Đ/c Giàng Thị Hoa, Ủy viên BTV Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch HĐND tỉnh phát biểu tại buổi làm việc với Sở Lao động, Thương binh và Xã hội về “thực hiện chính sách đối với dân tộc thiểu số trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2014 - 2018”. Ảnh: Đức Cường
Đề án xuất khẩu lao động tỉnh Điện Biên đến năm 2015, định hướng đến năm 2020 (gọi tắt là Đề án) được UBND tỉnh phê duyệt tại Quyết định số 992/QĐ-UBND, ngày 06/12/2013 là một đề án có ý nghĩa hết sức quan trọng, đề án được xây dựng nhằm mục tiêu tạo việc làm, tăng thu nhập cho người lao động và hộ gia đình có người xuất khẩu lao động. Sau khi kết thúc hợp đồng làm việc ở nước ngoài trở về nước, người lao động có điều kiện về vốn, trình độ tay nghề, tác phong làm việc công nghiệp, ý thức tổ chức kỷ luật để có thể phát triển mở rộng ngành nghề, tự tạo việc làm và thu hút thêm người lao động có việc làm mới... do đó, việc Đề án được triển khai thực hiện sẽ góp phần quan trọng làm thay đổi nhận thức của cộng đồng, làm cho trình độ tay nghề của người lao động được nâng cao, từng bước mở rộng thị trường lao động xuất khẩu nhất là đối với thị trường đòi hỏi trình độ tay nghề và có mức thu nhập cao qua đó sẽ góp phần giải quyết việc làm, cải thiện điều kiện sống cho người dân, giảm sức ép tạo việc làm trong tỉnh.
Từ thực tế giám sát của HĐND tỉnh cho thấy: công tác tuyên truyền các chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước, của tỉnh đã được ngành lao động, thương binh và xã hội quan tâm, phối hợp triển khai thực hiện nghiêm túc với nhiều hình thức tuyên truyền như: tuyên truyền trên Báo Điện Biên Phủ, Đài Phát thanh và truyền hình tỉnh và các phương tiện thông tin đại chúng, tuyên truyền thông qua các hội nghị, cuộc họp, các hoạt động khảo sát tại cơ sở; công tác phối hợp giữa các sở, ngành chức năng của tỉnh và cấp huyện được quan tâm, chú trọng, nhất là sự vào cuộc, tham gia của cấp ủy, chính quyền các cấp trong việc lồng ghép tuyên truyền nâng cao nhận thức cho người dân về chương trình giảm nghèo nhanh và bền vững; các chính sách đào tạo nghề, giải quyết việc làm và xuất khẩu lao động của tỉnh… qua đó đã làm cho người dân hiểu và nhận thức đúng đắn về các chủ trương, chính sách của Đảng, nhà nước và của tỉnh nên việc triển khai Đề án trên địa bàn các địa phương có nhiều thuận lợi.
Theo mục tiêu của Đề án, giai đoạn 2013 - 2015 toàn tỉnh phấn đấu đưa ít nhất được 350 lao động trong tỉnh đi làm việc ở nước ngoài, bình quân mỗi năm khoảng 120 - 200 lao động, trong đó tại 5 huyện nghèo theo Nghị quyết 30a đưa từ 100 - 150 lao động; giai đoạn 2016 - 2020 phấn đấu đưa ít nhất được 1.750 lao động đi làm việc ở nước ngoài, bình quân mỗi năm trung bình đưa 350 lao động, trong đó có khoảng 250 lao động thuộc huyện nghèo theo Nghị quyết 30a; 100% lao động đi làm việc có thời hạn ở nước ngoài được đào tạo về ngoại ngữ và được bồi dưỡng kiến thức cần thiết đáp ứng đủ điều kiện trước khi đi làm việc ở nước ngoài; 60% lao động đi xuất khẩu sau khi được đào tạo về ngoại ngữ và được bồi dưỡng kiến thức cần thiết; đến năm 2015 có 45% lao động đi làm việc ở nước ngoài qua đào tạo nghề, đến năm 2020 đạt 60% với tổng nguồn kinh phí thực hiện của đề án là 118.440 triệu đồng…. Tuy nhiên, thực tế qua giám sát cho thấy, từ năm 2014 - 2015, toàn tỉnh mới đưa được 117/350 lao động xuất cảnh sang làm việc tại các nước chủ yếu là Hàn Quốc, Malaysia, Ả rập xê út, Lào… đạt tỷ lệ 33,42% so với giai đoạn đến năm 2015, trong đó năm 2014 là 52 lao động, năm 2015 là 65 lao động; từ năm 2016 - 2018 số lao động đã xuất cảnh sang làm việc tại nước ngoài là 129/1.750 người, đạt tỷ lệ 7,37% so với tổng cả giai đoạn đến năm 2020. Từ kết quả trên cho thấy mục tiêu của đề án đề ra đến năm 2020 và nhất là các huyện nghèo theo nghị quyết 30a đều không đạt, ít nhiều làm mất đi ý nghĩa và tính cấp thiết của đề án.
