Chỉ ra các biểu hiện, hành vi tiêu cực của cán bộ, đảng viên
Bệnh sợ trách nhiệm1 là khuyết điểm thuộc về ý thức tư tưởng, về phẩm chất cách mạng của người cán bộ, đảng viên. Nguồn gốc chủ yếu của bệnh sợ trách nhiệm là chủ nghĩa cá nhân. Vì vậy, khắc phục bệnh sợ trách nhiệm trước hết là phải chống chủ nghĩa cá nhân, nâng cao tinh thần cách mạng cho cán bộ, đảng viên, đồng thời loại bỏ những điều kiện khách quan để bệnh sợ trách nhiệm tồn tại và phát triển. Móc ngoặc2 để diễn tả một cách có hình ảnh hành động của một số người thông đồng, móc nối với nhau, lợi dụng lẫn nhau làm sai phép nước để mưu lợi ích cá nhân. “Làm xiếc”3 dùng để ám chỉ và phê phán những việc làm có tính xảo thuật và mánh khóe vì lợi ích cá nhân, lợi ích cục bộ của một số người, một số cơ quan, đơn vị. Một sự thật nhức nhối4 bệnh sĩ diện, thích chơi sang lây lan vào cả một số cơ quan nhà nước, một số đơn vị kinh tế; có những cán bộ cấp cao cũng phạm vào xa hoa, lãng phí; cần kiên quyết lên án những hành vi lợi dụng chức quyền tham ô, làm lãng phí nghiêm trọng tài sản của Nhà nước và của tập thể để có cuộc sống xa hoa, lãng phí.
Chỉ ra giá trị đích thực của người cán bộ, đảng viên
Tình đồng chí5 của những người cộng sản là tình thương yêu trong sáng, chân thành, tôn trọng, quan tâm, thông cảm lẫn nhau, khiêm tốn, nhường nhịn nhau. Sự yêu thương đồng chí của những người cộng sản không có nghĩa là bao che, tha thứ lỗi lầm, khuyết điểm của đồng chí mình; trái lại, người cộng sản thường xuyên giúp đỡ đồng chí mình giữ vững phẩm chất cách mạng và nâng cao không ngừng trình độ hiểu biết và năng lực công tác.
Uy tín là điều kiện bảo đảm hiệu quả công tác của người lãnh đạo. Uy tín là sự tín nhiệm mà người đó có được bằng chính phẩm chất và tài năng của mình. Giữa chức vụ và uy tín tuy có mối quan hệ chặt chẽ với nhau, nương tựa vào nhau, nhưng không phải là một. Chức vụ là hình thức, uy tín là nội dung. Chức vụ là điều kiện khách quan để củng cố và nâng cao uy tín, trong khi uy tín là cái quyết định sự tồn tại của chức vụ. Trong điều kiện đổi mới hiện nay, cái quan trọng nhất thể hiện được vai trò tiên phong, gương mẫu của đảng viên, làm nên uy tín của đảng viên, là những vấn đề sau:
Một là, đảng viên phải có thái độ đúng đắn, tích cực đối với công cuộc đổi mới, đi đầu thực hiện đổi mới, kiên định lập trường cách mạng của giai cấp công nhân, trung thành với lý tưởng cộng sản, vững vàng, không dao động trước bất kỳ khó khăn, thử thách nào.
Hai là, đảng viên phải có kiến thức, có năng lực thực hiện công cuộc đổi mới. Muốn lãnh đạo cách mạng thành công, bên cạnh phẩm chất chính trị, lòng trung thành, nhiệt tình cách mạng, Đảng phải có tri thức, nắm vững quy luật, biết vận dụng quy luật và có năng lực tổ chức thực tiễn.
Ba là, đảng viên phải nỗ lực phấn đấu làm hết sức mình, bằng lao động sáng tạo và chất lượng cao của mình, góp phần xóa bỏ nghèo nàn lạc hậu, làm giàu cho đất nước, cho nhân dân, trong đó có bản thân.
Bốn là, đảng viên phải có quan hệ tốt với quần chúng; coi việc tôn trọng quần chúng, học hỏi quần chúng, có quan hệ mật thiết với quần chúng là một vấn đề thuộc về phẩm chất, tư cách, đạo đức của đảng viên.
Năm là, đảng viên phải có ý thức tổ chức kỷ luật, giữ gìn sự đoàn kết, thống nhất của Đảng trên cơ sở thực hiện đúng nguyên tắc tập trung dân chủ trong Đảng.
08 bài viết đã khẳng định chân lý: Suy cho cùng mọi thành bại đều do con người; sự nghiệp cách mạng thành bại cũng chủ yếu do cán bộ, đảng viên. Từ đó Tổng Bí thư nhắc nhở, yêu cầu cán bộ, đảng viên phải thường xuyên tu dưỡng, rèn luyện đạo đức, lối sống, nâng cao năng lực, trình độ./.
Cát Tường
[1] Bài đăng trên Tạp chí Cộng sản, số 11/1973; bút danh Người xây dựng.
[2] Bài đăng trên Tạp chí Cộng sản, số 8/1978
[3] Bài đăng trên Tạp chí Cộng sản, số 6/1985; bút danh Trọng Nghĩa.
[4] Bài đăng trên Tạp chí Cộng sản, số 10/1987; bút danh Trọng Nghĩa.
[5] Bài đăng trên Tạp chí Cộng sản, số 10/1979; bút danh Trọng Nghĩa