Hoạt động giám sát  

Kịp thời tham mưu những chính sách, chương trình hỗ trợ đào tạo nghề, giải quyết việc làm gắn với phát triển nguồn nhận lực của tỉnh

Cập nhật ngày 06/11/2020 22:28:53 PM - Lượt xem: 256

HĐND - Sáng ngày 6/11, Đoàn giám sát của HĐND tỉnh tiếp tục làm việc với Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Điện Biên, Sở Lao động, Thương binh và Xã hội.


* Những năm qua, Sở Giáo dục và Đào tạo đã triển khai đầy đủ, kịp thời các văn bản pháp luật về giáo dục và đào tạo; tham mưu Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh xây dựng và ban hành các Quy hoạch, Kế hoạch, Chương trình, Đề án nhằm phát triển giáo dục và đào tạo. Thực hiện tốt công tác tuyên truyền, phổ biến chính sách, pháp luật về công tác giáo dục chuyên nghiệp và dạy nghề. Công tác quy hoạch, sắp xếp mạng lưới cơ sở giáo dục chuyên nghiệp; công tác đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ cán bộ giảng dạy, giáo viên cơ bản được quan tâm chú trọng. Chất lượng đào tạo ngày càng được nâng lên, đáp ứng đổi mới giáo dục phổ thông và nhu cầu sử dụng lao động của địa phương. Từ năm 2015 đến 2020, trường Cao đẳng Sư phạm Điện Biên đã cấp bằng tốt nghiệp cao đẳng cho 1.901 sinh viên; cấp bằng tốt nghiệp trung cấp cho 288 học sinh; Cấp chứng chỉ bồi dưỡng nghiệp vụ cán bộ quản lý giáo dục cho 485 lượt học viên; Cấp chứng chỉ bồi dưỡng theo tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp cho 7.446 lượt học viên. Cụ thể như sau: Các đơn vị đã liên kết với các trường Đại học đào tạo trình độ đại học hệ vừa làm vừa học, tổng số 97 khóa học, 4.768 học viên; phối hợp với các trường Đại học, Học viện tổ chức tuyển sinh, đào tạo trình độ thạc sĩ theo định hướng ứng dụng cho 1.012 học viên. Tổng kinh phí thực hiện thực hiện giai đoạn 2015 - 2020 là hơn 196 tỉ đồng.

Bên cạnh những kết quả đã đạt được, thời gian qua công tác giáo dục chuyên nghiệp của tỉnh vẫn còn những tồn tại, hạn chế: Tuyển sinh một số ngành ngoài sư phạm không đủ chỉ tiêu; không bố trí đủ định mức giảng dạy cho một số giảng viên; nguồn kinh phí cho phát triển hệ thống giáo dục chuyên nghiệp còn hạn chế; xã hội hóa trong giáo dục còn gặp nhiều khó khăn…

Tại buổi làm việc với Đoàn giám sát, Sở Giáo dục và Đào tạo đã đưa ra một số giải pháp khắc phục những tồn hạn, hạn chế; đồng thời, kiến nghị các nội dung: Hỗ trợ các cơ sở giáo dục nghề nghiệp trên địa bàn tỉnh, đầu tư cơ sở vật chất, thiết bị đào tạo; tăng cường mở các khóa đào tạo,bồi dưỡng chuyên môn, nghiệp vụ cho đội ngũ cán bộ quản lý, giáo viên thuộc giáo dục nghề nghiệp, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ; Ban hành Quy chế tổ chức và hoạt động của Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp - Giáo dục thường xuyên đảm bảo chức năng, nhiệm vụ, phân cấp quản lí và thực hiện thống nhất trên toàn quốc; đề nghị chuyển giao quản lý về giáo dục nghề nghiệp từ Sở Giáo dục và Đào tạo sang Sở Lao động, Thương binh và Xã hội, để các cơ sở giáo dục nghề nghiệp trong tỉnh thực hiện nghiêm túc các quy định của Luật Giáo dục nghề nghiệp; có cơ chế để thu hút cán bộ, giảng viên có trình độ cao phục vụ giảng dạy, đào tạo nguồn nhân lực.

Kết thúc buổi làm việc, đồng chí Lò Văn Muôn - Chủ tịch HĐND tỉnh ghi nhận những nỗ lực của ngành Giáo dục trong những năm qua. Thay mặt đoàn giám sát, đồng chí tiếp thu những ý kiến của đơn vị để nghiên cứu, tổng hợp gửi các cơ quan chức năng xem xét, giải quyết.

* Giám sát tại Sở Lao động, Thương binh và Xã hội cho thấy: thực hiện chức năng tham mưu, giúp UBND tỉnh quản lý nhà nước về lao động, việc làm, dạy nghề; Sở đã tham mưu cho UBND tỉnh xây dựng mạng lưới giáo dục cơ sở nghề nghiệp trên địa bàn tỉnh phù hợp với nhu cầu nhân lực của địa phương, tạo điều kiện thuận lợi cho các cơ sở giáo dục nghề nghiệp trên địa bàn tỉnh thực hiện các hoạt động đào tạo, phổ biến tiến bộ khoa học, kỹ thuật và chuyển giao công nghệ. Trên cơ sở chức năng, nhiệm vụ được giao, thời gian qua Sở đã chủ động tham mưu cho UBND tỉnh ban hành quy hoạch, sắp xếp mạng lưới cơ sở giáo dục nghề nghiệp; trên địa bàn tỉnh hiện có 12 cơ sở giáo dục nghề nghiệp (03 trường cao đẳng, 09 trung tâm giáo dục nghề nghiệp - giáo dục thường xuyên cấp huyện), 100% cơ sở giáo dục nghề nghiệp trên địa bàn tỉnh thuộc loại hình công lập. Các trường Cao đẳng được đầu tư đáp ứng nhu cầu làm việc, giảng dạy và học tập của học sinh, sinh viên: có thư viện phục vụ nhu cầu khai thác thông tin, tư liệu; đủ phòng học, phòng thí nghiệm, thực hành cho người học, có chỗ ở ký túc xá cho học sinh, sinh viên.

