Phát biểu ý kiến tham gia, các vị Đại biểu Quốc hội tỉnh Điện Biên cho rằng việc trình Quốc hội xem xét, thông qua cơ chế, chính sách đặc thù phát triển kinh tế - xã hội của các tỉnh, thành phố: Hải Phòng, Nghệ An, Thừa Thiên Huế và Thanh Hóa là phù hợp, Bộ Chính trị cũng đã có các Nghị quyết giao cho Đảng đoàn Quốc hội xây dựng cơ chế, chính sách đặc thù phát triển kinh tế - xã hội cho các địa phương này. Việc ban hành cơ chế, chính sách đặc thù sẽ tạo động lực cho các địa phương khai thác được tiềm năng, thế mạnh…, tạo động lực thúc đẩy sự phát triển kinh tế của vùng và của cả nước.
Tuy nhiên, thực tế ngày càng có nhiều địa phương trình Quốc hội ban hành Nghị quyết đặc thù (trước đây là thành phố Hồ Chí Minh, Hà Nội và Đà Nẵng), tại kỳ họp này là thành phố Hải Phòng, Nghệ An, Thanh Hóa, Thừa Thiên Huế, phải chăng đây là sự bất cập của các chính sách đã ban hành, khi tổ chức và áp dụng vào thực tế đã bó buộc, trói chặt sự vận hành nền kinh tế? Đại biểu Lò Thị Luyến băn khoăn và đề nghị Quốc hội, Chính phủ cần phải nghiên cứu, nghiêm túc, đánh giá một cách khoa học về các chính sách đã ban hành cũng như cơ chế vận hành để điều chỉnh phù hợp với thực tế, thúc đẩy sự phát triển của kinh tế xã hội, không nên chờ khi tổng kết các cơ chế thí điểm này mới điều chỉnh chính sách vì trong 5 năm nếu chính sách không phù hợp sẽ kìm hãm sự phát triển, dẫn đến các địa phương không được thí điểm sẽ gặp khó khăn.
Đồng tình với ý kiến phát biểu của đại biểu Luyến, đại biểu Nguyễn Văn Thắng cho rằng việc ban hành cơ chế, chính sách đặc thù không chỉ giới hạn trong một số tỉnh, thành phố cụ thể, phải lựa chọn các tỉnh, thành phố đại diện cho từng vùng, từng khu vực, không nên ban hành đại trà. Chính phủ cần kịp thời đánh giá việc thí điểm các chính sách, nếu phù hợp thì cần ban hành, áp dụng cho các địa phương khác, tạo động lực tăng trưởng toàn diện và tăng thu ngân sách cho cả nước.
Về một số nội dung cụ thể của các chính sách, đại biểu Nguyễn Văn Thắng đề nghị: Thứ nhất, việc chuyển đổi đất lúa, đất rừng, phân cấp thẩm quyền cho địa phương là phù hợp, tuy nhiên cần có quy định để việc chuyển đổi hai loại đất này phải đảm bảo theo đúng quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất; Thứ hai, cần đảm bảo việc vay nợ của các địa phương phải gắn với chương trình, dự án cụ thể, được đánh giá là khả thi, mang lại hiệu quả kinh tế - xã hội cho địa phương. Nội dung này cần phải được quản lý chặt chẽ; Thứ ba, về để lại tăng thu từ xuất, nhập khẩu qua cảng biển Nghi Sơn, Thanh Hóa, Dự thảo Nghị quyết quy định để lại tối đa 70%, đề nghị quy định cụ thể các mức hưởng theo mức tăng thu nhằm tạo động lực cho địa phương phấn đấu./.
Tinh, ảnh: Mai Hồng