Nghiên cứu - Trao đổi  

NGÀNH GIÁO DỤC VÀ ĐÀO TẠO CẦN TỔNG KẾT TRIỂN KHAI MÔ HÌNH TRƯỜNG HỌC MỚI (VNEN)

Cập nhật ngày 24/07/2019 15:40:54 PM - Lượt xem: 256

HĐND - Dự án Mô hình trường học mới tại Việt Nam (VNEN) được ngành Giáo dục và Đào tạo triển khai trong giai đoạn 2013 - 2016 tại 63 tỉnh, thành phố trên toàn quốc với 1447 trường Tiểu học tham gia, trong đó 54 tỉnh, thành phố triển khai nhân rộng áp dụng Mô hình trường học mới tại 2365 trường tiểu học và hơn 1000 trường trung học cơ sở.


Tỉnh Điện Biên triển khai mô hình trường học mới VNEN đối với cấp tiểu học bắt đầu từ năm học 2012-2013 trên địa bàn của 10 huyện, thị xã, thành phố với 68/175 trường tiểu học tham gia, đến năm học 2018-2019 toàn tỉnh có 153/179  trường có học sinh tiểu học áp dụng VNEN. Đối với cấp Trung học cơ sở được triển khai thí điểm Mô hình trường học mới trong phạm vi toàn tỉnh với 60 trường học từ năm học 2015-2016, đến năm học 2018-2019 triển khai tại 66 trường.

Sau 7 năm triển khai mô hình Trường học mới Việt Nam (VNEN) tại cấp tiểu học trên địa bàn tỉnh đã đạt được những kết quả nhất định, bước đầu đánh giá học sinh một cách toàn diện, yêu cầu đổi mới giáo dục phổ thông, phù hợp với yêu cầu đổi mới giáo dục tiểu học theo nghị quyết 29-NQ/TW ngày 04/11/2013 Hội nghị Trung ương 8 khóa XI, bên cạnh đó, phương pháp dạy học mới đã tạo môi trường giáo dục thân thiện, dân chủ trong nhà trường và lớp học giúp giáo viên, cán bộ quản lý tích cực tự tìm tòi, nghiên cứu, học sinh tỏ rõ sự mạnh dạn, tự tin hơn trong giao tiếp, có khả năng tham gia đánh giá, tự đánh giá, rút kinh nghiệm …Tuy nhiên, sau một thời gian triển khai áp dụng trên địa bàn tỉnh, mô hình trường học mới VNEN cũng bộc lộ rõ những hạn chế khi được ngành áp dụng ngay cả những nơi điều kiện chưa thực sự phù hợp. Ở một số địa phương vẫn còn tình trạng đội ngũ giáo viên, cơ sở vật chất chưa đảm bảo dẫn đến khi triển khai hiệu quả chưa đạt như mong muốn. Công tác thử nghiệm thí điểm VNEN trên phạm vi quá rộng (đầu năm học 2017 - 2018 triển khai thí điểm 159/180 trường với tỉ lệ 88,3%), một số giáo viên chưa có sự điều chỉnh linh hoạt trong phương pháp dạy học; cán bộ quản lý và giáo viên chưa được chuẩn bị chu đáo, một bộ phận ngại đổi mới hoặc áp dụng mô hình một cách máy móc. Ngoài ra học sinh người dân tộc thiểu số tại các trường triển khai Dự án VNEN chiếm tỷ lệ trên 95% trong đó nhiều em chưa thành thạo tiếng việt đã ảnh hưởng không nhỏ tới việc học tập. Một số trường triển khai đồng thời 3 chương trình học một lúc (Chương trình Công nghệ giáo dục; chương trình VNEN; chương trình hiện hành) gây khó khăn, lúng túng cho giáo viên và cán bộ quản lý giáo dục. Tài liệu giảng dạy VNEN là tài liệu thí điểm nên giá thành cao, một số tiết học chưa hợp lý…

