Nghiên cứu - Trao đổi  

MỘT SỐ KINH NGHIỆM GIÁM SÁT VIỆC GIẢI QUYẾT ĐƠN CỦA CÔNG DÂN

Cập nhật ngày 24/07/2019 15:48:09 PM - Lượt xem: 256

HĐND - Trong thời gian gần đây, việc chậm trễ giải quyết hoặc giải quyết chưa thỏa đáng, chính xác một số đơn kiến nghị, khiếu nại - tố cáo của công dân đã và đang trở thành vấn đề nóng, gây bức xúc trong đời sống xã hội. Cùng với đó là yêu cầu nâng cao chất lượng và trách nhiệm trong hoạt động giám sát việc giải quyết đơn đối với các cơ quan dân cử trở nên cấp thiết. Để giải quyết yêu cầu này, thời gian qua TT HĐND tỉnh Điện Biên đã giám sát và chỉ đạo Ban Pháp chế HĐND tỉnh tổ chức nhiều cuộc giám sát việc giải quyết đơn của công dân, trong khuân khổ bài viết, xin được chia sẻ một trường hợp trong thực tiễn hoạt động của Ban Pháp chế HĐND tỉnh Điện Biên, qua đó rút ra một số kinh nghiệm trong hoạt động giám sát về nội dung này.


Nội dung sự việc là gia đình ông bà Đinh Thị V, Nguyễn Văn D ở thành phố Điện Biên Phủ đã nhiều lần gửi đơn đề nghị UBND thành phố Điện Biên Phủ đính chính lại giấy chứng nhận quyền sử dụng đất số 00007/QSDĐ/489/1997/QĐ-UB ngày 30/12/1997 do UBND huyện Điện Biên cấp để xác lập quyền quyền sử dụng đất đối với thửa đất số 47- Tờ bản đồ 265ĐIV (Lập năm 1997). Ông bà V, D cho rằng sở dĩ có sự nhầm lẫn đó là do UBND huyện Điện Biên đã làm sai và vì đến nay khu vực này đã thuộc địa bàn thành phố Điện Biên Phủ nên UBND thành phố có trách nhiệm phải xem xét giải quyết, ông bà còn đưa ra một bản trích lục bản đồ do Văn phòng đăng ký quyền sử dụng đất thuộc Sở Tài nguyên và Môi trường cấp theo đó đã xác định theo Bản đồ lập năm 2010, thửa đất ông bà V, D đề nghị đính chính đang mang tên của chính ông bà. Mặc dù đã được UBND thành phố xem xét trả lời rất nhiều lần là UBND thành phố không thể đính chính do thửa đất đó có trong Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất số 00062/QSDĐ/489/1997/QĐ-UB ngày 30/12/2017 (do UBND huyện Điện Biên cấp) mang tên ông Bùi Văn R; ông R chuyển nhượng cho người khác và đã được UBND thành phố cấp giấy CN QSDĐ cho người nhận chuyển nhượng. Tuy nhiên. ông bà V, D vẫn tiếp tục đề nghị HĐND tỉnh xem xét lại việc giải quyết đơn của ông bà.

Nhận thấy đây là vụ việc có tính chất phức tạp do việc quản lý Nhà nước đối với thửa đất trên đã được chuyển qua 2 địa phương khác nhau, Thường trực HĐND tỉnh đã phân công Ban Pháp chế giám sát việc giải quyết đơn của ông bà V, D tại UBND thành phố Điện Biên Phủ. Sau khi xem xét lại toàn bộ quá trình giải quyết đơn, Ban Pháp chế đã khảo sát thực địa và làm việc với các bên có liên quan đồng thời dành nhiều thời gian gặp gỡ trao đổi với gia đình ông bà V, D. Đối chiếu với quy định của các văn bản pháp luật có liên quan. Ban Pháp chế đã có báo cáo kết quả giám sát. Theo đó Ban đã xác định được trách nhiệm của UBND thành phố chưa thực hiện bảo đảm quy định về trình tự thủ tục giải quyết đơn khiếu nại của công dân, theo quy định của Luật Khiếu nại năm 2011; trách nhiệm của Sở Tài nguyên và Môi trường trong việc để xảy ra sai sót trong quá trình lập hồ sơ bản đồ địa chính tại khu vực có thửa đất trên, dẫn đến làm cho công dân đã hiểu và cho rằng thửa đất vẫn thuộc thẩm quyền của mình nên liên tục gửi đơn yêu cầu đính chính trong giấy CNQSDĐ; Điều quan trọng là xem xét hồ sơ địa chính năm 1997, Ban đã xác định được thửa đất ông bà V, D yêu cầu đính chính là thuộc quyền sử dụng và ông Bùi Văn R và thực tế ông R đã chuyển nhượng thửa đất cho người khác, do đó việc UBND thành phố từ chối việc đính chính và giấy CNQSDĐ cho ông bà V, D là hoàn toàn phù hợp với quy định của Luật Đất đai năm 2013. 

Qua sự việc này, xin được nêu một số kinh nghiệm trong hoạt động giám sát việc giải quyết đơn khiếu nại của cơ quan dân cử như sau:

Một là: Cần phải xác định một cách chính xác đối tượng giám sát để có những căn cứ pháp lý làm cơ sở xem xét giám sát. Qua sự việc trên có thể thấy ban đầu đơn ông bà V, D chỉ là đơn kiến nghị với UBND thành phố về việc đính chính giấy CNQSDĐ, sau nhiều lần UBND thành phố trả lời không thể đính chính theo đề nghị của công dân; ông bà đã gửi đơn khiếu nại đến Thường trực HĐND tỉnh, đơn khiếu nại đã được chuyền đến UBND thành phố yêu cầu giải quyết theo trình tự đơn khiếu nại tuy nhiên UBND thành phố lại thực hiện việc báo cáo, trả lời mà không thực hiện quy trình thụ lý giải quyết đơn theo Luật Khiếu nại năm 2011, do đó đây chính là cơ sở để cơ quan dân cử tiến hành thực hiện các biện pháp giám sát theo quy định của pháp luật.

