Đ/c Lò Văn Tiến, TUV, Phó Chủ tịch UBND tỉnh phát biểu tại Phiên họp Thường trực HĐND tỉnh.
Quá trình triển khai thực hiện
Rà soát văn bản quy phạm pháp luật (QPPL) là việc xem xét, đối chiếu, đánh giá các quy định của văn bản được rà soát với văn bản là căn cứ rà soát, tình hình phát triển kinh tế - xã hội nhằm phát hiện, xử lý hoặc kiến nghị xử lý các quy định trái pháp l uật, mâu thuẫn, chồng chéo, hết hiệu lực hoặc không còn phù hợp (khoản 5 Điều 2 Nghị định số 34/2016/NĐ-CP). Việc rà soát văn bản QPPL phải đảm bảo nguyên tắc thường xuyên, kịp thời xử lý.
Trong thời gian qua, hệ thống pháp luật nước ta có nhiều thay đổi, các văn bản pháp luật liên quan đến hoạt động của Hội đồng nhân dân như Luật Tổ chức chính quyền địa phương; Luật Hoạt động giám sát của Quốc hội và Hội đồng nhân dân; Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật…và văn bản pháp luật trên các lĩnh vực đều được ban hành mới; tình hình kinh tế - xã hội của tỉnh sau gần 20 năm chia tách có nhiều thay đổi. Tuy nhiên, việc rà soát Nghị quyết QPPL do HĐND tỉnh ban hành với các văn bản pháp luật mới và tình hình kinh tế - xã hội chưa được quan tâm kịp thời. Thủ trưởng một số cơ quan chuyên môn thuộc UBND tỉnh chưa chủ động chủ trì thực hiện rà soát Nghị quyết QPPL do HĐND tỉnh ban hành thuộc chức năng, nhiệm vụ quản lý nhà nước của cơ quan mình. Nhằm đổi mới và nâng cao chất lượng công tác ban hành và tổ chức thi hành Nghị quyết QPPL của HĐND tỉnh, đảm bảo tính thống nhất của các Nghị quyết QPPL với hệ thống pháp luật hiện hành, ngày 17/01/2023, Thường trực HĐND tỉnh ban hành văn bản số 10/HĐND-VP, về việc giao tự kiểm tra, phối hợp rà soát Nghị quyết QPPL do HĐND tỉnh ban hành từ năm 2004 đến năm 2022.
Căn cứ Luật Tổ chức chính quyền địa phương năm 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2019); Luật Hoạt động giám sát của Quốc hội và Hội đồng nhân dân năm 2015; Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật năm 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2020); các văn bản pháp luật có liên quan và tình hình phát triển kinh tế - xã hội của địa phương, Ban Pháp chế và các Ban HĐND tỉnh đã tiến hành rà soát Nghị quyết QPPL do HĐND tỉnh ban hành; báo cáo kết quả rà soát về Thường trực HĐND tỉnh (Báo cáo số 13/BC-BPC ngày 19/4/2023 của Ban Pháp chế, Báo cáo số 33/BC-VHXH ngày 21/4/2023 của Ban Văn hóa - Xã hội, Báo cáo số 23/BC-BKTNS ngày 19/4/2023 của Ban Kinh tế - Ngân sách, Báo cáo số 09/BC-BDT ngày 21/4/2023 của Ban Dân tộc).Trên cơ sở Báo cáo của Ban HĐND tỉnh, ý kiến của Thường trực HĐND tỉnh, Văn phòng Đoàn ĐBQH và HĐND tỉnh tổng hợp, tham mưu báo cáo kết quả rà soát Nghị quyết QPPL do HĐND tỉnh ban hành từ năm 2004 đến năm 2022. Kết quả rà soát Nghị quyết QPPL của các Ban HĐND tỉnh được Thường trực HĐND xem xét thảo luận tại một số phiên họp của Thường trực HĐND tỉnh.
