Qua các báo cáo trình kỳ họp, năm 2020 trong bối cảnh có nhiều khó khăn, thách thức lớn, do ảnh hưởng tình hình dịch bệnh Covid-19 bùng phát và diễn biến phức tạp; Nhưng công tác đấu tranh phòng, chống tội phạm và vi phạm pháp luật đạt được kết quả tích cực. An ninh quốc gia được bảo đảm vững chắc, làm thất bại nhiều âm mưu, hoạt động chống phá của các thế lực thù địch, phản động; đấu tranh làm giảm 2,76% số vụ phạm pháp hình sự, tỷ lệ điều tra khám phá án đạt 85,69% (vượt chỉ tiêu Quốc hội giao), triệt phá được nhiều băng nhóm tội phạm nguy hiểm, các vụ án gây bức xúc dư luận đều được khẩn trương điều tra làm rõ; chủ động phòng ngừa, phát hiện xử lý nghiêm các vi phạm liên quan đến công tác phòng chống dịch Covid-19; phát hiện, triệt phá nhiều đường dây mua bán, vận chuyển ma túy lớn. Việc chấp hành pháp luật trong hoạt động điều tra, xử lý tội phạm tiếp tục được quan tâm chỉ đạo; công tác xử lý vi phạm hành chính được thực hiện theo đúng quy định của pháp luật, tai nạn giao thông, cháy nổ giảm... Công tác phòng, chống tham nhũng, việc công khai, minh bạch hoạt động của các cơ quan, đơn vị được tăng cường, nhiều vụ án kinh tế, tham nhũng lớn tiếp tục được đẩy nhanh tiến độ điều tra theo đúng kế hoạch của Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng; công tác thu hồi tài sản bị chiếm đoạt, thất thoát đạt tỷ lệ cao, nhiều vụ thu hồi 100% số tiền thiệt hại. Các vụ án thụ lý đưa ra xét xử đảm bảo đúng người, đúng tội, không có oan sai, không bỏ lọt tội phạm được dư luận và Nhân dân đồng tình, đánh giá cao. Công tác thi hành án và quản lý nhà nước về theo dõi thi hành án hành chính cơ bản đạt các mục tiêu, chỉ tiêu theo các Nghị quyết của Quốc hội. Qua đó, góp phần quan trọng trong đấu tranh phòng, chống tội phạm đảm bảo an ninh, trật tự, phát triển kinh tế - xã hội của đất nước.
Tham gia phát biểu thảo luận về báo cáo công tác thi hành án năm 2020, đại biểu Trần Thị Dung, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Pháp Luật của Quốc hội cho rằng theo báo cáo của Chính phủ, tổng số việc mà cơ quan hành chính nhà nước phải thi hành án trong năm 2020 là 830 việc, trong đó kỳ trước chuyển sang là 339 việc, phát sinh trong kỳ là 491 việc. Đến nay, mới thi hành xong 363/830 việc (đạt tỷ lệ 43,73%), qua đây cho thấy bản án về hành chính chưa được thực hiện nghiêm trong thực tiễn. Đại biểu bày tỏ đồng tình cao với kiến nghị của Ủy ban Tư pháp tại Báo cáo Thẩm tra số 2744/BC-UBTP14 về việc Chính phủ cần tiếp tục chấn chỉnh những tồn tại trong công tác thi hành án hành chính, kiên quyết xử lý nghiêm trách nhiệm của những người có thẩm quyền, nhất là Ủy ban nhân dân và Chủ tịch Ủy ban nhân dân không chấp hành bản án, quyết định hành chính của Tòa án.
Về công tác phòng, chống tội phạm và vi phạm pháp luật, đại biểu Quốc hội Trần Thị Dung đề nghị Bộ Công an cần chỉ đạo quyết liệt, tăng cường lực lượng nắm địa bàn nhằm ngăn chặn và xử lý nghiêm hành vi bảo kê máy gặt hiện đang diễn ra ở vùng nông thôn. Từ năm 2016 đến nay hành vi bảo kê máy gặt diễn ra ngày càng nhiều, với nhiều thủ đoạn, ép người dân phải thuê máy gặt với giá cao, gây bức xúc trong nhân dân, gây mất an ninh trật tự ở nhiều địa bàn nông thôn trên cả nước.
Mai Hồng – Văn phòng Đoàn ĐBQH tỉnh