Kết quả và chất lượng đào tạo từ 2015 - 2020, đã tuyển sinh và đào tạo 47.753 người; trong đó: Cao đẳng 762 người, trung cấp 1.132 người, sơ cấp và đào tạo dưới 3 tháng 45.859 người (đào tạo lao động nông thôn: 34.015, đào tạo nghề cho lao động nông thôn 5.880 người, ngành nghề đào tạo chủ yếu thuộc nhóm nghề nông nghiệp). Công tác giáo dục nghề góp phần nâng cao nguồn nhân lực của tỉnh; tỷ lệ lao động qua đào tạo năm 2015 đạt 43,77% (trong đó, qua đào tạo nghề đạt 24,37%), đến năm 2020 tỷ lệ lao động qua đào tạo tăng lên 57% (trong đó, qua đào tạo nghề đạt 28,5%), trung bình mỗi năm đào tạo khoảng 8.000 lao động. Chính sách hỗ trợ của nhà nước đối với lao động nông thôn tham gia học nghề được thực hiện kịp thời, đầy đủ. Trong giai đoạn 2015 - 2020, Sở đã chủ động tham mưu thực hiện 12 cuộc thanh tra, kiểm tra của các cơ quan thành viên Ban chỉ đạo tỉnh, 120 cuộc kiểm tra, giám sát của Ban chỉ đạo cấp huyện, 01 cuộc thanh tra liên ngành diện rộng.

Ngoài những kết quả đạt được đã nêu, mặc dù năng lực đào tạo của các cơ sở giáo dục nghề nghiệp tỉnh đã được cải thiện nhưng chưa đáp ứng được yêu cầu phát triển nguồn nhân lực của địa phương; số lượng tuyển sinh trình độ cao đẳng, trung cấp còn thấp; số lao động có tay nghề giỏi còn hạn chế, thiếu chuyên gia, công nhân kỹ thuật bậc cao, công nhân lành nghề...; năng lực đào tạo nghề của một số Trung tâm giáo dục nghề nghiệp, giáo dục thường xuyên cấp huyện còn hạn chế, dẫn đến chất lượng, hiệu quả đào tạo chưa cao.

Kết thúc buổi giám sát, Phó Chủ tịch HĐND tỉnh Giàng Thị Hoa ghi nhận những kết quả của Sở Lao động, Thương binh và Xã hội đã đạt được trong công tác đào tạo nghề và trong quá trình tham mưu, thực hiện nhiệm vụ được giao. Đồng chí đề nghị Sở tiếp thu các ý kiến tham gia của thành viên trong tổ giám sát; nghiên cứu các chính sách của Đảng, các quy định của cấp trên để tham mưu kịp thời cho UBND tỉnh những chính sách, chương trình hỗ trợ đào tạo nghề, giải quyết việc làm gắn với phát triển nguồn nhận lực, tiếp tục góp phần dịch chuyển cơ cấu lao động của tỉnh theo chiều hướng tích cực; đồng thời, bổ sung, hoàn thiện các đề xuất, kiến nghị gửi tổ giám sát để tổng hợp, đảm bảo thời gian quy định./.

Ngọc Quyên - Thu Hiền

 


Tin liên quan
HĐND tỉnh giám sát việc thực hiện chính sách, pháp luật về công tác giáo dục chuyên nghiệp và dạy nghề trên địa bàn tỉnh
Tỉnh cần quan tâm phát triển các làng nghề thủ công truyền thống
Ban Pháp chế HĐND tỉnh giám sát chuyên đề tại huyện Điện Biên và thành phố Điện Biên Phủ
Cần tăng cường trách nhiệm của người đứng đầu trong hoạt động tiếp công dân
Tiêp tục kiến nghị sửa đổi, bổ sung chính sách hỗ trợ học sinh và trường phổ thông dân tộc bán trú
Ban Dân tộc HĐND tỉnh giám sát chuyên đề năm 2020 tại các huyện trên địa bàn tỉnh
Bảo hiểm Xã hội huyện Tủa Chùa với công tác mở rộng, phát triển đối tượng tham gia Bảo hiểm Xã hội, Bảo hiểm Y tế, Bảo hiểm thất nghiệp
Sở Tài nguyên và Môi trường, UBND thành phố Điện Biên Phủ cần tích cực tham mưu cho tỉnh giải quyết dứt điểm các kiến nghị chính đáng của người dân
Hội đồng nhân dân tỉnh giám sát chuyên đề tại huyện Mường Ảng và Tủa Chùa
Ban Dân tộc Hội đồng nhân dân tỉnh giám sát tại trường Cao đẳng Sư phạm và Cao đẳng Kinh tế - Kỹ thuật Điện Biên