề nghị Quốc hội, Chính phủ quan tâm, rà soát, sửa đổi những quy định pháp luật còn có mâu thuẫn, chồng chéo, bất cập để tháo gỡ khó khăn cho địa phương. Nội dung này đã được Quốc hội tiếp thu và đưa vào Nghị quyết kỳ họp thứ 5, Quốc hội khoá XV. Ngay sau kỳ họp, Chính phủ, Uỷ ban Thường vụ Quốc hội đã chỉ đạo các cơ quan, đơn vị, địa phương tiến hành rà soát. Kết quả rà soát đã được báo cáo tại kỳ họp thứ 6, Quốc hội khóa XV, trong đó chỉ rõ những nội dung vướng mắc, bất cập, chồng chéo cần phải sửa đổi, bổ sung trong hệ thống văn bản thuộc 22 lĩnh vực trọng tâm về đấu thầu, đấu giá, quy hoạch, đầu tư công, quản lý, sử dụng đất đai, tài sản công, ngân sách nhà nước, tài chính công… Trong Nghị quyết kỳ họp thứ 6, Quốc hội khoá XV giao Chính phủ có giải pháp khắc phục ngay những nội dung mâu thuẫn, chồng chéo, vướng mắc, bất cập trong các văn bản dưới luật đã được chỉ ra; nghiên cứu, đề xuất sửa đổi, bổ sung các luật, pháp lệnh có liên quan theo Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh của Quốc hội năm 2024…

Đối với những khó khăn, vướng mắc liên quan đến việc việc đẩy nhanh chương trình cấp điện nông thôn miền núi để phấn đấu đến năm 2025 Điện Biên có 100% số hộ được sử dụng điện; bổ sung biên chế giáo viên còn thiếu; phân cấp thẩm quyền chuyển mục đích sử dụng đất rừng tự nhiên; các nội dung liên quan đến 03 chương trình mục tiêu quốc gia… đã được các vị ĐBQH tỉnh theo đuổi, kiến nghị và bước đầu đạt kết quả tích cực.

Hầu hết các ý kiến phát biểu thảo luận, tranh luận, chất vấn của các vị ĐBQH trong Đoàn đều xuất phát từ việc tổng hợp các đề xuất, nguyện vọng, kiến nghị cử tri; từ những tồn tại, vướng mắc của cơ chế, chính sách và đề xuất giải pháp căn cứ trên tình hình thực tế. Nhiều nội dung để được tiếp thu, giải quyết, các vị ĐBQH tỉnh thông qua nhiều hình thức, kênh thông tin để phản ánh tới Quốc hội, Chính phủ, các cơ quan có thẩm quyền, đồng thời phải phát biểu nêu ý kiến tại nhiều kỳ họp Quốc hội. Để làm được việc này, đòi hỏi cá nhân đại biểu phải hết sức tâm huyết, trách nhiệm, dám theo đuổi đến cùng nội dung kiến nghị./.

Nguyễn Mai Hồng, Trưởng phòng Công tác Quốc hội

 

 


Tin liên quan
Một số chính sách mới đối với người hoạt động không chuyên trách ở cấp xã, thôn, tổ dân phố trên địa bàn tỉnh
HĐND huyện Điện Biên Đông ưu tiên bố trí nguồn vốn thực hiện nghị quyết xóa bản “trắng” điện lưới quốc gia
Thường trực HĐND tỉnh chú trọng công tác rà soát Nghị quyết quy phạm pháp luật
Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Điện Biên: Nửa nhiệm kỳ hoạt động sôi nổi, tích cực, hiệu quả
Giám sát 03 Chương trình mục tiêu quốc gia dấu mốc đổi mới quan trọng
Cơ chế, chính sách đặc thù thực hiện các Chương trình mục tiêu quốc gia
Chọn lọc, xử lý, sử dụng và chia sẻ thông tin trên nền tảng mạng xã hội trong thời kỳ cách mạng 4.0
HỌC TẬP VÀ LÀM THEO PHONG CÁCH ỨNG XỬ, LỀ LỐI LÀM VIỆC CỦA CHỦ TỊCH HỒ CHÍ MINH
Một số điểm mới của Luật Thi đua, khen thưởng năm 2022
Một số nội dung mới của Luật Khám bệnh, chữa bệnh năm 2023