Kết quả rà soát Nghị quyết quy phạm pháp luật
Tổng số Nghị quyết QPPL do HĐND tỉnh ban hành từ năm 2004 đến năm 2022 được rà soát: 130 Nghị quyết QPPL (trong đó, 03 nghị quyết do Thường trực HĐND tỉnh trình, 127 nghị quyết do UBND tỉnh trình HĐND tỉnh ban hành). Kết quả rà soát cho thấy, về cơ bản các Nghị quyết QPPL được HĐND tỉnh ban hành từ năm 2004 đến năm 2022 đúng thẩm quyền, bảo đảm tính hợp hiến, hợp pháp, tính thống nhất và phù hợp với điều kiện phát triển kinh tế - xã hội của địa phương, đáp ứng được nguyện vọng của cử tri và Nhân dân trên địa bàn. Tuy nhiên, đến nay một số Nghị quyết không còn phù hợp với các quy định của pháp luật hiện hành và tình hình phát triển kinh tế - xã hội của địa phương; một số Nghị quyết không thuộc trường hợp ban hành Nghị quyết QPPL theo quy định. UBND tỉnh ban hành Quyết định quy định lại nội dung một số Nghị quyết QPPL của HĐND tỉnh.
Qua rà soát, Thường trực HĐND tỉnh đề xuất xử lý đối với những Nghị quyết không còn phù hợp với quy định của pháp luật hiện hành, cụ thể: 25 Nghị quyết QPPL cần công bố hết hiệu lực; 06 Nghị quyết QPPL cần thay thế; 04 Nghị quyết QPPL cần sửa đổi, bổ sung; 01 Nghị quyết QPPL cần bãi bỏ.
Đối với 08 Nghị quyết được ban hành dưới hình thức văn bản QPPL nhưng không thuộc trường hợp ban hành Nghị quyết QPPL theo quy định tại khoản 1, 2 Điều 2 Nghị định 91/2006/NĐ-CP ngày 06/9/2006 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật của Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân. Đây chủ yếu là các Nghị quyết về chia tách địa giới hành chính, thành lập cơ quan chuyên môn, trường trung học phổ thông. Việc sửa đổi các Nghị quyết này có tác động nhiều đến các thủ tục hành chính có liên quan, vì vậy Thường trực HĐND tỉnh đề nghị giữ nguyên 08 Nghị quyết này.
Trên cơ sở kết quả rà soát Nghị quyết QPPL, Thường trực HĐND tỉnh đề nghị UBND tỉnh lập, công bố danh mục văn bản QPPL hết hiệu lực theo quy định tại Nghị định số 34/2016/NĐ-CP ngày 14/5/2016, Nghị định số 154/2020/NĐ-CP ngày 31/12/2020 của Chính phủ; giao cơ quan chuyên môn thuộc UBND tỉnh chủ trì, phối hợp với các Ban HĐND tỉnh rà soát, tham mưu UBND tỉnh trình HĐND tỉnh xem xét, ban hành Nghị quyết sửa đổi, bổ sung hoặc thay thế, bãi bỏ đối với các Nghị quyết do UBND tỉnh trình có nội dung không còn phù hợp với các quy định hiện hành, tình hình thực tế địa phương hoặc văn bản QPPL của cơ quan nhà nước cấp trên giao quy định chi tiết thi hành đã hết hiệu lực (Báo cáo số 202/BC-TTHĐND ngày 10/10/2023).
Sau thời gian rà soát, với sự chỉ đạo sát sao, thận trọng, quyết liệt của Thường trực HĐND tỉnh, sự tham gia trách nhiệm của các Ban HĐND tỉnh, công tác rà soát Nghị quyết QPPL do HĐND tỉnh ban hành từ năm 2004 đến 2022 đã hoàn thành có chất lượng, kết quả rà soát được UBND tỉnh đồng thuận, đánh giá cao. Qua đó, giúp kiểm soát các Nghị quyết QPPL sau khi ban hành, đảm bảo tính hợp hiến, hợp pháp, tính thống nhất, đồng bộ, khả thi, công khai, minh bạch, dễ tiếp cận của Nghị quyết QPPL; đổi mới và nâng cao chất lượng công tác ban hành và tổ chức thi hành Nghị quyết QPPL của HĐND tỉnh; góp phần cải cách thể chế hành chính, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh ở địa phương./.
Phạm Minh Thủy
Phó Chánh Văn phòng Đoàn ĐBQH và HĐND tỉnh