Qua 4 năm triển khai áp dụng Mô hình này tại các trường trung học cơ sở cũng còn bộc lộ một số khó khăn như: cơ sở vật chất tại một số trường chưa đáp ứng; nhận thức của một số học sinh còn hạn chế, một số học sinh có tư tưởng trông chờ ỉ lại vào nhóm trưởng; giáo viên sau khi được tập huấn luân chuyển đi nơi khác, gây khó khăn cho trường thực hiện thí điểm; một số tiết học được thiết kế trong tài liệu học tập chưa hợp lý, bắt buộc giáo viên phải dạy thêm; môn học được tích hợp gây khó khăn cho giáo viên, nhất là những năm đầu triển khai Mô hình này (môn lý, hóa, sinh được tích hợp vào môn khoa học tự nhiên; môn lịch sử, địa lý tích hợp vào môn khoa học xã hội; môn âm nhạc, thể dục tích hợp vào môn hoạt động giáo dục…); cách đánh giá học sinh gây lúng túng cho các thầy cô.

Đối với tỉnh ta Ban quản lý dự án Mô hình trường học mới và sở Giáo dục - Đào tạo cũng đã tổng kết vào năm 2016 theo chỉ đạo của Bộ Giáo dục và Đào tạo và tiếp tục nhân rộng vào năm học 2017-2018. Tuy nhiên, việc nhân rộng triển khai ở phạm vi quá rộng đã dẫn đến những trường không đủ điều kiện theo chỉ đạo của Bộ vẫn áp dụng phương pháp dạy VNEN gây băn khoăn trong dư luận nhân dân và một bộ phận giáo viên.  

Sau phiên giải trình của Thường trực Hội đồng nhân dân tỉnh về tình hình triển khai, kết quả thực hiện Mô hình trường học mới, lãnh đạo ngành Giáo dục - Đào tạo chưa đưa ra được giải pháp nào khả thi để áp dụng hiệu quả mô hình này ở những trường không đủ điều kiện trong khi ngân sách tỉnh khó khăn. Vậy giải pháp nào đối với 26 trường tiểu học còn lại hiện nay không áp dụng VNEN? Những trường không đủ điều kiện nhưng vẫn đang học theo phương pháp Mô hình trường học mới sẽ giải quyết thế nào? Liệu áp dụng VNEN có phải là lối đi tắt để dẫn tới chương trình cải cách sách giáo khoa? Hàng loạt câu hỏi đưa ra, có điều cần xác định ngành Giáo dục - Đào tạo đang đứng trước muôn vàn khó khăn thách thức, Dự án VNEN đã kết thúc nhưng vẫn đang tiếp tục triển khai trên địa bàn tỉnh ta ở phạm vi rộng. Thiết nghĩ rất cần có sự chỉ đạo, đánh giá sát sao liên tục từ chính quyền địa phương để tránh những băn khoăn trong dư luận nhân dân, giáo viên và cán bộ quản lý giáo dục trong thời gian qua. Ngành Giáo dục và Đào tạo cũng cần tổng kết Mô hình trường học mới đối với cấp Trung học cơ sở ngay sau khi kết thúc năm học này (năm học cuối cấp đầu tiên của học sinh học theo Mô hình trường học mới) để đưa ra giải pháp phù hợp trong năm học tới./. 

Vi Hương

Phó Trưởng Ban VH - XH HĐND tỉnh

 


Tin liên quan
HIỆU QUẢ TỪ CÁC HỘI NGHỊ GIAO BAN HAI CẤP TỈNH - HUYỆN CỦA THƯỜNG TRỰC HỘI ĐỒNG NHÂN DÂN TỈNH ĐIỆN BIÊN
Khi thầy cô đã thay đổi
Ký ức của chiến sĩ Điện Biên: ông Nguyễn Hữu Chấp
Tỉnh Điện Biên: 05 nhóm nhiệm vụ và giải pháp trọng tâm phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng - an ninh 6 tháng cuối năm 2019
Triển khai đồng bộ công tác giáo dục quốc phòng - an ninh trên địa bàn tỉnh
Du ngoạn Pá Khoang ngắm hoa Anh đào
Các kết quả nổi bật của năm APEC 2017
Tạo chuyển biến cho xã khó khăn
Thường trực HĐND tỉnh dự Lễ khai giảng năm học 2017 - 2018 tại một số trường học trên địa bàn tỉnh
Về với Thành cổ Quảng Trị