Hai là: Cần kiên trì thực hiện việc đối thoại với công dân có đơn khiếu nại, vấn đề này là rất quan trọng vì trước hết có thể trực tiếp nghe công dân bày tỏ cả những vấn đề mà họ có thể chưa nêu được hết trong đơn, hơn nữa chúng ta có điều kiện nắm những diễn biến tâm lý của chính công dân đối với chính quyền địa phương, thậm chỉ có thể đánh giá sâu hơn về sự việc khiếu kiện của công dân. Ví dụ qua trao đổi với ông, bà V, D về lý do sao không lựa chọn khởi kiện tại Tòa án, ông bà đã không nói được chính xác lý do không khởi kiện tại Tòa án theo hướng dẫn của UBND thành phố. Thực tế đó có thể dẫn ra một khả năng ông, bà e ngại việc điều tra, xác minh của Tòa án sẽ làm rõ lịch sử và căn cứ pháp lý của thửa đất đang có tranh chấp.

Ba là: Cần thực hiện bước khảo sát thực tế tại khu vực có xảy ra sự việc khiếu nại, nếu không thực hiện khảo sát thực tế sẽ không thể nắm được chính xác vấn đề đang diễn ra và phản ứng của những người dân tại khu vực có sự việc khiếu nại. Việc khảo sát thực tế sẽ giúp cho người giám sát có cái nhìn khách quan, đầy đủ hơn về quan điểm, thái độ của cơ quan có trách nhiệm giải quyết đơn. Trở lại vụ việc đơn của ông bà V, D; khi khảo sát thực tế, Ban đã thu thập được một số thông tin rất có giá trị từ những người dân đã sinh sống lâu năm tại khu vực và trong số họ còn là những người có trách nhiệm nhất định đối với địa bàn dân cư, biết khá tường tận về lịch sử thửa đất; từ đó giúp Ban có điều kiện đánh giá bản chất sự việc một cách chính xác hơn.

Bốn là: Cần xác định đầy đủ các cơ quan có liên quan đến sự việc đang có đơn khiếu nại, để có kế hoạch làm việc với tất cả các cơ quan liên quan, xác định rõ trách nhiệm trong việc để dẫn đến những khiếu kiện của người dân. Cụ thể trong vụ việc nêu trên, ông bà V, D lấy trích lục bản đồ địa chính được lập năm 2010 trên bản đồ có ghi thửa đất mang tên ông bà để lấy đó làm căn cứ yêu cầu UBND thành phố phải đính chính vào giấy CNQSDĐ của gia đình. Tuy nhiên, khi làm việc với Sở Tài nguyên và Môi trường, sau khi xem xét so sánh hồ sơ địa chính của năm 1997 và năm 2010, Sở đã thừa nhận hồ sơ địa chính năm 2010 đã có sự sai sót trong việc quy chủ thửa đất, từ đó công dân lấy trích lục bản đồ này làm cơ sở để liên tục có đơn yêu cầu đính chính vào GCNQSDĐ. Đây chính là mấu chốt quan trọng để Ban có thể kết luận sự việc một cách khách quan nhất. Cùng với việc báo cáo kết quả giám sát giải quyết đơn, Ban đã có kiến nghị Sở khắc phục ngay những sai sót trong hồ sơ địa chính và công khai với địa phương cơ sở và người dân để mọi người cùng nắm được thông tin sự việc một cách thống nhất.

Phải khẳng định rằng việc giải quyết đơn kiến nghị, khiếu nại, tố cáo của công dân trong thời điểm hiện tại là một trong những vấn đề khó khăn phức tạp của các cấp chính quyền địa phương, cùng với đó thì hoạt động giám sát việc giải quyết đơn của các cơ quan dân cử cũng là một việc không đơn giản. Hy vọng qua thực tế giám sát một vụ việc nêu trên để góp phần chia sẻ những kinh nghiệm thiết thực cho hoạt động giám sát việc giải quyết đơn của cơ quan dân cử, nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động của chính quyền địa phương đồng thời củng cố niềm tin của Nhân dân đối với chính quyền địa phương./.

Tẩn Minh Long

 


Tin liên quan
CẦN XEM XÉT SỬA ĐỔI, BỔ SUNG MỘT SỐ ĐIỀU CỦA LUẬT THANH NIÊN
NGÀNH GIÁO DỤC VÀ ĐÀO TẠO CẦN TỔNG KẾT TRIỂN KHAI MÔ HÌNH TRƯỜNG HỌC MỚI (VNEN)
HIỆU QUẢ TỪ CÁC HỘI NGHỊ GIAO BAN HAI CẤP TỈNH - HUYỆN CỦA THƯỜNG TRỰC HỘI ĐỒNG NHÂN DÂN TỈNH ĐIỆN BIÊN
Khi thầy cô đã thay đổi
Ký ức của chiến sĩ Điện Biên: ông Nguyễn Hữu Chấp
Tỉnh Điện Biên: 05 nhóm nhiệm vụ và giải pháp trọng tâm phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng - an ninh 6 tháng cuối năm 2019
Triển khai đồng bộ công tác giáo dục quốc phòng - an ninh trên địa bàn tỉnh
Du ngoạn Pá Khoang ngắm hoa Anh đào
Các kết quả nổi bật của năm APEC 2017
Tạo chuyển biến cho xã khó khăn