Nguyên nhân thì có nhiều, nhưng một trong những nguyên nhân cơ bản cũng được các đại biểu đoàn giám sát của HĐND tỉnh chỉ ra là một số cấp ủy, chính quyền cấp cơ sở chưa thực sự quan tâm, chỉ đạo quyết liệt đến công tác xuất khẩu lao động, chưa có giải pháp tích cực trong vận động người lao động tham gia xuất khẩu lao động. Mặt khác, bản thân người lao động cũng chưa thực sự cố gắng; số ít lao động thiếu tác phong công nghiệp, ý thức tổ chức kỷ luật, ngại khó, ngại khổ nên gặp khó khăn khi tham gia xuất khẩu lao động; còn tình trạng một số lao động vi phạm kỷ luật lao động, không tuân thủ quy định của nước đến làm việc, cá biệt có trường hợp tự ý bỏ ra ngoài lao động hoặc vi phạm pháp luật bị bắt hoặc bị trục xuất về nước trước thời hạn khiến cho người lao động có góc nhìn khác về xuất khẩu lao động, lo ngại không dám đi xuất khẩu lao động…, đây cũng chính là một trong những trở ngại lớn trong việc thực hiện các mục tiêu của Đề án mà ngành lao động, thương binh và xã hội đã không lường trước được những khó khăn nêu trên.
Một nguyên nhân khác làm cho việc đưa người lao động đi lao động ở nước ngoài gặp nhiều khó khăn cũng được đại diện lãnh đạo Sở Lao động, Thương binh và Xã hội báo cáo, giải trình với đoàn giám sát của HĐND tỉnh đó là do thời gian chờ đợi xuất cảnh quá lâu, từ 4 - 6 tháng sau khi được đào tạo nghề và bồi dưỡng về ngoại ngữ nên người lao động nảy sinh tâm lý chán nản, đa phần đều bỏ không tham gia xuất khẩu lao động mà phải đi kiếm việc làm khác để nuôi sống bản thân và gia đình….
Đến thời điểm hiện nay, có thể thấy kết quả thực hiện đề án không đạt được mục tiêu như kỳ vọng của ngành lao động, thương binh và xã hội khi xây dựng, tham mưu cho tỉnh ban hành chính sách giúp cho người lao động để coi đó là một trong những giải pháp hữu hiệu trong quá trình triển khai thực hiện chương trình mục tiêu giải quyết việc làm và giảm nghèo bền vững nói chung và nâng cao chất lượng đời sống của người lao động theo đề án nói riêng có phần trách nhiệm chính của ngành, do tham mưu chưa sát với điều kiện thực tiễn của tỉnh, chưa lường hết được những khó khăn, vướng mắc trong triển khai thực hiện và nhất là khả năng dự báo nhu cầu về xuất khẩu lao động của Đề án còn hạn chế. Để có cái nhìn tổng quát, khách quan và toàn diện về kết quả triển khai thực hiện Đề án, ngành lao động, thương binh và xã hội cần phải thắng thắn nhìn nhận và sớm tham mưu cho tỉnh tổ chức tổng kết đánh giá kết quả triển khai đề án xuất khẩu lao động đến năm 2020 để chỉ ra những tồn tại, hạn chế, những khó khăn vướng mắc trong triển khi thực hiện, đồng thời phải xác định rõ được trách nhiệm của các cấp, các ngành đã được phân công…, có được như vậy mới đề ra được các mục tiêu, giải pháp phù hợp với điều kiện, đặc thù của tỉnh trong bối cảnh của những năm tiếp theo./.
Nguyễn Quang Lâm
Phó Chánh Văn phòng Hội đồng nhân dân tỉnh Điện Biên