Tuổi trẻ xung phong vào bộ đội
Ngược dòng thời gian, ông kể: Sinh năm 1931, quê Phú Thọ, những lần đầu xung phong nhưng vì vừa nhỏ, lại thiếu cân nên không được chấp nhận. Mãi đến năm 1949 mới được vào bộ đội ở Đại đội 290, Tiểu đoàn 166, Trung đoàn 209, thuộc Đại đoàn 312.
Ở Đại đoàn 312 tham gia 7 chiến dịch với 28 trận đánh lớn, nhỏ. Sau đó cùng đồng đội hành quân lên tham gia chiến dịch Điện Biên Phủ, được giao nhiệm vụ Khẩu đội trưởng Khẩu đội cối 82, với nhiệm vụ quan trọng tham gia trong trận đánh mở màn của chiến dịch Điện Biên Phủ. Lệnh cấp trên yêu cầu phải thật bất ngờ nhằm vô hiệu hóa kẻ địch, tiêu diệt hoàn toàn cứ điểm Him Lam. Với quyết tâm đánh trận đầu chỉ được thắng, không thể thua, cả Khẩu đội của ông viết tâm thư, được Đại tướng Võ Nguyên Giáp đến tận nơi động viên và giao nhiệm vụ... Him Lam có vị trí đặc biệt, vì vậy Pháp đã xây dựng thành vị trí kiên cố bậc nhất của Tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ. Đây là một trong ba trung tâm đề kháng được Pháp xây dựng trên điểm cao gần 500m, gồm ba cứ điểm trên ba quả đồi nằm giáp cánh đồng Mường Thanh, án ngữ đường Tuần Giáo - Điện Biên, cách phân khu trung tâm 2,5km.
Để tạo bất ngờ, Khẩu đội cối 82 được lệnh ngày, đêm đào đường hầm ngầm dài 5km từ Tà Lèng vào đến gần đồi Him Lam. Hơn nửa tháng trời cùng đồng đội đào hào, vùi mình trong bùn đất ẩm ướt, thiếu khí thở, ngột ngạt vào ngày mưa, nóng bỏng như rang vào ngày nắng. Đồng đội cùng ông chia sẻ với nhau từ bát nước, miếng cơm... khi đường hào hoàn thành, cũng là lúc Khẩu đội cối 82 ly của ông nhận được mệnh lệnh chiến đấu vào ngày 13/3/1954.
Ông kể trong cuộc đời của mình, khoảnh khắc đáng nhớ nhất ngày 13/3/1954, khẩu đội cối 82 của ông, cùng pháo ta tập trung bắn vào trung tâm đề kháng Him Lam. Sau hơn 5 giờ chiến đấu quyết liệt, lá cờ “Quyết chiến quyết thắng” tung bay trên cứ điểm 3. Đến 22h30, cứ điểm 2 cũng nằm dưới sự khống chế của ta. 23h30, Đại đoàn 312 đã hoàn thành nhiệm vụ tiêu diệt trung tâm đề kháng Him Lam. Ta đã tiêu diệt gần 300 địch, bắt sống 200 tù binh, thu toàn bộ vũ khí, trang bị. Chiến thắng Him Lam là chiến thắng đầu tiên mở màn của chiến dịch Điện Biên Phủ lịch sử.
Sâu nặng nghĩa tình đồng đội
Sau chiến thắng Điện Biên Phủ, ông cùng đồng đội ở lại xây dựng Điện Biên, trên cương vị Giám đốc Xí nghiệp vật liệu xây dựng. Năm 1986 được nghỉ hưu theo chế độ, vượt lên hạn chế về sức khỏe, tuổi tác, ông hăng hái và tham gia công tác ở địa bàn dân cư. Đã 65 năm qua đi, nhưng ký ức về những ngày chiến đấu, cùng những chiến công lẫy lừng của bộ đội ta khi đánh chiếm đồi Him Lam vẫn còn vẹn nguyên trong tâm trí người Cựu chiến binh Nguyễn Hữu Chấp cùng đồng đội thân yêu. Trải lòng mình, người lính già chia sẻ: “Với tôi, qua cuộc chiến, vẫn còn đến hôm nay là một sự may mắn, bởi đã có biết bao đồng chí, đồng đội đã anh dũng hy sinh, song với tinh thần của người lính Cụ Hồ, tinh thần của người chiến sĩ Điện Biên vẫn nhắc nhở tôi phải cố gắng xứng đáng với đồng đội đã khuất. Tiếp tục “truyền lửa” tinh thần Điện Biên cho các thế hệ cháu con hôm nay”. Chiến sỹ Điện Biên năm xưa - ông Nguyễn Hữu Chấp hiện đang sống đầm ấm cùng gia đình, con cháu tại Tổ dân phố 20, phường Him Lam, TP. Điện Biên Phủ, T. Điện Biên./.
Bài: Đỗ Quang Khải, ảnh: Mai Linh