Năm 2020 là năm có ý nghĩa quan trọng, năm chuẩn bị và xây dựng kế hoạch 5 năm 2021-2025. Tuy nhiên, do tác động tiêu cực của đại dịch COVID-19, suy thoái kinh tế toàn cầu, thiên tai, bão lũ, nhất là tại các tỉnh miền Trung trong thời gian vừa qua đã ảnh hưởng rất lớn đến kết quả thực hiện các nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội năm 2020 và cả nhiệm kỳ 2016-2020. Do đó, bên cạnh việc thảo luận các vấn đề đã được nêu trong các báo cáo của Chính phủ và báo cáo thẩm tra, Quốc hội cũng tập trung phân tích, đánh giá, đề xuất các giải pháp hữu hiệu nhằm khắc phục hậu quả của đại dịch và thiệt hại do bão lũ gây ra.
Tại phiên thảo luận, các đại biểu Quốc hội tán thành với nhiều nội dung báo cáo của Chính phủ, ghi nhận sự nỗ lực, quyết liệt, sáng tạo trong chỉ đạo, điều hành hoạt động của Chính phủ và cho rằng, Chính phủ và lãnh đạo Chính phủ đã lan tỏa tinh thần mạnh mẽ, khơi dậy sức dân, sức mạnh nội tại, khả năng chống chịu, đồng sức đồng lòng trước những tác động tiêu cực. Thành quả lớn nhất mà Chính phủ đã đạt được là niềm tin của người dân.
Bên cạnh đó, các đại biểu cũng đề nghị trong các báo cáo hàng năm của Chính phủ cần chỉ rõ những tồn tại, hạn chế của các bộ ngành, địa phương. Trong bối cảnh khó khăn hiện nay, việc làm rõ chỉ rõ những tồn tại, hạn chế trong từng nội dung lĩnh vực, việc thiếu trách nhiệm để xảy ra sai sót gây tốn kém nguồn lực thì càng cần phải được quan tâm và xử lý với tinh thần thẳng thắn và quyết liệt.
Tham gia phát biểu tại phiên thảo luận Đại biểu Trần Thị Dung, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Pháp Luật của Quốc hội cho rằng về việc phát triển ồ ạt các thủy điện vừa và nhỏ cho thấy cơ chế, chính sách phát triển thủy điện chưa có rào cản tích hợp để loại ra những dự án kém hiệu quả và tiềm năng rủi ro cao có thể dẫn tới một số hậu quả của việc phát triển thủy điện, như phá vỡ sinh kế và mất rừng. Cùng với đó thì vấn đề sạt lở đất không chỉ xảy ra ở miền Trung, Tây Nguyên, mà có thể xảy ra ở bất cứ địa phương nào, nhất là ở miền núi Đông Bắc và Tây Bắc khi mà diện tích rừng che phủ ngày càng bị thu hẹp. Đây là vấn đề vô cùng cấp bách, do đó, đại biểu Trần Thị Dung đề nghị Quốc hội cần xem xét, ban hành một Nghị quyết để cho Chính phủ có một dự án sớm di dời người dân ra khỏi khu vực có nguy cơ sạt lở cao. Đảm bảo cuộc sống cho người dân, giảm thiểu thiệt hại về người và tài sản của nhân dân để người dân có một nơi sống an toàn, ổn định cuộc sống và phát triển sản xuất.
Cũng tại diễn đàn này, đại biểu Trần Thị Dung đã kiến nghị với Quốc hội Chính phủ tiếp tục quan tâm chỉ đạo và các bộ, ngành Trung ương phối hợp với tỉnh Điện Biên sớm đầu tư, nâng cấp Cảng hàng không Điện Biên để tháo nút thắt về giao thông, tạo điều kiện cho Điện Biên phát triển kinh tế, xã hội.
Trung Hiếu, Văn phòng Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh