Nghiên cứu - Trao đổi  

ĐIỆN BIÊN: TRIỂN KHAI THỰC HIỆN CÁC CHƯƠNG TRÌNH TÍN DỤNG CHÍNH SÁCH XÃ HỘI THEO CHỈ THỊ 40-CT/TW

Cập nhật ngày 24/07/2019 15:57:21 PM - Lượt xem: 256

HĐND - Sau 5 năm triển khai thực hiện Chỉ thị số 40-CT/TW ngày 22/11/2014 của Ban Bí thư về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với tín dụng chính sách xã hội trên địa bàn tỉnh Điện Biên đã đạt được những kết quả tích cực góp phần quan trọng trong thực hiện có hiệu quả các chủ trương, chính sách, các mục tiêu, nhiệm vụ về giảm nghèo, tạo việc làm, phát triển nguồn nhân lực bảo đảm an sinh xã hội, ổn định chính trị và phát triển kinh tế xã hội của địa phương.


Những kết quả quan trọng

Thực hiện Chỉ thị số 40-CT/TW ngày 22/11/2014 của Ban Bí thư, trong thời gian qua, tỉnh Điện Biên đã kịp thời ban hành các quyết định, văn bản chỉ đạo thực hiện Chỉ thị số 40 về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với tín dụng chính sách xã hội nhất là Quyết định số 771/QĐ-UBND, ngày 14/6/2016 của UBND tỉnh về việc ban hành kế hoạch thực hiện Chỉ thị số 40-CT/TW ngày 22/11/2014 của Ban Bí thư Trung ương Đảng về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với tín dụng chính sách xã hội; văn bản số 1989/UBND-TM, ngày 30/6/2016 về việc tăng cường công tác thực hiện chính sách tín dụng xã hội làm căn cứ để các cấp, các ngành triển khai thực hiện.

Từ những căn cứ quan trọng nêu trên và từ sự quan tâm chỉ đạo của Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh và sự phối hợp chặt chẽ, hiệu quả giữa Ngân hàng chính sách xã hội với các đơn vị, tổ chức chính trị xã hội nhận ủy thác như Hội Nông dân, Hội Liên hiệp phụ nữ, Hội Cựu chiến binh, Đoàn thanh niên cộng sản Hồ Chí Minh, sự vào cuộc của cấp ủy, chính quyền các cấp trên địa bàn tỉnh trong thực hiện các chương trình tín dụng nói chung và đối tượng thụ hưởng chính sách tín dụng ưu đãi theo từng chương trình nói riêng ngày càng hiệu quả và đã đạt được nhiều kết quả tích cực.     

Sau 5 năm triển khai thực hiện Chỉ thị số 40-CT/TW cho thấy tổng nguồn vốn tín dụng trong toàn tỉnh tính đến cuối năm 2018 đạt 2.686.579 triệu đồng, tăng 1.060.379 triệu đồng so với năm 2014, trong đó nguồn vốn trung ương là 2.574.449 triệu đồng chiếm 95,8%; nếu như năm 2014 tỷ lệ giải ngân 17 chương trình tín dụng chính sách cho 16.416 hộ với tổng số tiền là 406.355 triệu đồng thì đến năm 2018 là 110.906 hộ, 3.353.340 triệu đồng. Tổng dư nợ đến 31/12/2018 là 2.682.334 triệu đồng, tăng 1.065.187 triệu đồng so với năm 2014, trong đó dư nợ đối với đồng bào dân tộc thiểu số theo các chương trình tín dụng như là cho vay hộ nghèo, cận nghèo, hộ mới thoát nghèo… là 87.862 hộ với tổng số tiền 2.366.189 triệu đồng.

Đáng chú ý, trong giai đoạn 2014 - 2018, chính quyền các cấp tỉnh Điện Biên đã chuyển bổ sung nguồn vốn từ ngân sách địa phương để cho vay hộ nghèo và các đối tượng chính sách khác là 18.608 triệu đồng, trong đó cấp tỉnh là 12.500 triệu đồng, còn lại là các địa phương trong tỉnh, điển hình như huyện Mường Ảng 1.180 triệu đồng, huyện Điện Biên 500 triệu đồng…, qua đó đã nâng tổng số vốn lên 26.330 triệu đồng vào cuối năm 2018.

Đồng chí Lê Trọng Khôi, Phó Chủ tịch HĐND tỉnh phát biểu tại buổi làm việc với Ngân hàng CSXH Chi nhánh tỉnh Điện Biên. Ảnh: QM

 

Bên cạnh đó, tỉnh đã giao và chỉ đạo Ngân hàng chính sách xã hội triển khai kế hoạch hoạt động, các chỉ tiêu kế hoạch tín dụng đảm bảo theo quy định nên hàng năm tăng trưởng dư nợ trên 10% doanh số cho vay 5 năm đạt trên 3.353 tỷ đồng, có 110.906 lượt khách hàng được vay vốn, gần 6 nghìn lao động được tạo thêm việc làm từ vốn vay Quỹ quốc gia giải quyết việc làm; gần 13 nghìn công trình nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn được xây dựng mới hoặc sửa chữa, nâng cấp; 1.892 căn nhà ở cho hộ nghèo được xây dựng… Mặt khác, các chương trình tín dụng chính sách phần lớn được giải ngân tới 90% đồng bào dân tộc thiểu số đã góp phần tích cực làm chuyển biến nhận thức, cải tiến phương pháp lao động, đặc biệt các chương trình tín dụng dành riêng cho hộ đồng bào dân tộc thiểu số đặc biệt khó khăn đã giúp người dân tự tin, vượt qua chính mình, mạnh dạn vay vốn đầu tư sản xuất, kinh doanh, làm nhà ở và cư trú ổn định… qua đó hạn chế được nạn di cư tự do, nâng cao chất lượng cuộc sống của người dân vùng sâu, vùng xa, vùng khó khăn.

Những khó khăn thách thức

Mặc dù đạt được những kết quả khá quan trọng trong 5 năm qua, song việc triển khai thực hiện các chương trình tín dụng chính sách xã hội gặp không ít những khó khăn, thách thức. Nợ xấu trên địa bàn tỉnh còn khá cao, nợ không có khả năng thu hồi lớn, theo  đó nợ xấu đã chiếm tỷ lệ 0,45% trên tổng dư nợ. Tính đến cuối năm 2018, tổng số nợ không có khả năng thu hồi là 24.010 triệu đồng, chiếm tỷ lệ 0,89% trên tổng dự nợ. Ngoài ra một số chương trình tín dụng triển khai còn chậm, chưa phát huy được hiệu quả của chương trình, điển hình như chương trình tín dụng cho vay phát triển kinh tế - xã hội vùng dân tộc thiểu số và miền núi theo Quyết định số 2085/QĐ-TTg ngày 31/10/2016 của Thủ tướng Chính phủ giai đoạn 2017 - 2020 đến nay vẫn chưa giải ngân được…

Những khó khăn nêu trên xuất phát từ điều kiện kinh tế - xã hội của tỉnh vốn là một tỉnh miền núi, biên giới đa phần là đồng bào các dân tộc thiểu số, địa bàn rộng, cơ sở hạ tầng còn nhiều khó khăn nhất là đường giao thông; phần lớn tập quán sản xuất của đồng bào dân tộc thiểu số còn lạc hậu, tư duy sản xuất hàng hóa còn hạn chế; một số hộ gia đình trong quá trình sử dụng vốn vay gặp rủi ro do nhiều nguyên nhân khách quan như gia đình ốm đau, bệnh tật, hỏa hoạn, dịch bệnh… mặt khác công tác phối kết hợp trong hoạt động ủy thác  thực hiện các chương trình tín dụng chính sách giữa cán bộ ngân hàng và cán bộ hội, đoàn thể nhận ủy thác ở cấp cơ sở chưa thường xuyên, phương pháp làm việc chưa phù hợp với thực tế dẫn đến người dân chưa nhận thức đầy đủ về quyền lợi và trách nhiệm trong quan hệ vay vốn và sử dụng vốn chính sách; công tác lồng ghép các chương trình khuyến nông, khuyến lâm  với việc sử dụng vốn vay còn hạn chế, hiệu quả sử dụng vốn chưa cao… đã ảnh hưởng không nhỏ đến hiệu quả các nguồn vốn chính sách cho vay đối với đồng bào dân tộc thiểu số.

Những giải pháp hữu hiệu

Từ thực tiễn 5 năm triển khai thực hiện Chỉ thị số 40-CT/TW ngày 22/11/2014 của Ban Bí thư trên địa bàn tỉnh trong thời gian qua, thiết nghĩ để đạt được những kết quả tích cực hơn trong thực hiện các chương trình tín dụng chính sách xã hội thì Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh tăng cường công tác lãnh đạo, chỉ đạo các cấp ủy đảng, chính quyền cơ sở triển khai thực hiện tốt các chương trình tín dụng chính sách xã hội đối với đồng bào dân tộc thiểu số, bởi vì thực tế cho thấy nơi nào cấp ủy, chính quyền địa phương quan tâm thì nơi đó thực hiện có hiệu quả các chương trình tín dụng chính sách xã hội. Thường xuyên làm tốt công tác tuyên truyền, phổ biến các chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước về tín dụng chính sách xã hội đến các tầng lớp nhân dân, nhất là người nghèo, hộ đồng bào dân tộc thiểu số cư trú tại vùng sâu, vùng xa, vùng khó khăn với nhiều hình thức phù hợp với ngôn ngữ, tập quán của nhân dân. Tăng cường mối quan hệ phối hợp giữa ngân hàng chính sách xã hội với các tổ chức chính trị - xã hội nhận ủy thác nhằm nâng cao chất lượng thực hiện quy trình, thủ tục cho vay; làm tốt công tác kiểm tra, thanh tra nhằm củng cố và nâng cao chất lượng tín dụng chính sách xã hội. Bên cạnh đó chính quyền các cấp cần tham mưu cho cấp ủy, HĐND các cấp phân bổ dự toán ngân sách địa phương hàng năm chuyển cho cho ngân hàng chính sách để bổ sung nguồn vốn cho vay đối với hộ nghèo và các đối tượng chính sách khác theo chỉ tiêu được giao.

Mặt khác, cần thiết phải đổi mới và nâng cao chất lượng công tác đào tạo, bồi dưỡng nâng cao phẩm chất chính trị, đạo đức và kỹ năng nghề nghiệp của cán bộ ngân hàng chính sách, của cán bộ nhận ủy thác và các thành viên tham gia công tác quản lý vốn tín dụng chính sách xã hội. Thực hiện đồng bộ các giải pháp nêu trên sẽ góp phần phát huy vai trò và nâng cao được hiệu quả của tín dụng chính sách xã hội trên địa bàn tỉnh trong thời gian tiếp theo./.

Bài, ảnh: Quang Minh

 


Tin liên quan
MỘT SỐ KINH NGHIỆM GIÁM SÁT VIỆC GIẢI QUYẾT ĐƠN CỦA CÔNG DÂN
CẦN XEM XÉT SỬA ĐỔI, BỔ SUNG MỘT SỐ ĐIỀU CỦA LUẬT THANH NIÊN
NGÀNH GIÁO DỤC VÀ ĐÀO TẠO CẦN TỔNG KẾT TRIỂN KHAI MÔ HÌNH TRƯỜNG HỌC MỚI (VNEN)
HIỆU QUẢ TỪ CÁC HỘI NGHỊ GIAO BAN HAI CẤP TỈNH - HUYỆN CỦA THƯỜNG TRỰC HỘI ĐỒNG NHÂN DÂN TỈNH ĐIỆN BIÊN
Khi thầy cô đã thay đổi
Ký ức của chiến sĩ Điện Biên: ông Nguyễn Hữu Chấp
Tỉnh Điện Biên: 05 nhóm nhiệm vụ và giải pháp trọng tâm phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng - an ninh 6 tháng cuối năm 2019
Triển khai đồng bộ công tác giáo dục quốc phòng - an ninh trên địa bàn tỉnh
Du ngoạn Pá Khoang ngắm hoa Anh đào
Các kết quả nổi bật của năm APEC 2017