
Đại biểu HĐND tỉnh biểu quyết thông qua Nghị quyết về việc quyết định biên chế công chức trong các cơ quan của Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh, cấp huyện năm 2025 thuộc tỉnh Điện Biên.
Nhận thức rõ vai trò quan trọng ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số trong việc thực hiện các nhiệm vụ chính trị; thời gian qua, Văn phòng Đoàn ĐBQH và HĐND tỉnh không ngừng đổi mới nội dung, phương thức hoạt động để nâng cao chất lượng hiệu quả công tác tham mưu, giúp việc, phục vụ các hoạt động của Đoàn ĐBQH tỉnh, HĐND tỉnh, trong đó đã từng bước đầu tư, nâng cấp hạ tầng kỹ thuật, triển khai các phần mềm, quản lý văn bản, hồ sơ công việc, phần mềm họp không giấy, họp trực tuyến và nền tảng trao đổi thông tin nội bộ trong các hoạt động của Đoàn ĐBQH tỉnh, HĐND tỉnh và công tác Văn phòng. Từ đó, đem lại hiệu quả tích cực, đáp ứng yêu cầu đổi mới phù hợp hới xu hướng của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0, góp phần nâng cao hiệu quả hoạt động của cơ quan dân cử tại địa phương.
Việc đầu tiên trong tham mưu, phối hợp triển khai thực hiện chuyển đổi số là thực hiện Nghị quyết số 13-NQ/TU, ngày 01/10/2021 của Tỉnh ủy Điện Biên về chuyển đổi số tỉnh Điện Biên năm 2025, định hướng đến năm 2030; Nghị quyết số 22/NQ-HĐND ngày 29/6/2021 của HĐND tỉnh Điện Biên khóa XV về chủ trương đầu tư dự án: Xây dựng nền tảng công nghệ thành phố thông minh tỉnh Điện Biên, triển khai áp dụng phần mềm họp không giấy; nội dung này bắt đầu từ Kỳ họp thứ 5, HĐND tỉnh Điện Biên khóa XV, (tháng 12/2021). Đến nay HĐND tỉnh đã tổ chức 15 kỳ họp ứng dụng phần mềm “họp không giấy”. Các tài liệu kỳ họp được tích hợp cập nhật, đăng tải nhanh chóng, kịp thời, đảm bảo giúp đại biểu có đầy đủ thông tin để nghiên cứu thảo luận, quyết nghị các nội dung quan trọng của tỉnh; tài liệu các kỳ họp, phiên họp của TT HĐND tỉnh được đăng tải lên Trang thông tin điện tử Đoàn ĐBQH và HĐND tỉnh để cử tri và Nhân dân theo dõi, nắm bắt diễn biến chủ trương, chính sách trình HĐND tỉnh. Qua đó, cũng cho thấy rõ trách nhiệm các cấp, ngành từ quá trình xây dựng dự thảo của UBND tỉnh và các sở, ngành; đến kết quả thẩm tra góp ý bổ sung của Thường trực HĐND và các Ban HĐND tỉnh; sự tiếp thu, điều chỉnh của UBND tỉnh, các sở, ngành,...
Kỳ họp không giấy còn được tích hợp, kết nối hệ thống biểu quyết, danh sách đại biểu, sơ đồ kỳ họp, đăng ký phát biểu chất vấn tại kỳ họp… Điều đó vừa giúp đại biểu HĐND tỉnh chủ động trong thực hiện trách nhiệm tham gia các hoạt động tại kỳ họp của mình, như tham gia góp ý vào các dự thảo, đăng ký chất vấn tại hội trường,…; tạo thuận lợi cho chủ tọa điều hành kỳ họp, đặc biệt là giúp Thường trực HĐND tỉnh theo dõi, đánh giá toàn diện chất lượng tham gia kỳ họp của từng đại biểu HĐND tỉnh; “họp không giấy” đã góp phần giải quyết nhanh gọn những vấn đề được đưa ra, rút ngắn thời gian tổ chức kỳ họp,... việc ứng dụng công nghệ thông tin trong kỳ họp để trình chiếu, thay đổi từ việc báo cáo bằng văn bản truyền thống sang báo cáo bằng hình ảnh phóng sự sinh động, thu hút được sự quan tâm, theo dõi của cử tri.
Có thể thấy rằng, việc ứng dụng phần mềm “họp không giấy” trong hoạt động của HĐND tỉnh đã mang lại hiệu quả rõ rệt, giúp các đại biểu HĐND tỉnh tiết kiệm thời gian để tập trung vào những nội dung cốt lõi, quan trọng, góp phần nâng cao chất lượng, hiệu quả kỳ họp và giúp cho công tác chuẩn bị kỳ họp, nhất là phục vụ tài liệu kỳ họp cho đại biểu nghiên cứu được dễ dàng, tiện lợi, tiết kiệm chi phí, thời gian. Từ đó, tạo môi trường làm việc chuyên nghiệp, hiệu quả, hiện đại hơn trong hoạt động của cơ quan dân cử.
Phối hợp với các đơn vị liên quan, đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin triển khai áp dụng hiệu quả hệ thống quản lý văn bản, điều hành, xử lý văn bản trên hồ sơ công việc (TĐ Office). Hiện nay Văn phòng đang thực hiện ứng dụng chữ ký số trong quản lý, chỉ đạo, điều hành, xử lý và lập hồ sơ công việc, tạo thuận lợi cho công tác triển khai các văn bản, quản lý, điều hành được nhanh chóng thuận tiện hơn, giảm bớt thời gian và thủ tục hành chính. Đến nay, các văn bản của Đoàn ĐBQH tỉnh, HĐND, Thường trực HĐND, các Ban của HĐND tỉnh, Văn phòng đều được tham mưu, ban hành trên hệ thống số; hỗ trợ hiệu quả trong việc chuyển văn bản, theo dõi tiến độ xử lý công việc và lưu trữ văn bản, góp phần nâng cao chất lượng quản lý, tiết kiệm thời gian và chi phí hành chính.
