Trong những năm qua, UBND huyện Điện Biên và thành phố Điện Biên Phủ đã thực hiện tốt vai trò quản lý nhà nước về công tác chứng thực ở địa phương; công tác bồi dưỡng kiến thức pháp luật về chứng thực cho đội ngũ công chức Tư pháp - Hộ tịch được chú trọng. Ngoài việc tập huấn chuyên sâu, công chức Tư pháp - Hộ tịch thường xuyên được hướng dẫn, trao đổi nghiệp vụ công tác chứng thực qua các buổi giao ban hàng tháng giữa Phòng Tư pháp với công chức Tư pháp - Hộ tịch cấp xã, đã kịp thời tháo gỡ những khó khăn vướng mắc trong hoạt động chứng thực, do vậy trong những năm qua công tác chứng thực đã đáp ứng yêu cầu của cá nhân, tổ chức theo quy định của pháp luật, đảm bảo quyền, lợi ích hợp pháp của cá nhân, tổ chức trong các quan hệ dân sự. Việc thu, nộp, quản lý, sử dụng lệ phí, phí chứng thực của các cơ quan đơn vị thực hiện bảo đảm theo quy định tại Thông tư số 226/2016/TT-BTC, ngày 11/11/2016 của Bộ Tài Chính quy định mức thu, chế độ thu, nộp, quản lý và sử dụng phí chứng thực; Quyết định số 16/2012/QĐ-UBND ngày 20/7/2012 của UBND tỉnh quy định mức thu lệ phí cấp bản sao, lệ phí chứng thực trên địa bàn tỉnh Điện Biên.
Tại các buổi giám sát, Đoàn giám sát đánh giá cao các kết quả đạt được, chỉ ra một số mặt còn tồn tại, hạn chế và đề nghị các đơn vị, cơ sở có giải pháp khắc phục trong thời gian tới... Đồng thời yêu cầu các đơn vị, địa phương tiếp tục tăng cường công tác quản lý Nhà nước về chứng thực của chính quyền các cấp; nâng cao trách nhiệm, hiệu quả phối hợp với các cấp chính quyền và các ngành trong quá trình tổ chức thực hiện; đặc biệt chú trọng tới công tác đào tạo, bồi dưỡng chuyên môn nghiệp vụ cho công chức làm công tác chứng thực.
Kết luận tại các buổi làm việc, đồng chí Phạm Bá Lung, Trưởng ban Pháp chế HĐND tỉnh đã thay mặt Đoàn giám sát ghi nhận những kết quả tích cực các đơn vị, địa phương đã đạt được trong thời gian qua, đối với các kiến nghị Đoàn sẽ nghiên cứu để tổng hợp gửi tới các cơ quan có thẩm quyền xem xét trong thời gian tới./.
Đỗ Dung