Giai đoạn 2016 - 2020, công tác lãnh đạo, chỉ đạo, tổ chức triển khai thực hiện Nghị quyết số 24/NQ-HĐND, ngày 14/10/2016 của HĐND tỉnh được UBND tỉnh, các Sở, ngành, địa phương thực hiện nghiêm túc theo quy định, phù hợp với tình hình phát triển kinh tế - xã hội, văn hóa của tỉnh và từng địa bàn. 10/10 huyện, thị xã, thành phố đã ban hành kế hoạch triển khai thực hiện Đề án; việc thực hiện nhiệm vụ bảo tồn di sản văn hóa các dân tộc, nghiên cứu, sưu tầm, kiểm kê, đánh giá và lập hồ sơ khoa học di sản văn hóa phi vật thể được tiến hành theo quy định, số dân tộc có di sản văn hóa tiêu biểu được bảo tồn, phát huy vượt mục tiêu đề ra. Việc thống kê nghệ nhân và người am hiểu di sản văn hóa trên địa bàn đã được cấp huyện quan tâm triển khai thực hiện; kiểm kê, lập hồ sơ khoa học, khoanh vùng, trùng tu, tôn tạo, phục hồi di tích, điều tra khảo cổ, sưu tầm hiện vật, cô vật trong công tác bảo tồn và phát huy di sản văn hóa vật thể đạt được kết quả tích cực, công tác khôi phục, bảo tồn các thành tố di sản văn hóa được quan tâm, triển khai có hiệu quả; tuyên truyền, phổ biến, quảng bá, giới thiệu các di sản văn hóa được thực hiện thường xuyên với nhiều hình thức đa dạng; công tác xây dựng đời sống văn hóa, quy ước, hương nước thôn, bản tiếp tục được các cấp ủy Đảng, chính quyền quan tâm chỉ đạo, sự phối hợp triển khai thực hiện giữa các ban, ngành, đoàn thể, sự tham gia hưởng ứng tích cực của đông đảo các tầng lớp nhân dân, góp phần quan trọng trong việc bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa truyền thống các dân tộc tỉnh Điện Biên. Việc nâng cao mức thụ hưởng văn hóa tới đồng bào các dân tộc thiểu số vùng sâu, vùng biên giới luôn được quan tâm thực hiện; bảo tồn tiếng nói của các dân tộc ít người và chữ viết của dân tộc Thái, dân tộc Mông đã được tỉnh quan tâm chỉ đạo, cùng với sự phối hợp chặt chẽ của các ban, ngành đoàn thể tỉnh, của các cấp ủy, chính quyền địa phương, sự đồng thuận của cha mẹ học sinh. Thông qua việc học tiếng nói, chữ viết, học sinh được tìm hiểu thêm về tự nhiên, con người, phong tục, tập quán, văn hóa của dân tộc mình. Công tác đào tạo nguồn nhân lực cho hệ thống thiết chế văn hóa, thể thao từ tỉnh đến cơ sở; tập huấn, bồi dưỡng kỹ năng, chuyên môn nghiệp vụ cho công chức văn hóa - xã hội được quan tâm và triển khai theo kế hoạch; các hủ tục lạc hậu trong việc hiếu, hỷ từng bước được xóa bỏ, các nghi thức cơ bản được thực hiện theo nếp sống mới, văn minh, lành mạnh, không phổ trương, lãng phí.
Bên cạnh những kết quả đạt được, công tác bảo tồn và phát triển văn hóa các dân tộc còn những tồn tại, hạn chế như: kinh phí thực hiện chưa được phân bổ đúng theo đề án đã phê duyệt; một số chỉ tiêu chưa đạt; quá trình bảo tồn di sản văn hóa mới chỉ tập trung ở một số dân tộc, triển khai chưa đồng đều, chưa toàn diện; nhiều di sản văn hóa đứng trước nguy cơ mai một,…
Tại buổi làm việc, các đại biểu đã thẳng thắn trao đổi nhiều nội dung liên quan đến nhiệm vụ tiếp tục bảo tồn và phát triển văn hóa các dân tộc gắn với phát triển kinh tế - xã hội trong giai đoạn tiếp theo, như: việc khoanh vùng, cắm mốc, cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất các di tích, danh lam thắng cảnh; công tác trùng tu, bảo tồn và tôn tạo di tích; việc triển lãm, quảng bá, giới thiệu hiện vật gắn với truyền thống lịch sử, văn hóa địa phương; công tác bảo tồn tiếng nói, chữ viết của dân tộc thiểu số…, đặc biệt cần quan tâm đối với việc phát triển các làng nghề thủ công truyền thống.
Kết thúc buổi làm việc, đồng chí Vừ Thị Liên - Ủy viên Thường trực, Trưởng Ban Dân tộc HĐND tỉnh thay mặt đoàn giám sát tiếp thu ý kiến tham gia của các đại biểu dự họp để hoàn thiện dự thảo báo cáo giám sát trình Thường trực HĐND tỉnh theo quy định./.
Ngọc Quyên