Qua thảo luận, các vị ĐBQH tỉnh Điện Biên cơ bản nhất trí với sự cần thiết phải sửa đổi hai dự án luật nhằm thể chế hóa quan điểm của Đảng, đáp ứng yêu cầu tình hình thực tiễn và khắc phục những tồn tại, hạn chế của Luật thi đua, khen thưởng và Luật Điện ảnh hiện hành.
Đại biểu Tráng A Tủa đề nghị ngoài các nội dung và hành vi bị nghiêm cấm trong hoạt động điện ảnh được quy định tại Điều 10, Dự thảo Luật, đề nghịbổ sung một số hành vi sau: “Cấp Giấy phép phân loại phim, Quyết định phát sóng cho tổ chức, cá nhân không đủ điều kiện theo quy định của Luật này; Làm giả hồ sơ, tài liệu để được cấp Giấy phép phân loại phim, Quyết định phát sóng; Cho thuê, cho mượn Giấy phép phân loại phim, Quyết định phát sóng”. Đại biểu lý giải, theo quy định của pháp luật hiện hành, các hành vi này đã được quy định rất cụ thể trong Luật xử lý vi phạm hành chính, Bộ luật hình sự. Do đó, cần thiết phải bổ sung nhằm đảm bảo chặt chẽ việc thực hiện quyền cấp Giấy phép phân loại phim, Quyết định phát sóng của cơ quan có thẩm quyền, cũng như việc chấp hành pháp luật của tổ chức, cá nhân được cấp giấy phép.
Đối với nội dung về Hội đồng thẩm định và phân loại phim, đại biểu Quàng Thị Nguyệt nhất trí với quy định về thành phần của Hội đồng thẩm định và phân loại phim gồm các nhà chuyên môn điện ảnh, chuyên gia, nhà quản lý thuộc các lĩnh vực liên quan, trong đó ít nhất 2/3 là các nhà chuyên môn điện ảnh để đảm bảo các sản phẩm điện ảnh khi phát hành có tính thẩm mỹ và tính nghệ thuật. Đại biểu Lò Thị Luyến cho rằng việc giao cho tổ chức, cá nhân có thẩm quyền thành lập Hội đồng thẩm định và phân loại phim là Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Chủ tịch Uỷ ban nhân dân cấp tỉnh, Cơ quan báo chí ban hành Quy chế tổ chức và hoạt động của Hội đồng thẩm định và phân loại phim là chưa đầy đủ. Đề nghị bổ sung vào Dự thảo Luật quy định về quyền hạn, nghĩa vụ và những việc mà Hội đồng thẩm định và phân loại phim không được làm, như: Không được tiết lộ thông tin về nội dung phim khi chưa được công bố (việc này ảnh hưởng rất lớn tới quyền lợi của nhà sản xuất phim); Yêu cầu chỉnh sửa nội dung phim không theo mong muốn của nhà sản xuất… Ngoài ra, đại biểu còn tham gia vào một số nội dung cụ thể khác của Dự thảo Luật như: Đầu tư nước ngoài trong hoạt động sản xuất, phát hành, phổ biến phim; Cung cấp dịch vụ sản xuất phim cho tổ chức, cá nhân nước ngoài; Phổ biến phim trên không gian mạng, bố cục và việc sử dụng từ ngữ trong Dự thảo Luật...
Đối với Dự thảo Luật thi đua, khen thưởng (sửa đổi), đại biểu Tạ Thị Yên, Phó Trưởng Ban Công tác đại biểu, có ý kiến bổ sung quy định hình thức khen thưởng “Huy chương Thanh niên xung phong vẻ vang, danh hiệu chiến sĩ thi đua đối với cá nhân, thẩm quyền của Tổng Thư ký Quốc hội trong việc đề xuất khen thưởng, công tác hiệp y khen thưởng…
Ngoài ra, Đoàn ĐBQH tỉnh Điện Biên thống nhất với bản tổng hợp ý kiến tham gia của Thường trực HĐND, UBND, Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh, các sở, ngành và 10/10 huyện, thị xã, thành phố tại Hội nghị trực tuyến của Đoàn ĐBQH tỉnh, gửi Ban soạn thảo Luật thi đua, khen thưởng (sửa đổi) nghiên cứu, tổng hợp./.
Tin ảnh: Mai Hồng