Cùng với nỗ lực trên, việc đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin về tuyên truyền các hoạt động của Đoàn ĐBQH, HĐND, Thường trực HĐND, đại biểu Quốc hội, HĐND tỉnh trong những năm qua luôn được quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo đổi mới nội dung, hình thức tuyên truyền trên Trang thông tin điện tử; đây là kênh quan trọng, chủ yếu trong việc cung cấp các văn bản, tài liệu kỳ họp HĐND, văn bản dự thảo về các dự án Luật,… các thông tin, hoạt động nổi bật của Đoàn ĐBQH, đại biểu ĐBQH tỉnh, HĐND các cấp từ hoạt động kỳ họp đến giám sát, khảo sát, tiếp xúc cử tri, tiếp công dân, kết quả giải quyết các kiến nghị,… các thông tin đăng tải được kiểm duyệt chặt chẽ; từ đầu nhiệm kỳ đến nay, đã đăng tải trên 1.500 tin, bài, văn bản trên Trang thông tin điện tử; trên 100 chuyên mục “Đại biểu dân cử với cử tri” phát định kỳ trên sóng Đài phát thanh - Truyền hình hằng tháng được cử tri và Nhân dân đánh giá cao. Qua đó, đã nâng cao tính minh bạch, tạo sự gắn kết giữa cử tri với các cơ quan dân cử, đồng thời góp phần xây dựng hình ảnh Đoàn ĐBQH, HĐND tỉnh ngày càng chuyên nghiệp, hiện đại, gần dân và vì dân.
Lãnh đạo phòng Thông tin - Dân nguyện phối hợp với các Phòng chuyên môn, các đơn vị liên quan ứng dụng công nghệ thông tin tham mưu, phục vụ Đoàn ĐBQH tỉnh tổ chức trên 5 cuộc họp trực tuyến về TXCT, lấy ý kiến đóng góp các dự án Luật; kết nối trực tuyến trên 10 Hội nghị triển khai các Nghị quyết của TW, của tỉnh; ngoài thực hiện các nhiệm vụ ứng dụng công nghệ thông tin, chủ động, phối hợp với các đơn vị liên quan đảm bảo an toàn thông tin mạng; đề xuất nâng cấp, sửa chữa hạ tầng mạng internet của cơ quan, nâng cấp sửa chữa Trang TTĐT theo quy định; cử công chức tham gia các lớp bồi dưỡng, tập huấn nâng cao trình độ chuyên môn để đáp ứng thực hiện tốt các nhiệm vụ chính trị, chuyên môn...
Với những kết quả đạt được trong thời gian qua càng khẳng định ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số là việc làm cần thiết trong công tác tham mưu, giúp việc, phục vụ các hoạt động của Đoàn ĐBQH tỉnh, HĐND tỉnh, góp phần quan trọng trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo điều hành của Đoàn ĐBQH tỉnh, HĐND, Thường trực HĐND tỉnh thực hiện thắng lợi các chỉ tiêu phát triển kinh tế, văn hoá, xã hội, bảo đảm an ninh quốc phòng của tỉnh. Qua việc thực hiện chuyển đổi số không chỉ cải thiện hiệu quả công tác tham mưu, giúp việc mà còn tạo điều kiện để đội ngũ cán bộ, công chức thích ứng nhanh chóng với những thay đổi của môi trường làm việc, giúp tối ưu hóa quy trình và nâng cao năng suất, hiệu quả trong công tác.
Đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số không chỉ là nhiệm vụ cần thiết trước mắt mà còn là bước đi chiến lược lâu dài để hiện đại hóa nền hành chính. Trong thời gian tới, Văn phòng đẩy mạnh công tác tuyên truyền, triển khai thực hiện hiệu quả Nghị quyết 57-NQ/TW ngày 22/12/2024 của Bộ Chính trị về đột phá phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia; Nghị quyết số 03/NQ-CP, 01/01/2025 của Chính phủ về Chương trình hành động thực hiện Nghị quyết 57-NQ/TW; Văn bản số 1546/UBND-KT ngày 14/4/2025 của UBND tỉnh về việc triển khai các hướng dẫn của Bộ Khoa học và Công nghệ thực hiện chính quyền điện tử, chính quyền số… đòi hỏi mỗi cán bộ, công chức phải tự nghiên cứu, học tập, nâng cao trình độ chuyên môn, tích cực ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số, không ngừng đổi mới phương thức làm việc theo hướng hiện đại, để góp phần quan trọng vào việc nâng cao hiệu quả công tác, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trong giai đoạn mới, góp phần thực hiện thắng lợi các mục tiêu, nhiệm vụ mà Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh đã đề ra. Đặc biệt, trong bối cảnh biên chế ngày càng tinh gọn do thực hiện việc sắp xếp tổ chức bộ máy và tinh giản biên chế, việc chủ động đổi mới phương thức lãnh đạo, ứng dụng CNTT và chuyển đổi số trong hoạt động của cấp ủy, cơ quan dân cử là việc làm cấp thiết./.
Bài, ảnh: Nguyễn Thắng